Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn
22:32', 26/9/ 2010 (GMT+7)

Ở Thành phố Hồ Chí Minh “tấc đất, tấc vàng” vậy mà hàng trăm hộ dân Bình Định đã vào đây mướn đất, làm trang trại nuôi heo. Từ vài chục rồi vài trăm con heo, nhiều người đã trở nên khá giả, mua đất, xây nhà, mở rộng trang trại rồi thành công dân của thành phố phồn hoa này.

 

Mỗi khu vực như thế này tập trung từ vài chục đến cả trăm hộ dân Bình Định nuôi heo.

 

Phong trào thuê đất nuôi heo của những người Bình Định, chủ yếu là người Hoài Ân và Hoài Nhơn, bắt đầu rộ lên từ trước năm 2000. Thời điểm này, ước tính có khoảng 200 hộ dân Bình Định thuê đất nuôi heo. Đất thuê làm chuồng trại là những vùng xa khu dân cư, giá thuê rẻ, tập trung ở các xã, phường: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Trị Đông A (Bình Tân) và các huyện Hóc Môn, Củ Chi… Mỗi khu vực tập trung từ vài chục đến cả trăm hộ nuôi heo. Những khu đất nuôi heo khi đã trở thành khu dân cư, người thuê đất lại đi tìm những vùng đất mới xa trung tâm và hoang vắng hơn để tiếp tục nuôi heo.

* Nuôi heo sạch

Theo chân ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Tạo, quận Bình Tân, chúng tôi đến các khu phố 1, 2 và 3 và đã nhìn thấy rất nhiều dãy nhà lợp lá. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Việt mỉm cười: “Nhà của người Bình Định đấy. Nhưng họ đến đây làm nhà không phải để ở mà để nuôi heo sạch”. Đến đầu dãy nhà lá, tôi tận mắt chứng kiến trên mỗi xe máy, xe đạp đều có 4-6 thùng bằng nhựa; xe chạy như thoi đưa, thỉnh thoảng lại có vài chiếc xe tải nhỏ chở heo đi về hướng thành phố.

Ông Việt cho biết, chỉ riêng phường Tân Tạo hiện có gần 100 hộ dân quê ở Bình Định vào thuê đất để nuôi heo sạch, trước đây các khu dân cư mới chưa hình thành thì có khoảng 200 hộ. Nói là nuôi heo sạch bởi vì thức ăn cho heo chỉ là cơm, nước canh, nước phở, rau xanh - những đồ thừa lấy từ quán ăn và nhà dân về đun chín; không dùng chất kích thích hoặc các loại thuốc tăng trọng. Xung quanh trại nuôi heo có hệ thống ao nuôi cá để xử lý phân. Nước tiểu của heo cũng có mương dẫn đi riêng. Nhìn chung, hệ thống chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ. Nhờ phòng ngừa tốt, heo ít bị bệnh nên tránh được dư lượng kháng sinh trong cơ thể heo. Ở đây, nhà nuôi ít từ 50-100 con, nuôi nhiều thì vài trăm con. Mô hình nuôi heo sạch ở phường Tân Tạo hàng năm cung cấp cho thành phố hàng trăm tấn heo sạch, mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình là người Bình Định ở đây.

 

Từ 2 giờ sáng anh Tạ Công Hòa đến chợ, quán ăn để lấy rau xanh, nước cơm về nuôi heo.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người Bình Định đầu tiên thuê đất nuôi heo là ông Thân Văn Tài, 67 tuổi, nguyên quán ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn. Ông Tài vào Sài Gòn từ thời trước giải phóng, hành nghề đạp xích lô. Sau một thời gian ở Sài Gòn, ông phát hiện ở đây có nhiều vùng đất bỏ hoang trong khi thức ăn thừa của các nhà hàng, quán ăn lại bị đem đổ. Nếu tận dụng được thức ăn thừa ở nhà hàng, quán ăn để nuôi heo thì tốt quá, ông nghĩ vậy và quyết tâm thực hiện ý đồ của mình. Từ số vốn tích lũy được, năm 1980, ông lên khu vực Mã Lò, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân) thuê đất nuôi heo. Lúc đầu nuôi vài con, thấy có lãi, ông mở rộng vài chục con, rồi hàng trăm con. Từ chỗ thuê đất, ông bỏ tiền ra mua chính lô đất mình thuê, xây dựng nhà cửa, đất còn dư ông tiếp tục cho những người đồng hương thuê nuôi heo. Nhờ nuôi heo, ông trở nên giàu có và các con ông đều được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt.

Ông Nguyễn Hơn, 47 tuổi, ở khu phố 2, phường Tân Tạo (Bình Tân) nghe giới thiệu có đồng hương từ Bình Định vào đã mừng rỡ chạy ra đón. Ông dẫn tôi đi quanh khu phố 2, một khu dân cư mới hình thành có nhiều ngôi nhà mới xây khá khang trang, và tự hào giới thiệu: “Khu này toàn là người Bình Định mình cả đấy. Tiền mua đất, xây nhà đều từ nuôi heo mà ra”. Ông Hơn quê ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, vào Sài Gòn năm 1985. Khi đặt chân vào đây, vợ ông, bà Thân Thị Quí hàng ngày đi bán nước sâm, còn ông thuê xe xích lô đi chở khách. Tích góp dần dần, ông mua được xích lô tự hành nghề, rồi đến Bình Chánh tìm nơi thuê đất nuôi heo. Từ chỗ nuôi vài con, ông mở rộng dần, có lúc nuôi cả 500 heo thịt và vài chục neo nái. Sau gần 10 năm nuôi heo, ông có vốn mua đất xây nhà, đưa chuồng trại nuôi heo ra phía sau.

Ông Hơn tâm sự: “Tất cả những hộ dân ở Bình Định vào đây thuê đất nuôi heo đều xuất phát ban đầu từ con số không, người đạp xích lô, người làm thợ hồ, người làm công nhân… Có được ít vốn mới dám thuê đất nuôi heo. Vậy mà giờ này, hộ nào cũng khá giả, nhiều hộ giàu lên và nhập hộ khẩu vào thành phố này”.

 

Thức ăn cho heo đều lấy từ các nhà hàng, quán ăn... về nấu lại.

 

* Tay trắng làm nên

Hầu như những người Bình Định vào Sài Gòn thuê đất nuôi heo, sau một thời gian tích lũy vốn đều đã mua lại những mảnh đất thuê, xây nhà định cư và tiếp tục nuôi heo. Có hộ mua được nhiều đất xây dựng phòng trọ cho thuê, có hộ chuyển hướng làm ăn mới, có hộ lại đi tìm mua đất ở xa trung tâm hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Chạy qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đến trang trại của anh Tạ Công Hòa, 34 tuổi, ở khu phố 2, phường Tân Tạo, Bình Tân. Trang trại rộng 360m2, đang nuôi 20 heo nái và 300 heo thịt. Anh Hòa quê ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, sau khi học xong lớp 9, vào Sài Gòn làm công nhân. Lương công nhân ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi bản thân, thấy những người đồng hương thuê đất nuôi heo khá giả, anh cũng bắt đầu tích vốn lên khu vực Hương Lộ 2 (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) thuê 40m2 đất, gầy nuôi 20 con heo thịt. Sau 2 năm nuôi, thấy nghề này phù hợp lại cho thu nhập khá, anh lên khu phố 2, phường Tân Tạo thuê đất mở rộng trại nuôi, với quy mô 20 heo nái và mỗi lứa nuôi từ 200-300 heo thịt, trừ chi phí mỗi năm anh Hòa thu lãi trên 100 triệu đồng. Sau 10 năm nuôi heo, anh Hòa có được một số vốn kha khá, nghe tin thị trấn Bồng Sơn chuẩn bị lên thị xã anh về mua 2 lô đất, rồi lên huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) mua 200m2 làm trại nuôi. Để có thức ăn đảm bảo hàng ngày cho 20 heo nái và số heo thịt trong trại, từ 2 giờ sáng anh Hòa thức dậy chạy xe lôi đến chợ đầu mối Hóc Môn để lấy rau quả thừa; tiếp tục chạy qua quận 6, quận 10 để lấy nước cơm. Anh Hòa cho hay: “Nhờ có được nguồn thức ăn đi lấy từ chợ, nhà hàng, tiệm ăn chi phí thấp nên mới có lãi; chứ nuôi theo cách cho ăn thực phẩm mua thì chẳng ai dám đi thuê đất”.

 

Trang trại của anh Tạ Công Hòa đang nuôi 20 heo nái và 300 heo thịt.

 

Không riêng gì anh Hòa lên Củ Chi mua đất mà hiện nay có khoảng 40 hộ từng thuê đất ở Bình Tân, Bình Chánh… sau khi nơi cũ đã quy hoạch thành khu dân cư thì tích vốn lên ấp Giòng Sao (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) mua đất, xây dựng trang trại nuôi heo, người mua ít 200m2, người mua nhiều đến cả ngàn mét vuông.

Anh Tạ Công Thuận (31 tuổi, ở Hoài Nhơn), em ruột của Hòa, trước đây nuôi heo ở Bình Tân giờ cũng chuyển lên Củ Chi mua 200m2 đất, xây trang trại nuôi 10 heo nái và 150-200 heo thịt mỗi lứa. Anh Trần Văn Hùng (Hoài Nhơn), mua 700m2 đất, nuôi 30 heo nái, 350 heo thịt. Anh Trai (Hoài Ân), mua 300m2 đất, nuôi 20 heo nái, 300 heo thịt. Anh Lành (Hoài Nhơn) mua 200m2 đất, nuôi 10 heo nái, 200 heo thịt…

Từ vùng quê Bình Định vào thành phố lập nghiệp, đa phần họ là bà con họ hàng rủ nhau, giờ trở thành hàng xóm láng giềng nên mối quan hệ giữa họ càng thêm khắng khít. Mỗi khi heo ở trang trại này bị bệnh là các trang trại khác đều cùng nhau tìm cách chữa trị. Khi trại này xuất heo, thức ăn thừa sẽ được chia sẻ cho các trang trại gần đó. Nhiều trại chưa xuất được heo, kẹt tiền thì những trại khác bán được heo cho mượn tiền để xoay xở. Thậm chí một số hộ sau một thời gian tích lũy vốn mua đất, xây nhà hoặc mở rộng trang trại thiếu tiền đều được các chủ trại khác cho mượn tiền không tính lãi.

Ông Thân Văn Thành, 43 tuổi, quê ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn hiện ở khu phố 2, phường Tân Tạo, Bình Tân, cho biết: “Nhờ biết đùm bọc lẫn nhau mà những người Bình Định xa quê như chúng tôi mới có thêm động lực vượt qua khó khăn để cùng vươn lên làm giàu”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (25/09/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)
Cây, con mới ở Vân Canh  (15/08/2010)
35 năm gắn bó với rừng   (14/08/2010)
Xóm Ga  (08/08/2010)
Học võ Việt để rèn nghệ thuật sống  (08/08/2010)