Có ngót nghét 40 năm gắn bó với bóng đá Bình Định, trải qua nhiều thời khắc quan trọng với đội bóng đất Võ cùng không ít niềm vui và cả nỗi buồn, HLV Lê Thanh Huy đã chia sẻ những cảm xúc đó với Báo Bình Định…
|
HLV Lê Thanh Huy trên sân tập cùng đội U17 Bình Định. Ảnh: L.C
|
Chốt chặn đáng tin cậy
Sinh năm 1954 tại Mỹ Thọ, Phù Mỹ nhưng đến năm 1965, cả gia đình Lê Thanh Huy chuyển vào sinh sống ở Quy Nhơn. Năm 1969, vào lớp năng khiếu do Ty Thanh niên Bình Định mở, 3 năm sau ông được đưa lên đá cho đội Bình Định. Suốt từ đó đến khi treo giày (năm 1985), ông chuyên đá vị trí trung vệ thòng với nhiệm vụ bọc lót cho các hậu vệ, ngăn cản những pha xuống bóng của đối phương…
* Thông thường người ta thích chơi ở các vị trí tiền vệ, tiền đạo để được trải nghiệm cảm giác sung sướng khi ghi bàn, sao ông lại “đóng khung” mình trong vai trò một trung vệ?
- Từ khi được đưa lên đội Bình Định, tôi đã được xếp đá trung vệ và tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vị trí nào cũng có cái thú vị riêng của nó, nếu chúng tôi ngăn cản tiền đạo đối phương, không cho họ ghi bàn thì cũng có cảm giác hài lòng vì đã góp phần tạo nên thành công ở trận đấu đó. Bóng đá là môn chơi tập thể, ở đó cần mỗi cầu thủ phải hy sinh một phần cái tôi của mình vì nhiệm vụ chung nên tôi chẳng bao giờ so đo.
* Chơi ở vị trí nhạy cảm như vậy, ông có thường phải nhận thẻ phạt của trọng tài?
- Sau khi nghỉ thi đấu, tôi nhẩm tính lại thì suốt thời gian chơi bóng tôi chưa nhận chiếc thẻ đỏ nào, và chỉ nghỉ hai trận vì tích lũy thẻ vàng. Đó cũng là điều đáng tự hào!
Duyên thăng hạng
Mùa bóng năm 1995, đội Bình Định bị xử rớt hạng đội mạnh do phản ứng tiêu cực, không tham dự vòng play-off. Chỉ hai năm sau, HLV Lê Thanh Huy đã đưa đội bóng đất Võ trở lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Mùa giải 1998-1999, một lần nữa đội Bình Định lại xuống hạng, và cũng chính HLV Lê Thanh Huy là người giúp đội thăng hạng chỉ một năm sau đó…
* Trước khi được lãnh đạo Sở TDTT (cũ) giao nhiệm vụ dẫn dắt đội Bình Định “tìm đường” lên hạng Nhất ở mùa bóng 1996, ông chỉ chuyên tâm vào công tác đào tạo trẻ, vậy có áp lực nào hay không khi ngồi vào “ghế nóng”?
- Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm dẫn dắt một đội bóng thi đấu ở giải hạng Nhất, hạng Nhì, nhưng vì trong đội có rất nhiều học trò cũ nên tôi cũng tự tin nhận nhiệm vụ. Lãnh đạo Sở không tạo áp lực cho tôi, nhưng tôi hiểu sự kỳ vọng của các CĐV Bình Định nên cùng anh em cầu thủ làm việc cật lực để quay trở lại đấu trường đỉnh cao càng sớm càng tốt. May mắn là chúng tôi không để mọi người phải chờ đợi lâu.
* Nhưng vừa đưa được đội thăng hạng ông lại phải lui về làm trợ lý cho HLV Lê Đình Chính, ông có thấy bất công với quyết định này?
- Tôi nghĩ người ta làm gì cũng có nguyên nhân của nó, có thể họ muốn mời một HLV tài giỏi hơn để giúp đội đạt được thành công lớn hơn. Thế nên tôi vẫn vui vẻ với nhiệm vụ mới, mà trong thâm tâm tôi thì HLV Lê Đình Chính vẫn là người thầy của mình. Tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm huấn luyện trong thời gian làm việc chung với ông.
* Cũng vì lẽ đó ông đã nhận lời quay lại ghế HLV trưởng để giúp đội Bình Định trong chiến dịch thăng hạng lần 2?
- Đã là người Bình Định, nếu đóng góp được gì cho quê hương thì nên làm. Chính vì quan niệm như vậy nên tôi không ngần ngại nhận lời. Bên cạnh đó, thành công trong lần đầu tiên cũng giúp tôi vững tâm hơn. Đã theo nghiệp HLV, ai cũng muốn đương đầu với thử thách, càng gặp khó khăn thì những thành quả đạt được càng có ý nghĩa.
* Với cái duyên của mình, đã có không ít ý kiến cho rằng ông nên quay lại để giúp CLB SQC Bình Định thăng hạng…
- Lãnh đạo CLB SQC Bình Định đã hai lần đặt vấn đề với tôi về việc nắm đội và hướng đến mục tiêu trở lại V-League. Tuy nhiên, thời điểm đó con trai tôi là Lê Thanh Phương còn đang là cầu thủ của đội (hiện Thanh Phương mới về đầu quân cho CLB Khánh Hòa - NV) nên sẽ rất khó làm việc. Hơn nữa, tôi giờ đã có tuổi, lại xa môi trường bóng đá đỉnh cao nhiều năm nên có lẽ không còn phù hợp với công việc này. Dù vậy, nếu có thể tôi vẫn sẵn lòng đóng góp những ý kiến về chuyên môn.
* Đâu là thời khắc ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong nghiệp cầm quân của mình?
- Đó là lúc sau khi đội Bình Định giành quyền thăng hạng năm 1997. Nhiều CĐV đã ra đến đèo Bình Đê để đón đội bóng. Khi về đến Quy Nhơn, lãnh đạo tỉnh và ngành thể thao cùng đông đảo người hâm mộ đã chờ sẵn, các dàn đèn trên sân vận động Quy Nhơn đều được bật sáng để mọi người chung vui cùng đội bóng trong lễ mừng công. Khi đó, tôi nhận được rất nhiều lời chia sẻ, chúc mừng từ người hâm mộ…
Còn một kỷ niệm vui mà tôi nhớ mãi, đó là trước trận gặp An Giang (Bình Định thắng 9-2, vô địch hạng Nhất, giành quyền lên V-League - NV) trên sân Quy Nhơn cuối tháng 5.2001. Khán giả đến sân rất đông, đứng kín trước cổng A1 khiến tôi và cả đội không vào sân được, tôi phải nói: “Mọi người không cho chúng tôi vào, trong đó chỉ có đội An Giang thì có ai đá đâu mà xem”, khi đó người ta mới giãn ra cho chúng tôi vào.
|
Cùng đội Bình Định chuẩn bị cho một trận đấu trên sân Quy Nhơn vào năm 2002. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Cần mẫn với bóng đá trẻ
Từ năm 2001 đến nay, Lê Thanh Huy quay lại với công tác đào tạo trẻ. Trước đó, từ năm 1991 đến 1996 ông cũng góp phần cho ra lò nhiều lứa cầu thủ tài năng, phục vụ bóng đá Bình Định trong thời gian dài…
* Từng bỏ học Đại học để theo đuổi bóng đá, giờ ông có hối tiếc về quyết định của mình?
- Cuộc đời không ai biết trước được điều gì, nên khi đã lựa chọn con đường cho mình thì dù thế nào cũng phải theo đuổi đến cùng. Cha mẹ và hai chị ruột tôi đều là giáo viên, nên khi biết tôi mê bóng đá họ ngăn cản quyết liệt lắm. Nhưng tôi đã quyết chọn rồi thì họ cũng phải chịu thôi. Sau này, hai con trai tôi cũng thích bóng đá và tôi cũng để chúng thử sức với niềm đam mê của mình chứ không ép theo hướng khác. Tuy nhiên, với các học trò của mình, tôi luôn yêu cầu học hành nghiêm túc, vì nghề cầu thủ lắm rủi ro, lỡ có chuyện gì không thể thi đấu còn có chút kiến thức mà xoay xở cuộc sống.
* Thông thường, các HLV cho ra đời những “bản sao” của mình, vậy ông hài lòng về cậu học trò nào cũng đảm nhận vị trí trung vệ như mình trước đây?
- Hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Bình Định từ trước đến nay theo kiểu chuyền tay nhau, HLV đào tạo lứa này 1-2 năm lại chuyển lên cho HLV khác. Do đó, tôi không dám nhận những Minh Quang, Văn Đàn, Ngọc Bảo, Văn Dũng… là hoàn toàn do mình đào tạo. Tuy nhiên, ở vị trí trung vệ, tôi hài lòng với cách chơi của Trịnh Duy Quang (sau này khoác áo CLB Hoàng Anh Gia Lai - NV) và hiện nay là Nguyễn Văn Thụ (cầu thủ vừa góp mặt trong đội tuyển U19 Việt Nam tham dự Giải bóng đá U19 Đông Nam Á năm 2011 - NV).
* Trong những năm gần đây, công tác đào tạo bóng đá trẻ Bình Định chưa được quan tâm đúng mức, ông có cảm thấy buồn vì điều này?
- Thời nào cũng có những khó khăn riêng, điều quan trọng là mình phải biết khắc phục những khó khăn đó để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc. Có ngồi than thở mãi cũng thế thôi! Cũng vì vậy mà tôi luôn động viên các học trò nỗ lực nhiều hơn trong tập luyện, tạm quên đi những thiếu thốn hiện tại để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
|