Săn cá niên
13:4', 13/11/ 2011 (GMT+7)

Món cá niên, ăn chung với rau dớn, lá lộc vừng vốn dĩ rất dân dã ở vùng rừng núi Bình Định đã trở thành món đặc sản ưa chuộng nơi phố thị. Giá cá niên vì thế cũng tăng vọt, có thời điểm lên đến 300 ngàn đồng/kg. Vì cái lợi trước mắt, không ít người đã dùng lưới, xung điện, thậm chí là thuốc nổ để đánh bắt…

 

Anh Đinh Văn Tuấn đang câu cá niên ở thác Đá Ghe, xã An Hưng.

 

Cá quý đầu nguồn

Được giới sành ăn ở An Lão giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Bổng, người được mệnh danh là “vua cá niên” thường trú ở thị trấn An Lão. Trong tiết trời se lạnh, ông Bổng trầm ngâm bên tách trà: “Chỉ còn đúng một tháng nữa là đến mùa cá niên. Loại cá này có nhiều từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Trước đây, vào thời điểm này, tôi đã chuẩn bị đồ đạc để vào mùa khai thác nhưng giờ bỏ nghề rồi. Vả lại, cá niên giờ còn nhiều đâu để mà câu…”. Cũng theo ông Bổng thì cá niên ở An Lão có nhiều nhất ở 2 khúc sông có tục danh là Cò Bay và Cổng Sâu - Cây Tràm vì ở đó có nhiều hốc đá, nước lại sâu nên những người thả lưới không thể đánh bắt được.

Câu cá niên thì việc chuẩn bị mồi câu rất quan trọng. Vào thời điểm tháng 11 đến tháng chạp, câu cá niên có thể dùng mồi là trùn đỏ (loại trùn chỉ). Nhưng khi bước vào tháng giêng đến tháng 2 (âm lịch) cá niên chỉ ăn duy nhất mồi bọ đá (thường nằm dưới những tảng đá dọc theo sông Vố). Từ tháng 3 đến tháng 4, cá niên lại thích ăn mồi sâu xanh (một loại côn trùng nhỏ như que tăm, thường có ở dưới các tảng đá hoặc gốc cây rù rì). Ông Bổng cho biết: “Tôi câu cá niên được nhiều bởi tôi rất hiểu đặc tính của loài cá này. Cùng một khúc sông nhưng tôi câu thì có cá còn người khác thì không. Kinh nghiệm cho thấy vùng nước nào khi quan sát thấy cá niên thường chao mình trắng bụng lên ăn mồi thì chắc chắn buông câu sẽ có cá”.

Câu cá niên là cả một nghệ thuật và đòi hỏi sự kiên trì. Do loài cá này chỉ tập trung ở những vùng thác nước nên khi buông cần người câu phải kéo cần qua lại để cá thấy mồi, đồng thời cảm nhận được cá đã ăn mồi hay chưa. Khi cá đã ăn mồi nếu nôn nóng giật cần thì coi như hỏng. Mép của cá niên vừa mỏng lại mềm nên khi giật cần mạnh tay sẽ rách mép và cá sẽ rơi lại xuống nước. Vì thế khi cá cắn câu, người câu phải để cho cá tự kéo lưỡi câu bơi vài phút, khi cá đuối sức thì mới nhẹ nhàng giật cần lên.

Bắt cá niên ngoài việc dùng cần câu, người H’re còn dùng “súng”. Súng bắn cá niên được làm khá đơn giản gồm: một thanh gỗ, trên đầu có buộc một giàn thun, mũi tên thường được làm từ tăm xe đạp hoặc kẽm gai. Người đi săn cá niên dùng kính lặn phía dưới những thác nước và khi phát hiện cá niên thì chỉ việc “lảy cò” để giàn thun kéo mũi tên lao về phía trước và ghim vào thân cá. Ông Bổng kể: “Cá niên dạn lắm, mình lặn xuống mà nó cứ bơi lượn lờ, tới lui trước mặt mình nên rất dễ bắn”.

 

Các món ăn được làm từ cá niên.

 

Cá niên thưa dần

Không chỉ có ở An Lão, cá niên còn có ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh và những vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tuy nhiên, theo giới sành ẩm thực thì cá niên ở An Lão là ngon nhất. Ngay cả ở An Lão thì cá niên sông Vố cũng được đánh giá là ngon hơn cá niên ở sông Nước Đinh. Thông thường cá niên được đem nướng, ăn chung với muối ớt và rau dớn hoặc dầm nát vào nước mắm ngon pha tỏi ớt. Người sành điệu thích nhậu cá niên nướng bóp chung với rau dớn, lá lộc vừng non cùng tợp rượu Bàu Đá. Cá niên có vị béo rất riêng và đặc biệt là vị đắng ngon ngót từ mật và ruột cá.

Cá niên có nét hao hao giống cá diếc, trên lưng cá niên có sọc đỏ. Cá niên chỉ sống vùng nước chảy xiết ở các thác nước. Ngay cả khi đẻ trứng, cá niên cũng đẻ giữa dòng, trứng bám vào đá đến lúc nở ra. Cá niên thường ăn các loại tảo, côn trùng bám vào đá.

Khi chúng tôi hỏi ông Bổng rằng tại sao cá niên có giá như thế mà ông lại bỏ nghề câu? Ông Bổng cười buồn: “Tôi bỏ nghề không phải vì già yếu, cũng chẳng phải vì hết cần tiền mà vì cá niên bây giờ không còn nhiều. Ngày trước, mỗi lần xách cần đi câu tôi có thể kiếm được 3-4kg cá, nhà ăn không hết phải đem phơi khô để dành ăn dần. Bây giờ câu cả ngày giỏi lắm chỉ được vài con. Vì giá cá niên hiện nay quá cao nên người ta không từ kiểu khai thác nào, từ thả lưới, xung điện thậm chí đánh cả thuốc nổ. Cá lớn chưa kịp sinh sôi, cá con chưa kịp lớn đã bị bắt sạch rồi”.

Theo chân anh Đinh Văn Tuấn, tôi làm chuyến câu cá niên ở An Hưng và được “mục sở thị” sự kiên trì của việc câu loại cá được ví von là “cá đại gia” ở vùng đại ngàn An Lão này. Công đoạn đi tìm mồi câu đã khó, việc quan sát để tìm địa điểm có cá niên để buông câu lại càng cực hơn. Anh Tuấn cho biết: “Hôm nay rảnh rỗi tôi đi câu với hy vọng kiếm vài con cá về gia đình ăn, mấy ngày trước tôi cũng đi câu cả ngày mà chẳng có con nào, cá niên ở An Lão bây giờ gần hết rồi…”.

Chúng tôi vào quán ăn T.M do ông M.M làm chủ và được chủ quán mở thùng đá cho chúng tôi xem, cá niên được ướp khá nhiều. Mỗi kg được bỏ trong một hộp xốp để đáp ứng nhu cầu của thực khách tại quán và cả đưa đi các tỉnh khác. Tôi hỏi: “Quán thường có cá niên không?”, ông M.M đáp: “Lúc nào cũng có, nguồn cá ở quán này chủ yếu là do những người thả lưới và xung điện cung cấp”.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở An Lão đã tìm cách ngăn chặn vấn nạn dùng lưới điện để “chích” cá và cả dùng thuốc nổ để đánh bắt. Nhưng những người chuyên đi chích cá bằng xung điện vẫn không từ bỏ công việc mà chuyển sang hoạt động vào ban đêm. Rõ ràng giữa rừng núi bao la, cơ quan chức năng khó mà phát hiện, ngăn chặn được hết vấn nạn này. Vì thế, hàng ngày cá niên vẫn bị khai thác một cách không thương tiếc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Bổng cho hay: “Ngày xưa chúng tôi câu cá thì chỉ câu được các loại cá lớn. Những con cá nhỏ vẫn tiếp tục lớn lên và sinh sôi, nảy nở. Bây giờ người ta dùng đến xung điện, thuốc nổ thì gần như là diệt tận gốc. Cá lớn không sống nổi đã đành, cá nhỏ cũng tiêu luôn”.

 

Cá niên đóng hộp để chuyển đi địa phương khác.

 

Vĩ thanh

Tôi thử gõ cụm từ “cá niên” trên khung tìm kiếm của google đã cho ra khoảng 31,9 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến cá niên. Chừng ấy thôi cũng đủ thấy món ngon cá niên-rau dớn được “phủ sóng” đến mức độ nào và đi kèm với nó là nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Hôm tôi đi công tác An Lão để tìm hiểu về cá niên, anh bạn thân dặn dò: Nghe nói món cá niên ở An Lão ngon và đặc biệt lắm, mày đi lên đó nhớ kiếm một ít về nhậu chơi nhé. Lời dặn của người bạn và những chú cá niên bé tẹo nằm la liệt trong những hộp xốp ở quán ăn T.M dồn tôi vào thế lựa chọn. Xót xa cho một loại cá sắp đi vào dĩ vãng, tôi đã quyết định không mua. Đã đến lúc các cơ quan chức năng ở An Lão phải mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn khai thác cá niên kiểu hủy diệt này. Đừng để mai này những người già phải nói với đời sau rằng: Hồi ấy, An Lão mình nhiều cá niên lắm! 

  • Bài: CÔNG TÂM
  • Ảnh: HOÀNG NAM QUỐC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KỲ 3: “HỒN VIỆT” TRÊN ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
KỲ 2: VIÊN CHĂN - THỦ ĐÔ YÊN BÌNH  (12/11/2011)
Hành trình trên đất nước Triệu Voi  (10/11/2011)
“Tôi không hối tiếc khi chọn bóng đá”  (06/11/2011)
Trường học ở phía trước…  (30/10/2011)
Khúc tráng ca ở vũng Lộ Diêu  (22/10/2011)
“Ngôi nhà Quy Nhơn” cho các nhà khoa học là giấc mơ cuối cùng…  (16/10/2011)
Ẩn họa giữa đại ngàn  (02/10/2011)
KỲ CUỐI: Trái tim tôi đã ở lại Trường Sa  (30/09/2011)
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển  (29/09/2011)
KỲ 2: Những ngày biển động  (28/09/2011)
Bám biển cùng ngư dân Bình Định  (27/09/2011)
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)