Đó là anh Trần Đình Chính (SN 1972), Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường (năm 2003), anh Chính đã có 14 năm gắn bó với lớp học tình thương tại khu vực 6 của phường - lớp học tình thương đầu tiên của TP Quy Nhơn.
|
Anh Trần Đình Chính (đầu tiên, trái sang) tại Đại hội Đảng bộ phường Lê Lợi (nhiệm kỳ 2005-2010).
|
* Thầy giáo bất đắc dĩ
Cách đây hơn 20 năm, mỗi chiều, người dân khu vực Chợ Lớn Quy Nhơn lại thấy một thanh niên dắt theo nhiều đứa trẻ thường ngày vẫn kiếm sống ở chợ, vào hẻm 61 (thuộc khu vực 6, phường Lê Lợi), để dạy chữ. Anh là Trần Đình Chính, khi đó là Bí thư Chi đoàn khu vực 6, kiêm giáo viên lớp học tình thương mà anh vẫn thường gọi vui là “lớp học cái bang”.
* Anh có thể sơ lược lịch sử hình thành lớp học tình thương tại khu vực 6?
- Đó là vào năm 1990, tại khu vực Chợ Lớn Quy Nhơn và khu Nhà Đèn, có rất nhiều trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ ở khắp nơi tập trung về để kiếm sống. Do điều kiện sống như vậy, nên số trẻ này chỉ quen với việc chơi bời, phá phách; đến lớp học đối với các em là một điều gì đó thật xa xôi.
Lúc đó, tôi đang là Bí thư Chi đoàn khu vực 6. Nhiệm vụ đặt ra cho Ban chấp hành Chi đoàn là làm sao hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong số trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi mạnh dạn đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mở lớp học tình thương tại khu vực 6 để tập hợp số trẻ em đường phố nhằm giáo dục, định hướng cho các em trở thành những công dân tốt.
* Vậy những khó khăn mà anh gặp phải trong thời gian đầu đứng lớp tại “lớp học cái bang” là gì?
- Như đã nói, đa số các em trong lớp học tình thương thích phá hơn thích học, nên thời gian đầu, lớp chỉ có khoảng 10 em theo học và cũng bữa học, bữa nghỉ. Không có chuyên môn sư phạm, lại phải dạy lớp học “đặc biệt”, với học sinh thuộc nhiều độ tuổi, trình độ và khả năng tiếp thu khác nhau, nên tôi đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở nhất là làm sao khơi dậy niềm vui thích học tập ở các em nhỏ này và tập hợp các em dưới một mái nhà chung, gieo cho các em niềm mơ ước thành đạt bằng con đường học vấn.
Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định thực hiện biện pháp 3 cùng là “cùng học, cùng chơi và cùng ở” với các em. Tôi dạy bảo các em không với tư cách người thầy mà như một người anh lớn trong gia đình. Tôi cố gắng lắng nghe tâm tư, chia sẻ tình cảm và vui vẻ chấp nhận những trò nghịch ngợm của các em. Ngoài giờ học, tôi cùng một số em tìm đến những nơi tập trung nhiều em nhỏ lang thang cơ nhỡ khác để khuyên bảo, động viên các em đến lớp. Cứ thế, lớp học ngày một đông hơn, có khi lên đến cả trăm học sinh. Một số em nhỏ mồ côi ở các tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… cũng tham gia lớp.
* Anh có thể cho biết cụ thể hơn phương pháp dạy và học tại lớp học tình thương này?
- Việc dạy và học có thể tóm lược thế này, mỗi buổi chiều, thầy và trò dành 2 giờ đồng hồ để ngồi lại với nhau. Tôi truyền đạt cho các em những kiến thức mà bản thân tôi tích góp được. Ngoài dạy văn hóa, tôi còn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho các em. Tôi dạy bọn trẻ chủ yếu bằng tình cảm và sự gắn bó là chính và tự mày mò để tìm phương pháp truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Lớp học được ghép chung lại từ lớp 1 đến lớp 5, học theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành lúc đó. Em nào học khá sẽ được gửi đến các trường trong thành phố học chung với các em học sinh khác và tham gia thi vượt cấp. Nếu học hết lớp 12, các em được quyền dự thi đại học như bao học sinh khác.
* Năm 2003, vì lý do khách quan, anh thôi làm “bang chủ” “lớp học cái bang”. Lúc đó, tâm trạng anh thế nào?
- Nói thật là rất buồn! Không buồn sao được khi đã có 14 năm gắn bó thân thiết với các em. Trong 14 năm ấy, tôi đã “ăn cùng, ở cùng” với các em; trải qua nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, nên lúc thôi không đứng lớp nữa, tôi cảm thấy rất hụt hẫng.
Phần thưởng lớn nhất với tôi trong suốt 14 năm đứng trên bục giảng là đã trực tiếp giảng dạy cho gần 1.000 lượt trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết. Đặc biệt, từ lớp học này, nhiều em đã tiếp tục học lên cao, điển hình như em Nguyễn Thị Tình đã thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh; nhiều em khác khi lớn lên đã có gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm ổn định.
|
Anh Trần Đình Chính (đầu tiên, trái sang) cùng Đoàn thanh niên Bình Định tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần thứ nhất (năm 1996).
|
* Là người có nhiều năm gắn bó như vậy với trẻ em, anh đánh giá thế nào về trẻ em trước kia (giai đoạn 1990-2000) và trẻ em hiện nay?
- Nói thật, trẻ em trước kia trong sáng và ngây thơ hơn bây giờ. Dù các em có quậy phá, nghịch ngợm thì cũng dừng lại ở mức độ “nghịch phá của tuổi thơ” nên chỉ cần dạy dỗ, nhắc nhở một lần là các em nghe lời.
Ngày nay, khi kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ hơn nhiều nhưng việc quậy phá của trẻ em cũng đáng ngại hơn. Những thói hư, tật xấu từ internet, game, môi trường xã hội… tiêm nhiễm vào các em, khiến một số em, dù còn nhỏ tuổi, nhưng lại có những lời nói, hành động khiến người lớn phải giật mình.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, trẻ em ở giai đoạn nào thì cũng cần sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Những trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, do thiếu sự chăm sóc, giáo dục từ gia đình, nên mới quậy phá. Nhưng khi được người lớn quan tâm, định hướng, các em sẽ trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời. Ngày nay cũng vậy, nếu cha mẹ quan tâm, giáo dục ngay từ nhỏ, chắc chắn các em cũng sẽ trở nên ngoan hiền. Nói điều này để thấy rằng, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng các em trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội sau này.
* Chủ tịch phường tuổi 30
Tháng 6.2003, vừa bước qua tuổi 31, anh Trần Đình Chính được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND phường Lê Lợi. Dù nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực nào, anh Chính đều tâm niệm một điều: “Cái gì có lợi nhất cho dân thì làm”.
* Đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND phường lúc mới 31 tuổi, anh gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa anh?
- Từ một cán bộ Đoàn chuyển qua làm công tác chính quyền, thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn. Khi làm công tác phong trào, đối tượng chính tôi tiếp cận là các bạn thanh, thiếu niên, mà mình lại còn trẻ, nên hoạt động rất thuận lợi. Trong khi đó, đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND phường, tôi phải tiếp cận với rất nhiều đối tượng; để tạo được sự hài hòa trong công việc với tất cả mọi người là không đơn giản.
Tuy nhiên, trước đây, tôi đã từng 3 năm làm công tác văn phòng (từ năm 1995 đến 1997) nên cũng ít nhiều hình dung được công việc của một Chủ tịch UBND phường. Chút ít vốn liếng đó, cộng với quá trình tìm tòi, học hỏi, tôi đã dần quen với công việc và hoàn thành nhiệm vụ mà mọi người đã tin tưởng giao phó. Đặc biệt hơn, để được như hôm nay, tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ và sự ủng hộ nhiệt tình của các bác, các cô, các chú lãnh đạo tiền nhiệm của phường. Họ là những người đã chỉ bảo, động viên mỗi khi tôi gặp khó khăn trong công việc; để tôi tự tin vượt qua mọi trở ngại.
* Vậy anh có thể tiết lộ bí quyết để hoàn thành tốt công việc ở những lĩnh vực, nhiệm vụ khác nhau đến vậy?
- Tôi tâm niệm một điều, cái gì có lợi nhất cho dân thì mình làm. Cùng với đó, tôi luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành của mọi người. Từ đó, cái gì mình làm tốt thì phát huy, lĩnh vực nào chưa đạt thì tìm cách khắc phục. Trong nhiều năm trở lại đây (2003-2010), phường Lê Lợi luôn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cấp trên giao; riêng năm 2010, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phường trên 4 tỉ đồng, đạt 108% kế hoạch năm (chưa kể các khoản thu do Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế TP thực hiện). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự đô thị… được tiếp tục củng cố và giữ vững.
|
Anh Trần Đình Chính đang tất bật với công việc trong vai trò Chủ tịch UBND phường Lê Lợi.
|
* Hiện nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội. Là một đảng viên, anh có gửi gắm và kỳ vọng gì với Đại hội?
- Tôi mong Đại hội nhìn nhận và đánh giá đúng những mặt được, chưa được trong nhiệm kỳ qua; từ đó, có những định hướng, sách lược đúng trong nhiệm kỳ tới, nhằm đưa đất nước ta ngày càng phát triển giàu mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tôi cũng mong Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới với những người lãnh đạo đủ tài, đủ đức để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước.
Cuối cùng, tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để những cán bộ ở cơ sở như tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
* Cảm ơn anh!
Với những đóng góp của mình, anh Trần Đình Chính vinh dự là một trong những đại biểu đại diện cho tuổi trẻ tỉnh Bình Định tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần thứ nhất (năm 1996, tại Huế) và lần thứ hai (năm 2000, tại TP Hồ Chí Minh). Năm 2009, anh Trần Đình Chính được Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam. |
|