Nơi ấy là quê hương…
18:47', 13/2/ 2011 (GMT+7)

Những ngày đầu xuân Tân Mão, tôi có dịp được tháp tùng đoàn công tác của UBND tỉnh vào TP Hồ Chí Minh để tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư và gặp mặt đồng hương Bình Định. Được trực tiếp chứng kiến cuộc gặp gỡ của những người đồng hương mới thấy, dù ở cương vị nào, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn một lòng hướng về quê hương…

 

Đồng chí Vũ Hoàng Hà trò chuyện cùng bà con đồng hương trước giờ họp mặt.

 

* Để quê mình giàu hơn...

Đó là nỗi trăn trở chung của rất nhiều doanh nhân tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nhân Bình Định đang sản xuất, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có đầy đủ lãnh đạo cao nhất của tỉnh: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với việc thu hút đầu tư từ các doanh nhân Bình Định. Hơn 120 doanh nhân đã đến với Hội nghị, được tổ chức vào chiều 12.2, tại Hội trường của Nhà khách 108 Nguyễn Du (nằm trong khuôn viên Dinh Độc lập TP Hồ Chí Minh). Họ đến để cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh, với mong muốn được góp sức mình vào sự nghiệp phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vì vậy, các doanh nhân đã rất chăm chú lắng nghe bài nói chuyện của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc. Chủ tịch Lê Hữu Lộc đã điểm qua một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua; những định hướng lớn trong năm mới và những năm tiếp theo, cũng như những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng thừa nhận một số điểm chưa hợp lý trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Với tinh thần thật sự cầu thị, Chủ tịch Lê Hữu Lộc đã bày tỏ mong muốn các doanh nhân người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý với lãnh đạo tỉnh.

Phần lớn thời gian của Hội nghị được dành cho phần phát biểu của các doanh nhân. Các doanh nhân đã cùng nhau phân tích những tiềm năng, lợi thế so sánh của Bình Định trong phát triển kinh tế, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Bên cạnh những ưu thế đáng quan tâm, một số doanh nhân cũng đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế về thủ tục cấp phép đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng... Các doanh nhân cũng đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Bình Định: không nên cấp phép cho các dự án đầu tư nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường mà quan tâm hơn đến các doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín; nên có chủ trương hạ giá cho thuê đất; cần có chính sách cụ thể trong đào tạo, thu hút nhân lực; việc phát triển du lịch nên đi theo hướng liên kết để tạo ra thương hiệu mạnh… Có người từ tốn nhã nhặn, có người ào ạt gay gắt, nhưng đằng sau mỗi ý kiến đều là một tấm chân tình mong đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Hội nghị được tổ chức với mục đích tạo ra một diễn đàn, một kênh thông tin quan trọng để tăng cường hiểu biết giữa các nhà đầu tư và lãnh đạo tỉnh, để các doanh nghiệp lựa chọn và quyết định tham gia đầu tư vào Bình Định. Vì thế, sau mỗi ý kiến của các doanh nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc liền có những lời giải đáp, trao đổi, tiếp thu. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đồng chí Lê Hữu Lộc cũng mong doanh nhân tiếp tục đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn về Bình Định để thúc đẩy sự phát triển của quê hương; đồng thời đề nghị: Trong quá trình làm việc ở Bình Định, nếu có trục trặc, khúc mắc gì, các nhà đầu tư hãy phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, để UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư.

 

Các doanh nhân đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Bình Định.

 

* Nồng ấm buổi họp mặt

Di tích lịch sử Dinh Độc lập TP Hồ Chí Minh sáng ngày 13.2 rộn ràng hơn thường lệ. Rất nhiều người Bình Định đang học tập, làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đã về đây để được gặp gỡ những người đồng hương. Những cái siết tay không rời, những cái ôm thân tình và những lời thăm hỏi sôi nổi từ khi chưa bắt đầu cuộc họp. Các đồng chí Vũ Hoàng Hà, Lê Hữu Lộc đã ra tận tiền sảnh để chào đón những người đồng hương.

Phòng khánh tiết của Dinh Độc lập có sức chứa 500 người đã không còn một chỗ trống. Những chiếc ghế kê thêm cũng không đủ, những người đến muộn phải đứng ngoài hành lang. Dự buổi họp mặt không chỉ những người lớn tuổi mà có rất nhiều bạn trẻ, là sinh viên Bình Định đang học tại TP Hồ Chí Minh và con cháu của người Bình Định.

Ông Hoàng Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những thông tin đáng chú ý: Hiện tại, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 300 ngàn người Bình Định đang học tập, làm việc, sinh sống; đã có 9 huyện thành lập ban liên lạc đồng hương, ở một số huyện như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn đã hình thành ban liên lạc đồng hương xã.

Buổi họp mặt được mở đầu bằng tiết mục Trống hội Tây Sơn của đội trống Công ty Saigon Tourist. Tiếng trống dường như hào hùng hơn khi đi vào lòng những người con xa quê. Những tiết mục văn nghệ, biểu diễn võ thuật sau đó, ít nhiều đều gợi nhớ trong mỗi người hình ảnh quê hương. Các ca sĩ từ Bình Định vào đã biểu diễn những ca khúc quê hương như “Quy Nhơn thành phố thi ca” (tác giả Nguyễn Thụy Kha), “Tự tình với quê hương” và “Tam Quan, quê và mẹ” (nhạc Vũ Trung, lời Vũ An)... Đặc biệt, là tiết mục bài chòi “Ai về Bình Định” (tác giả Nguyễn Dự) do nghệ sĩ Băng Châu (Đoàn Ca kịch Bài chòi) thể hiện đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người con Bình Định. Những tràng vỗ tay rộn ràng theo nhịp hát... 

Đáng phấn khởi là thời gian qua, hoạt động của đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh ngày càng khởi sắc, thiết thực. Trong năm 2010, Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh đã vận động đóng góp, trợ giúp cho người Bình Định gặp khó khăn, hoạn nạn và ủng hộ các chương trình vì quê nhà hơn 4,7 tỉ đồng. Hội cũng tổ chức vận động người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp Bình Định sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà. 

Cũng trong năm qua, các ban liên lạc đồng hương tỉnh, huyện, xã, đồng hương theo trường lớp, ngành nghề đã có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú; với mục đích gắn kết tình đoàn kết giữa những người đồng hương; như: gặp mặt các nhà báo Bình Định, giúp công nhân Bình Định vay tiền không lãi suất để nâng cao tay nghề, tổ chức hội trại cho sinh viên, tổ chức CLB doanh nhân khuyến học, khuyến tài…

Mong muốn được góp phần xây dựng quê hương bằng trí tuệ, sức lực trên nhiều lĩnh vực, nhiều người đã nêu ý tưởng về việc tổ chức một hội nghị với sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau để xây dựng chiến lược phát triển tỉnh nhà trên mọi mặt. Vấn đề thu hút nhân lực, nhất là lực lượng trí thức trẻ Bình Định cũng được nhiều người quan tâm. Nặng lòng với quê hương, nhiều người đã tranh thủ thảo luận, đề đạt ý kiến với các vị lãnh đạo ngay bên lề cuộc họp mặt.

 

Ông Nguyễn Đình Trung (bên phải), Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Hưng Thịnh, trao tượng trưng 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì Người nghèo của tỉnh cho Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc.

 

* Vĩ thanh

Tình cờ, tôi được tham dự buổi gặp mặt đồng hương Tam Quan tại TP Hồ Chí Minh. Buổi gặp mặt được tổ chức sáng 12.2 ở Hội trường A, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (65, Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1). Khi còn học phổ thông, tôi nhiều lần được nhận học bổng của Hội đồng hương Tam Quan tại TP Hồ Chí Minh. Tôi đã được làm một việc đã dự định từ lâu: nói lời tri ân trước những tấm lòng từ tâm, những người không họ hàng thân thích nhưng lại sẵn sàng giúp đỡ nhau bởi hai tiếng “đồng hương”.

Đây là lần thứ hai ca sĩ Kiều Lệ được đi hát phục vụ bà con đồng hương ở TP Hồ Chí Minh. Chị kể, lần họp mặt năm 2009, khi chị hát xong bài “Tản mạn quê hương” (nhạc Vũ Trung, lời Văn Trọng Hùng), nhiều người đã rơm rớm nước mắt. Những lo toan ngày thường có thể làm cho người ta nguôi ngoai nỗi nhớ quê, nhưng khi gặp mặt đồng hương, nhiều người không kìm được xúc động. “Không phải ai cũng có điều kiện về thăm quê hương thường xuyên; mỗi lần họp mặt như thế này là cơ hội để mọi người được gặp những người quen, nhắc chuyện làng chuyện xóm, những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa…”- ông Nguyễn Ngọc Ninh, quê ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, chia sẻ.

Buổi họp mặt kết thúc, mọi người quây quần bên những lát bánh tét và ly rượu Bầu Đá, những vị quê gắn bó với mỗi người dân Bình Định.

Buổi họp mặt kết thúc, nhưng trong tôi còn mãi hình ảnh của một cụ bà đã ngoài tám mươi tuổi ngồi một mình trên bậc tam cấp của tiền sảnh Dinh Thống Nhất. Quê bà ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, bà theo chồng vào Nam từ sau ngày đất nước thống nhất. Bà bảo, con cháu đi làm hết, nên bà tự mình bắt xe buýt đến đây từ sáng sớm. Bà ngồi để chờ, để đón, để được chuyện trò với những người quen mà một năm bà mới có dịp gặp một lần…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)
“Khoa 113” của xã Tây Giang  (18/12/2010)