HLV TÔN THẤT LƯƠNG CHÍNH:
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”
19:50', 29/1/ 2011 (GMT+7)

Gắn bó với bộ môn cờ suốt gần 1/4 thế kỷ, HLV Tôn Thất Lương Chính đã nếm trải những nhọc nhằn, gian nan trong những ngày đầu gầy dựng; cũng như thành quả ngọt ngào mà các học trò mình gặt hái được. Phóng viên Báo Bình Định đã gặp ông để nghe kể về chuyện đời, chuyện nghề…

 

HLV Tôn Thất Lương Chính (thứ 5 từ trái sang) cùng các học trò tại Giải cờ tướng Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.

 

* Gian nan gầy dựng “cơ đồ”

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cờ vua bắt đầu phát triển mạnh ở một số địa phương, nhưng mãi đến năm 1987, ngành thể thao Bình Định mới bắt đầu xây dựng bộ môn này. Trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn, những người lĩnh ấn tiên phong trong việc gầy dựng phong trào cờ vua ở đất Võ khi ấy phải đối mặt với nhiều thách thức.

* Người ngoài nhìn vào ông chả thấy có tí gì là “dân thể thao” cả, vậy mà ông đã tốt nghiệp Đại học TDTT chuyên ngành bóng ném - môn chơi đòi hỏi rất nhiều sức lực. Vậy mà cuối cùng, ông lại “lạc” vào bộ môn cờ?

Quả thật có nhiều chuyện ngẫu nhiên mà tôi không thể nào hiểu được. Ngay khi học lớp 10, tôi còn không biết chơi môn thể thao nào và mơ ước trở thành một kiến trúc sư mà… Hồi đó thấy tôi có chiều cao, bọn bạn rủ vào đội bóng chuyền của lớp để thi đấu giải trường. Chơi rồi thích. Sau đó cũng lại bạn bè rủ thi vào Đại học TDTT, tôi thấy cũng có lý vì nghĩ làm thể thao được đi đây đi đó, vả lại, thời đó trợ cấp cho sinh viên thể thao cao gấp 3 lần những ngành học khác (mỗi tháng được 120 đồng và 21kg gạo). Học được một năm bên chuyên ngành bơi lội thì lớp giải tán vì ít sinh viên quá, một số bạn chuyển sang lớp bóng đá, nhưng tôi lại chọn bóng ném vì nghĩ đây là môn mới, sau này khỏi sợ “đụng hàng”. Tôi thuộc dạng không có tố chất thể thao ở những môn đòi hỏi cơ bắp, sức khỏe, nhưng các môn học tôi đều đủ điểm chứ chưa hề thi lại môn nào.

“Vừa làm vừa mày mò, tự nghiên cứu để tìm ra cách dạy sao cho học trò dễ tiếp thu. Có nhiều đêm tôi ngồi trước bàn cờ đến gần sáng chỉ để nghiên cứu một thế cờ. Giờ nghĩ lại thấy lúc đó mình mê cờ kinh khủng”.

* Học bóng ném, làm thế nào mà ông lại được ngành thể thao xếp vào vị trí HLV đội tuyển cờ?

Thực ra tôi cũng biết chút ít về cờ vua. Hồi còn học đại học, tôi được anh trai chỉ cho chơi cờ, rồi dẫn đi thi đấu mấy giải A1, A2 ở TP Hồ Chí Minh. Nói chung là chỉ dừng ở mức độ cọ xát, học hỏi chứ không có thành tích gì. Tốt nghiệp đại học năm 1986, tôi về công tác ở Sở được một năm thì có chủ trương phát triển môn cờ vua. Hồi đó, có lẽ sức cờ của các HLV khác không bằng tôi nên lãnh đạo ngành quyết định giao cho tôi làm HLV.

* Học cờ theo kiểu “võ vườn”, không được đào tạo bài bản, vậy ông tuyển quân và đào tạo kiểu gì?

Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi được cấp 3 bộ cờ, đầu tiên tôi hướng dẫn cho anh em trong Sở chơi, rồi mượn, mua sách dạy cờ của Liên Xô (cũ) về đọc, tự dịch bằng vốn từ còn nhiều hạn chế của mình. Sau đó, tháng nào tôi cũng đi xuống các địa phương để mở lớp dạy cho những người mê cờ, chủ yếu là để họ biết cách chơi chứ không phải dạy để họ chơi cờ giỏi. Cũng may là nhiều người đã biết chơi cờ tướng nên khi tiếp cận cũng nắm bắt khá nhanh. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ thể thao cơ sở rất nhiệt tình, họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, không phải huyện nào cũng hợp tác, thỉnh thoảng cũng có nơi viện lý do khó khăn kinh phí để thoái thác.

Khi phong trào tương đối sôi nổi, các giải đấu liên tục được tổ chức, từ đó tôi mới tuyển chọn được VĐV rồi căn cứ vào một số sách vở cũ để huấn luyện họ bài bản hơn. Vừa làm vừa mày mò, tự nghiên cứu để tìm ra cách dạy sao cho học trò dễ tiếp thu. Có nhiều đêm, tôi ngồi trước bàn cờ đến gần sáng chỉ để nghiên cứu một thế cờ. Giờ nghĩ lại thấy lúc đó mình mê cờ kinh khủng.

 

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như máy vi tính, internet… công việc huấn luyện của ông Chính đỡ vất vả hơn. Ảnh: L.C

 

* Những cột mốc đáng nhớ

Sau khi bộ môn cờ kết thúc các nội dung thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, ông Tôn Thất Lương Chính tự hào khoe rằng, mình đã có hầu như đầy đủ bộ huy chương ở các giải đấu trong và ngoài nước. Và mỗi chiếc huy chương mà các học trò giành được, đem lại cho ông những ý nghĩa khác nhau…

* Ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010, cờ vua Bình Định đoạt 1 HCĐ đồng đội nữ, cờ tướng cũng đoạt 1 HCĐ đồng đội nữ và 1 HCV cá nhân của Hồ Thị Thanh Hồng, có vẻ bộ môn cờ đang trong giai đoạn “âm thịnh”?

Không phải đến bây giờ các kỳ thủ nữ Bình Định mới “lên tiếng”, mà trong suốt quá trình phát triển của bộ môn, họ đều giành được những thành công lớn. Có thể kể ra đây như: Châu Thị Ngọc Giao giành HCV cờ nhanh ở Giải cờ vua trẻ thế giới năm 1994; năm 1995, trong lần đầu tiên tham dự một giải cờ tướng toàn quốc, khi đó nằm trong chương trình Đại hội TDTT, đội tuyển cờ vua nữ Bình Định giành HCB, riêng Ngọc Giao đoạt HCĐ; đội nữ Bình Định còn là đơn vị đầu tiên “lật đổ” vị trí thống lĩnh của đoàn TP Hồ Chí Minh tại Giải vô địch cờ tướng toàn quốc năm 1997; từ năm 1997-1999, Châu Thị Ngọc Giao và Hoàng Hải Bình liên tiếp giành được HCV tại Giải vô địch cờ tướng quốc gia, đội nữ Bình Định cũng luôn đoạt thứ hạng cao trong thời gian này.

* Tôi nhớ không nhầm thì Bình Định còn đóng góp VĐV nữ cho đội tuyển quốc gia…

Đó là năm 2003, sau khi đội nữ cờ vua Bình Định lần đầu tiên giành HCB ở giải toàn quốc, Bùi Kim Lê và Châu Thị Ngọc Giao được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, tôi cũng lên đội tuyển với tư cách thành viên Ban huấn luyện. Năm đó, đội nữ Việt Nam giành HCĐ giải cờ vua khu vực 3.2a và HCV SEA Games 22. Kể từ đó, cờ vua Bình Định luôn có huy chương ở các giải quốc gia. Đó là một năm khó quên với thầy trò chúng tôi.

* Vậy không lẽ các VĐV nam không để lại dấu ấn gì đặc biệt?

Có chứ. Chiếc HCĐ cờ vua mà Nguyễn Hoàng Chính giành được tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 1992 là thành tích đầu tiên của bộ môn cờ Bình Định. Dù chỉ là một giải thể thao học đường, nhưng chiếc huy chương đó có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi, vì nó mở ra những hy vọng về tương lai cho bộ môn sau 5 năm thành lập. Hay kỳ thủ Minh Trưng cũng từng đoạt HCV ở Giải vô địch cờ tướng toàn quốc năm 1997. Ngoài ra, các VĐV nam cũng góp phần không nhỏ vào thành tích toàn đoàn của cờ tướng Bình Định những năm 1996 - 2000 ở các giải quốc gia, gần đây nhất là hạng Ba toàn đoàn năm 2007.

 

Khi rảnh rỗi, ông Chính thường tìm đến các quán cà phê đánh cờ để thư giãn và gầy dựng phong trào.

- Trong ảnh: Ông Chính (bìa phải) đánh cờ ở quán cà phê 360 Bạch Đằng. Ảnh: Văn Lưu

 

* “Có những niềm riêng...”

Chưa bước qua tuổi ngũ thập, nhưng nếu nhìn vào nghiệp cờ, ở Việt Nam không nhiều người so bì được với HLV Tôn Thất Lương Chính. Tuy vậy, ngoài vẻ viên mãn khi nhìn lại thành tích của các học trò, ông vẫn có những trăn trở của riêng mình…

* Thỉnh thoảng, người ta lại bắt gặp ông đánh cờ ở các quán cà phê, gắn bó, suy nghĩ về cờ sau chừng ấy năm ông chưa… chán sao?

Hiện giờ tôi đang cố gắng truyền đạt lại kinh nghiệm huấn luyện cho các học trò, còn thời gian rảnh tôi tìm đến các quán cà phê chơi cờ để thư giãn. Đó là một cách để gầy dựng phong trào, vì hầu như ai cũng muốn thắng tôi nên thường thách đấu với tôi. Ở đó, tôi cũng học được nhiều nước cờ hay vì bản thân môn cờ biến ảo khôn lường.

* Đâu là điều ông muốn nhắc nhở thế hệ HLV trẻ hiện nay?

Đào tạo ra một VĐV đánh cờ giỏi là việc rất khó khăn, ngoài các bài vở, phương pháp còn phải có tính kiên trì và biết đánh giá khả năng của VĐV. Tôi đã từng gặp trường hợp VĐV nhiều năm liền không giành được thành tích gì ở giải trẻ, nhưng đến năm 17 tuổi anh ta lại giành HCV ở giải vô địch. Trong khi đó, nhiều VĐV khi trẻ chơi rất tốt, nhưng tài năng đột nhiên chững lại mà không thể lý giải được. Lớp HLV hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi trước đây, nhưng phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới đạt được thành công.

* Rất thành công trong sự nghiệp, nhưng dường như ông vẫn còn điều gì trăn trở?

Cũng như nhiều người khác, thành công trong sự nghiệp thì đổi lại phải có những thứ không thể trọn vẹn với gia đình. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy có lỗi với con trai, khi để nó ở nhà một mình khi còn rất nhỏ những lúc tôi đi công tác xa, còn mẹ nó bận công việc. Công việc cứ cuốn tôi đi, khiến mình không dám nghĩ đến việc sinh cho nó một đứa em vì sợ không ai lo cho chúng. Giờ con trai tôi đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng ở nhà cũng thấy trống vắng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

  • Lê Cường (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)
“Khoa 113” của xã Tây Giang  (18/12/2010)
Về “thủ phủ” nghề biển  (12/12/2010)
“Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục cống hiến”   (13/12/2010)
Cuối năm ruổi rong xứ kiệu  (05/12/2010)