Ở Bình Định, nghề nuôi nai lấy nhung không phải là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, với Hoài Ân - “thủ phủ” của những trang trại nuôi heo tầm cỡ - mô hình nuôi nai theo quy mô gia trại vẫn còn khá xa lạ. Song cũng đã có vài người mạnh dạn đưa nai về vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi…
|
Ông Hà Văn Trước - người thành công với việc đưa nai về vườn ở Hoài Ân - đang nói về kỹ thuật nuôi nai.
|
* Khởi nghiệp nuôi nai
Trước giải phóng, ông Phan Văn Minh (tức Bảy Minh) là một trong những thợ săn vang danh ở vùng đất Núi Chúa - Vạn Hội. Thuở ấy, rừng Hoài Ân còn hoang sơ, có rất nhiều động vật quý hiếm, kể cả hổ, gấu... Nai là một trong những loài bị săn lùng ráo riết, bởi thịt nai là đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Song, giá trị lớn nhất của nai vẫn là cặp nhung chứa đầy chất bổ dưỡng. Cánh thợ săn thường ví von: ngã được nai nhung như lấy được trầm kỳ dó rũ!
Từ nhỏ, anh Phan Trung Hậu đã theo cha lên rừng săn, bẫy thú. Anh Hậu nhớ lại: “Trong một lần lặn lội băng rừng, vượt suối bẫy thú, cha tôi suýt chết khi dẫm phải con trăn gần trăm ký đang ẩn mình dưới đống lá rừng chờ mồi… Không lâu sau, cha tôi bỏ nghề chuyển sang trồng rừng và nuôi bò”.
Bỏ nghề săn bắn nhưng duyên nghiệp với rừng vẫn đeo đuổi cha anh Hậu. Gia cảnh khó khăn, cha mẹ anh vẫn “bóp bụng” gỡ đôi bông tai vàng cưới để đổi lấy hai chú nai con bị bẫy lưới. Nhờ có kinh nghiệm thực tế, cộng với nguồn thức ăn dồi dào, phong phú ở địa phương nên chỉ sau hơn 2 năm, cặp nai cơ nghiệp đầu tay của gia đình anh Hậu đã trưởng thành, bắt đầu cho nhung. Nối nghiệp cha, anh Hậu cũng trở thành người nuôi nai nổi tiếng ở Hoài Ân.
Ở xã Ân Nghĩa, anh Nguyễn Văn Long được mệnh danh là người nuôi bò mát tay. Anh chuyên lùng sục tìm mua những con bò chậm phát triển, kén ăn, bụng to với giá cực rẻ để về thúc.
|
Ông Hà Văn Trước đang cho nai ăn.
|
Trong dịp lên Đắc Lắc thu hoạch cà phê cho người em ruột, anh Long được chứng kiến nhiều gia đình nuôi nai lấy nhung khá bài bản. Máu nghề nổi lên, anh dành thời gian đi thăm một số trang trại, tìm hiểu kỹ phương pháp chọn giống, chăm sóc nai… Cuối cùng, anh vỡ lẽ: nuôi nai khỏe gấp đôi, ba lần nuôi bò, thu nhập lại cao hơn. “Tôi về quê bàn bạc với gia đình, gom góp vay mượn được gần 30 triệu đồng, ngược lên Tây Nguyên tậu được một cặp nai giống khá ưng ý…”- anh Long kể.
Những người nuôi nai ở Hoài Ân có một điểm chung là: trước khi đến với nai, họ đều là những tay chăn nuôi có cỡ. Anh Long giỏi nuôi bò, ông Hà Văn Trước, ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín lại nổi tiếng từ nghề nuôi heo. Từ heo nhà đến heo rừng, ông đều là người thành công bậc nhất ở Hoài Ân. Ông Trước vốn là anh em con cô cậu với anh Hậu, thấy người cậu, rồi người em nuôi nai thành công cũng bắt tay khởi nghiệp nuôi nai. Hiện chuồng nai của ông đang có 3 chú nai trong thời kỳ cho nhung.
* Nuôi nai: dễ mà khó
Tuy mới 40 tuổi nhưng anh Hậu đã được coi là người “đầu ngành” nuôi nai ở Hoài Ân với nhiều kinh nghiệm gia truyền. Anh cho biết: “Nai là loài động vật dễ nuôi nhưng việc ăn uống thì rất… kỹ. Nai ăn được vài chục thứ lá cây trên núi. Những thứ lá khoái khẩu của nó là cỏ tranh, lau, lá sầu đông, lá dúi… Ngoài ra, nó còn ăn được nhiều loại lá, rau củ quả thu lượm ở chợ nhưng phải rửa thật sạch, hễ có dính tí đất đá thì mấy chú nai thà nhịn đói, chứ nhất định không chịu ăn”.
Kỳ công nhất trong kỹ thuật nuôi nai là khâu thu hoạch nhung. Theo kinh nghiệm của ông Trước, nai khoảng 4 tuổi trở lên mới bắt đầu có nhung tốt. Thời điểm sừng nhung có chất lượng tốt nhất là sau khi nhú sừng từ 50-55 ngày. Lúc ấy, sừng nhung có màu hồng nhạt, mọng máu và bên ngoài sừng có phủ một lớp lông tơ màu trắng. Trước khi lấy nhung phải cho nai uống nước đường để tăng sức chịu đựng, sau khi cắt nhung phải cho nai ăn cháo trắng vài ngày. Cắt nhung xong phải cầm máu, cột chặt đầu sừng 3 ngày và làm vệ sinh đầu sừng thật kỹ bằng cồn. Nếu nai bị viêm nhiễm khi cắt sừng thì sẽ chết trong vòng 3 tháng.
|
Thức ăn cho nai khá đơn giản, chủ yếu là các loại lá cây rừng.
|
Sau khi cắt, nhung nai được treo ngược đầu cắt lên trên khoảng 2-3 giờ cho máu đông lại rồi được rửa sạch vỏ ngoài bằng rượu, để khô, đem sấy nhẹ trên lửa than hồng; hoặc có thể vùi vào cát nóng 2-3 ngày và được bảo quản trong lọ thủy tinh đậy kín có bông hút ẩm. Nhung nai có thể được cắt ngâm rượu để uống, hoặc pha chế thành các loại thuốc sâm nhung bồi bổ cơ thể.
“Nếu được chăm sóc tốt, nai có thể sống đến 50 tuổi. Khi trưởng thành, mỗi con có thể cân nặng từ 1,5 đến 2 tạ. Nuôi nai đơn giản, nhưng cũng không được chủ quan. Nai ít bị bệnh vặt, nhưng tôi luôn chú ý tiêm phòng đầy đủ. Nuôi nai lâu năm tôi mới nhận ra, mình cắt lìa một bộ phận thân thể của nai, nó đau đớn dữ lắm, nên phải thật nhẹ nhàng, cẩn trọng. Tuy là động vật hoang dã, nhưng sống lâu trong môi trường gần với con người, nai ít nhiều cũng có những đặc điểm của vật nuôi trong nhà”- ông Trước chia sẻ.
* Nhân rộng đàn nai
Từ vốn liếng ít ỏi ban đầu, sau hơn 10 năm chắt chiu gầy dựng, đến năm 2003 đàn nai của gia đình anh Hậu đã phát triển được 7 con, sản lượng nhung thu được hàng năm từ 5-6 kg. Nguồn thu nhập từ chuồng nai đảm bảo cho cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định, có của ăn của để. Trong khi đó, nhờ được nuôi dưỡng, chăm sóc kỹ lưỡng, cộng với nguồn thức ăn dồi dào, từ năm 2008 đến nay, anh Long đã thu hoạch được 3 cặp nhung nai, giải quyết dứt điểm tiền vốn vay mua giống ban đầu. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, anh Long vui mừng khoe: “Tôi mới vào Chi cục Kiểm lâm tỉnh “khai sinh” cho chú nai con lọt lòng cách đây 1 tháng. Giá như tôi có điều kiện tốt hơn nữa, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào việc nuôi nai lấy nhung với quy mô lớn hơn, bởi lượng nhung hiện nay cung không đủ cầu”. Còn với ông Trước, bên cạnh đàn heo rừng gần trăm con, chuồng nai cũng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế gia đình. Ông bày tỏ sẵn sàng truyền kinh nghiệm nuôi nai cho những người có nhu cầu.
|
Sừng nai sau khi lấy nhung phải đảm bảo vệ sinh tốt để tránh viêm nhiễm.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Thoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Tín, cho biết: Trung bình mỗi năm một con nai có thể cho 1-1,2 kg nhung, với giá hiện nay khoảng 14-15 triệu đồng/kg, sau khi khấu trừ hết chi phí người nuôi có thể lãi gần 10 triệu đồng. Nếu nuôi nai sinh sản thì sau khi trưởng thành mỗi năm nai đẻ một lứa, hiện giá một con nai giống 5 tháng tuổi (mua có nguồn gốc rõ ràng) dao động khoảng 10-12 triệu đồng. “Thực tế cho thấy việc nuôi nai khá thuận lợi, ít dịch bệnh, lãi cao. Chúng tôi rất muốn bà con nông dân học tập thực hiện mô hình này, nhưng vì e dè những thủ tục pháp lý nên nhiều hộ không dám đầu tư và mở rộng hình thức nuôi trang trại”- ông Thoa tâm sự.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, những năm qua, ngành chăn nuôi ở huyện Hoài Ân phát triển tương đối toàn diện, hằng năm đóng góp trên 60% giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Ngoài phát triển mạnh đàn bò lai, heo hướng nạc, đã có hàng chục hộ dân mạnh dạn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi các vật nuôi mới như heo rừng, nhím, trăn… bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có 3 mô hình nuôi nai rừng lấy nhung đạt hiệu quả cao.
Ông Tề cũng khẳng định: “Tuy hiện nay chưa có chủ trương về mô hình chăn nuôi nai, nhưng theo tôi thì đây là một hướng đi có rất nhiều triển vọng cho bà con nông dân, lại phù hợp với tiềm năng lợi thế của Hoài Ân. Nếu trong thời gian tới, cấp trên có chủ trương phát triển loại vật nuôi mới này, chúng tôi sẽ tích cực vào cuộc giúp đỡ bà con về thủ tục pháp lý, quy trình chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng trại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu để cho người nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển lâu dài”.
|