Cảng cá Tam Quan những ngày này, chỗ rộn ràng mua bán, chỗ thì vui chơi tụm năm tụm bảy. Tết đã theo những chiếc thuyền đầy ắp cá về sớm trên đất Tam Quan…
|
Cá bò gù được ngư dân đánh bắt sau chuyến biển.
|
* Tết trên những boong tàu
Mùa cá bò gù kéo dài từ tháng mười đến tháng tư. Vào chính vụ, những đoàn thuyền đều phải căng gió ra khơi. Vì mưu sinh, hầu như ngư dân đánh bắt bò gù năm nào cũng ăn Tết ngoài biển. Anh Hà, một ngư dân, tâm sự: “Chẳng ai muốn xa gia đình trong những ngày Tết, nhất là không được ở nhà để chúc ông bà, mừng tuổi con cháu, đi chơi Tết cùng với bạn bè, người yêu. Vậy mà, nhiều người ở đây đã có đến mười cái Tết đón giao thừa trên biển”. Bản thân anh Hà cũng đã có 6 năm rồi chưa biết Tết ở nhà. Khi hỏi tuổi, anh nói vui: “Người ta có Tết để mừng tuổi, đếm tuổi, còn mình không có Tết nên không có tuổi”. Nụ cười mặn mà hương vị biển ẩn chứa một niềm tự hào nho nhỏ với những người chưa biết Tết trên biển như tôi.
Anh Hà say sưa kể: Trên những con sóng dập dềnh, đêm giao thừa, thường các nhóm, tổ tàu đánh cá bấm định vị tập trung một điểm. Nếu biển êm, vài chiếc tàu buộc dây chụm lại như một xóm thu nhỏ. Trên tàu “bao Tết” (cách gọi của dân biển khi tàu không vào bờ ăn Tết) bao giờ cũng mang theo một số thứ thiết yếu cho ngày Tết như bánh ngọt, rượu bia, hoa quả; có người còn mang theo một chậu mai mi ni, bao lì xì. Đêm giao thừa và ngày mùng một Tết, hầu hết các tàu đều buông neo. Họ cũng “xông đất”, bước qua tàu láng giềng để lì xì, chúc nhau năm mới được mùa.
Ngày thường, ít ai đem theo tiền khi ra khơi bởi không có hoạt động mua bán; nhưng Tết, họ đem theo để chúc Tết, nhất là với những chủ tàu muốn thưởng cho “bạn” để khuyến khích thành quả lao động của họ. Sau những lời chúc, họ quây quần lại với những ly rượu đầu năm pha lẫn chút mùi của biển. Ít hạt dưa, kẹo, mứt, nhưng mồi nhấm thì… ôi thôi, cả khoang tàu ấy, đủ các loại cá còn tươi roi rói, muốn ăn thì vào mà lấy con ngon nhất để nướng, luộc... Món ngon thì đầy, nào là cá thu, cá chuồn, mực còn óng ánh kim tuyến trên thân khi vừa bủa lưới kéo lên. Bữa tiệc thịnh soạn chỉ toàn đồ biển, nhấm nháp rồi ca hát. Đi chơi Tết xa nhất chỉ vài chục mét trên các tàu.
Nếu sóng lớn không lại gần được, họ bật bộ đàm hét to: “Chúc mừng năm mới!”. Tàu nào cũng bật máy nghe, rồi thi nhau hát mỗi tàu một bài, cũng chấm điểm như hát karaoke vậy.
|
Các cơ sở thu mua cá nhộn nhịp vào mùa.
|
* Vất vả giữa biển khơi
Ở đây, nghề làm biển là nghề “gia truyền”. Ông Hồ Ớt, cha của anh Hà, cho biết, từ đời ông đến giờ chỉ bám một nghề. “Tôi theo cha làm biển từ lúc lên 10. Hồi nhỏ, nhìn biển mênh mông mà thèm được chinh phục, đi đến cuối bờ bên kia. Rồi cái khao khát đó cứ thôi thúc xin cha cho một chuyến đi dài. Cuối cùng, ông cũng cho đi nhưng không giữ được sự lo lắng: “Nghề sống trên sóng gió khổ cực, nguy hiểm lắm!”. Tôi không hiểu nguy hiểm đến cỡ nào nhưng được đi là vui như Tết được đồ mới. Vậy là gắn với nghề”.
Nước da rắn chắc của ông Ớt giờ đã sạm nắng đến mặn chát. Hơn 50 tuổi nhưng từng sớ thịt vạm vỡ trên cánh tay ông như còn hằn lên những dây neo, dây thừng buông dài ra biển. Ba đứa con trai ông thừa hưởng tài sản từ nghề làm biển của ông là 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. “Bây giờ công nghệ hiện đại, việc hậu cần đánh bắt cũng tốt nên tụi nhỏ làm ăn hiệu quả lắm, hơn mình ngày xưa”. Ông cười tự hào về những đứa con nhưng ông cũng thương nó bởi chính ông đã trải nghiệm lời nói của cha. Bao lần ông thoát khỏi con sóng cao hơn thuyền trong những cơn bão, hay lúc thuyền trôi không định hướng khi máy chết.
Anh Hà kể, công việc không nặng lắm nhưng quần quật suốt ngày. Khoảng 9 giờ sáng thả câu, mỗi lần thả hàng chục hải lý, hơn 1.000 lưỡi câu; khoảng 5 giờ tối đến 2 giờ sáng là kéo câu. Thả câu xong thì bủa lưới để lấy mồi. Câu cá thì kéo máy nhưng bủa lưới thì kéo bằng tay. Lưới nặng lại phải kéo liên tục, đòi hỏi sức phải mạnh và dẻo dai. Một ngày hai dát lưới một dát câu (dát là cách gọi của ngư dân chỉ một lần thả, kéo lưới- N.V). Công việc đã rèn cho những trai làng chài đôi tay vạm vỡ, khuôn ngực nở nang đủ sức ưỡn mình ra biển.
Chín người trên tàu, thay phiên nhau trực. Mùa mưa cũng như nắng, ngư dân mặc trong người 2-3 chiếc áo, khoác ở ngoài thêm chiếc áo mưa. Mùa lạnh thì mặc thêm áo ấm, dù trong người độn mấy lớp vải cũng không thể chắn được gió biển, nhất là gió mùa. Ở đất liền có núi, có cây, có nhà chắn bớt gió, hơi đất làm ấm người. Ở ngoài biển chỉ mênh mông là nước, cơn gió nhẹ cũng tạt vào mặt rát bỏng, lạnh đến thấu xương. Nhưng khổ nhất vẫn là chuyện nấu ăn. Anh Hà kể, khi có gió lớn, muốn nấu cơm, phải lấy dây cột “ông táo” lại, ăn cơm sống, cơm khê là chuyện thường. Đói lúc nào vào tự ăn lúc đó chứ không quy định bữa.
Hết ca mới được chợp mắt. Giấc ngủ của những “thợ biển” cũng không chăn ấm nệm êm như ở nhà. Giường là chiếc thuyền gập ghềnh trên sóng, rồi ôm nhau ngủ trong chiếc mền cũng thấm muối, thoang thoảng vị tanh. Anh Hiệp, một thợ biển đi đánh bắt lúc 16 tuổi, tâm sự: “Thèm ngủ lắm mà ít thời gian để ngủ, với lại sóng làm giấc ngủ chập chờn khó sâu. Tàu bồng bềnh, nghiêng qua ngả lại, ngủ chỗ này nhưng thức dậy thì ở chỗ khác, lúc sóng lớn thì không thể ngủ được”. Hơn 10 năm trong nghề đã quen với sóng gió nhưng mỗi lần vào bờ ngủ giấc ngủ ngon, anh Hiệp thấy mình như tăng thêm vài ký.
* Niềm vui Tết sớm
“Niềm vui lớn nhất là khoang tàu đầy cá. Đầu năm chở về đầy ắp thuyền thì cả năm phấn khởi”- anh Hiệp tâm sự. Và năm nay, niềm vui đó đến sớm hơn mọi năm. Chuyến biển thường 30 ngày, nhưng mới 20 ngày, nhiều thuyền đã cập bờ đầy cá. Lúc ra khơi, họ chia tay nhau, hẹn sau Tết gặp lại, nhưng nhờ trúng biển nên về sớm, Tết theo những chiếc thuyền đầy ắp cá đã về trên đất Tam Quan.
Anh Nguyễn Trọng Cường - một “bạn” đã hơn 30 năm đánh bắt xa bờ - vui mừng cho biết: “Chuyến này câu được trên 2 tấn, với giá 180 ngàn đồng/kg, mỗi “bạn” chúng tôi được chia gần 15 triệu đồng”. Chị Dự, Cơ sở mua bán Minh Duyên, cho biết thêm: “Có tàu đợt này vào trúng 450 đến 500 triệu đồng. Năm nay, sản lượng đánh bắt không phải cao nhưng nhờ được giá nên tàu vào đợt này trúng lớn”. Những tàu đánh bắt cá bò gù đợt này rủng rỉnh tiền, có tàu chia cho bạn trên 20 triệu đồng.
Sau chuyến đi dài mệt mỏi nhưng khuôn mặt những thuyền viên đều phấn khởi. Cười rạng rỡ, anh Cường khoe với vợ: “Tết nay, cho em sắm sửa thoải mái, không việc gì phải tiết kiệm. Chuyến sau Tết về sẽ dành dụm”. Loay hoay lấy đồ giặt giũ cho chồng chuẩn bị vài ngày nữa lại ra khơi, chị vợ anh cho biết, chuyến này, chị chuẩn bị nhiều thứ hơn vì anh ăn Tết ngoài khơi. “Cũng phải có rượu, bia, bánh, mứt và bộ đồ mới mặc Tết”- chị tâm sự.
Vào bờ nghỉ ngơi khoảng 4 ngày, chuẩn bị để 26 Tết lại ra khơi, anh Hiệp tranh thủ mua cho cô bạn gái chiếc cong và ông bố vợ tương lai chậu mai; tranh thủ đi chơi với người yêu, bạn bè gọi là ngày Tết. Nhiều thanh niên làng chài cũng tranh thủ chơi Tết trên bờ như thế.
|