Gian khổ không lùi bước, khó khăn không nản lòng, bước chân lặng lẽ của hơn 1.923 cộng tác viên dân số in dấu ở tất cả các ngõ ngách, xóm làng. Lương không có, chế độ bồi dưỡng hằng tháng không đủ một bữa chợ, nhưng họ vẫn âm thầm làm cầu nối đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến với từng người dân.
|
Vận động phụ nữ Bana ở huyện Vân Canh sử dụng biện pháp KHHGĐ.
|
“Ông (bà) dân số”
Chân dung của các cộng tác viên dân số được phác họa đơn giản: Họ là những con người rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, có thể là một chị cán bộ phụ nữ, nhân viên y tế thôn... Họ tự nguyện làm công tác bằng cả tâm huyết của mình. Người dân chỉ gọi họ độc một cái tên “ông dân số”, “bà dân số”.
“Muốn vận động chị em đình sản, phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, rồi lựa cách tiếp cận, nói chuyện. Đã dấn thân vào nghề này thì không được tự ái, phải có tinh thần “sắt” và áp dụng chiêu “nhất lý, nhì lì” thì mới làm được”, chị Đinh Thị Hà, cộng tác viên dân số làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh đã mở đầu câu chuyện về công việc của mình như thế. 9 năm nay, chị Hà là nhân viên y tế, kiêm cộng tác viên dân số của làng. Ở vùng cao, người dân còn mang nặng tư tưởng “đông con, đông của”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”... Từ ngày kiêm nhiệm công việc dân số, chị Hà dành thời gian để tìm hiểu từng hộ gia đình, đời sống của bà con trong thôn… Hành trang của chị là cuốn sổ chi chít thông tin về những gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn - những nhà chị sẽ đến vận động họ “kế hoạch”.
Chị tâm sự: “Phải vận động nhiều lần, nói nhẹ, có lý, tâm tình sao cho thấm, cho lọt lỗ tai. Với người chịu nghe, chịu hiểu thì chỉ cần vài ba lần thuyết phục, nhưng người không muốn nghe thì khổ lắm!”.
“Đàn ông nói chuyện vòng vèo, sinh đẻ nó... kỳ kỳ thế nào ấy!”, đó là tâm sự ngày mới vào nghề của anh Phạm Cao Đức, cộng tác viên dân số thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Anh Đức là bí thư chi đoàn thôn, thuộc hàng mạnh miệng, nhưng lúc đầu hễ nói chuyện chị em đi đặt vòng hay thay vòng lại lúng túng.
Chuyện những đấng “mày râu” vượt qua khó khăn, trở ngại ban đầu để gắn bó với công tác dân số không phải là hiếm của xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Chị Tôn Thuý Hồng, chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Sơn, khoe: “Với hơn 23.000 nhân khẩu, dân số của xã Phước Sơn đã xấp xỉ bằng một huyện miền núi. Toàn xã có 38 cộng tác viên dân số thì đã có đến 8 nam. Đặc biệt, trong số này, có những người đã ở tuổi “cổ lai hy”. Phụ nữ làm công tác dân số còn gặp trở ngại, huống hồ là đàn ông, thế nên họ luôn cố gắng”.
Gần 30 năm nay, người dân Phụng Sơn, xã Phước Sơn quá quen với hình ảnh ông Hồ Hữu Nghĩa ngày ngày cưỡi chiếc Win cần mẫn đến từng nhà để tuyên truyền. Ông chẳng ngại ngần hướng dẫn người dân cách sử dụng biện pháp tránh thai, ngồi hàng giờ cùng các ông chồng quyết làm thay đổi tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hay lặn lội đưa chị em đến trung tâm y tế đặt vòng. Nhưng bà con phục nhất là chuyện ông vận động các cặp vợ chồng trong thôn đi đình sản.
Ông Nghĩa tâm sự: “Để vận động cho bà con hiểu cái lợi của việc đẻ ít là vô cùng khó. Nhưng hồi ấy, phong trào KHHGĐ làm mạnh lắm. Những năm 90, lãnh đạo xã còn tậu luôn chiếc xe 16 chỗ ngồi, giao đứt cho tui cứ 2 ngày/chuyến đưa chị em xuống BVĐK tỉnh đình sản”.
Sau đó, khi chương trình dân số triển khai phương pháp đình sản bằng một loại thuốc mới, chị em trong thôn ngần ngại không tham gia, để dân tin ông Nghĩa về nhà rỉ rục, tỉ tê để vợ đi “làm” trước. “Đận ấy, thôn Phụng Sơn có 16 chị em theo vợ tui làm dịch vụ này”, ông Nghĩa cười vui.
|
66 tuổi, tóc giờ đã bạc, ông Hồ Hữu Nghĩa vẫn ngày đêm bền bỉ với công việc.
|
Lấy tiền nhà để làm… dân số
Ngoài sự nhiệt tình, các cộng tác viên dân số phải vận dụng cả sự hiểu biết, kiên trì, uy tín của mình mới hoàn thành được nhiệm vụ. Họ là những người được mọi người gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với một mức thù lao rất khiêm tốn.
66 tuổi, gần 30 năm gắn bó với công tác dân số, tóc giờ đã bạc, nhưng ông Nghĩa vẫn bền bỉ với công việc. Hôm gặp chúng tôi, bà Dương Thị Đào, vợ ông, bảo: “Mấy lần tui cũng nói ổng lớn tuổi rồi làm in ít thôi. Nhưng ông đâu có nghe. Bây giờ, ổng làm đủ thứ việc làng, việc nước… nhưng toàn lấy tiền vợ đổ xăng xe”.
Có thể nói không ngoa rằng với những bước chân không mỏi trong gần 30 năm, ông Nghĩa đã trở thành một kho tư liệu sống của làng. Không ai tìm hiểu về thôn Phụng Sơn mà không tìm đến ông. Hỏi chuyện dân số của thôn, ông Nghĩa làm một lèo: toàn thôn có hơn 800 hộ, với 1.300 nhân khẩu. Tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi là 82 người, trẻ em dưới 5 tuổi là 45 cháu, đã có 79 người thực hiện KHHGĐ…
Làm cộng tác viên dân số gần 20 năm của thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, anh Bùi Văn Hải, cười như… mếu mỗi khi có ai hỏi về việc anh mang tiền nhà đi lo việc KHHGĐ cho người dân trong thôn. Anh Hải nói không có đồng nào e không đúng. Chức cộng tác viên dân số của anh mỗi tháng được hưởng phụ cấp 50.000 đồng, xã Phước Sơn nằm trong danh sách triển khai đề án dân số biển nên anh được hưởng thêm 50.000 đồng nữa. Số tiền phụ cấp 100.000 đồng/tháng không đủ tiền xăng xe chở chị em vào bệnh viện huyện làm KHHGĐ. Anh nói: “Tui làm dân số, kiêm nhân viên y tế thôn, rồi vật lộn với mấy sào ruộng kiếm tiền làm mấy cái vụ đó, chớ lương hướng có đồng nào đâu. Nếu mình chờ kinh phí ở trên rót xuống cho đủ mới hoạt động thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Cộng tác viên không bám sát địa bàn động viên, nhắc nhở thường xuyên thì không khéo dân cứ đẻ tù tì còn nguy hơn nữa”.
Còn chị Hà tính ra mỗi tháng được trợ cấp 50.000 đồng. Nhưng chị em người Bana nghèo lắm, tiền đâu đi xe, mà đi bộ ra bệnh viện huyện ở thị trấn Vân Canh cách 8-9 km thì hết ngày hết buổi. Vậy nên vợ chồng chị tình nguyện làm xe ôm không công cho chị em.
|
Chị Đinh Thị Hà (thứ 3 từ trái sang) vui vì công sức của mình bỏ ra đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
- Trong ảnh: Chị Hà trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp tại buổi gặp mặt truyền thống 50 năm công tác DS-KHHGĐ của huyện Vân Canh, ngày 23.12.2011.
|
Niềm vui giản dị
Vận động KHHGĐ còn khó hơn đi cày, đi cấy. Vào buổi tối, cộng tác viên mới tìm đến từng cặp vợ chồng tỉ tê trò chuyện, động viên chị em sinh ít, đẻ thưa. Lắm lúc, họ phải chịu đòn vì đến vận động có khi bị phản ứng quyết liệt, sỗ sàng. Nhưng, cùng với những vất vả, nhọc nhằn, các cộng tác viên dân số vui bởi công sức và sự hiểu biết nhỏ bé của mình đã giúp nhiều người thay đổi được nhận thức để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
6 năm liền Hà Văn Trên không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên. Nhưng chị Đinh Thị Hà bảo vui nhất là lứa trẻ của làng giờ đã biết sinh ít con, để tập trung làm kinh tế, nuôi dạy con cái. Chị vui vì công sức của mình bỏ ra đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Còn ông Nghĩa cũng nghiệm ra rằng, làm dân số khác nào “làm dâu trăm họ”. Bởi vận động đã khổ, chuyện kế hoạch “xuôi chèo mát mái” thì không sao, lỡ có trục trặc kỹ thuật là dân bắt vạ. Nhưng, ông tâm niệm: “Tiếng cười của những đứa trẻ ngoan, khỏe được nuôi dưỡng lớn lên bởi một gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc chính là phần thưởng, là niềm vui lớn và rất đáng tự hào của những người làm cộng tác viên dân số”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nhấn mạnh: Trong thành công giảm sinh gần đạt mức sinh thay thế của công tác DS-KHHGĐ trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của lực lượng cộng tác viên dân số ở cơ sở. Họ đã cống hiến thầm lặng, bằng trái tim vì cộng đồng, giàu nhiệt huyết. Họ tình nguyện gắn bó với công việc; có nhiều cách làm hay, sáng tạo; làm việc không mệt mỏi… |
|