Hành trình trên đất nước Triệu Voi:
KỲ CUỐI: ẤN TƯỢNG VỀ ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI
13:27', 13/11/ 2011 (GMT+7)

Một tuần lễ lưu lại đất Lào là thời gian không dài, song đất nước Triệu Voi đã để lại trong lòng chúng tôi rất nhiều ấn tượng đẹp. Có thể nói, ấn tượng sâu đậm trong mỗi chúng tôi về đất nước này là những khoảnh khắc trôi đi chậm rãi, là nhịp sống bình yên, là sự thân thiện và mến khách, là điệu múa Lăm vông uyển chuyển, tình tứ...

 

Những cái bắt tay nồng ấm nghĩa tình của chủ nhà với các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh Bình Định

 

1. Khi đoàn xe chúng tôi bắt đầu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, vào lãnh thổ nước Lào, ông Phạm Thanh Quế, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Bình Định, người rất am hiểu phong tục và luật pháp nước bạn, nhắc nhở anh em lái xe: “Đường ở bên này đẹp, vắng người nhưng phải đi đúng làn đường của mình, đừng có bóp còi. Dân Lào chấp hành luật giao thông nghiêm túc lắm”.

Quả thật, điều chúng tôi thấy ấn tượng từ lúc đặt chân sang nước bạn Lào là người dân tham gia giao thông rất nghiêm túc và tuân thủ luật. Người Lào đi lại từ tốn, khiêm nhường. Không có tình trạng người đi bộ, đi xe máy hay ô tô đột ngột chạy tắt qua đường. Các đường tắt, đường ngang... dù các phương tiện tham gia giao thông trên đường ưu tiên đang ở xa, họ vẫn dừng lại chờ đợi rồi mới qua. Điều đáng nói là ít khi nghe tiếng còi xe và ít thấy cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm việc trên đường. Những lúc đoàn công tác của chúng tôi được bố trí xe cảnh sát dẫn đoàn, khi đi qua các con phố, các tuyến đường thì tất cả người và phương tiện tham gia giao thông đều dừng lại ngay bên phải phần đường của mình để chờ đoàn đi qua...

Cùng với tính tự giác và ý thức chấp hành Luật Giao của người Lào, thì hệ thống biển báo, biển hiệu ở Lào khá rõ ràng, chuẩn xác, cũng đã giúp cho người lái xe chủ động xử lý. Ở những khúc cua, trước khi qua cầu, tại ngã ba, ngã tư… đều có biển báo từ xa. Chính những chuẩn mực này đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tai nạn giao thông ở đây. Và thực tế là trong suốt thời gian đi lại trên đất nước Lào, chúng tôi không gặp một vụ tai nạn giao thông nào.

 

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc, do các bạn Lào biểu diễn tại buổi tiệc chiêu đãi đoàn của tỉnh Champasak

 

2. Trong thời gian ở thăm và làm việc trên nước bạn Lào, chúng tôi đã đi, đã gặp và có chung một cảm nhận là nhịp sống ở đây cứ chầm chậm trôi đi một cách yên bình. Đất nước Lào bắt đầu một ngày mới khá trễ, hầu hết các công sở đều mở cửa lúc 8 giờ sáng. Khoảng 9 giờ, các cửa hàng, cửa hiệu mới mở cửa và đến khoảng 16-17 giờ là đóng cửa, khép lại một ngày làm việc. Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày tết người dân nơi đây tạm gác hầu hết các công việc để dành thời gian vui chơi.

Phần lớn các nhà hàng, quán ăn mà chúng tôi vào, đều có chung phong cách phục vụ: thủng thẳng, không vội vàng, cho dù khách có đông. Cũng vì thế mà khi gặp những “quý khách” nóng vội thường dễ mất lòng. Tuy nhiên, nhà hàng rất chu đáo và tươm tất trong việc phục vụ. Các món ăn Lào, như gà rán sốt chanh được chiên giòn cùng với mùi cơm nếp thơm phức để sẵn trong giỏ mây có nắp, rồi lạp thịt gà, rau xào xanh mượt và những ly bia Lào bọt trắng vàng tràn qua miệng ly... trông rất hấp dẫn. Dù khó tính, nóng vội đến mấy quý khách cũng khó lòng mà từ chối.

Ngay cả khi chúng tôi bước vào chợ cũng không nghe tiếng lao xao, chao chát, không có sự ồn ã mời chào. Chỉ thích là cứ thoải mái xem, không mua thì thôi, bỏ đi mà không sợ bị lườm nguýt sau lưng. Một người bạn Lào gốc Việt bảo tôi: “Nếu muốn phân biệt ai là người dân ở đây và ai là người Thái Lan sang, anh không thể nghe tiếng nói, bởi họ nói gần như giống hệt nhau, đồng thời sử dụng ngôn ngữ của nhau một cách thuần thục. Cách duy nhất là nhìn vào cách nói chuyện, cách cư xử, và cả cách chào nhau trên phố”. Thật thế, người Thái sôi nổi và tự tin bao nhiêu, thì người Lào lại hiền hòa và khép kín bấy nhiêu. Anh Lê Hùng Dũng, Việt kiều sinh sống hơn 15 năm tại Pakse, cho biết: “Từ ngày qua đây sinh sống cho tới nay, tôi ít thấy cảnh người Lào cãi cọ hay gây gổ với nhau”.

 

Một quán ăn của người Lào ở Sêkông

 

3. Trong những ngày làm việc với các tỉnh Nam Lào, đến bất cứ tỉnh nào chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp trọng thị và chân tình. Những cái bắt tay nồng ấm nghĩa tình của chủ nhà đã làm cho mọi người trong đoàn công tác đều xúc động.

Trong thời gian ở các tỉnh Nam Lào, giữa các cuộc hội đàm và ký kết văn bản hợp tác, các tỉnh bạn đều mở tiệc chiêu đãi đoàn. Các thành viên trong đoàn đều được tham gia các lễ hội cầu may, chúc phúc, múa Lăm vông và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, do các đoàn nghệ thuật của nước bạn biểu diễn. Trong men rượu Lào ngất ngây, bất chợt tiếng nhạc vang lên, điệu múa Lăm vông mở ra cùng lời của những bài hát Việt thiết tha, ấm nồng, rạo rực. Cảm giác đắm say tình hữu nghị Việt - Lào càng khiến không gian nơi đây thêm thơ mộng. Các thành viên của đoàn khách quý được các thiếu nữ Lào xinh đẹp và duyên dáng trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc, mời tham gia nối vào vòng tròn Lăm vông vô tận. Ánh mắt trong ánh mắt, vòng tay đối vòng tay, dịu dàng uốn lượn…

Dường như, khoảng cách giữa con người hai bên biên giới không hiện hữu nơi đây. Việt Nam - Lào tuy hai mà một, khắng khít, ấm nồng, chứa chan tình cảm. Các chàng trai trong đoàn công tác của Bình Định bập bẹ mấy câu tiếng Lào: “Noọn ngăm lai” (Em đẹp lắm), “Ai hắc noọn !” (Anh yêu em)… khiến những cô gái Lào thẹn thùng cúi mặt trong điệu Lăm vông, má ửng hồng đầy mê hoặc, đắm say…

 

Một góc chợ Sáng - ngôi chợ lớn nhất ở Viên Chăn

 

4. Đêm trước ngày đoàn ra về, ai nấy đều lưu luyến đất nước Triệu Voi thanh bình và thân thiện. Đã hơn 12 giờ đêm, bác sĩ Trần Đình Phương (Ban Bảo vệ sức tỉnh), vẫn còn đứng trên tầng 3 của khách sạn Vientiane Plaza ngắm thủ đô Viên Chăn lần cuối trước khi chia tay.

Sáng hôm về nước, chúng tôi thức dậy khá sớm, uống cà phê ngay tại khách sạn Vientiane Plaza, nơi chúng tôi đang ở. Quản lý khách sạn này là người Việt, qua Lào sinh sống hơn 10 năm nay. Biết chúng tôi là đồng hương, mới qua từ Việt Nam, ông chọn cho chúng tôi vị trí ngồi khá lý tưởng để tiện ngắm thủ đô lúc bình minh.

Cà phê Lào thì tuyệt vời, đa số được trồng từ cao nguyên Boloven màu mỡ ở Nam Lào. Người Lào thích uống cà phê đậm và ngọt, vì thế thường cho thêm sữa đặc vào cà phê. Thật thú vị khi chúng tôi biết rằng, cà phê mình đang uống là thương hiệu hàng đầu ở xứ Triệu Voi và được xây dựng từ tay một Việt kiều - bà Lê Thị Lượng. Công ty Dao Heuang của bà Lượng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, năm 1992 tham gia sản xuất cà phê với nhãn hàng “Dao coffee” và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu của Lào…

Chúng tôi lên xe về nước mang theo những ấn tượng đẹp về đất nước Triệu Voi. Đến cửa khẩu Den Savanh (tỉnh Savanakhet, Lào), anh Khăn Muôn Mun, công an ở Trạm Công an cửa khẩu Den Savanh đã bắt chặt tay từng người trong đoàn, chúc mừng sức khỏe, rồi vui vẻ vẫy tay chào... Tấm lòng của người dân Lào là thế, thật đơn sơ, mộc mạc, trong sáng như núi rừng. Cuộc sống của họ dẫu còn thiếu thốn, nhưng trên môi luôn nở nụ cười…

Tạm biệt đất nước Triệu Voi, tạm biệt những người bạn Lào quý mến.

Hẹn gặp lại!

  • Bài, ảnh: NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Săn cá niên  (13/11/2011)
KỲ 3: “HỒN VIỆT” TRÊN ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
KỲ 2: VIÊN CHĂN - THỦ ĐÔ YÊN BÌNH  (12/11/2011)
Hành trình trên đất nước Triệu Voi  (10/11/2011)
“Tôi không hối tiếc khi chọn bóng đá”  (06/11/2011)
Trường học ở phía trước…  (30/10/2011)
Khúc tráng ca ở vũng Lộ Diêu  (22/10/2011)
“Ngôi nhà Quy Nhơn” cho các nhà khoa học là giấc mơ cuối cùng…  (16/10/2011)
Ẩn họa giữa đại ngàn  (02/10/2011)
KỲ CUỐI: Trái tim tôi đã ở lại Trường Sa  (30/09/2011)
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển  (29/09/2011)
KỲ 2: Những ngày biển động  (28/09/2011)
Bám biển cùng ngư dân Bình Định  (27/09/2011)
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)