“Mỗi năm đại gia đình tôi xuất bán
35 - 40 tấn cá lóc thương phẩm, lãi trên 1 tỉ đồng”- lời khẳng định chắc nịch
của ông Đinh Tiến Dũng (ở khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn) đã thôi thúc
chúng tôi về Hoài Nhơn để chứng kiến người dân xứ Dừa đang “ăn nên làm ra” từ
con cá lóc…
|
Anh Bùi Ngọc Ánh đang
cho cá lóc ăn.
|
Những người “mở
lối”
Phải mất khá nhiều thời gian đi lại,
“năn nỉ”, chúng tôi mới vào được tận nơi để tìm hiểu cặn kẽ nghề nuôi cá lóc
thương phẩm của 14 hộ dân ở vùng 4, khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn. Đã hơn
10 năm qua, từ khi bắt đầu thả nuôi thử nghiệm lứa cá đầu tiên, các chủ hộ nuôi
cá lóc ở đây không đồng ý cho bất cứ người lạ nào vào khu vực hồ nuôi của họ. Lý
do quan trọng nhất là người nuôi phải đảm bảo không khí yên tĩnh cho cá sau khi
ăn. Nếu cá giật mình vì một tác động nhỏ nào bên ngoài, chúng sẽ dồn lại theo
bản năng, rồi cắn lẫn nhau, giảm khả năng tăng trưởng, gây tổn thất.
Tại “thủ phủ” cá lóc Trung Lương,
ông Đinh Tiến Dũng, 61 tuổi, được coi là “tổng quản”. Tích lũy kinh nghiệm từ
những năm tháng rong ruổi mưu sinh nơi đất khách quê người, năm 1999, ông Dũng
về quê với 10.000 con cá lóc giống từ An Giang. Đây là chìa khóa khởi nghiệp để
“làng cá lóc” Trung Lương phát triển mạnh như ngày hôm nay. Trung Lương chính là
làng nuôi cá lóc bằng hồ nổi phủ bạt đầu tiên ở huyện Hoài Nhơn.
Tất cả 14 hộ nuôi cá lóc ở Trung
Lương đều là người nhà và bà con thân cận của ông Dũng. Ông có trách nhiệm quán
xuyến chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc, phát hiện và chữa trị kịp thời các loại dịch
bệnh cho cá. Đến kỳ xuất bán sản phẩm cũng như chọn mua cá giống, ông cũng là
người tiên phong chịu trách nhiệm chính. Khi các chủ vựa cá lóc thân cận của ông
ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum cần hàng gấp, lượng cá của ông không đủ cung cấp,
ông chia sẻ và sang mối tiêu thụ lại cho các chủ hồ nuôi ở Hoài Tân, Tam Quan,
Hoài Châu… Đồng thời, ông cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết nuôi cá lóc
thương phẩm cho nhiều người ngoài “đại gia đình” của mình.
Cũng là một trong những người mở lối
cho nghề nuôi cá lóc thương phẩm, nhưng ông Lê Sinh, 52 tuổi, ở thị trấn Tam
Quan, lại gặp khá nhiều trở ngại. Ông Sinh nhớ lại: “Trước khi bắt tay vào nuôi
cá lóc, tôi đã vào tận miền Tây học hỏi. Năm 2002, từ vốn kinh nghiệm lận lưng, tôi
bắt đầu thả nuôi lứa đầu tiên với 20.000 con cá giống. Lúc này ở địa phương chỉ
có mình tôi nuôi cá lóc. Ai cũng nói, cá lóc là loại quen sống tự nhiên, sao mà
nuôi được. Chính những người thân trong gia đình cũng không ủng hộ. Qua những
tháng ngày vừa cật lực làm việc vừa lo lắng, cuối vụ tôi thu hoạch được 7,2 tấn
cá thương phẩm. Lứa cá lóc đầu tiên của tôi rất đồng đều, nặng trung bình 0,9 -
1,1 kg, được bán với giá 48.000 đồng/kg. Lần đầu, tôi thực lãi 160 triệu đồng,
từ đó mới mạnh dạn truyền nghề cho bà con xung quanh”...
|
Khi cá đạt trọng lượng
0,8-1,1kg, người nuôi nên nhanh chóng “xả hồ”.
|
Đến những “triệu phú cá
lóc”
Từ quy mô gia đình ở Trung Lương,
nghề nuôi cá lóc trong hồ phủ bạt đã phát triển nhanh ở nhiều nơi trong huyện
Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Quan, cho biết:
“Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn thị trấn Tam Quan có đến 36 hộ dân đầu tư
nuôi cá lóc thương phẩm. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi đợt
nuôi như hộ các ông: Nguyễn Xuân (ở khối 7), Phan Văn Tám (khối 3), Mai Văn Đời
(khối 8)…”.
Còn tại xã Hoài Tân, anh Bùi Ngọc
Ánh (45 tuổi, ở xóm 2, thôn Đệ Đức 2) được coi là người thành công nhất trong
nghề nuôi cá lóc. Khi bước vào ngõ nhà anh Ánh, chúng tôi đã chú ý ngay đến 6 hồ
cá lóc ngăn nắp và sạch sẽ, trung bình mỗi hồ có diện tích khoảng 40m2. Bên
trong hồ, đàn cá lóc bông suông nổi lên chực mồi dày đặc, vẫy đuôi tung nước
trắng xóa tưởng chừng như không còn khoảng trống nhỏ nào đặt vừa bàn chân. Anh
Ánh cho biết, đây là đợt nuôi thứ 3 trong năm nay, để đề phòng thiệt hại do bão
lũ và giá thức ăn tăng cao, anh chỉ thả nuôi 13.000 con cá bột giống, ít hơn đợt
trước 7.000 con.
Vừa bưng két thức ăn đổ xuống hồ cho
đàn cá háu ăn rào rào mặt nước, anh Ánh vừa chia sẻ với chúng tôi những kinh
nghiệm thu được sau hơn 8 năm đeo đuổi loại cá vốn dĩ gắn bó với ruộng đồng này.
Anh Ánh khẳng định: “Nếu nắm vững kỹ thuật và chủ động được nguồn thức ăn dài
hạn thì nuôi cá lóc không khó. Hồ nuôi phải làm thật kỹ, thường xuyên xử lý nước
trong suốt quá trình nuôi. Dù là loại ăn tạp, nhưng khi nước trong ao bẩn thì cá
ăn rất ít, dẫn đến lãng phí mồi và không đảm bảo được mức tăng trọng của cá.
Ngược lại, nếu chưa chuẩn bị được nguồn thức ăn sẵn trong ngày thì không nên
thay nước, để hạn chế hiện tượng cá lớn nuốt cá bé. Với cá giống, đặc biệt phải
chọn được con giống tốt có nguồn gốc rõ ràng, loại bỏ một số cá lóc đồng, cá lóc
đen, cá lóc đầu to lẫn vào”.
Hiện nay, thức ăn cho cá lóc chủ yếu
vẫn là các loài cá mồi tươi, ngoài ra còn có các loại thực phẩm khô và rau
muống. Nếu muốn đổi khẩu vị cho cá thì nên tạm dừng cho ăn một đến hai bữa, sau
đó mới cho cá ăn nguồn thức ăn khác. Anh Ánh hay tận dụng thức ăn thừa của cá,
nấu chín cho đàn heo, gà ăn. Nhờ vậy, đàn heo, gà của gia đình anh rất chóng
lớn, chắc thịt, được giá.
Từ khi bước vào nuôi thử nghiệm đến
nay, trung bình hằng năm anh Ánh thả nuôi 3 đợt, mỗi đợt từ 15 đến 18 ngàn con
cá giống. Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì ổn định đàn heo thịt từ 35 đến 40 con,
đàn gà từ 1.500 đến 2.000 con. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán từ 8 - 10 tấn cá
lóc, 10 - 12 tấn thịt heo và hàng trăm kg thịt gà; trừ các khoản chi phí, mức
thu nhập của gia đình anh trên 200 triệu đồng/năm.
Anh Ánh chia sẻ: “Để thành công với
cá lóc thương phẩm, người nuôi phải nhạy bén. Thời gian nuôi một lứa cá lóc
thường chỉ hơn 4 tháng. Lúc này cá đạt trọng lượng 0,8-1,1kg, nếu người nuôi
không nhanh chóng “xả hồ”, cá càng lớn ăn càng dữ, giá bán lại giảm do thị
trường không chuộng, ắt sẽ lỗ nặng. Ngoài ra, còn phải có kiến thức để phát hiện
và xử lý nhanh các triệu chứng dịch bệnh thường xảy ra như: bệnh lở loét, mốc
trắng, bạc da, cong mình…”.
|
Mỗi năm có hàng trăm tấn
cá lóc ở Hoài Nhơn xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
|
Hướng đến phát triển bền
vững
Khi chúng tôi đề cập đến nghề nuôi
cá lóc, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn
huyện Hoài Nhơn rất hào hứng. Ông cho biết, nghề nuôi cá lóc thương phẩm trong
hồ phủ bạt ở Hoài Nhơn đã mang lại thu nhập lớn cho người nông dân. Hằng năm,
hàng trăm tấn cá lóc bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh (nhất là các tỉnh Tây
Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế). “Tuy nhiên, chúng
tôi cũng rất cẩn trọng trong khuyến khích và nhân rộng mô hình này, bởi trước
mắt đầu ra cho sản phẩm còn bị tư thương chèn ép, giá cả không ổn định, nguồn
thức ăn bấp bênh và luôn biến động gây không ít khó khăn cho người nuôi trong
khâu hoạch toán chi phí đầu tư”- ông Công tâm tư.
Một điều đáng quan tâm hơn nữa, đó
là vấn đề ô nhiễm nước thải từ các hồ nuôi. Ở Trung Lương, nước thải từ 14 hộ
nuôi tập trung xả ra làm tươi tốt cho vùng trồng cỏ cho bò nên được người dân
ủng hộ. Trong khi đó, tại thị trấn Tam Quan, nước thải xả ra ruộng, nông dân
than trời vì cây lúa “quá sung”, chỉ tốt thân mà không chịu trổ bông. Một số hồ
nuôi nằm giữa khu dân cư đổ nước thải tràn lan ra môi trường, gây bức xúc trong
cộng đồng dân cư.
Vì vậy, để phát triển bền vững nghề
nuôi cá lóc thương phẩm ở Hoài Nhơn, trước hết cần có một quy hoạch tổng thể
mang tính lâu dài, hạn chế dần sự phát triển tràn lan, hướng người nuôi vào khu
tập trung để chăn nuôi thâm canh, tận dụng nguồn nước thải để phát triển trồng
trọt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần có những đợt tập huấn kỹ thuật,
định hướng cho người nuôi thay thế dần nguồn thức ăn sống bằng thức ăn chế biến
từ các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, bắp, cám gạo… Có vậy mới chủ động được
chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế rủi ro, tăng nguồn thu nhập ổn định cho người
nuôi…
|