Bình yên cho đầm, biển
21:36', 9/1/ 2011 (GMT+7)

Bình Định có 3 đầm phá lớn là đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại và vùng biển với chiều dài 134 km, chứa đựng trong đó nguồn lợi thủy sản (NLTS) đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao. Các cán bộ làm công tác thanh tra của Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS (Sở NN-PTNT) đang âm thầm vượt mọi khó khăn để bảo vệ NLTS, ngăn chặn những hoạt động khai thác trái phép.

 

                         Tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại.

 

* Những “chiến sĩ” thầm lặng

Đúng hẹn 15 giờ, chúng tôi có mặt tại bến tàu Đống Đa để cùng các anh tham gia một chuyến tuần tra trên đầm Thị Nại - nơi nổi tiếng là “vườn ươm” của các loài thủy sản. Trên tàu có 7 người, ngoài chúng tôi và 3 cán bộ của Chi cục còn có 2 cán bộ Công an huyện Tuy Phước. Gặp lúc triều dâng, chiếc tàu lướt trên mặt nước, vượt qua những ghe, thuyền của người dân đang thả lưới và rớ chồ. Mặt đầm gợn sóng, trải dài trước mắt chúng tôi là những bờ tôm, những cụm rừng đưng, đước xanh, tràn trề nhựa sống. 

NLTS trên các đầm phá của Bình Định rất dồi dào, phong phú, có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục ngàn hộ dân sống ven đầm làm nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã lén lút thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép như dùng thuốc nổ, xung điện, làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái trên các đầm, biển.

Làm gì để bảo vệ NLTS là điều mà các cán bộ làm công tác thanh tra của Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS canh cánh trong lòng. Trong điều kiện lực lượng và phương tiện mỏng (8 người, 3 phương tiện), địa bàn quản lý rộng, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Đội Phòng, chống xung điện, xiếc máy huyện Tuy Phước và Bộ đội Biên phòng; đồng thời, lập các tổ, nhóm bảo vệ NLTS ở thôn, xã để tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền bảo vệ NLTS.

Anh Nguyễn Kim Ngôn, Phó Chánh thanh tra Bảo vệ NLTS, cho biết: “Những chuyến tuần tra của chúng tôi thường là vào ban đêm, vì đó là thời điểm xung điện hoạt động nhiều nhất. Mùa mưa gió, tôm cá nhiều, các đối tượng hành nghề cấm này hoạt động càng dữ. Và sự vất vả của đội tuần tra do vậy cũng tăng gấp bội”.

Tuần tra ban đêm, nhưng để giữ bí mật, tàu tuần tra không được bật đèn pha. Lúc này, người lái  tàu phải vận dụng hết các giác quan của mình để điều khiển tàu chạy sao cho an toàn. Và các thành viên trong đội thì phải căng mắt để phát hiện ghe hành nghề xiếc máy. Một thanh tra viên của Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS cho biết: “Từ xa, chỉ có một cách để phát hiện ghe hành nghề cấm là căn cứ vào ánh đèn trên ghe. Ánh đèn trên ghe hành nghề xung điện thường nhỏ và di chuyển chậm theo ghe, khác hẳn với ánh đèn trên ghe đánh bắt bằng lưới bình thường”.

Kể chuyện tuần tra đêm, Trung tá Công an Nguyễn Văn Nga, thành viên Đội Phòng, chống xung điện, xiếc máy của huyện Tuy Phước, còn nhớ như in một lần tuần tra trong đêm mưa, bắt được 4 ghe xung điện xiếc máy. Chưa kịp xử lý thì trời đổ mưa tầm tã, sấm chớp ầm ầm lóe ngang trời. Trên trời nước đổ, dưới là sóng duyềnh, tàu tuần tra chạy vội vào chòi canh rớ chồ nấp, nhưng rồi lại phải chạy ra vì đụng vào đâu cũng bị điện giật. Chuyến ấy, khó khăn lắm, mọi người mới vào bờ an toàn và được một phen hú vía.

 

Các đầm trong tỉnh ta có nguồn thủy sản phong phú, mang lại nguồn lợi cho hàng ngàn hộ dân.

 

* Cuộc chiến gian nan

Nguy hại của việc dùng xung điện đánh bắt không chỉ là tận diệt thủy sản mà còn khiến nhiều loài tôm, cá, ghẹ... không thể sinh sản được khi trưởng thành. Tuy vậy, do thu nhập từ việc dùng xung điện, xiếc máy, thuốc nổ để đánh bắt thủy sản cao gấp chục lần so với đánh bắt bằng lưới thông thường, nên các đối tượng hành nghề này thường rất táo bạo và liều lĩnh. Và đối phó với các hành vi sai phạm này là việc khá vất vả với các thanh tra viên bảo vệ NLTS. Nhiều kỷ niệm tuần tra “nhớ đời” được các anh nhắc lại.

Như một lần tuần tra trên đầm Thị Nại cách đây 2 năm, đội tuần tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS phát hiện 2 chiếc ghe đang hành nghề xung điện. Một chiếc liều lĩnh bỏ chạy, đâm cả gọng xuyên qua vách nhà rầm ven đầm, may mà không gây thương tích cho người đang ngủ trong nhà. Chiếc còn lại, đội tạm giữ và giao cho anh Lê Văn Hùng - lúc ấy là một nhân viên mới nhận nhiệm sở chưa đầy tháng - trực canh giữ. Đêm ấy, anh Hùng thức trắng, không dám chợp mắt. Ấy vậy mà lợi dụng lúc anh Hùng đi vệ sinh, tang vật đã bị đối tượng vi phạm kéo chạy mất.

Một lần khác, đội tuần tra phát hiện một phụ nữ trung niên đang hành nghề xiếc máy trên đầm Thị Nại thuộc địa bàn huyện Tuy Phước. Vì quá hoảng sợ, lại có bệnh đau tim, nên người phụ nữ ngất xỉu. Lo ngại nhưng cũng bình tĩnh, cả đội hội ý chớp nhoáng và quyết định đưa người phụ nữ này về Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn cấp cứu. Tàu tuần tra quay mũi, chạy hết tốc lực về đến cầu Thị Nại thì người phụ nữ tỉnh lại. Cả đội thở phào như trút được gánh nặng ngàn cân. Hoặc có lần, mùa mưa gió, sau khi phát hiện đối tượng vi phạm và đang trên đường đưa phương tiện vào bờ để xử phạt, đội tuần tra bỗng nghe tiếng ai đó kêu cứu yếu ớt dưới nước. Cả đội quay lại, cứu được một người đàn ông đang run lập cập vì lạnh. Hóa ra đây là một trong những đối tượng vi phạm đã nhảy xuống nước trốn, nhưng vì nước lạnh nên đuối sức, bơi không nổi mới kêu cứu. “Nếu khi ấy, ông ta bị chết đuối thì chúng tôi cũng phải chịu rầy rà chứ chẳng chơi” - một thanh tra viên nói. 

Và còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác được các thành viên đội tuần tra kể lại như: Đối tượng vi phạm tháo chạy bạt mạng, liều lĩnh quăng thuốc nổ vào tàu tuần tra để ngăn cản khi bị truy đuổi; sẵn sàng bỏ đồ nghề xuống nước để phi tang; hay tìm cách hất cán bộ xuống nước để chạy thoát; xả lù cho chìm ghe của mình khi bị thanh tra viên sang áp giải…

Các thanh tra viên Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS cho biết, những hành vi vi phạm trong khai thác NLTS trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là khai thác hải sản bằng thuốc nổ trên biển, dùng phương tiện xung điện trên đầm và vận chuyển san hô trái phép. Trong số này, việc khai thác thủy sản bằng xung điện trên các đầm Thị Nại, Đề Gi là xảy ra nhiều nhất. Riêng với đầm Thị Nại, địa bàn nóng nhất là các thôn Nhân Ân, Lộc Hạ của xã Phước Thuận; sau đó là các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng (Tuy Phước) và phường Đống Đa, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn).

Gần 10 năm trở lại đây, phương tiện liên lạc thuận tiện, việc bắt các đối tượng xung điện xiếc máy ngày càng khó khăn. Anh Ngôn cho biết: “Tàu của thanh tra bảo vệ NLTS đậu ở đâu, các đối tượng hành nghề xung điện xiếc máy đều nắm rõ. Chỉ cần thấy thanh tra có động tĩnh, họ lập tức báo tin cho nhau ngay. Vì vậy, để đạt hiệu quả, chúng tôi thường tuần tra bất ngờ, nhất là vào những ngày mưa bão, vì đó là lúc có nhiều tôm cá, các đối tượng hoạt động nhiều. Thỉnh thoảng, chúng tôi đổi địa điểm tập kết tàu. Những lần như vậy thường phát hiện được các trường hợp vi phạm”.

 

                             Đánh bắt hải sản trên đầm Thị Nại. Ảnh: Thu Hà

 

* Mơ về sự bình yên và trù phú

Đến nay, cả tỉnh mới chỉ có huyện Tuy Phước thành lập được Đội Phòng, chống xung điện, xiếc máy, với sự tham gia của Phòng NN-PTNT và Công an huyện. Đội hoạt động khá hiệu quả trong vai trò phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ  NLTS. Nếu cách đây khoảng 10 năm, Tuy Phước có hơn 100 thuyền khai thác thủy sản bằng xung điện xiếc máy thì nay, số này đã giảm 8-9 phần. Trung tá Nguyễn Văn Nga - thành viên đội - chân tình: “Nói thật, làm công việc này vất vả quá, nên không mấy người mặn mà. Giữa biển nước mênh mông, sớ lỡ có chuyện gì, không ai bảo vệ được mình. Tuy vậy, nhiều năm qua, chúng tôi vẫn gắn bó và tích cực làm việc vì ý thức được trách nhiệm phải bảo vệ NLTS quý giá. Đầm, phá tỉnh ta có nguồn thủy sản phong phú, mang lại nguồn thu nhập cho biết bao người dân. Thử hình dung trong vòng 3 tháng, nếu không có tình trạng khai thác trái phép thì tôm cá sẽ dồi dào biết bao. Dù vì mục đích mưu sinh hay những khoản lợi nhuận to lớn thu được, thì nạn đánh bắt thủy sản trái phép không những hủy diệt NLTS, hủy hoại môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng tới tính mạng của ngư dân”. 

Lướt trên mặt nước đầm thật yên bình, mọi người nhắc nhở nhau những đợt tuần tra cách đây cả chục năm, cá chuồn, cá trích nhảy cả lên tàu. Anh Ngôn tỏ ra băn khoăn: “Bên cạnh công tác “xây” và “chống” của ngành thủy sản, cần có sự nhất trí cao của chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, nhất là những địa phương có đầm, biển, với những biện pháp vừa khoa học, vừa hợp tình, hợp lý, thì việc phục hồi hệ sinh thái trên các vùng đầm, biển mới đạt kết quả như mong muốn. Với những đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, địa phương cần tạo điều kiện cho họ chuyển nghề, hỗ trợ vốn làm ăn. Có vậy thì cuộc chiến dai dẳng với ngư tặc của chúng tôi mới mong ngày kết thúc”.

  • Đồng Sinh - N. Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)
“Khoa 113” của xã Tây Giang  (18/12/2010)
Về “thủ phủ” nghề biển  (12/12/2010)
“Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục cống hiến”   (13/12/2010)
Cuối năm ruổi rong xứ kiệu  (05/12/2010)
Phạm Đình Tòng - người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán  (04/12/2010)
Nhơn Châu mùa biển động  (28/11/2010)
Tôi cho lại những gì đã nhận  (27/11/2010)
THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ - Tà đạo, mê hoặc  (21/11/2010)
Người chủ hiệu vàng không tham của gian   (20/11/2010)
Khẩn trương ổn định đời sống, sản xuất các vùng lũ lụt  (19/11/2010)