Người góp chữ thầm lặng...
22:0', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Đó là ông Trần Duy Đức, người chuyên biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành. Với 20 tập sách đã hoàn thành, ông chỉ tự nhận mình là một người góp chữ. Thế nhưng, đi dọc những trang sách của ông mới hiểu rằng, công việc thầm lặng ấy đã làm cho lịch sử sống lại qua từng con chữ, để thế hệ mai sau hiểu biết và thêm yêu quê hương, đất nước, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của cha anh...

Sinh ra trên mảnh đất Nhơn Mỹ giàu truyền thống cách mạng, ông Trần Duy Đức đã sớm giác ngộ và tham gia phong trào Đồng khởi ở địa phương từ đầu năm 1965. Cả cha và mẹ ông đều là liệt sĩ, mẹ ông còn được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Không chỉ làm du kích, ông còn hăng hái tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, làm Chánh VP UBND huyện, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Mỹ…

 

Ông Trần Duy Đức (giữa) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở Hồ Núi Một.

 

* Nghiệp “văn phòng”

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Trần Duy Đức được điều động về làm công tác chính quyền ở huyện An Nhơn. Trải qua các chức vụ Trưởng phòng Thống kê - Kế hoạch, Chánh Văn phòng UBND huyện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện… nhiệm vụ nào được phân công ông cũng hoàn thành tốt. Riêng chức Chánh VP UBND huyện, ông gắn bó đến 14 năm (từ năm 1989 đến năm 2003). 

- Hiếm có người nào gắn bó với công việc của một Chánh VP UBND huyện lâu như vậy. Ông đã làm gì để duy trì sự đam mê trong công việc?

+ Không ngừng quan sát và học hỏi để đáp ứng yêu cầu đổi mới của công việc, đó là “kim chỉ nam” làm việc của tôi. Nhờ tiếp xúc, quan sát nhiều người, tôi nhận ra rằng có cán bộ khi đăng đàn rất thuyết phục nhưng viết lại không trôi chảy, có người không hoạt bát nhưng lại sắc bén trong viết lách. 

Tôi làm công tác văn phòng từ thời chiến, khi ấy công văn phải đảm bảo tính bí mật, phải dùng mật mã nên không thể viết dài nhưng cũng không được quá vắn tắt, gây khó hiểu. Tôi phải học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ văn phòng xuất sắc đi trước. Tôi còn nhớ mãi lời khuyên của anh Văn Minh, Chánh VP Tỉnh ủy từ những năm 70 của thế kỷ trước: “Trong nghiệp viết lách, chữ nào có cũng được mà không có cũng được thì đừng viết”.

Ông Trần Duy Đức:

- Sinh ngày 10.5.1945 tại làng Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn; hiện ở 320 Trần Phú, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn.

- Tham gia kháng chiến từ năm 1965. Là Thương binh hạng 3/4; được tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Hai…

l Là người có thâm niên trong công tác văn phòng, chắc ông có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho lớp cán bộ trẻ?

+ Vừa rồi, nhân gặp mặt 80 năm Ngày truyền thống văn phòng cấp ủy (18.10.1930 - 18.10.2010), anh em làm công tác văn phòng ở huyện đề nghị tôi “tiết lộ” một ít kinh nghiệm trong công tác. Tôi tâm sự thật tình rằng, mỗi người có một cách làm riêng, kinh nghiệm của người này đâu dễ áp dụng cho người kia. Song, có một điểm mà tôi rất tâm đắc là người làm công tác văn phòng phải nắm chắc chủ trương chung, kết hợp với ý tưởng, mong muốn của người lãnh đạo và tình hình thực tiễn ở địa phương, có như thế mới cho ra đời những văn bản, bài phát biểu có giá trị. Ngoài ra, khi cần phải nêu quan điểm bảo vệ những cái mới nhưng phù hợp, có lợi; biết cách điều chỉnh, hiện thực hóa những chủ trương cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

* Lặng thầm góp chữ...

Ông Trần Duy Đức còn tự học hỏi để tập viết văn, viết báo và tham gia biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử ngành. Đến nay, ông đã biên soạn và được các cơ quan chức năng xuất bản 14 tập lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử ngành và 1 tập truyện ký. Huyện An Nhơn được coi là nơi làm tốt công tác biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, công của ông Đức không nhỏ. Nhiều người vẫn gọi ông là “sử gia”. Ông thì bảo, ông chỉ thích gọi công việc của mình là “góp chữ”. Một người góp chữ thầm lặng…

 

Với ông Đức, biên soạn lịch sử địa phương là một công việc mang lại nhiều niềm vui.

 

- Cơ duyên nào đã đưa ông đến công việc biên soạn sách sử?

+ Những ngày còn làm Chánh VP UBND huyện, tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi hay viết báo, những bài nho nhỏ về nơi tôi sinh ra và lớn lên, những vùng đất tôi đã sống và chiến đấu. Thấy tôi có năng khiếu viết lách, các anh trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy và những người viết sử chuyên nghiệp khuyên tôi nên làm lịch sử đảng bộ địa phương, các anh hứa sẽ giúp làm đề cương. Thế là, năm 1996, tôi bắt đầu nghiệp “viết sử”. Có một điểm đặc biệt là phần lớn công việc tôi đã trải qua đều ít nhiều liên quan đến nghiệp viết lách của tôi. Kiến thức, kỹ năng thực tế đã giúp ích cho công việc biên soạn sách sử sau này.

- Nhiều người vẫn cho rằng biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương là công việc có phần khô cứng, tẻ nhạt. Ông có đồng ý với quan điểm đó?

“Tôi mày mò viết như người thợ thủ công làng nghề, như người nông dân cần mẫn lật từng luống cày, bắt gặp mùi thơm của rạ, của phù sa, của hương lúa, hương dâu… và hương đời” (“Góp nhặt phù sa”- Nhà xuất bản Đà Nẵng, tháng 12.2008 - truyện ký của Trần Duy Đức)

+ Đến nay, tôi đã hoàn thành lịch sử đảng bộ của tất cả 15 xã, thị trấn trong huyện An Nhơn. Tôi còn biên soạn lịch sử LLVTND huyện, Công an huyện An Nhơn, ngành Thể dục – Thể thao tỉnh, Huyện đội Hoài Ân... Người ta thường bảo: “Sử khô văn tươi”. Riêng tôi vẫn tìm được rất nhiều niềm vui qua công việc này. Đó là niềm vui được tìm đến ngọn nguồn lịch sử của những vùng đất. Không viết sử, tôi làm sao biết được ông tổ của những nghề truyền thống ở đất Thành, quá trình hình thành của từng địa danh từ xa xưa… Cũng nhờ viết sử, tôi được tiếp cận với sự thật. Có lần, tôi đã vạch mặt một người “mạo nhận” từng là bí thư đảng ủy xã bằng những chứng cứ thuyết phục…

* Việc có ích thì không ngại

Từ ngày 1.6.2005, ông Trần Duy Đức bắt đầu nghỉ hưu. Nhưng không bao lâu sau, ông được lãnh đạo huyện động viên ra giữ chức vụ Chủ tịch các hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC). Đến cuối năm 2009, ông quyết định bắt tay vào công việc mới: Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC huyện. Với sự nhiệt tình của ông Đức, cùng với sự quan tâm sâu sát của cấp trên, An Nhơn là huyện đầu tiên của tỉnh tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Bảo trợ NTT&TMC trong huyện. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng Hội đã đạt được những kết quả bước đầu, được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Đại biểu lần thứ 2 Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh.

- Khi đã nghỉ hưu, nhiều người muốn được trút bỏ hết công việc, được nghỉ ngơi hoàn toàn. Còn ông thì ngược lại…

+ Lúc nghỉ hưu, sức khỏe của tôi đã có dấu hiệu giảm sút, nhất là sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, cộng với vết thương cũ thường xuyên hành hạ. Dù vậy, tôi vẫn quyết định nhận chức Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT & TMC huyện, bởi từ lâu vẫn mong có dịp được góp phần làm vơi bớt nỗi đau và bất hạnh của những số phận không may mắn. Cả huyện An Nhơn giờ còn gần 3.600 NTT & TMC, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Việc có ích thì tôi không ngại…

- Và như thế, làm công việc ý nghĩa này cũng như một cách để ông hiện thực hóa mong muốn của mình…

+ Đúng vậy. Tôi nghĩ, mình đã có một cuộc sống hạnh phúc, tròn đầy, cả 3 con đều ăn học đầy đủ, có gia đình và công việc ổn định. Tôi đã đi và thấy nhiều người rất khổ. Như gia đình anh Nguyễn Văn Long và chị Lê Thị Ánh ở làng Đại An, xã Nhơn Mỹ quê tôi. Anh Long tham gia bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng mới lập gia đình, 4 đứa con lần lượt sinh ra đều bị khuyết tật. Rồi vợ chồng anh Phan Văn Lợi và chị Lâm Thị Tám ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân, có 2 đứa con thì cả 2 đều bị bại liệt nằm một chỗ do di chứng của chất độc da cam từ người cha…

Tôi thường tâm sự với các con rằng, ở ngoài kia, vẫn còn biết bao số phận bất hạnh, mình phải làm gì đó có ích cho họ…

- Xin cảm ơn ông.

  • Nguyễn Văn Trang

(Thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)
“Khoa 113” của xã Tây Giang  (18/12/2010)
Về “thủ phủ” nghề biển  (12/12/2010)
“Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục cống hiến”   (13/12/2010)
Cuối năm ruổi rong xứ kiệu  (05/12/2010)
Phạm Đình Tòng - người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán  (04/12/2010)
Nhơn Châu mùa biển động  (28/11/2010)