Chia tay các tỉnh Nam Lào, chúng tôi đến Viên Chăn, nơi được mệnh danh là thủ đô yên bình, nằm thoai thoải bên dòng Mêkông chứa nặng phù sa. Thủ đô của đất nước Triệu Voi đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp: cuộc sống diễn ra khá êm đềm, cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, con người hiền hòa, thân thiện...
|
Đại lộ Lan Xang, trục đường chính ở thủ đô Viên Chăn
|
Sự thân thiện, yên bình
Thủ đô Viên Chăn có diện tích gần 4.000 km2, chia làm 5 quận và 4 huyện trực thuộc, với gần 700 ngàn dân sinh sống. Tuy là trung tâm chính trị, kinh tế, du lịch, nhưng Viên Chăn không có dáng vẻ của một siêu đô thị mà vẫn giữ được sự hấp dẫn riêng của mình: cuộc sống yên bình, ít nhà cao, cây cối nhiều, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng chùa chiền...
Thủ đô Viên Chăn chỉ có 5 con đường lớn là: Lan Xang, Cay Xỏn Phôm Vi Hản, Xu Va Nu Vông, Sệt Thả Thi Rát và đường Sam Xẻn Thay. Tất cả các con đường này đều dẫn đến những địa điểm được coi là “tinh hoa” của nước Lào: Patuxay (Cổng chiến thắng), Thạt Luông (Biểu tượng của nước Lào)… Đại lộ Lan Xang, trục đường chính ở thủ đô Viên Chăn, có 6 làn xe, lề đường rộng, sạch sẽ và rợp bóng cây. Trên đường phố Viên Chăn chủ yếu có 3 loại phương tiện lưu thông đó là ô tô, xe tuk-tuk (giống như xe lam ở Việt Nam - một loại phương tiện vận tải hành khách công cộng thông dụng ở đây) và xe gắn máy. Nhưng nhiều nhất là ô tô. Lào không chủ trương đánh thuế cao xe ô tô nhập khẩu, giá ô tô ở đây rất thấp so với Việt Nam, nên nhiều người dân Viên Chăn có điều kiện sắm ô tô.
Người Lào nói chung và người Viên Chăn nói riêng đều hiền lành, không bon chen hay ganh đua. Hàng trăm năm qua, đạo Phật đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng của người Lào. Theo số liệu không chính thức, Lào có tới 1.400 ngôi chùa, riêng Viên Chăn đã có đến hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Trong số đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, như chùa Ông Tự, Vat Pra Kẹo, That Luang… Người Lào đến chùa không chỉ hành lễ, nghe giảng kinh Phật. Chùa ở Lào còn là trường dạy chữ, dạy kiến thức. Phần lớn thanh niên Lào trước khi lấy vợ đều phải đến ở chùa từ vài tháng đến vài năm.
|
Tác giả và các nhà sư Lào tại Vườn Chư phật
|
Tại Viên Chăn, chúng tôi đến viếng chùa Ông Tự, một trong những ngôi chùa lớn và quy mô nhất nước Lào, gắn liền với sự tích về vua Lào Thi Tha Lạt - sự tích ngợi ca và bảo chứng cho sức mạnh tôn giáo: Niềm tin về sự cảm hóa được lòng người. Sau khi làm lễ cung kính và tùy tâm, chúng tôi được sư thầy làm lễ "buộc chỉ cổ tay". Đây là một phong tục lâu đời mang đậm nét văn hóa của đất nước Triệu Voi, với mong muốn chúc phúc cho người được nhận lễ. Tại Viên Chăn, chúng tôi cũng đã đến thăm Vườn Chư phật, nằm cách trung tâm thủ đô 20 km về phía Nam. Đây là một quần thể gồm hàng trăm bức tượng đúc theo phật thoại mang dấu ấn đặc trưng của chùa chiền ở Lào. Khi đặt chân đến những nơi này, chúng tôi có cảm nhận cuộc sống của người Lào luôn yên bình và lòng người thì thư thái…
Không chỉ trong đời sống văn hóa, ngay cả trong các hoạt động giao lưu thương mại ở đây cũng diễn ra trong không khí khá nhẹ nhàng. Không chèo kéo, mồi chài mời mọc khách hàng, lại càng ít nói thách giá.... Dường như đó là một tính cách rất đáng yêu của người Lào, tạo cho du khách nước ngoài một cảm giác thoải mái khi bước chân vào các khu chợ ở Lào.
Đêm ở Viên Chăn
Chiều đến ở Viên Chăn thật êm ả. Các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa sớm trước khi thành phố lên đèn. Về đêm, thủ đô Viên Chăn thật ấn tượng. Các tuyến đường, các công trình kiến trúc đều được gắn đèn màu, cùng với những bảng hiệu điện tử quảng cáo với đủ màu sắc trông rất bắt mắt.
|
Ăn cá nướng, uống bia Lào bên dòng Mêkông về đêm ở Viên Chăn
|
Chúng tôi thuê một chiếc xe tuk-tuk với giá 200.000 kíp (tương đương 540.000 đồng Việt Nam), với thỏa thuận là đưa đi dạo phố đêm ở Viên Chăn từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya. Đường phố Viên Chăn đầu hôm rất nhộn nhịp, nhưng tầm 8-9 giờ tối đã vắng lặng, các hàng quán bán đồ ăn tối cũng đã thu dọn, kết thúc một ngày lao động. Đi dạo phố đêm ở Viên Chăn khá thú vị: không khí trong lành, không lo các tệ nạn xã hội…
Tầm 9 giờ đêm, Ly Vông, tài xế xe tuk - tuk, tiết lộ: “Ở Viên Chăn giờ này muốn giải trí thì phải vào vũ trường”. Ly Vông đưa chúng tôi tới vũ trường Na Xay. Vũ trường này rất nổi tiếng và dành riêng cho giới trẻ. Chúng tôi mua vé vào cửa. Mỗi vé giá 20.000 kíp (tương đương 54.000 đồng Việt Nam), đã kèm theo một chai bia Lào. Sàn nhảy khá nhỏ, bàn ghế cho khách ngồi được xếp xung quanh. Dàn âm thanh của vũ trường phát ra những giai điệu bằng tiếng Anh hết sức sôi động. Thi thoảng, từ giai điệu tiếng Anh lại chuyển sang tiếng Lào. Ly Vông bảo, vũ trường ở Lào rất ít thuốc lắc. Giới trẻ Lào đến vũ trường như đến một nơi giải trí lành mạnh. Viên Chăn về đêm tĩnh lặng, nên giới trẻ muốn tìm một chút ồn ào sôi động ở vũ trường.
Tầm 10 giờ tối, chúng tôi yêu cầu Ly Vông đưa đi ngắm cảnh sông Mêkông về đêm. Anh trả lời bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: Giờ này ra bờ sông Mêkông ăn cá nướng, uống bia Lào là tuyệt vời đấy! Con đường chạy dọc sông Mêkông đã trở thành đường du lịch nổi tiếng của Viên Chăn, với tên gọi Phố Tây, hay chợ đêm. Người Lào có thói quen kinh doanh là dù bận và đông khách đến mấy thì đúng 5-6 giờ chiều vẫn đóng cửa để... nghỉ ngơi. Vì thế, khi màn đêm buông xuống, Viên Chăn chỉ còn mỗi tụ điểm bán hàng đêm này là đông vui, nhộn nhịp. Tại đây hàng đêm có rất đông người đến để vừa thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Lào, vừa ngắm nhìn sang đất Thái. Bên kia bờ sông Mêkông, đất Thái Lan rực sáng ánh đèn, cảm giác rất gần như có thể chạm tay vào được.
|
Học sinh ở Viên Chăn trên đường đến trường
|
Phong cách uống bia của người Lào khiến cho du khách phải ngưỡng mộ. Họ chỉ uống duy nhất loại bia Lào và điều này đã làm cho chúng tôi khi đến Lào cũng chỉ uống mỗi bia Lào. Anh Ly Vông tỏ ra là người hiểu khá rành rọt về loại bia duy nhất của đất nước mình. Anh g iới thiệu: Bia Lào được ủ từ gạo Lài (loại gạo thượng hạng của Lào) và hoa bia, men bia, mạch nha nhập khẩu từ Đức. Bia Lào ra đời vào năm 1973, đã trở thành thương hiệu bán chạy nhất ở Lào, chiếm hơn 95% thị phần trên đất nước này. Quả thật, đi đến đâu trên đất nước này chúng tôi cũng thấy sự hiện diện của bia Lào, từ quán cóc, vỉa hè cho đến các nhà hàng sang trọng.
Đúng 11 giờ rưỡi khuya, các quán nhậu ở chợ đêm cũng dần đóng cửa. Sau 12 giờ, thủ đô Viên Chăn chìm trong giấc ngủ say. Ngoài đường phố hầu như không còn tiếng động cơ ô tô.
Viên Chăn rồi sẽ phát triển, dân số rồi sẽ đông hơn, nhưng tôi tin Viên Chăn mãi mãi là thủ đô thanh bình và thân thiện.
Kỳ 3: “Hồn Việt” trên đất nước Triệu Voi |