Người Bana ở xứ Cát
20:37', 19/9/ 2010 (GMT+7)

Ở Phù Cát có hai xóm của người dân tộc thiểu số Bana di cư từ Vĩnh Thạnh xuống và định cư. Xóm hình thành sớm nhất là xóm Gò Gia Trung (thôn Thạch Bàn Tây, Cát Sơn) cách đây trên 20 năm, và sau này là xóm Trà Hương (thôn Đại Khoan, Cát Lâm) cách đây 10 năm. Dẫu vẫn còn khó khăn nhưng cuộc sống của người Bana ở xứ Cát đã dần ổn định sau nhiều nỗ lực của chính quyền và bản thân họ…

 

Anh Trần Văn Thanh - cán bộ văn hóa xã hội UBND xã Cát Lâm (bìa phải) nắm tình hình đời sống bà con người Bana xóm Trà Hương. Ảnh: N.S

 

* Xóm mới ở chốn xưa

Buổi chiều, ngồi trong vườn nhà anh Trần Văn Dũng, trưởng xóm Trà Hương, gió thổi mát rượi. Xóm im ắng, vắng vẻ vì nhiều người đã lên rẫy hay ra ruộng. Báo cáo tình hình trong xóm với anh Trần Văn Thanh- cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Cát Lâm và là người dẫn đường cho tôi - anh Dũng cho biết: “Chuẩn bị Tết Trung thu rồi, tôi sẽ vận động bà con đóng góp để tổ chức Trung thu cho trẻ nhỏ. Năm ngoái mỗi hộ đóng 10 ngàn đồng, năm nay chắc cũng vậy”.

Năm nay nữa là đã 10 cái Tết Trung thu đối với các hộ người Bana định cư ở xóm Trà Hương. Thi thoảng, họ vẫn về Vĩnh Thạnh thăm làng cũ, vì có người vẫn còn người thân và rẫy ở trên đó, nhưng chỉ ở vài ngày thôi, “vì mấy đứa nhỏ chơi ít bữa là nhớ nhà chịu không nổi, đòi về” - anh Dũng nói. Cũng phải thôi, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở đây, lớn nhất cũng đã 10 tuổi và đối với chúng, Trà Hương là nhà, là quê.

Cuộc sống của 12 hộ với 48 nhân khẩu người dân tộc Bana ở xóm Trà Hương bây giờ đã ổn định, dẫu có 10/12 hộ ở đây là hộ nghèo. Những khó khăn trong hòa nhập với cộng đồng nơi ở mới đã qua lâu. Giờ đây, dẫu cư trú tách biệt một xóm nhưng người Bana ở đây cũng sinh hoạt, giao thương bình thường với mọi người dân khác. Chuối, đào, đu đủ… thu từ rẫy vẫn theo chân bà con băng qua suối Ngang ra chợ Vườn Đào, chợ Cát Lâm. Người xóm Trà Hương, khi rảnh việc nhà vẫn đi làm thuê, làm mướn cho người các xóm khác.

Sau khi định cư, được cấp hộ khẩu, ruộng lúa nước, hỗ trợ xây nhà, các hộ dân trong xóm bắt tay vào ổn định cuộc sống. Bây giờ, nhà nào cũng có rẫy (tự khai hoang) trồng đào, bắp, chuối, đu đủ; hộ nhiều nhất được 1ha. Hộ nào cũng nuôi gà thả vườn, còn bò thì vài hộ có. 80% số hộ có xe máy. Vài năm nay, có 4 hộ trong xóm còn nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 100 ha rừng nguyên sinh đầu nguồn.

Xóm Sơn Lãnh là xóm cuối của thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn. Cuối xóm, có một cái gò mà dân trong vùng vẫn gọi là Gò Gia Trung - nơi đây chính là làng của một số hộ dân người Bana từ huyện Vĩnh Thạnh chuyển xuống. Trưởng làng Đinh Vừng, năm nay 62 tuổi, nhớ lại: “Năm 2000, chúng tôi chính thức được UBND huyện Phù Cát cấp hộ khẩu, trở thành cư dân của xã Cát Sơn. Mỗi nhân khẩu được chính quyền cấp cho gần 1 sào đất ở và 5 sào đất canh tác”.

Làng hiện có 7 hộ gia đình, gồm 30 nhân khẩu. Anh Nguyễn Quốc Dũng, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội của UBND xã Cát Sơn cho biết: “100% số hộ đều nghèo, nhưng nhìn chung đời sống của dân làng ngày càng được cải thiện hơn. Năm 2009, làng có 4 hộ được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, chăn nuôi bò”.

Nhà trưởng làng Đinh Vừng rộng chừng 50m2, tuy chỉ là nhà cấp bốn nhưng khá khang trang, kiên cố với cửa sắt kéo; tiện nghi đầy đủ. Trong làng, lớp người lớn tuổi thì nhà ông Vừng thuộc diện khá; lớp con cháu thì có vợ chồng anh Đinh Văn Hoan và chị Đinh Thị Thắt, đều 34 tuổi. Nhà chị Thắt xây kiên cố, rộng rãi. Cả làng chỉ mỗi nhà chị sắm được tủ lạnh.

 

Nhà rông - nơi tụ tập của dân làng Gò Gia Trung trong những dịp quan trọng của làng.

 

* Dẫu có khó khăn...

100% hộ Bana ở hai làng thuộc nghèo. Ngoài chính sách dành cho hộ nghèo, họ cũng được hưởng đầy đủ các chế độ ưu tiên dành cho người dân tộc thiểu số của Nhà nước như: tiền mua sách vở cho học sinh, tiền vải may quần áo, dầu thắp sáng... Ngoài ra, trong các đợt thăm hỏi, tặng quà, cứu trợ đột xuất của chính quyền và các đoàn thể, đơn vị, nhà hảo tâm, chính quyền hai xã đều quan tâm xét đưa về cho đồng bào Bana được hưởng.

So với năm 2000 trở về trước, đời sống của dân làng đã ổn định hơn, do chuyển từ nghề rừng sang nghề nông. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều khi thu nhập của dân làng bấp bênh, không ổn định. Chị Đinh Thị Thắt nói: “Đất vườn nhà cũng rộng, vợ chồng tôi trồng mấy chục gốc điều, nhưng mùa có mùa không; trồng mì, trồng dưa cũng đều vậy. Mới đây, gom góp mãi mới mua được 4 con heo thả trong chuồng. Đáng giá nhất trong nhà là đàn bò trên chục con. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào việc làm rẫy...”.

Hiện khó nhất vẫn là thiếu nước sạch sinh hoạt và sản xuất. Cách đây vài năm, làng Gò Gia Trung được hỗ trợ đào 3 giếng nước nhưng không sử dụng được vì không có nước. Dân làng phải tự đào 2 giếng khác để lấy nước dùng chung cả xóm. Còn xóm Trà Hương, do mặt bằng nơi ở cao hơn suối đến 8m, đào giếng không có nước nên dân làng vẫn phải xuống suối lấy nước về dùng. Mùa hè, suối cạn, người dân phải sang các xóm khác chở nước. Nước sinh hoạt khan hiếm, huống gì nước tưới cây, vì vậy dù biết chất đất nơi mình ở tốt nhưng nhà nào trong xóm cũng đành để vườn mọc đầy cỏ dại.

Hiện làng Trà Hương vẫn chưa có điện sinh hoạt. Theo ông Phạm Thiên Định, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, dù đã có trạm hạ thế cách làng 800m nhưng xã không đủ kinh phí (khoảng 800 triệu đồng) để kéo dây tới làng. Giao thông còn cách trở khiến họ gặp nhiều khó khăn. Mùa mưa, đường từ thôn vào xóm bị xói lở và chia cắt bởi suối Ngang nên xóm bị cô lập, nhiều hôm học sinh phải nghỉ học. Anh Dũng trưởng xóm đùa rằng học sinh xóm mình mỗi năm được nghỉ 2 lần: nghỉ hè và nghỉ đông. Đùa, cười, nhưng mà buồn.

Nói về cộng đồng người Bana ở địa phương, ông Võ Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn và ông Phạm Thiên Định, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm đều nhận xét: Nhìn chung đời sống của dân tuy tương đối ổn định, nhưng còn khó khăn. Ngoài lý do khách quan về địa lý, thì theo ông Nguyên, cũng còn do dân làng không quen canh tác, lại thiếu phương pháp làm ăn nên hiệu quả sản xuất thấp.

 

Chị Đinh Thị Thắt đã sắm được tủ lạnh gia đình.

 

* Tin vào tương lai...

Nói chuyện làm ăn, dân làng nào cũng phấn khởi, nhưng rồi lại lo vì chưa áp dụng KHKT vào sản xuất do khả năng tiếp thu hạn chế, vì còn thiếu điện và nước sạch. Anh Trần Văn Dũng (xóm Trà Hương) bộc bạch: “Ăn gạo Nhà nước cấp hòai cũng thấy ngại lắm, muốn tự tay mình làm ra để ăn nhưng làm không đủ”.

Hiện, ngoài làm nông, dân làng còn đi rừng hái trái cứt chuột bán với giá 30.000 đồng/kg. “Nghe nói là họ mua về để làm thuốc”- một người làng nói. Ngoài ra, dân làng Gò Gia Trung còn đi lượm, đào trái độ cộ - một thứ quả rất cứng và nằm sâu dưới đất trong rừng - được thương lái lùng mua với giá 250 ngàn đồng/kg. Ở xóm Trà Hương, nhận thấy nhu cầu thu mua trái cứt chuột cao và được giá, ngoài việc đi hái trong rừng, anh Trần Văn Dũng còn gieo trồng 3 sào cây cứt chuột, hiện đã ra hoa. Anh cho biết giống cây này ra hoa quanh năm và cho thu hoạch 4 vụ/năm. 

Năm 2000, 9 hộ đồng nào dân tộc Bana ở làng M3, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) rời làng xuống định cư ở làng Trà Hương, thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm). Còn trước đó, vào năm 1986, những hộ đầu tiên của làng Gò Gia Trung, thôn Thạch Bàn Tây (Cát Sơn) bây giờ cũng rời làng M6, xã Vĩnh Hòa đến định cư. Với họ đây là trở về nhà, vì làng cũ của người Bana chính là nơi đây.

Mới đây UBND xã Cát Lâm lập danh sách cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, xóm Trà Hương có 10/12 hộ đăng ký vay, chủ yếu để chăn nuôi bò. Trong làng, cũng đã có một số người “nhanh nhạy” với thị trường cây cảnh, nên đã thử đào cây sanh, lộc vừng bên bờ ruộng về nhà trồng bán. Mới đây, anh Đinh Văn Tuấn trồng và bán 2 cây sanh được 6 triệu đồng, anh Đinh Huân bán 1 cây được 3 triệu đồng. “Nhưng, nếu mà có nước tưới thì chắc nhiều người thành công nữa rồi” - người làng vẫn tiếc.

Ông Đinh Vừng cho biết thêm: “Hôm rồi có đoàn khảo sát của HĐND tỉnh lên tìm hiểu đời sống của bà con, tôi đã đề nghị cấp trên hỗ trợ để dẫn nguồn nước sạch từ Bến Nước Nai cách làng khoảng 4km phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời xây một bể chứa nước sạch. Nếu có đủ nước thì đời sống của dân làng sẽ còn khởi sắc hơn nữa”. Với xóm Trà Hương, huyện Phù Cát cũng đã có dự án làm cầu qua suối, làm đường, đã khảo sát kéo lưới điện hạ thế vào làng nhưng cụ thể thì chưa biết khi nào sẽ triển khai. 

Chia tay với người Bana ở xứ Cát, đọng lại trong tôi là những đứa trẻ nô đùa hồn nhiên ở làng Gò Gia Trung: “Cháu học lớp 5; còn cháu học lớp 4…” - tương lai của người Bana là đây. Chắc chắn, cuộc sống các cháu sẽ tốt đẹp hơn những thế hệ trước đó, khi một mai các làng được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và người làng biết chăm chút, tự vun đắp hơn cho cuộc sống của mình.

  • Nguyên Sương-Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)
Cây, con mới ở Vân Canh  (15/08/2010)
35 năm gắn bó với rừng   (14/08/2010)
Xóm Ga  (08/08/2010)
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)
Những phận đời trên xe đá  (01/08/2010)
Làm công tác xã hội, không có tâm thì khó lắm  (31/07/2010)