Ẩn họa giữa đại ngàn
20:33', 2/10/ 2011 (GMT+7)

Dọc tuyến rừng từ Hoài Ân, An Lão đến Phù Mỹ, Phù Cát lên Vân Canh, Vĩnh Thạnh... nơi nào cũng có những đại lý mua bán thịt rừng nhộn nhịp với đủ các loại chim thú “độc”. Các quán nhậu chỉ cần điện thoại là được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu.

 

Người đánh bẫy ra rừng.

 

Lần theo nguồn cung thịt rừng ấy, chúng tôi vào vùng rừng Ba Lăm - đầu nguồn hồ Thạch khê huyện Hoài Ân giáp ranh rừng Phù Mỹ, nơi bẫy thú rừng được cài với mật độ dày đặc. Bẫy là phương tiện đánh bắt thú rừng chính, cung cấp một lượng thịt ổn định cho các quán ăn, nhà hàng hoạt động. Người đánh bẫy ra vào rừng này như tàng hình, rất khó đeo bám.

Lần tin, theo dấu

Nghe anh Phan Thành Đức – chủ quán thịt rừng ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ nói với thực khách: “Quán tôi lấy thịt thú rừng từ những người đánh bẫy nên luôn tươi, ngon và an toàn!”. Tôi tò mò, muốn biết về bẫy thú rừng và vị trí đặt bẫy. Lân la, trò chuyện cùng ông Đinh Đũa ở thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) – người đóng trại, giữ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Thạch Khê (Hoài Ân), ông cho biết: “Vùng rừng quanh hồ, nhất là rừng sâu đầu hồ có nhiều bẫy thú rừng, được cài quanh năm. Chủ nhân của những chiếc bẫy là những người lạ mặt. Họ vào rừng với đủ lý do nhưng việc chính là đặt và thăm bẫy. Họ thường di chuyển bẫy theo địa hình vùng rừng và theo mùa. Họ vào rừng, rẽ, cắt rừng và ẩn rừng rất khéo, khó bám được họ”.

Ông còn chỉ cho tôi các lối phụ, đã thấy vài người mang thú từ rừng ra. Tôi hạ quyết tâm đón đầu người đánh bẫy để dò ngược đường tìm bẫy. Sau ba ngày cất công đón đầu, có lúc sáng sớm, lúc giữa trưa, chạng vạng, tôi vẫn không tìm ra bóng dáng một người đánh bẫy!

Được nhiều người mách: “Chỉ những “người ăn ong” mới biết rõ vùng rừng có bẫy thú. Vì họ băng nhiều rừng nên dễ gặp!”. Thế là, tôi tìm đến “thầy ong” Trần Thế Vinh ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ nhờ chỉ lối. Anh Vinh sẵn sàng nhập cuộc, bởi anh biết nhiều vùng rừng có bẫy và hiểu nhiều về người đánh bẫy.

Theo chân anh Vinh, giấu xe tại đỉnh đèo Bằng Lăng – nơi giao nhau giữa hai huyện  Phù Mỹ, Hoài Ân, đi bộ về hướng tây nam, vượt 15 km đường rừng, qua nhiều thác đá và những con dốc cao, chúng tôi đến được vùng rừng có nhiều bẫy thú – “rừng Ba Lăm”. Đi theo lối mòn rất mờ, anh Vinh chỉ cho tôi biết dấu vết rẽ lối của người đánh bẫy. Đó là vài cành cây bị vẹt xuôi theo chiều người đi, vài khóm cỏ rừng tan sương còn in nguyên dấu chân người, thỉnh thoảng vài ngọn lá bị gãy còn dính ở đầu cành, vài tàn thuốc lá dụi sâu vào kẽ đá gần hố nước, hoặc vài vệt máu thú rừng rơi rắc mà người đánh bẫy không xóa hết. Anh cho biết: “Sở dĩ người đánh bẫy rẽ lối, xóa dấu vết là vì họ sợ người khác thấy bẫy, phá hoặc thăm bẫy của họ. Họ đi và thường quay đầu nhìn lại thăm chừng. Nếu thấy có người theo, họ đánh lạc hướng hoặc ẩn rừng, cắt được đuôi, họ mới đi tiếp. Khi sắp ra khỏi rừng, họ quan sát rất kỹ. Nếu thấy có người, họ rẽ ra hướng khác!”.  Luồn lách, lòng vòng, anh Vinh đột ngột dừng lại: “Tới rồi! Bẫy đó! Tha hồ xem nhưng phải cẩn thận!”. Tôi dừng lại, ngỡ ngàng, lạ lẫm. Nhờ bộ dạng, ngôn ngữ của “người ăn ong” lạc rừng nên tôi và anh Vinh sớm gặp chủ nhân những cái bẫy. Sau một hồi “tán”, chủ nhân ma trận bẫy tiết lộ: tên N.V.T ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) và dẫn chúng tôi đến xem từng bẫy thú.

 

Một chú chồn dính bẫy tấp.

 

Đa dạng bẫy

Trong khoảnh rừng 300 m2, anh T lần lượt giới thiệu với chúng tôi nhiều loại bẫy và các cách cài. Chiếc bẫy đầu tiên đặt ở cửa ngõ ma trận bẫy là bẫy cạp dùng đánh bắt heo rừng và nai. Bẫy cũng được dùng đánh độc lập nơi các lối đi gần hố nước, bất cẩn vướng phải bẫy sẽ bị cạp nát chân. Ma trận bẫy này có 6 bẫy cạp, được ngụy trang bằng lá khô, rất kín. Loại bẫy thứ hai, đặt sau bẫy cạp là bẫy luồng dùng đánh theo luồng (bẫy cách bẫy 20-25 mét). Thú rừng thoát được bẫy cửa ngõ, vào trong sẽ đụng dây bẫy này. Bẫy thường dùng đánh bắt mang, gấu, nhím. Trong ma trận bẫy này, bẫy luồng chiếm 12 cái và cũng được ngụy trang bằng lá khô. Loại bẫy thứ ba, có trên 30 cái, đánh vòng cung khép kín ma trận bẫy là bẫy tấp. Bẫy nào cũng được phủ một lớp mỏng cỏ khô. Anh T cho biết, loại bẫy này dùng đánh bắt gọn bầy, đàn.

Bẫy trong ma trận bẫy tại rừng Ba Lăm (Hoài Ân).

Rừng giáp ranh của huyện Hoài Ân, Phù Mỹ rồi chạy dọc vào Cát Sơn, Cát Lâm (Phù Cát) vốn nhiều chim thú, môi trường sinh thái rừng rất cân đối. Nhưng, nếu vùng nào cũng có lượng bẫy và mật độ bẫy cài như rừng Ba Lăm, thì chắc chắn một ngày không xa, chim, thú rừng này sẽ không còn. Ông Trương Văn Phước ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, nhà ở cạnh đèo Bằng Lăng bùi ngùi, tiếc nuối: “Trước đây, chim, sóc vào tận đầu hè hót, kêu suốt ngày. Sáng sớm, gà rừng, cu đất gáy reo sau nhà. Mùa mưa, nai, mang theo lộc non chồi thấp, ăn tận đến vườn nhà. Có lúc heo rừng thong thả đến tự tình cùng heo nhà. Giờ chim, thú chẳng còn thấy đâu!”.

Nghỉ chân tại một khe suối, anh T thản nhiên kể: “Tôi đánh bẫy gần 10 năm, ngày được, ngày không. Ngày được thì được lớn, bù ngày không, vẫn còn có dư. Rừng có lắm thú như: heo rừng, nhím, chồn, nai, gấu, cheo, mang, tê tê, kỳ đà. Có năm, tôi bắt được cả trăm con, đủ loại. Có lúc còn bẫy, bắt được nhiều chim, gà rừng. Thú quí ở đây là nai và gấu ngựa. Năm ngoái, tôi bẫy được một con nai nhung, bán riêng cặp nhung được 15 triệu đồng”. Cũng theo T, rừng Ba Lăm này có sáu chủ bẫy. Mỗi chủ đánh từ 40-60 bẫy, đánh quanh năm vì quán ăn, nhà hàng rất khát thịt rừng!”.

Mặt trời xuống núi. Xuôi rừng Ba Lăm về Suối Lớn chảy xuống hồ Thạch Khê, anh T chỉ cho tôi nhiều bẫy cua đinh và bẫy rùa, chình. Men theo lối mòn băng qua các đồi tranh, thảm cỏ, anh còn chỉ cho chúng tôi nhiều bẫy sóc trên các lùm cây, bẫy chim cút được đan bằng dây dang đặt ngang các lối nhỏ giữa trảng cỏ. Một chiếc bẫy cung bằng lưới nhợ cắm ở trổ đi, giữa trảng tranh với bìa rừng, ai đó để quên. Và nhiều chiếc hầm, bẫy gà rừng được phủ bởi một lớp cỏ tranh mỏng. Anh còn cho biết, ở những trảng rừng thấp giáp ranh, nơi hố suối còn có loại bẫy ủ làm bằng lưới, dùng giật bắt chim bầy tắm, uống nước.

Hành trình tiêu thụ

Theo lời anh T., thú rừng dính bẫy được người đánh bẫy khéo léo chuyển, bán cho các đại lý thu mua ở địa bàn hai huyện Phù Mỹ, Hoài Ân vào những lúc vắng người, giữa trưa hoặc ban đêm. Hiện nay  ở hai huyện này có khoảng 9 đại lý lớn thu mua thịt thú rừng và gần trăm quán ăn, nhà hàng có món ăn từ thịt thú rừng. Từ các đại lý, thịt thú rừng tiếp tục đến các quán ăn, nhà hàng hoặc đến tay người tiêu dùng trong vùng. Nhiều đại lý còn tách riêng các bộ phận “độc” trong con thú như sừng, túi mật, vảy, ngọc dương bán riêng với giá rất cao. Họ cho biết giá thịt thú rừng chỉ tăng chứ không giảm. Hiện nay, thịt thú rừng chết, nguyên con, bán cho đại lý với giá cao (nhím: 250 ngàn đồng/ kg; mang: 170-180 ngàn đồng/ kg; chồn, heo rừng, cheo: 200 ngàn đồng/kg...).

Được một người bạn mời đến quán đặc sản Đông Hồ ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tại đây, tôi có dịp chứng kiến nhiều món rừng và nhu cầu dùng thịt rừng của thực khách. Mới nửa buổi chiều mà quán đã chật ních, đủ dạng người. Bạn tôi gọi hai món thịt rừng. Tôi hỏi: “Sao không dùng mực, tôm, cá?”,  thì nghe trả lời: “Cá tôm ăn hoài, đi quán, phải nhậu thịt rừng mới đẳng cấp!”. Thấy người ngồi bàn cạnh bên một mình, vẻ giản dị, dễ gần, tôi mời anh một ly, bắt chuyện. Anh vui vẻ: “Có chút việc nhờ vả đã xong, nay mời anh em đến quán làm vài món rừng, vài xị rượu ngọc dương đáp lễ. Hôm trước nhờ chuyện cũng ra đây, giờ xong việc cũng làm đôi chút cho mặn mà. Tí nữa các ảnh tới !”. Ăn uống xong, bạn tính tiền mà tôi chóng mặt, bởi giá bán quá cao so với giá gốc. Đã vậy, cậu bạn còn dặn chủ quán lúc nào có sừng nai hai gạc, điện bạn tới lấy làm quà biếu. Anh T.V.H ở xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ muốn tiếp đãi chu đáo ông chú từ Hà Nội vào, đã gọi điện hỏi thăm nhiều người về nơi bán thịt thú rừng. Còn chị L.T.L ở xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) có con gái bị ghẻ, chóc, không biết ai bày, chị chạy đôn, chạy đáo tìm mua con tê tê về giết thịt để lấy vảy đốt, xức. Tôi lắc đầu, khó hiểu. . .

  • Tấn Phước
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KỲ CUỐI: Trái tim tôi đã ở lại Trường Sa  (30/09/2011)
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển  (29/09/2011)
KỲ 2: Những ngày biển động  (28/09/2011)
Bám biển cùng ngư dân Bình Định  (27/09/2011)
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)