* Bút ký của Võ Chí Hà
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè…
(Tế Hanh)
Quê hương là vậy, luôn có những điều ghi đậm khắc sâu trong mỗi con người. Riêng tôi, dòng sông quê là một hình bóng khó phai nhòa. Không biết tự bao giờ dòng sông quê tôi được mang cái tên Kim Sơn, phải chăng dòng sông ấy hình thành bởi hợp lưu của 5 con suối lớn, bắt nguồn từ vùng núi đại ngàn (An Lão - Hoài Ân) mà trong lòng đất có nhiều sa khoáng, uốn khúc quanh co như tấm vải lụa dài hơn 64 cây số, vắt theo chiều dài của huyện trung du miền núi Hoài Ân, rồi hợp lưu cùng dòng An Lão tạo ra sông Lại, hình thành một vùng văn hóa đất Hoài.
|
Hoàng hôn trên dòng Kim Sơn. Ảnh: Hà Hoài Ân
|
Đã bao đời dòng sông vẫn chảy, êm đềm, soi tóc những hàng tre, ôm ấp những đồng lúa, bãi dâu, nâng bước và chắp cánh cho những ước mơ của từng lớp con người quê tôi lớn lên cùng năm tháng. Thời gian đi qua, đời người đổi thay, hình dáng dòng sông có thể khác nhưng cái tên sông Kim Sơn vẫn gợi cho chúng ta niềm tự hào về nơi “đất lành chim đậu”, một vùng đất từng là hậu cứ an toàn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mà ngày nay những người từng gắn bó trên đất Hoài Ân không thể phai nhòa trong ký ức.
Dòng sông ấy vẫn ôm ấp soi bóng núi Tổng Dinh, một căn cứ nghĩa quân thời Cần Vương chống Pháp do nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ lãnh đạo; vẫn một thời nâng chiếc thuyền nan lướt sóng đưa những cán bộ trung kiên, những người con ưu tú của quê hương vượt ngàn về hậu cứ đi làm cách mạng.
Chiến tranh đi qua, dòng sông Kim Sơn lại mát trong nguồn nước gạn lọc, chắt chiu những hạt phù sa màu mỡ, bồi đắp cho những cánh đồng, những vườn cây dọc đôi bờ xanh mãi ngàn xanh, để cho những làng quê nghèo trên đất Hoài Ân… ấm lại hơi thở con người trong không khí xây dựng cuộc sống mới. Vùng đất đôi bờ sông Kim đã khác, những con đường về Hoài Ân “nắng bụi, mưa lầy” ngày nào, bây giờ là đường nhựa, đường bê tông phẳng phiu đến tận đầu thôn, cuối xóm. Những chiếc cầu sạp ọp ẹp vắt vẻo trên dòng Kim Sơn xưa cũ, đã nhường chỗ cho những chiếc cầu xây bằng bê tông cốt thép kiên cố như cầu Ngã Hai, cầu Mộc Kiến, cầu Phú Xuân, cầu Bến Bố, Câu Phong Thạnh, cầu Suối Tem, cầu Đá Bạc,… những chiếc cầu mà bao đời con người sống ven đôi bờ Kim Sơn chỉ nghĩ trong giấc mơ, nay đã trở thành sự thực.
Những hàng trụ điện giăng giăng khắp chốn làng quê đã đẩy xa cái ánh sáng của đèn dầu leo lét, để quê tôi bừng lên ánh điện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Cùng những mái ngói rực tươi trong nắng, những ngôi trường, trạm xá, nhà văn hóa có ở khắp từng bản làng các xã từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa đã chứng minh cho sự đổi thay ở một huyện trung du Hoài Ân - nơi có hơn 90 ngàn dân của ba tộc người Kinh, Bana, H’rê đoàn kết một lòng, đã từng vượt qua muôn ngàn gian khổ, hy sinh và những thách thức, xây dựng Hoài Ân có một nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 11%; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 2,3 triệu đồng (năm 2000) lên 9 triệu đồng (năm 2010); hộ đói không còn, hộ nghèo còn 10%. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tiến bộ và lành mạnh hơn, 100% con em ở độ tuổi đi học được đến trường; 90% số hộ dân có phương tiện nghe nhìn, 97% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, 70% làng thôn đạt chuẩn khu dân cư có cuộc sống mới… Dưới ánh sáng của Đảng, sau 35 mùa xuân phát triển và đổi mới, người dân quê tôi biết gạn đục khơi trong mạch nguồn dòng Kim Sơn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, ý chí anh hùng cách mạng; biết nâng niu những hạt phù sa của dòng sông Kim bồi đắp mà khai thác tiềm năng, huy động nội lực xây dựng và phát triển vùng đất “nậu nguồn” có một sức sống mới.
Sức sống của mùa xuân căng tràn trong Đất và Người ở Hoài Ân, mãi mãi là điểm tựa chắp cánh mọi ước mơ cho bao thế hệ con người quê tôi bay nhanh, bay xa. Hôm nay, đi dọc đôi bờ sông Kim Sơn giữa ngút ngàn màu xanh cây lá, dưới ánh nắng xuân dát mỏng trên từng chồi non, lộc biếc; những cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái hứa hẹn một mùa thu hoạch đong đầy lúa thóc; những em bé thơ rạng rỡ nét mặt tươi hồng, tung tăng trên con đường bê tông về làng sau giờ tan học,… cho ta cảm nhận hết sức sống của một vùng quê đổi mới. Quê hương là vậy, rất gần và rất thật, nếu biết trân trọng, gìn giữ nâng niu thì quê hương sẽ mãi là nơi cho ta khát vọng, còn “quê hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi thành người”.
|