LTS: Tháp tùng đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh đi thăm và làm việc tại 4 tỉnh Nam Lào và Thủ đô Viên Chăn, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, PV Báo Bình Định đã có dịp "mắt thấy tai nghe" về đất nước Triệu Voi yên bình, cổ kính và giàu lòng mến khách... Bắt đầu từ hôm nay, Báo Bình Định điện tử sẽ đăng loạt bài về những điều mà PV của Báo đã ghi nhận được trong chuyến đi này.
Kỳ 1: THÀNH QUẢ LỚN, NIỀM TIN ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH
Từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) đến trung tâm Pakse (Champasăk) - thành phố lớn thứ hai của Lào, với chiều dài gần 350 km, đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về tình hữu nghị Việt - Lào. Trên suốt hành trình, chúng tôi đã chứng kiến nhiều thành quả của tình đoàn kết thủy chung và sự hợp tác ngày càng keo sơn, bền chặt giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào.
|
Một đoạn đường 18B nối từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) đến thành phố Pakse
|
Đường lớn đã mở
Từ cửa khẩu Bờ Y, chúng tôi chỉ mất chừng 45 phút làm thủ tục xuất nhập cảnh, đi vào lãnh thổ nước Lào trên quốc lộ 18B. Đường 18B dài 113 km, được khánh thành vào ngày 19.5.2006. Con đường này được thực hiện bằng vốn vay của Việt Nam, trị giá 48 triệu USD, xẻ qua những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp và những ngọn núi cao chót vót. Hai bên đường, nhiều chỗ xuyên qua núi, với mái taluy dựng thẳng đứng, cao đến 70-80 m. Thi thoảng trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một vài bản làng của các bộ tộc Lào, với những ngôi nhà sàn nhỏ, nép mình dưới những cánh rừng nguyên sinh.
Anh Trạng - tài xế của Tổng Công ty PISICO, người thường xuyên đưa đoàn công tác của Tổng Công ty qua Lào khảo sát, xúc tiến các dự án đầu tư - cho biết: Có con đường này, tôi có thể đưa các anh qua 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trong một ngày bằng xe ô tô. Sáng các anh có thể ngồi uống cà phê ở thị xã Kon Tum, trưa đã ăn cá nướng bên dòng Mêkông tại thị xã Pakse (Lào), tối dạo chợ biên giới tại cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon (Thái Lan). Hành trình “xuyên ba nước” bằng ô tô trong một ngày như thế còn gì lý tưởng bằng...
|
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện (bên phải) ký kết chương trình hợp tác cho giai đoạn 2011-2016 với Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Sonsay Siphandone
|
So với Việt Nam, mật độ dân số ở các tỉnh Nam Lào khá thưa, chỉ khoảng 25 người/km2. Lâu nay, việc thiếu nguồn nhân lực và cảng biển đã trở thành lực cản làm chậm sự phát triển của vùng đất giàu tiềm năng kinh tế này. Từ khi tuyến đường 18B khánh thành, cửa khẩu quốc tế Bờ Y được mở rộng, hành lang Đông - Tây nối liền từ Thái Lan, qua Lào, đến Việt Nam ra biển Đông thông thoáng, đã mở ra cơ hội mới cho các tỉnh Nam Lào tăng tốc phát triển. Tuy chỉ mới khánh thành hơn 5 năm, nhưng con đường này đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Ngày trước, người dân Attapư, Sêkông, Salaval ví vùng đất mình đang sinh sống như một ốc đảo. Đường 18B mở ra cho họ sự thông thương ra tận biển Đông, cũng như đến mọi miền của đất nước Việt Nam. Nhờ giao thông thuận tiện, hiện nay mỗi ngày có hàng chục đoàn khách du lịch từ Việt Nam qua Lào, đến Thái Lan trên con đường này... Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư của Bình Định cũng như các tỉnh khác của Việt Nam đã đến tìm hiểu và triển khai các dự án đầu tư tại các tỉnh Nam Lào. Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ khi đường 18B khánh thành, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.500 - 2.000 lượt người qua lại cửa khẩu Bờ Y, phần đông họ là người Việt sang Lào làm ăn và du lịch. Trên đoạn đường từ cửa khẩu Bờ Y đến thành phố Pakse, chúng tôi bắt gặp khá nhiều chuyến xe khách của Việt Nam, mang biển số các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh… ngược xuôi đi lại.
|
Một góc thành phố Pakse
|
Thành quả của tình đoàn kết
Ở các tỉnh Nam Lào hiện có hàng chục dự án đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong đó, các DN Bình Định đã triển khai 11 dự án trên đất Nam Lào, với tổng vốn đầu tư trên 48,2 triệu USD. Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) là DN đầu tiên của Bình Định khởi động chương trình hợp tác với các tỉnh Nam Lào. Năm 1994, BIDIPHAR liên doanh với Xí nghiệp Chế biến dược phẩm Champasăk (Lào) thành lập Công ty Dược phẩm CBF, với tổng giá trị đầu tư 2 triệu USD. Từ sự khởi động này, các nhà đầu tư Bình Định đã triển khai tiếp nhiều dự án khác trên đất Nam Lào, như dự án trồng 5.000 ha cây cao su tại tỉnh Sêkông của Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt; dự án trồng 9.500 ha cao su và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần Công - Nông nghiệp Bình Định (BIDINA)… Đến nay, hai DN này đã thuê đất tại tỉnh Sêkông và trồng được trên 5.500 ha cao su, trong đó có gần 1.500 ha sẽ cho mủ vào đầu năm 2012. Tuy còn nhiều khó khăn, song các dự án trồng cao su và cây công nghiệp ở các tỉnh Nam Lào của các nhà đầu tư Bình Định bước đầu đạt kết quả tốt, củng cố sự quyết tâm và lòng tin cho nhà đầu tư, làm tiền đề cho việc triển khai tiếp các dự án sau này.
|
Dưới tán rừng cao su của Công ty BIDINA
|
Ngoài việc trồng cao su, tại các địa phương triển khai dự án, các nhà đầu tư còn tổ chức làm đường, xây dựng hệ thống nước tưới, lưới điện và giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Ngày trước, phần lớn người dân nông thôn ở Sêkông sống chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa, một năm sản xuất chỉ một vụ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Với các dự án trồng cao su, hàng ngàn thanh niên của tỉnh Sêkông đã có công ăn việc làm ổn định. Nhờ đó, từ một vùng đất nghèo nàn, cơ sở vật chất thiếu thốn, giờ đây Sêkông đã khoác lên mình một tấm áo mới, với những cánh rừng cao su ngút ngàn, đường sá đi lại thuận tiện... Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐQT Công ty BIDINA, tâm sự: Cây cao su được triển khai trồng tới đâu, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh phát triển đến đó. Để trồng 2.500 ha cao su, công ty đã làm nhiều con đường giao thông nối liền các bản làng, các trạm xá, trường học, khu dân cư…, vừa phục vụ việc trồng cao su, vừa phục vụ nhân dân trong vùng dự án. Chính sự quan tâm và đầu tư này mà nên người dân trong vùng dự án đã tin tưởng hoàn toàn vào các nhà đầu tư Bình Định, ra sức bảo vệ thành quả của các DN như chính bảo vệ thành quả lao động của mình.
Những thành quả đạt được của sự hợp tác đầu tư trong thời gian qua giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào đã tạo nên một dấu ấn Bình Định - Việt Nam ở nơi đây. Bên cạnh đó, tại các tỉnh Nam Lào còn có một dấu ấn khác của Bình Định đó là sự giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh bạn trên một số lĩnh vực như: đào tạo tiếng Việt, cấp học bổng cho sinh viên, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… Trong thời gian tới đây, dấu ấn Bình Định trên đất Nam Lào sẽ rõ nét hơn, khi chương trình hợp tác toàn diện giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào (giai đoạn 2011-2016) được hai bên triển khai.
Nói về sự hợp tác giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã đánh giá: Chuyến công tác đến các tỉnh Nam Lào lần này của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định đã đạt được thành công lớn. Thành công đó không chỉ là việc tạo cơ hội để các DN của Bình Định tìm hiểu và triển khai các dự án đầu tư tại đây, mà còn thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung.
Kỳ 2: Viên Chăn - thủ đô yên bình |