Về “thủ phủ” chuối
11:7', 30/1/ 2011 (GMT+7)

Ngoài 20 tháng Chạp, tỉnh lộ 638 từ Tuy Phước đi Vân Canh nhộn nhịp hẳn lên với những chiếc xe máy chất đầy chuối là chuối hối hả xuôi về phố. Tự bao giờ, chuối Vân Canh đã trở thành một thương hiệu, và nghiễm nhiên là “đối trọng” mỗi khi ai đó muốn so sánh với chuối các vùng khác trong và ngoài tỉnh. Giáp Tết, chúng tôi về Vân Canh để nghe người trồng chuối kể chuyện...

 

Từ lâu, chuối Vân Canh đã là một thương hiệu nổi tiếng.

 

* Thủ phủ chuối

Hơn 8 giờ sáng, chợ chuối Canh Vinh nhộn nhịp người bán mua, dù đấy chẳng phải lúc cao điểm - như lời người dân nơi đây nhận xét. Những nải chuối trái tròn lẳn, trắng xanh luôn được người mua săm soi, hỏi giá nhiều. “Ở đất Vân Canh này, không chuối nơi nào qua chuối Canh Vinh. Mà thậm chí là cả tỉnh cũng chẳng nơi nào ngon bằng. Chuối trái nào trái nấy căng tròn, khi chín ăn ngọt thanh chứ không phải trái chuối to nổi cạnh gân, ăn xác xác như chuối các nơi khác  đâu nhé…”- một phụ nữ luống tuổi bán chuối bên đường “tiếp thị” chuối quê mình.

Tại chợ Vân Canh ở thị trấn, cảnh mua bán chuối cũng khá nhộn nhịp. Lớp thì thương lái vào tận rẫy của người làng để mua đi, bán lại; lớp bà con người Chăm, Bana từ các làng gùi chuối ra chợ bán từ sáng đến tận chiều. Chuối năm nay trúng nhiều nên bán chậm hơn năm ngoái…- họ nói. Người làng nay cũng biết thách, chứ không “nói một là một” như trước nữa. Người mua ướm hỏi một buồng chuối có 4 nải đẹp, họ ra giá “80 ngàn đồng”. Chê “mắc dữ”, liền nhận được câu trả lời “thì trả giá nữa chứ”. Trả treo qua lại, người bán bảo, chuối tháng Chạp mắc lắm chứ không rẻ như ngày thường. Trong làng có người bán được cả triệu đồng tiền chuối mỗi ngày đó. Người ta vào tận rẫy, tận nhà để mua mà.

Vào làng Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh), tìm nhà anh Đoàn Văn Du, một hộ có thu nhập cao từ cây chuối, giữa đường, chúng tôi gặp vợ anh cỡi xe máy chở chuối từ rẫy về. Bấy giờ đã 12 giờ trưa. Hôm nay, anh Du bận việc làng, một mình chị lên rẫy chặt chuối từ sáng. Chị lái xe, gùi chuối nặng đeo trên lưng và cả những cành lá chuối phủ trên gùi che khuất cả người chị, chỉ có đôi mắt hấp háy niềm vui giấu sau mấy lớp mũ, khẩu trang là không thể che được. Nhà anh Đoàn Văn Du trồng 8 sào chuối, chừng 600 bụi, thu hoạch trung bình 500 ngàn đồng/tháng. “Nghe nói anh bán chuối mua được cả máy cày?”, anh Du cười huơ tay: “Không phải đâu, chuối chỉ là một phần thôi, tui còn trồng mía, mì nữa chứ. Mua cái máy cày để làm dịch vụ, cày đất cho bà con trong làng. Còn chuối à, không có sức mà cuốc cỏ chứ có thì cũng muốn làm nữa. Tháng Chạp năm ngoái tui thu được 10 triệu đồng tiền chuối đó”. Anh Du kể, trận lụt năm 2009, rẫy chuối nhà anh ngã mất một nửa, chứ không thì bây giờ anh còn thu được nhiều hơn nữa.

Anh Nguyễn Văn Bẻo, Trưởng làng Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh) cho hay, Hiệp Hà là một trong những làng trồng chuối nhiều trong huyện. 80% số hộ trong làng trồng chuối, hộ nhiều nhất trồng đến 2 ha. Hiện cả làng có 50 ha chuối, 45 ha mì, 30 ha keo. “Mà không chỉ có chuối đâu, bà con còn xen canh thơm, sả, đu đủ nữa. Sả bán được 4.000-5.000 đồng/bó, bắp chuối thì 5.000 đồng/trái, nhiêu đó cuối ngày là có tiền chợ rồi” - anh Bẻo kết luận.

 

Một cảnh mua bán ở chợ chuối.

 

* Chuối: quen mà lạ

Với người dân Vân Canh, cây chuối không lạ lẫm gì. Thậm chí là quá quen thuộc. Ông Huỳnh Chút, Trưởng phòng Nông nghiệp của huyện, cho biết: Diện tích trồng chuối, thơm, đu đủ cả huyện khoảng 600 ha; trong đó, chuối vẫn là chủ lực, được trồng tập trung ở các xã Canh Vinh, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh, Canh Thuận và Canh Hòa.

Cứ tháng 8 hàng năm, vợ chồng ông Nguyễn Phú, ở xóm Tăng Hòa, thôn Bắc Tăng (Canh Vinh) lại đi phát rẫy, trồng chuối dặm thêm. Thường thì hơn một năm sau, cây chuối mới cho trái lứa đầu - mà người dân vẫn gọi là chuối tơ: trái lớn, tròn đều và thẳng. Càng về lâu, cây chuối càng bị cỗi, cho trái nhỏ hơn và thường hay bị nứt trái. Bởi vậy, vợ chồng ông năm nào cũng trồng dặm thêm cây mới. 7 năm trồng chuối, đến nay rẫy chuối của ông Phú đã có đến 2.500 cây ở núi Bằng Me, Suối Bụt của xã.

Không chỉ Canh Vinh hay thị trấn Vân Canh, bây giờ, người dân Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp cũng đã và đang tập trung đầu tư trồng chuối. Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 của Chính phủ, tại làng Cà Xim (Canh Thuận), có nhà ông Đinh Vằm và Đinh Nam nhận làm chủ đầu tư, kết hợp cùng với một số hộ khác trồng khoảng 2 ha chuối theo mô hình xen canh.

Tuy nhiên, với riêng đồng bào người Chăm, Bana, có lẽ bà con bắt đầu thấy rõ lợi ích kinh tế của cây chuối từ khi nhận thức được nguồn lợi từ cây lâm nghiệp và dốc sức đầu tư vào những khoảnh rừng keo xanh ngút ngát trên đồi, sau 5-6 năm thu hoạch được “cục tiền” vài chục triệu đồng. Với loại cây lâu năm này, phải dùng sách lấy ngắn nuôi dài mới mong lâu bền được. Và khi đó, cây chuối, cùng những thơm, sả, đu đủ xen canh đã khẳng định vai trò của mình khi mang lại cho người dân những khoản thu nhập ổn định hàng ngày, hàng tháng, giúp họ có điều kiện tích lũy để đầu tư cho rừng. Như lời anh Sô Y Khó, ở làng Canh Lãnh (Canh Hòa), người có 0,5 ha chuối đang cho thu hoạch thường xuyên 1 triệu đồng/tháng, khẳng định: “Keo là cây trồng dài ngày, chuối là cây ngắn hạn mà hiệu quả hơn vì giúp giải quyết đời sống hàng ngày. Nếu chỉ trồng cây keo mà không có cây ngắn hạn như chuối thì đời sống sẽ khó khăn”.

Và sau đó, khi bán keo, so sánh lợi ích kinh tế của hai loại cây này, người ta một lần nữa ngạc nhiên nhận ra chuối thật sự là loại cây trồng mang lại lợi nhuận nhiều hơn mình tưởng. Một ha keo trồng 5 năm bán được 35-40 triệu đồng, còn 1 ha chuối mỗi năm cho thu nhập 60 triệu đồng! Mà chuối thì dễ trồng, tốn công nhiều chứ vốn chẳng bao nhiêu.

Bà Lê Thị Đào, vợ ông Nguyễn Phú, cho biết, cây chuối tuy dễ mọc, dễ trồng nhưng công chăm sóc không phải ít. Muốn cây cho trái tốt thì phải thường xuyên phát chồi để cây tập trung lực nuôi trái. Cây nào xấu thì đốn bỏ, rồi bón thêm phân. Cây chuối trồng được ở đất đồi cao sẽ cho trái đẹp hơn ở dưới thấp.

Anh Nguyễn Chí Linh, ở làng Canh Lãnh, phân tích thêm: “Cây chuối ưa đất đồi, đất thịt pha nên phù hợp với chất đất Vân Canh. Cây chuối chỉ trồng một lần, chăm sóc, làm cỏ cho kỹ, cuốc đất quanh gốc cho tơi thì hơn 1 năm sau là thu hoạch được và cứ thế 6-7 năm sau chuối mới cỗi. Tức là, cứ siêng làm cỏ chừng nào thì ăn lâu dài chừng ấy”.

Anh Linh cho biết, thấy trồng chuối bán được tiền, nhiều hộ trong làng cũng bắt đầu mở rộng diện tích trồng chuối, nhiều hộ lên kế hoạch bán keo xong sẽ chuyển sang trồng chuối.

 

Chở chuối từ rẫy xuống chợ bán.

 

* Xanh hơn những rẫy chuối

 “Bán chuối, lá chuối, bắp chuối lai rai hàng ngày cũng đủ tiền chợ cho cả nhà. Tính ra, thu nhập cả năm từ chuối được khoảng 80 triệu đồng; trong đó, Tết thu được hơn chục triệu đồng…” - ông Phú nói chắc thiệt kiểu nhà nông. Thời điểm này, hàng ngày đều có người từ Tuy Phước, Quy Nhơn vào tận nhà ông mua chuối sỉ với giá 15.000-20.000 đồng/nải.

Trong xóm ông, không ít hộ chở chuối từ rẫy về bằng xe cọc cạch, mỗi xe bán được vài chục triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán. Năm ngoái, sau mấy trận bão lụt, chuối bị ngã đổ rất nhiều nên cuối năm hiếm hàng, giá chuối lên cao. Ngay tại Canh Vinh, người dân cũng phải mua với giá 50.000 đồng mới có một nải chuối đẹp.

Anh Huy, cán bộ nông lâm xã Canh Vinh cho biết, diện tích trồng cây ăn trái của cả xã ước khoảng cả trăm ha; trong đó diện tích trồng chuối chiếm đáng kể vì cây chuối cho hiệu quả kinh tế cao.

Chưa ai thống kê, trong một năm, tổng sản lượng chuối của cả huyện Vân Canh là bao nhiêu. Cũng chưa ai tính được mỗi năm, chuối đã mang lại cho người dân nơi đây tổng doanh thu là bao nhiêu. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là cây chuối, vốn đã được người dân Vân Canh chọn là một trong những loại cây trồng ăn trái chủ lực, nay lại càng được người dân “kết” hơn bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

  • Nguyên Sương - Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)
“Khoa 113” của xã Tây Giang  (18/12/2010)
Về “thủ phủ” nghề biển  (12/12/2010)
“Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục cống hiến”   (13/12/2010)