Đó là lời chúng tôi mượn của học trò thôn Chánh Oai (xã Cát Hải, Phù Cát) khi chỉ tay về hướng trường mình trả lời khách hỏi. “Phía trước” là bao xa chắc các em tính được. Nhưng nói như vậy cho các em thêm sự tự tin, bởi nếu tính quãng đường hun hút phía trước là… ngán đi!
|
Học sinh Hải Giang vượt núi đến trường.
|
Thầy Võ Văn Quốc, giáo viên dạy Văn của Trường THCS Cát Hải, cho chúng tôi hình dung về hành trình đến trường của học sinh mươi, mười lăm năm trước: “Thời cấp 1 tôi học tại cụm trường thôn Tân Thắng, một phân hiệu của Trường PTCS Cát Hải. Từ nhà ở Tân Thắng đến điểm chính của Trường khoảng 8 cây số, phải vượt qua đèo Chánh Oai. Mỗi năm tôi chỉ đến trường này 2 lần để nhận phần thưởng. 4 giờ sáng là tôi bắt đầu đi, cứ cắm cúi đi, vì sợ ngẩng lên nhìn đoạn đường xa sẽ nản lòng. Lên cấp 2, phải qua học ở điểm chính, khổ nhất là mùa mưa, con suối dưới chân đèo Chánh Oai thành dòng sông chảy xiết, để tránh nước lũ, chúng tôi phải đi vòng lên đường rừng. Lên cấp 3, học ở Trường THPT Phù Cát 2 cách nhà 18 cây số. Con đường đến trường cứ hiu quạnh dần vì bạn bè trang lứa rơi rụng theo từng năm học…”.
Đó là chuyện của thế hệ trước, bây giờ, tuy không còn ngập ngụa cùng bùn đất, băng rừng, lội suối, song con đường đến trường của các em vẫn rất nhọc nhằn…
Hành trình “cõng” chữ
Đèo Chánh Oai, gần chính ngọ. Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Văn Tư, Trần Ngọc Cư (là học sinh lớp 6A1, Trường THCS Cát Hải) đang gò lưng đẩy xe đạp về nhà. Ngay cả khi đã xuống cuối đèo, 3 cậu nhỏ vẫn chăm chỉ dắt, không dám xổ dốc. “Ba má dặn, lên dốc cố dắt chứ đừng cưỡi, đạp mạnh đứt dây sên không có tiền thay; cũng không được xổ dốc vì lỡ đứt thắng, đâm vô núi, vô bụi” - Tư kể trong hơi thở hổn hển, liên tục đưa tay quệt mồ hôi chảy ròng ròng trên má.
“Trời nắng đi học còn đỡ chứ mùa mưa khổ lắm, mới 5 giờ sáng đã phải dậy đi học, lạnh “teo bô ri”, nhiều bữa vội không kịp ăn cơm nguội, dắt xe không nổi” - đến lượt Hùng bổ sung. “Lạnh nhằm nhò gì, mùa mưa ớn nhất là vụ đá lăn, vừa đi phải vừa canh chừng né đá”, thằng Cư nói. Tôi ngó lên dãy núi đá lừng lững chạy dài, nhìn những hòn đá tảng bám ơ hờ bởi hiện tượng phá rừng, xói lở, nghe nỗi ớn lạnh chạy dọc sống lưng!
|
Những bóng áo trắng liêu xiêu trên đèo Chánh Oai.
|
Trường THCS Cát Hải đóng tại thôn Tân Thanh - trung tâm xã. Cát Hải chỉ có 4 thôn, đã đi vào thơ bởi nét “vẽ” rất tài tình của nhà thơ bản địa Khổng Vĩnh Nguyên: “làng cõng trên lưng ba đèo gió cát”. Để đến trường cấp 2 này, chỉ học trò Tân Thanh là đỡ vất vả, còn học trò ở thôn Tân Thắng, Chánh Oai phải gò lưng vượt qua đèo Chánh Oai, bên kia học trò Vĩnh Hội cũng phải qua đèo Vĩnh Hội để đến trường, mỗi thôn cách điểm trường chừng 7-8 cây số. Tờ mờ sáng, đã thấy trên các đỉnh đèo lố nhố bóng áo trắng nhỏ choắt, liêu xiêu, đứa cuốc bộ, đứa còng lưng đẩy xe đạp đến trường.
Nhưng nỗi khổ vượt đèo đến trường của học sinh cấp 2 ở Cát Hải chỉ là “chuyện nhỏ” nếu so với muôn vàn cái khổ và tốn kém của anh chị chúng. Cát Hải không có trường cấp 3, muốn học lên THPT, học sinh Cát Hải phải vượt hơn 15 km đèo dốc ra tới Cát Minh hoặc xuôi lên Cát Hưng, Cát Tiến. Con trai thì cha mẹ còn bạo gan cho ở nhờ, thuê trọ học, còn con gái hầu hết đi về trong ngày. Ở Cát Hải, 5 giờ rưỡi sáng đã phải đi học, gần 1 giờ chiều mới về đến nhà, còn giờ học buổi chiều thì về đến nhà là tối mịt. Trên đường về nhà nhá nhem tối đó, nữ sinh Cát Hải còn đối diện với một nỗi sợ hãi khác: “Bọn thanh niên choai choai đi biển về, hay nấp vào bụi cây, khúc cua, đèo dốc để chọc ghẹo, đùa ác, nhát ma, có ý đồ xấu… Mấy đứa nhỏ toàn phải chạy dạt vô xóm núp, gọi điện ba má hoặc nhờ dân phòng dẫn về nhà” - bà chủ quán ăn bình dân ở Tân Thanh, cũng là người mẹ thấm thía nỗi khổ có 3 đứa con ngày ngày vất vả đến trường, lo âu than thở. Dẫu chưa xảy ra vụ cưỡng bức nào nhưng những vụ rượt đuổi tán loạn, thất kinh hồn vía là chuyện thường của nữ sinh Cát Hải.
Đường Quy Nhơn - Sông Cầu, bất kể mưa nắng, dưới bóng cây, vệt cỏ ven đường, lại thấy dăm ba đứa trẻ ngồi túm tụm, lấm lem áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ, vẻ mặt mỏi mệt, đích thị là học trò Bãi Xép (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) - những đứa trẻ quá giang chuyên nghiệp.
Bãi Xép hiện có 46 học sinh cấp 2 đang học tại Trường THCS Ghềnh Ráng, tất cả đi về trong ngày bằng nhiều cách: quá giang, đi bộ, xe đạp, xe buýt. Lớp anh chị chúng - 36 học sinh cấp 3 hoặc đi về trong ngày hoặc thuê trọ theo học các trường cấp 3 trong thành phố. “Bãi Xép có gần 200 em đang đi học, mỗi năm con số bỏ học cũng hơn chục, tình hình này kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa thể khắc phục được”- Khu vực trưởng khu vực 1 Bùi Minh Chương cho biết.
Ở TP Quy Nhơn, không chỉ riêng Bãi Xép, mà học sinh ở nhiều khu dân cư khác như Hải Giang, Hải Minh, Phước Mỹ… cũng đối mặt với những nhọc nhằn trên đường đến trường. Cách đây chưa lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Ngô Đức Tình, từng tâm sự: “Nhìn các em học sinh ở Hải Giang lội suối, trèo đèo đến trường, chúng tôi cũng rất đau lòng. Người dân nhiều lần kiến nghị lên xã xin kinh phí xây cầu qua con suối nhỏ trên đường đi học của các em. Tuy nhiên, thôn Hải Giang nằm trong dự án quy hoạch di dời để xây dựng khu du lịch, nên không thể xây cầu kiên cố được”.
Tiếp sức cho học trò
Ông Lê Biên Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Ghềnh Ráng cho biết, làm thế nào để trợ giúp học sinh đến trường dễ dàng hơn là trăn trở chung của nhà trường và chính quyền địa phương. UBND phường Ghềnh Ráng đã có chủ trương sẽ hỗ trợ 70.000 đồng/em/tháng cho học sinh ở xa. Tuy nhiên, đến nay, chủ trương này vẫn chưa thực hiện được vì chưa bố trí được nguồn kinh phí. Chính quyền địa phương và ngành giáo dục TP Quy Nhơn cũng đã có kiến nghị với Xí nghiệp xe buýt sắp xếp lại lịch chạy, tạo điều kiện cho học sinh đi học. Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa được đáp ứng.
|
Sau giờ tan trường, học sinh ở Bãi Xép lại tập trung dưới chân đèo Quy Hòa quá giang về nhà.
|
Tại xã Cát Hải, trước nhu cầu thực tế, người dân đã bỏ tiền ra mua xe khách cũ để chuyên chở học sinh đi học. Tuy nhiên, mức giá khoảng 15.000 đồng/ 2 lượt đi về vẫn khá cao, nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Có trường gần để các em đỡ vất vả là khát khao cháy bỏng của người dân Cát Hải”- ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, tâm sự.
Mang theo “khát khao” của người dân, chúng tôi đến “gõ cửa” Sở GD-ĐT thì được biết, theo quy hoạch mạng lưới trường học của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 sẽ xây mới 3 trường THPT ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ), Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và Cát Thành (Phù Cát). “Như vậy, khi 2 trường THPT ở Nhơn Hội và Cát Thành được xây xong, học sinh ở Cát Hải và các xã ở khu đông Phù Cát sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn để được đến trường gần”- ông Trương Văn Khải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT, cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, chia sẻ rằng, nhiều năm qua, một trong những trọng tâm công tác của Hội là hỗ trợ các em có nguy cơ bỏ học. “Hằng năm chúng tôi có chương trình hỗ trợ khoảng 600 học sinh có nguy cơ bỏ học trên địa bàn tỉnh với mức 500.000 đồng/em. Một phần trong khoản hỗ trợ này đã được các em sử dụng vào việc chi phí đi lại, ở trọ khi đi học xa. Ngoài ra, học bổng của tổ chức Đông Tây Hội ngộ cũng chú trọng đến đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học bằng việc tặng xe đạp và tiền ở trọ. Trước thực trạng đường đến trường còn nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ vận động các tổ chức, cá nhân, tranh thủ các nguồn tài trợ để hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động đưa đón học sinh đến trường ở những nơi có nhu cầu lớn” - ông Khanh khẳng định.
Đến bây giờ, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số học sinh phải đối mặt với những vất vả, nguy hiểm khi đến trường hằng ngày. Những biện pháp “tiếp sức” đã và đang thực hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm, với cơ quan chức năng, và cả những ai quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước…
|