Nhiều năm nay, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (TP Quy Nhơn) được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến nhờ nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng cao sản xuất bằng công nghệ cấy mô, góp phần tạo nên năng suất, sản lượng trồng rừng vượt trội. P.V Báo Bình Định đã trò chuyện với bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Nguyên Hạnh, về công việc của mình.
|
Bà Phan Thị Hạnh (bên trái) kiểm tra sự phát triển của cây keo lai cấy mô. Ảnh: Nguyễn Hân |
* Đi đầu trong sản xuất giống lâm nghiệp bằng công nghệ cấy mô
Sau nhiều cuộc điện thoại bị từ chối vì bận rộn công việc, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được bà Phan Thị Hạnh tại cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp của bà ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước). Đây là cơ sở nuôi cấy mô tư nhân đầu tiên ở tỉnh ta, rộng gần 3 ha, chuyên sản xuất nguồn cây giống trồng rừng chất lượng cao bằng công nghệ sinh học. Hàng năm, cơ sở này sản xuất hàng triệu cây keo lai, bạch đàn lai bằng phương pháp cấy mô, cung ứng cho việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh bạn như: Đắc Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa…
Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô là lĩnh vực khá mới và phức tạp. Để tạo ra nguồn giống tốt đòi hỏi người thực hiện phải hiểu biết cao về công nghệ cấy mô và có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu nhân giống. Vì sao bà lại chọn lĩnh vực này để sản xuất, kinh doanh?
- Tôi vốn theo học ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Đà Lạt, lại đã có 6 năm làm việc ở phòng nuôi cấy mô của một trung tâm nghiên cứu khoa học của tỉnh. Qua nhiều năm theo dõi, tôi nhận thấy, ở tỉnh ta, hiệu quả sản xuất từ việc trồng rừng không được cao, nguyên nhân là do hầu hết nguồn giống đưa vào trồng rừng chủ yếu được ươm từ hạt hoặc bằng phương pháp giâm hom. Do nguồn giống không tốt, qua nhiều năm đưa vào sản xuất, giống bị thoái hóa, dẫn đến năng suất trồng rừng thấp. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh khác, người dân đã đưa giống cấy mô vào trồng rừng và đạt năng suất cao gấp mấy lần ở tỉnh ta. Từ đó, tôi ước mơ tự mình tạo lập một cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp cấy mô, nhằm cung ứng cho người trồng rừng trong tỉnh.
Cuối năm 2004, tôi thành lập DNTN để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Sau đó, tôi thuê đất ở xã Phước Thành, đồng thời, mượn vốn của người thân để đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô với diện tích 580 m2, cùng vườn ươm giống cây con rộng 3 ha.
|
Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô của DNTN Nguyên Hạnh. |
Bước vào thực hiện việc nhân giống bằng phương pháp cấy mô, bà gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
- Bắt đầu vào công việc ươm tạo giống, tuy tôi nắm khá kỹ các quy trình kỹ thuật, nhưng vẫn gặp một số khó khăn. 3 mẻ đầu ươm giống cây bị chết hàng loạt, tưởng đâu tôi đã phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau khi rút kinh nghiệm, thay đổi công thức pha chế thuốc kích thích ra rễ… cuối cùng, tôi cũng thành công. Hiện nay, tỉ lệ cây giống ươm bằng phương pháp cấy mô đã sống đến trên 90%. Hàng năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên dưới 6 triệu cây keo lai, bạch đàn lai cấy mô các loại.
Bà có thể cho biết ưu điểm của giống cây cấy mô so với cây giống được giâm bằng hom hoặc trồng từ hạt?
- Ưu điểm của các giống cây cấy mô so với các giống sản xuất bằng phương pháp giâm hom là rất sạch bệnh, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trên thực tế, thời gian qua, các giống cây cấy mô có sức chống chịu trước gió bão tốt hơn so với các giống giâm hom, nên được người trồng rừng lựa chọn nhiều.
Trên diện tích trồng rừng 1 ha, nếu mua giống bạch đàn ươm từ việc giâm hom sẽ tiết kiệm được 1-1,5 triệu đồng so với giống bạch đàn cấy mô. Thế nhưng, với giống mô, sau 4-5 năm, người trồng sẽ có những cánh rừng bạch đàn chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Còn nếu dùng giống giâm hom thì phải 7-8 năm sau bạch đàn mới có thể khai thác, dẫn đến lãng phí đất, công chăm sóc và nhất là vốn đầu tư. Chất lượng cây của 2 loại giống cũng rất khác biệt. Nếu bạch đàn được trồng bằng cây giống hạt cho thu hoạch 70-80 tấn dăm/ha thì 1 ha rừng bạch đàn cấy mô lại cho thu hoạch 90-120 tấn dăm. Tính ở mức thấp nhất, người trồng rừng bằng giống giâm hom bị thiệt hại 20 tấn dăm gỗ/ha. Hiện nay, giá 1 tấn dăm gỗ keo, bạch đàn là 850 ngàn đồng. Như vậy, người trồng rừng bị thiệt hại 16-20 triệu đồng/ha.
|
Bà Phan Thị Hạnh (người đứng đầu tiên bên phải) kiểm tra sự phát triển của cây lâm nghiệp trong vườn ươm. |
* Sẽ chuyển giao kỹ thuật ươm giống cây keo lai cho người dân
Đến thăm cơ sở của bà Phan Thị Hạnh, chúng tôi thấy quy trình tác nghiệp được quy định hết sức nghiêm ngặt. Bà Hạnh đã huấn luyện và yêu cầu cán bộ kỹ thuật, công nhân tuân thủ từ những động tác đơn giản đến phức tạp nhất như tiệt trùng dụng cụ, pha chế dung dịch, vào mẫu, ra cây… Nhờ thế, tỉ lệ cây cấy ra vườn sống rất cao. Ngoài việc trả lương cao, để công nhân làm tốt công việc, làm hết năng lực của họ, DNTN Nguyên Hạnh còn tạo điều kiện để công nhân góp cổ phần vào doanh nghiệp. Hiện nay, DNTN Nguyên Hạnh được Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở NN-PTNT) mời tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn gói thầu chuyển giao kỹ thuật ươm giống cây keo lai nuôi cấy mô cho người dân các địa phương trong tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và hạ giá thành cây giống, phục vụ công tác trồng rừng ngày càng tốt hơn.
Việc chuyển giao kỹ thuật ươm giống cây keo lai nuôi cấy mô cho người dân sẽ góp phần giải quyết được vấn đề gì, thưa bà?
- Trước đây, công tác sản xuất cây keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô mới ở giai đoạn thử nghiệm, số lượng cây sản xuất mỗi năm còn rất hạn chế, giá thành sản phẩm lại khá cao. Trong khi đó, công nghệ giâm hom cây keo lai đang rất phát triển, giá thành cây keo lai giâm hom sản xuất ra thấp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, số lượng cây giống keo lai cấy mô được sản xuất ra hàng năm ngày càng tăng, giá thành ngày càng hạ. Còn cây keo lai giâm hom thì dần bộc lộ những nhược điểm như dễ gãy đổ, hay bị phân thân và thường bị sâu bệnh. Từ năm 2007, chúng tôi đã ký hợp đồng chuyển giao cấy mô giống gốc keo lai 3 dòng BV10, BV16, BV32 với Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản. Chúng tôi đã tiến hành sản xuất với số lượng hàng triệu cây/năm và cung ứng để trồng rừng ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Đánh giá bước đầu về hiệu quả trồng rừng bằng cây keo lai cấy mô rất khả quan.
Bà Phan Thị Hạnh sinh năm 1968. Tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Đà Lạt, năm 1991. Năm 1991-1992, làm việc tại Trung tâm Vật nuôi Bình Định. Từ năm 1997-2003 làm việc tại Phòng Khoa học, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Bình Định. Từ năm 2004 đến nay, là chủ DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (67 Ngô Mây, TP Quy Nhơn). |
Tuy nhiên, vì là công nghệ cao, mới, nên việc sản xuất cây keo lai nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm cũng như ngoài vườn ươm vẫn còn bó hẹp ở một số viện, trung tâm nuôi cấy mô lớn. Các đối tác đã tiến hành trồng rừng cây keo lai nuôi cấy mô đều là các doanh nghiệp trồng rừng lớn và các dự án. Người nông dân trồng rừng quy mô nhỏ khó có khả năng tiếp cận được với nguồn giống chất lượng cao này; thậm chí, nếu có tìm được đến nơi sản xuất thì do quá trình vận chuyển xa, với số lượng cây nhỏ, dẫn đến chi phí vận chuyển lớn, lại bị hao hụt trong quá trình vận chuyển, nên khi đến nơi trồng rừng, giá thành cây giống đã đội lên cao. Vì vậy, thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật ươm cấy giống keo lai cấy mô cho người nông dân ở các vùng trồng rừng trên địa bàn tỉnh sẽ giải quyết được vấn đề then chốt này; đồng thời, giúp nông dân nắm bắt được công nghệ sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài việc chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô, sắp tới, bà có định mở rộng thêm các loại cây trồng khác?
- Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích phòng cấy mô lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ ươm và trồng nhiều loại cây khác như hoa phong lan, hoa cúc, cây đậu phụng cấy mô, chuối cấy mô… Qua đó, tạo ra một cơ sở giống chất lượng cao tại Bình Định, là địa chỉ cung ứng giống tin cậy để người nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả các loại cây trồng. Được nhiều người tin cậy, sử dụng cây giống mới để nâng cao doanh thu, mở rộng sản xuất là tâm nguyện của tôi…
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này, chúc bà tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
|