Khúc tráng ca ở vũng Lộ Diêu
23:13', 22/10/ 2011 (GMT+7)

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Màu nước biển ở vũng Lộ Diêu vẫn thăm thẳm xanh. Một màu xanh bất tận như mãi mãi khắc ghi thời khắc lịch sử khi con tàu mang số hiệu 401 vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn). Từ đó, khúc tráng ca về những người chiến sĩ quả cảm và những người dân kiên cường đã được cất lên, để rồi vang vọng mãi đến mai sau…

 

Vũng Lộ Diêu - nơi chứng kiến sự kiện tàu không số cập bến ngày 1.11.1964.

 

Ký ức xanh

Tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Tiện, người nhỏ tuổi nhất tham gia vận chuyển vũ khí từ tàu 401 lúc rạng sáng ngày 1.11.1964, ở TP Quy Nhơn. Ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lộ Diêu nhưng nghỉ hưu thì ở phố. Trước khi bắt đầu câu chuyện, ông xin phép được thắp một nén nhang lên bàn thờ cha - liệt sĩ Hồ Thuận, người được tổ chức bí mật giao nhiệm vụ đón tàu không số ở vũng Lộ Diêu. Và, cũng chính ông Thuận đã bàn bạc với các cán bộ ngay trên tàu 401 phương án đưa vũ khí vào bờ.

Ông Tiện bồi hồi kể lại: “Năm 12 tuổi, tôi thường theo ba ra vũng đánh lưới. Mấy đêm liền ba giao tôi ngồi canh lưới, phần ông thì mang đèn pin đi dọc bờ biển. Sau này tôi mới biết, ba đi bắt tín hiệu với tàu không số. Đến đêm thứ 5 thì tàu vào. Lúc đó cũng đã gần 4 giờ sáng. Con tàu lừng lững tiến vào vũng, càng lúc càng to dần. Hồi giờ ở làng biển của tôi đâu thấy con tàu to thế. Ba và tôi cùng lên tàu. Sau đó, tôi cũng tham gia vác súng, vác đạn cùng dòng người trong thôn đổ ra”. 

Theo lời kể của ông Tiện, tôi tìm về Lộ Diêu để gặp ông Phan Minh Hiến. Năm nay ông Hiến đã bước sang tuổi 71. Thời điểm tàu không số cập bến Lộ Diêu, ông là Trung đội trưởng dân quân, trực tiếp chỉ đạo công tác vận chuyển vũ khí từ tàu vào bờ. Ông Hiến hồi tưởng lại: “Được giao nhiệm vụ tổ chức đón tàu, chính tay tôi đã gióng mõ tập trung nhân dân Lộ Diêu để vận chuyển vũ khí. Tôi chỉ nói đó là tàu của mình, bà con lên vận chuyển hàng hóa vào bờ thôi, vậy là bà con mừng rỡ bắt tay vào việc ngay. Phụ nữ thì mang dây mang đòn gánh, các cụ già thì mang cuốc mang xẻng, thanh niên trai tráng thì tay không đi thẳng ra tàu”. Đồng lòng, đồng sức, nên 34 tấn vũ khí trên tàu đã được người dân Lộ Diêu nhanh chóng đưa vào bờ an toàn. Mãi rất lâu sau này, nhiều người dân Lộ Diêu mới hiểu được rằng, công việc mà họ đã góp công hoàn thành có ý nghĩa lớn lao cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng quê hương.

 

Những người dân tham gia vận chuyển vũ khí năm xưa trước Bia di tích lịch sử bến Lộ Diêu.

 

Cát bụi không thể xóa mờ

Hôm tôi về Lộ Diêu, trời bỗng nhiên hửng nắng sau ba ngày mưa dầm dề. Bí thư Chi bộ thôn Trần Văn Được giúp tôi tìm gặp những người đã trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí từ tàu không số lên bờ năm xưa. Có những người vốn là dân quân, du kích như ông Phan Minh Hiến, ông Trần Văn Đích, nhưng có rất nhiều người chỉ là dân chài như ông Trần Lụa, ông Phan Văn Thắm…

Ông Trần Văn Đích, nguyên là du kích thôn Lộ Diêu, giờ đã 65 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn. Tôi theo chân ông ra vũng Lộ Diêu, để được tận mắt nhìn thấy những địa điểm ghi dấu chân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong những ngày lịch sử ấy.

Nhìn từ xa, bờ biển ở vũng Lộ Diêu như một đường cong hình lưỡi câu, với móc câu là những tảng đá lớn trải từ mép biển vào bờ. Chính địa hình kín đáo ấy đã khiến vũng Lộ Diêu này trở thành một nơi trú ẩn khá lý tưởng cho tàu thuyền. Ông Đích chỉ cho tôi vị trí giữa vũng, nơi ngày xưa con tàu 401 neo lại để người dân ra vận chuyển vũ khí. Tôi theo ông đi dọc bờ biển, nơi người dân Lộ Diêu đã dùng cuốc, xẻng, thậm chí là bằng tay đào hầm để chôn giấu vũ khí. Nơi tập trung nhiều vũ khí nhất là bên bờ suối Ông Bồng, con suối chảy từ núi thẳng ra biển. Suối Ông Bồng nay đã bị người nuôi tôm “nắn” dòng chảy ngày càng gần với lăng Ông Nam Hải của làng chài Lộ Diêu. Lăng nằm quay lưng vào dốc núi, trước mặt là biển. Xung quanh lăng cũng là địa điểm cất giấu rất nhiều vũ khí. Vì lượng vũ khí quá lớn, bãi biển Lộ Diêu không thể chứa hết, bà con phải kéo dài phạm vi chôn giấu đến gần khu vực đèo Hà Ra (thuộc địa phận xã Mỹ Đức, Phù Mỹ). 

Bờ biển ở vũng Lộ Diêu chỉ là nơi chôn giấu vũ khí tạm thời. Ròng rã 3 ngày sau, bộ đội và những người có sức khỏe trong thôn Lộ Diêu và Phú Thứ (xã Mỹ Đức) tiếp tục đưa vũ khí lên các kho trên núi. Thời ấy, đường lên Hố Thùng (cũng thuộc địa phận xã Mỹ Đức) còn là đường mòn do những người đi rừng tạo ra. “Sau này tôi mới nhận ra, chỉ có ý chí và sự quyết tâm mới giúp chúng tôi vượt qua hàng tiếng đồng hồ đường rừng với vũ khí trĩu nặng trên vai. Giờ kho đạn cũ đã bị cây rừng vùi lấp, không còn đường lên”- ông Đích tâm sự. Tôi nhìn theo tay ông - bàn tay phải lành lặn còn lại - đang chỉ lên rặng núi sau thôn.

Theo chân người du kích từng hai lần bắn rơi máy bay Mỹ, tôi nhận ra rằng, hầu hết những địa điểm chôn giấu vũ khí ngày xưa giờ không còn vết tích. Song, cát bụi có thể vùi lấp dấu chân người, san phẳng những hố sâu, nhưng làm sao có thể xóa mờ ký ức về những tháng ngày lửa đạn hào hùng trong tâm trí người chiến sĩ cách mạng và người dân nơi đây…

 

Lăng Ông Nam Hải của thôn Lộ Diêu, một trong những địa điểm chôn giấu nhiều vũ khí.

 

Dưới những con sóng bạc đầu

Mặc dù tỉnh lộ 639 đã đi qua Lộ Diêu nhưng con đèo quanh co, trắc trở đã tách những mái nhà nhỏ núp dưới rặng dừa nơi đây với thế giới bên ngoài. Buổi chiều, những người tham gia vận chuyển vũ khí năm xưa đang nôn nao chuẩn bị đi dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, được tổ chức ở TP Quy Nhơn. Tôi lại nhớ tâm sự của ông Hồ Văn Tiện. 47 năm qua, ông chưa hề kể cho người bạn đời và ngay cả các con mình nghe về thời khắc lịch sử mà ông đã tham gia cho đến ngày ông nhận được giấy mời dự Lễ kỷ niệm. Những người già hiện còn sống ở Lộ Diêu cũng tâm sự rằng, đất Lộ Diêu có truyền thống cách mạng, người dân có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Cũng như nhiều chiến công khác, một thời gian dài sự kiện đón tàu không số ít được nhắc đến (một phần vì yêu cầu giữ bí mật cho con đường Hồ Chí Minh trên biển), cho đến khi bến Lộ Diêu được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005, rồi tấm bia di tích được dựng lên.

Chính vì vậy, thế hệ trẻ ở Lộ Diêu ít người biết đến sự kiện tàu không số cập bến Lộ Diêu. Giáo dục truyền thống địa phương, trong đó có sự kiện lịch sử ấy, là một việc làm rất cần thiết. Di tích lịch sử bến Lộ Diêu hoàn toàn có thể là một điểm đến trong những chuyến về nguồn của thanh niên, học sinh, xa hơn là đầu tư để trở thành một địa chỉ du lịch… 

Nửa thế kỷ - chừng ấy thời gian đủ sức làm phai mờ quá khứ. Từng lớp sóng vỗ bờ đã xóa hết dấu tích ngày xưa. Xác con tàu mang số hiệu 401 sau 3 ngày đêm bùng cháy như ngọn đuốc khổng lồ sáng bừng cũng đã hòa mình vào mênh mông sóng biển. Lớp người đi trước đã không lấy chuyện tải vũ khí ngày nào làm câu chuyện hằng ngày. Nhưng, hơn cả một tấm bia di tích nằm cạnh con đường ôm dọc bờ biển, 4 ngày đêm đầu tháng 11 năm 1964 vẫn mãi mãi là một dấu son không thể phai mờ nơi rẻo cát Lộ Diêu, neo giữ trong trang sử hào hùng của đoàn tàu không số trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, và cả trong tâm tưởng của thế hệ mai sau…

“Chúng tôi rất cảm phục tinh thần của bà con”

Trước khi thực hiện bài viết này, tôi đã được nghe những lời tâm sự của ông Võ Ngọc Rôm, một chiến sĩ từng vào Nam ra Bắc cùng đoàn tàu không số năm xưa, hiện đang sống ở TP Quy Nhơn. Ông Rôm là thủy thủ trên 8 chuyến tàu không số, trong đó có 2 chuyến đi khảo sát, 6 chuyến trực tiếp chuyên chở vũ khí, hàng hóa. Ông xúc động nói: “Trong những năm tháng lênh đênh cùng đoàn tàu không số, tôi đã nhiều lần được trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận tinh thần quả cảm, những đóng góp và hy sinh thầm lặng của người dân ở những nơi tàu cập bến. Những bà má ngồi đan lưới hằng đêm để chờ tàu trong mưa lạnh, những em nhỏ bì bõm nơi cửa biển ôm từng cây súng vào bờ… Đoàn tàu không số sẽ chẳng bao giờ lập được chiến tích, nếu không có sự đồng lòng trợ giúp của đồng bào. Chúng tôi rất cảm phục tinh thần của bà con”.

  • Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ngôi nhà Quy Nhơn” cho các nhà khoa học là giấc mơ cuối cùng…  (16/10/2011)
Ẩn họa giữa đại ngàn  (02/10/2011)
KỲ CUỐI: Trái tim tôi đã ở lại Trường Sa  (30/09/2011)
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển  (29/09/2011)
KỲ 2: Những ngày biển động  (28/09/2011)
Bám biển cùng ngư dân Bình Định  (27/09/2011)
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)