Sau hơn 30 năm kiên trì nghiên cứu, GS-TS Trần Bình (Công ty Khoa học - Công nghệ và Xây dựng NEWTECH Bình Định)- ông “vua cầu” ở đồng bằng sông Cửu Long, tác giả của trên 1.600 cây cầu “không chân” triển khai trên khắp vùng sông nước này hơn 10 năm trước- đã hoàn thành toàn bộ công trình nghiên cứu về các bếp lò tạo khí đốt cháy bằng gas từ các loại nhiên liệu sinh khối. P.V Báo Bình Định đã trao đổi với GS-TS Trần Bình về nghiên cứu này của ông.
|
GS Trần Bình giới thiệu nguyên lý hoạt động của các loại bếp gas sinh khối.
|
* Bếp gas không dùng... gas
GS-TS Trần Bình, người nổi tiếng với phát minh phụ gia siêu cường độ cho bê tông đạt cường độ lên đến 1.200 kg/cm2 được sản xuất từ trấu và tro trấu, nay lại tiếp tục cho ra đời sản phẩm là những chiếc bếp sử dụng trấu, rơm rạ, rác thải, củi vụn... (gọi chung là nhiên liệu sinh khối) và kể cả than đá để tạo ra ngọn lửa gas màu xanh, không khói, không thải khí độc và có nhiệt lượng cao giống như các loại bếp gas đun bằng nhiên liệu gas hóa lỏng. Bởi vậy, dù nguyên liệu không từ nguồn khí gas, nhưng các bếp này vẫn được gọi là bếp gas. GS-TS Trần Bình đã đăng ký sáng chế các loại bếp này tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam với tên gọi là bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam”.
* Thưa GS, từ đâu ông có ý tưởng nghiên cứu bếp tạo khí đốt cháy bằng gas từ các loại nhiên liệu sinh khối và than đá?
- Như chúng ta biết, thế giới hiện có trên 3 tỉ người (hay một nửa dân số thế giới, trong đó có nước ta) đang nấu ăn bằng cách sử dụng lửa trong các bếp lò truyền thống, đun nhiên liệu hóa thạch hoặc nhiên liệu sinh khối. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, số người tử vong do ô nhiễm khí độc khi đun nấu bằng cách này có thể lên đến 1,5-1,6 triệu người mỗi năm. Để bảo vệ môi trường, Liên hiệp quốc và các nước trên thế giới đã tìm mọi cách để giảm thiểu phát thải các loại khí độc hại khi đun nấu (CO, CO2, Carbon đen, SO2, NO2,…) nhưng đến nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Hiện nay, năng lượng sinh khối chiếm khoảng 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới; còn với các nước đang phát triển, năng lượng sinh khối chiếm khoảng 35-40% tổng năng lượng tiêu thụ của các nước đó. Do vậy, năng lượng sinh khối giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân loại. Vai trò này sẽ còn tăng trong tương lai, khi mà nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Để giải quyết vấn đề này, 30 năm qua, tôi đã tập trung nghiên cứu và đến nay, đã hoàn thành công trình nghiên cứu về hệ thống các bếp lò tạo khí đốt cháy bằng gas từ các loại nhiên liệu sinh khối nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…
|
Bếp gas sinh khối dùng để nấu phở (đun cả ngày).
|
* GS có thể giới thiệu đôi nét về hiệu quả của các loại bếp gas sinh khối “Ngọn lửa thần Việt Nam”?
- Các loại bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam” hoạt động theo nguyên lý nhiệt phân và gas hóa nhiên liệu sinh khối và than đá “từ trên xuống dưới”. Nghĩa là khi hoạt động, bếp tạo ra khí gas, khi cháy không khói, giảm hoặc không thải các loại khí độc CO2, CO, Carbon đen, SO2, NO2… Bếp tiết kiệm nhiên liệu, rút ngắn thời gian đun nấu, sử dụng tiện lợi, giá thành rẻ và thỏa mãn các yêu cầu cơ bản sau đây: Nhen nhóm nhanh và không có khói (kể cả khi dùng than đá); cháy thành gas, không khói, cháy đượm và bền lửa; thải rất ít hoặc không thải các loại khí độc CO, Carbon đen, SO2, NO2. Hiệu suất của bếp rất cao, tiết kiệm được nhiên liệu, rút ngắn thời gian đun nấu và tiết kiệm chi phí đun nấu; sử dụng dễ dàng, tiện lợi và rất an toàn. Giá bếp rẻ, chỉ khoảng 300 ngàn đồng/bếp, phù hợp với túi tiền của người nghèo.
* Đưa vào thực tiễn...
Bếp gas sinh khối “Ngọn lửa thần Việt Nam” có thể thay thế cho tất cả các loại bếp đun củi, than, than tổ ong; lại tiết kiệm nhiên liệu 2-3 lần; giảm thải gần như toàn bộ khí độc hại; rút ngắn thời gian đun nấu, giảm hẳn sự nhọc nhằn cho người nội trợ. Việc sáng tạo ra loại bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam” được coi là một giải pháp mới trong ngành công nghiệp năng lượng… Hiện GS Trần Bình đang tiếp tục nghiên cứu để đưa các loại bếp này ra sử dụng rộng rãi trên thị trường, đặc biệt là ở nông thôn.
* Kế hoạch trước mắt của ông để đưa các loại bếp gas này vào sản xuất và sử dụng là gì, thưa GS?
- Hiện nay, tôi đang vận động thành lập một số cơ sở sản xuất than sạch và bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam” từ nhiên liệu sinh khối và than đá ở các tỉnh, thành phố trong nước. Bếp gas dùng nguyên liệu sinh khối này có thể chưa thay thế được bếp gas khí hóa lỏng trong các gia đình ở thành thị. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn nước ta, khoảng 65% dân số vẫn đang dùng bếp củi, than, đun nấu bằng rơm rạ hoặc cành khô, có hiệu suất thấp (8-9%) do một lượng lớn nhiệt của quá trình cháy bị tổn thất và phân tán ra môi trường. Ở đô thị, một số gia đình vẫn đun bằng than đá, vừa độc hại, vừa chậm, lại tốn nhiều tiền. Bởi vậy, mô hình bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam” rất phù hợp với quy mô hộ gia đình ở các vùng nông thôn nước ta. Người dân sẽ tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp tại chỗ, đồng thời, tiếp cận với một phương pháp sử dụng nhiên liệu khoa học, đảm bảo sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường.
|
GS Trần Bình trao đổi với đại biểu về các nghiên cứu khoa học của ông.
|
* Còn kế hoạch lâu dài của GS thì như thế nào?
- Từ việc nghiên cứu thành công các loại bếp gas sinh khối nêu trên, tôi đang thai nghén dự án “Xây dựng nền kinh tế carbon thấp” nhằm phủ xanh mặt đất, sản xuất than sạch phục vụ dân nghèo và hướng tới xuất khẩu. Hiện nay, tại các nước nghèo và các nước đang phát triển, đa số người dân vẫn đang đun nấu hằng ngày bằng than đá, than củi và củi... thải ra rất nhiều khí độc. Số dân này chiếm tỉ lệ 75% dân số trên thế giới. Ở nước ta con số đó là 65%. Như vậy, mỗi ngày, bầu khí quyển phải gánh chịu một lượng khí độc vô cùng lớn. Đó là điều đi ngược phương châm của nền kinh tế carbon thấp mà cả thế giới đang triển khai; đó là chưa kể đến việc khai thác bừa bãi nguồn nguyên liệu thực vật hiện đang làm cạn kiệt rừng, ảnh hưởng đến môi trường xanh của trái đất…
* Cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!
GS-TS Trần Bình sinh năm 1937, quê ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ; hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông từng giảng dạy tại các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội; làm việc tại: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, UBND tỉnh Bình Định, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bình Định… Ông nghỉ hưu từ năm 1993.
GS-TS Trần Bình có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, là người sáng lập ra bộ môn máy tính điện tử đầu tiên ở Việt Nam; là tác giả đề xuất hệ thống tự động hóa quản lý tuyển sinh Việt Nam; thực hiện công nghệ mới: thuốc tăng trọng, phát triển vật nuôi, cây trồng… Ông đã thành công trong hàng trăm công trình lý thuyết về cơ học công trình và máy tính điện tử… |
|