TRUNG TÁ LÊ ĐÌNH TRIỀU, TRƯỞNG CÔNG AN PHƯỜNG NHƠN BÌNH:
“Ông vua cảm hóa”
22:32', 19/2/ 2011 (GMT+7)

Chỉ sau 3 năm được điều động giữ chức vụ Trưởng Công an phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), Trung tá Lê Đình Triều cùng các đồng nghiệp đã giáo dục, cảm hóa gần 50 đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) chậm tiến trong phường. Bởi vậy, nhiều người trong phường vẫn hay gọi đùa Trung tá Triều là “ông vua cảm hóa”. P.V Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Lê Đình Triều.

 

Trong các cuộc giao ban của Công an phường, Trung tá Lê Đình Triều (giữa) thường lưu ý đến công tác giáo dục, ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội.

 

* Những kết quả ấn tượng

Tháng 10.2007, Trung tá Lê Đình Triều được lãnh đạo Công an TP Quy Nhơn bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an phường Nhơn Bình. Sau 3 năm đảm nhận chức vụ mới, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở phường Nhơn Bình đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, nếu năm 2007, phường Nhơn Bình xảy ra 71 vụ vi phạm pháp luật, thì năm 2010, trên địa bàn phường chỉ xảy ra 39 vụ vi phạm pháp luật.

* Thưa Trung tá, để đạt những kết quả tích cực như vậy trong việc lập lại tình hình ANTT ở phường Nhơn Bình, thời gian qua, ông đã thực hiện những giải pháp nào ?  

- Phải nói chính xác rằng, đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực trong việc lập lại ANTT trên địa bàn của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân toàn phường, chứ không riêng gì của cá nhân tôi.

Bản thân tôi, năm 2007, sau khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an phường Nhơn Bình, tôi đã bỏ ra gần 1 tháng để cùng anh em trong đơn vị rà soát, nắm bắt lại tình hình ANTT trên địa bàn.

So với các xã, phường khác, Nhơn Bình là địa bàn vừa mang tính thành thị, vừa có tính chất nông thôn với 70% hộ gia đình thuần nông. Những năm gần đây, kinh tế Nhơn Bình phát triển mạnh, nhiều người từ các phường trong nội thành đã dịch cư đến Nhơn Bình sinh sống, nên tình hình ANTT ở đây cũng có phần phức tạp. Cụ thể, tình hình vi phạm pháp luật ngày càng nhiều; tình trạng uống rượu rồi đánh nhau, quậy phá và nạn trộm cắp xảy ra khá phổ biến.

Nắm bắt được tình hình trên, từ đầu năm 2008, tôi và các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lập lại tình hình ANTT địa phương. Trong đó, giải pháp được tập trung đẩy mạnh thực hiện là phòng ngừa, gồm phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an phường cũng đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo các lực lượng liên quan như Đoàn Thanh niên, MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường… cùng phối hợp với chúng tôi để triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm.

* Trung tá có thể cho biết cụ thể hơn về những giải pháp đã được thực hiện nhằm phòng ngừa tội phạm?

- Thứ nhất, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật qua hệ thống đài truyền thanh của phường và các phương tiện thông tin, truyền thông khác. Thứ hai, bản thân tôi và anh em trong đơn vị đã trực tiếp đến từng nhà có đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật để vận động họ chấp hành tốt các quy định pháp luật; yêu cầu phụ huynh của các TTN chậm tiến quản lý, giáo dục tốt con em mình. Thứ ba, chúng tôi thường xuyên mở các lớp giáo dục pháp luật cho các đối tượng có những hành vi hoặc biểu hiện vi phạm pháp luật. Thứ tư, nhiều mô hình khu dân cư không tội phạm được đẩy mạnh xây dựng với chủ đề “Ba không, hai quản” mà cụ thể là “Không trộm cắp, không đánh nhau, không tệ nạn xã hội; quản lý chặt đối tượng và quản lý chặt nhân khẩu”. Thứ năm, chúng tôi quản lý chặt các đối tượng, lập hồ sơ xử lý các đối tượng TTN chậm tiến để đưa vào diện quản lý, giáo dục theo quy định.

 

Trung tá Lê Đình Triều (bìa phải) chỉ đạo lực lượng bảo vệ dân phố tuần tra ban đêm.

 

* Đưa nhiều TTN chậm tiến “về với ánh sáng”

Không chỉ đảm bảo tốt tình hình ANTT địa phương, thời gian qua, Trung tá Lê Đình Triều cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn cảm hóa, giáo dục hiệu quả hàng chục đối tượng TTN chậm tiến trên địa bàn phường, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Cụ thể, sau 3 năm đẩy mạnh công tác giáo dục, cảm hóa các TTN chậm tiến, từ chỗ năm 2007, phường có gần 60 đối tượng TTN chậm tiến, thì nay, toàn phường chỉ còn 12 đối tượng TTN chậm tiến. Hiện phần lớn số TTN thoát khỏi “diện” chậm tiến đều đã có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

* Việc cảm hóa, giáo dục TTN chậm tiến không dễ dàng chút nào. Vậy Trung tá làm thế nào để cảm hóa hàng chục TTN chậm tiến trên địa bàn phường trở thành những người có ích cho xã hội?

- Đầu tiên, tôi sàng lọc tất cả các đối tượng TTN chậm tiến trên địa bàn phường, rồi tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh của từng đối tượng. Qua đó, tùy theo từng hoàn cảnh, hành vi vi phạm pháp luật của mỗi đối tượng mà chúng tôi có cách xử lý, vận động, giáo dục riêng. Với các đối tượng thường xuyên có những hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ, chúng tôi lập hồ sơ đưa vào các trường giáo dục, cơ sở giáo dưỡng; với các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật nhẹ hơn, chúng tôi đưa vào diện quản lý tại địa phương theo quy định tại Nghị định 163/CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên mở các lớp giáo dục, phổ biến pháp luật cho các TTN có những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, do đã có nhiều năm công tác trong Đội Cảnh sát hình sự - Công an TP Quy Nhơn, nên tôi nắm khá rõ diễn biến tâm lý của những TTN thường xuyên có những hành vi vi phạm pháp luật. Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với TTN phạm tội, tôi cho rằng, cần phòng ngừa nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của TTN hơn là phải xử lý hoặc giải quyết hậu quả từ những hành vi vi phạm pháp luật. 

* Vậy làm thế nào mà Trung tá và các đồng nghiệp ngăn chặn được tình trạng TTN chậm tiến “ngựa quen đường cũ”?

- Với các TTN chậm tiến buộc phải đưa đi các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng, sau khi hoàn thành thời gian giáo dục, giáo dưỡng, trở về lại địa phương, chúng tôi gặp trực tiếp các TTN này, động viên họ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Mặt khác, tôi và các anh em trong đơn vị đã đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, để thuyết phục họ nhận các đối tượng này vào làm việc, lao động. Hiện phần lớn các đối tượng trước đây vốn thuộc diện TTN chậm tiến giờ đã có việc làm ổn định với nhiều nghề có thu nhập tương đối khá như: thợ sơn, thợ hồ, công nhân…

 

Trung tá Lê Đình Triều thường xuyên xuống địa bàn, gặp gỡ người dân để nắm bắt tình hình ANTT ở các khu dân cư.

 

* Trung tá đánh giá thế nào về tình trạng TTN vi phạm pháp luật hiện nay?

- Phải nói rằng, tình trạng TTN phạm tội hiện đang là vấn đề bức xúc và là nỗi lo của toàn xã hội. Không riêng gì ở địa bàn phường Nhơn Bình, mà tôi thấy hầu như địa phương nào cũng xảy ra tình trạng TTN có những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm trọng tội.

Qua phân tích, đánh giá tình hình TTN vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Nhơn Bình cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bản thân các em thích đua đòi ăn chơi, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; bên cạnh đó, các em lại thiếu sự quan tâm giáo dục từ phía gia đình, nhà trường và chịu nhiều tác động tiêu cực của môi trường sống và xã hội.    

* Vậy theo Trung tá, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tình trạng TTN vi phạm pháp luật đang diễn ra khá phổ biến hiện nay?

- Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các gia đình cần có sự quan tâm quản lý, giáo dục con em mình chặt chẽ hơn. Thực tế cho thấy, phần lớn các TTN có hành vi vi phạm pháp luật đều xuất thân từ những gia đình mà ở đó các bậc phụ huynh thiếu quản lý, giáo dục con em mình. Những người làm cha, làm mẹ cần thường xuyên theo dõi, gần gũi, nắm được những diễn biến tâm, sinh lý của con em mình; khi phát hiện con em mình có biểu hiện khác thường, cần có những biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn ngay.

Đối với Công an địa phương, phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng TTN đã và đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an địa phương cần nắm rõ các đối tượng TTN vi phạm pháp luật, qua đó, có kế hoạch giáo dục, cảm hóa, để ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm pháp của các em.

Về phía nhà trường, các thầy, cô giáo cũng cần theo dõi sát sao các học sinh của mình, nhất là những học sinh cá biệt đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, nhà trường cần phối hợp với Công an địa phương có kế hoạch giáo dục, cảm hóa các em thành những người học trò bình thường, chăm chỉ học tập.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt các điểm vui chơi, giải trí, nhất là các điểm kinh doanh dịch vụ game online, internet, các quán giải khát mà TTN chậm tiến hay tụ tập… tránh tình trạng các em sa đà vào những trò ăn chơi hư hỏng, bỏ bê học hành và chịu những tác động xấu.

* Cảm ơn Trung tá! Chúc Trung tá và đồng đội ngày càng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao!

  • Anh Tú (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)
Trên những phù vinh và kiêu bạc   (31/12/2010)
Những nhà sáng chế không bằng cấp  (26/12/2010)
Trăn trở qua từng trang dịch thuật  (25/12/2010)