Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam
11:26', 16/2/ 2011 (GMT+7)

* Phóng sự của Võ Thị Ngọc Ánh

Theo dân gian, bánh tráng là món “lương khô” được ra đời trong thời gian chuẩn bị lương thực cho cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn. Ngày nay, bánh tráng vẫn là một món ăn rất đặc trưng của người đất Võ. 

 

Bánh tráng ra lò.

 

Đỏ lò từ mùng 1 Tết

Nửa cuối tháng Chạp vừa rồi thời tiết xấu, giá bánh tráng bị đẩy lên cao, gấp 1,5 đến 2 lần ngày thường mà vẫn khan hàng nên ngay mùng 1 Tết, khi nắng vừa bừng lên sau chuỗi ngày dài âm u, các hộ làm bánh đã cho ra lò mẻ đầu tiên.

Mới 7g sáng ngày 10.2, khắp sân nhà bà Nguyễn Thị Thái ở gần ga Khánh Phước (một ga xép thuộc địa phận xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) đã đầy ắp các phênh bánh trắng nõn. Bà khoe đã “khai lò” từ sáng mùng 1, mỗi ngày làm được gần 1.000 chiếc bánh nhúng và từ Tết đến nay không nghỉ ngày nào nhưng vẫn bán hết veo. Bánh được bạn hàng gom bán ở TP.Quy Nhơn, vô miền Nam rồi ngược lên Tây Nguyên, đủ cả.

Bà cho biết gạo được ngâm từ tối hôm trước, sáng phải dậy từ lúc 3g để xay bột, cứ 20 kg gạo đổ thêm khoảng 10 lít nước sạch sau cho thêm 8 kg bột nhứt (bột mì loại 1) để bột dẻo, cho thêm nửa lon muối cho bánh vừa miệng. Sau đó chuẩn bị lò để tráng bánh, nếu trời nắng to, chỉ khoảng 60 phút là bánh đã có thể khô để tiếp tục xoay vòng phênh.

Bà khoe trời nắng lên người làm bánh tráng mừng mà người mua cũng dễ chứ trời mưa, người tráng nhọc công, bánh hiếm nên thương lái tha hồ hét giá với người mua chứ người làm chẳng thêm đồng lãi nào.

 

Bánh tráng được phơi dưới nắng xuân.

Bánh ở Bình Định được bán theo ràng (50 chiếc/ràng), tuy độ dày mỏng mà được bán sỉ tại lò ở các mức: bánh nhúng 25.000/ràng (1,7kg), bánh nướng mè (vừng) loại mỏng 35.000 đồng/ràng, bánh mè 2 lớp dày 60.000 đồng/ràng.

Nghề không bí kíp nhưng nhọc công

Ở Bình Định mùa này, đâu đâu cũng thấy các lò tranh thủ trời nắng tăng ca sản xuất. Hàng trăm năm qua, nghề làm bánh tráng tại Bình Định cơ bản không có gì thay đổi. Khác chăng là công đoạn xay bột xưa bằng tay nay đã có máy làm. Việc phơi bánh chủ yếu vẫn nhờ nắng trời nên hương vị bánh vẫn giữ nguyên như xưa. Sở dĩ các làng bánh vẫn tồn tại được nhờ không gian làng còn rộng, đất trống nhiều để phơi một cách thỏa mái, sạch sẽ. Cũng có một vài nơi làm bánh tráng bằng máy nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp và hương vị sản phẩm không được chuộng như bánh thủ công nên ít người dám đầu tư theo hướng này.

Tại làng bánh Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) chị Nguyễn Thị Hoa, 35 tuổi, cho biết: “Tôi là người ở làng khác về làm dâu. Ban đầu má chồng dạy cách tráng bánh cứ lóng nga lóng ngóng, quây gáo quanh miếng vải không kịp, bột chín đóng cục dưới gáo rồi bánh chỗ mỏng chỗ dày, vớt ra gãy vụn. Riết rồi đến khi ra riêng hỏng thêm vài mẻ nữa rồi cũng lành nghề… Chị đúc kết - nghề này thực ra không khó nhưng phải nhọc công, thức khuya dậy sớm mới làm được. Nghề làm bánh cứ theo chân người làng đi tứ xứ.

 

Bánh tráng được bán làm quà tại Ngã ba Chợ Gồm (Phù Cát).

 

Còn bà Dương Thị Bông, người gốc làng Phú Gia nên nghề đã thấm vào máu từ nhỏ. Nay tráng bánh đến độ “thượng thừa” có thể cho mè, bột riêng, rắc lên mỗi lần tráng để điều chỉnh độ dày, mỏng. Ở Cát Tường có đến hàng trăm lò bánh như nhà bà Bông. Nhà chị Sương, anh Linh ở Phong An (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) cũng nhận học  nghề từ làng bánh Phú Gia, nay làm đã được mấy năm và nay chuyên làm bánh loại dày, nướng bán ở các quán ăn, nhà hàng. Nhờ nghề mà 2 vợ chồng trẻ dựng nhà, nuôi con ăn học đàng hoàng.

Bình Định còn có nhiều “làng bánh tráng” nổi tiếng khác, mỗi làng mỗi vẻ, ví như ở huyện Tây Sơn, Tuy Phước nổi tiếng với bánh mè khổ lớn; bánh tráng Vân Canh thơm dày nướng lên bẻ ăn giòn rụm, bánh tráng gạo Phù Mỹ nướng lên còn vương mùi nắng, ở xứa Dừa Hoài Nhơn nức tiếng với bánh tráng nước dừa Tam Quan. Người dân xứ này đi đến đâu bánh tráng lại theo chân đến đó nên khi hết Tết, các lò làm bánh tráng càng đỏ lửa để phục vụ cho nhu cầu mang theo quà của những người làm ăn phương xa.

Bánh tráng là một loại đặc sản ở Bình Định. Nguyên liệu chính là bột gạo và bột mì, ngoài ra còn có thêm mè (vừng), cốt dừa, hành củ thái mỏng. Tùy theo tỷ lệ pha trộn và cách làm cho ra các loại bánh như: bánh tráng mì, bánh tráng gạo, bánh nhúng, bánh nướng hay bánh tráng nước dừa,… Có loại có thể nhúng nước ăn ngay, có loại phải nướng chín. Ở các làng nghề, khâu sấy bánh tráng thủ công còn thua phơi nắng trời. Bánh sấy hay bị sượng, không dẻo, không thơm. Bánh phơi nắng trời có độ cong, bánh sấy nhìn láng tít, các bánh dính vào nhau, đẹp mắt.

  • V.T.N.A
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)
Chiến tích cầu Cương  (19/12/2010)