Những ngày này, các vườn mai ở những làng mai Nhơn An (An Nhơn) lỡ hẹn trong dịp Tết đang nở vàng rực. Người trồng mai tất bật chăm sóc mai để tính chuyện Tết năm sau; còn chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng thương hiệu cho làng mai.
|
Các vườn mai ở Nhơn An nở vàng rực sau Tết.
|
* Thêm một mùa thất thu
Tết năm 2010, người trồng mai Nhơn An đã một lần mất vui vì đa số mai nở sớm, dù vậy họ cũng đã thu được cả chục tỉ đồng. Còn Tết năm nay, người trồng mai lại thất thu nặng nề hơn, vì có đến 60% số chậu mai không nở kịp Tết, dù họ đã dùng đủ mọi biện pháp như che bạt, chong đèn… Mai không chịu nở vì đợt lạnh cuối năm kéo dài lê thê, khiến cả xã chỉ thu được chừng 5 tỉ đồng, bằng một nửa năm trước.
Dẫn tôi dạo quanh vườn mai đang nở vàng rực, anh Nguyễn Văn Đức, ở thôn Háo Đức, cho biết: “Gia đình tôi có 500 chậu mai, chi phí đầu tư trong năm tốn hơn chục triệu đồng. Vậy mà, Tết vừa rồi chỉ bán vài chậu được 3 triệu đồng, coi như năm nay chịu lỗ, chờ năm sau”.
Gần đó, vườn mai 2.000 chậu của ông Bùi Thanh Long chỉ có 150 chậu nở kịp Tết. “Hai năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường nên dù người trồng mai đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng cũng đành chịu, không biết lặt lá vào lúc nào cho đúng. Mai bán không được nên thất thu” - ông Long cho biết.
Tuy nhiên, cũng có một số hộ may mắn bán được cả trăm chậu mai, thu về hàng trăm triệu đồng nhờ các thương lái ở phía Nam đến mua mai từ khá sớm. Ông Hồ Minh Nhật, chủ một vườn mai 2.500 chậu ở thôn Háo Đức, cho hay: “Nhờ khách ở TP Hồ Chí Minh ra mua sớm nên tôi bán được 450 chậu (loại mai 4 tuổi), thu được 300 triệu đồng. Gia đình tôi là một trong số ít hộ trong xã được xem là trúng mùa mai năm nay”.
Bên cạnh những người bán mai sớm, năm nay những chậu mai nuôi lại trở thành mai bán và được xem là trúng mùa, giúp người trồng mai gỡ gạc phần nào. Những chậu mai từ 3 tuổi trở xuống, người trồng chưa tính bán trong dịp Tết này nên cho lặt lá sớm hơn để xả bỏ, không ngờ số mai này lại nở đúng vào dịp Tết nên bán rất chạy.
Anh Hồ Minh Việt, chủ một vườn mai ở Háo Đức, thổ lộ: “Số mai 3 tuổi trong vườn, tôi tính dưỡng năm sau mới bán, không ngờ nở đúng vào dịp Tết nên các thương lái đến mua tấp nập để đưa ra phía Bắc bán. Tôi thu được trên 100 triệu đồng. Trong khi đó, số mai định bán năm nay thì đến giờ này mới nở hoa”.
|
Ông Trần Kim Hùng, ở thôn Trung Định, đang cắt bỏ hoa, dưỡng sức cho mai.
|
* Tính chuyện cho năm sau
Lúc tôi có mặt ở các vườn mai thôn Trung Định, Háo Đức…, vẫn có khách đến dạo các vườn mai để chọn mua; có vườn bán được 50-70 chậu. Bởi thời điểm này, người mua dễ dàng chọn những chậu mai có dáng, hoa đẹp. Còn các chủ vườn xúm nhau bàn tán, chọn cây mai nào đẹp để lựa ra chăm sóc, dưỡng làm những chậu mai giá trị trong vườn, không bán.
Theo những người trồng mai, người chơi mai ở miền Nam và miền Bắc có những cách khác nhau. Với người miền Nam, chơi mai phải có dáng, thế, hoa đẹp, giá mua từ 2 triệu đồng/chậu trở lên; đối với người miền Bắc thì chỉ cần mua mai nở hoa là được, giá dao động từ 400 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/chậu, vì họ chơi mấy ngày Tết là bỏ. Để phục vụ cho nhiều đối tượng khách, ngay sau Tết người trồng mai đã lên kế hoạch chăm sóc, lặt lá mai chia làm nhiều đợt, vừa hợp với khí hậu nóng, lạnh của mỗi miền, vừa chú ý đến kiểu dáng theo sở thích của từng vùng để khách hàng dễ chọn lựa. Điều quan trọng, người trồng mai phải tính toán làm sao tránh việc không bán được mai do nở sớm hoặc muộn.
Con đường bê tông nối liền các làng mai trở nên tấp nập hơn khi những chiếc xe Chiến Thắng chở đất soi ven sông các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát về Nhơn An bán cho người trồng mai. Người thì bấm cành, người thay đất, vào chậu... Không khí lao động ở những vườn mai khá tất bật. Vườn mai của ông Trần Kim Hùng, ở thôn Trung Định có khoảng 1.000 chậu, mai từ 1 đến 10 tuổi đang nở vàng rực. Dịp Tết rồi, vườn mai của ông chỉ có 30% nở kịp Tết, bán cho khách ở TP Hồ Chí Minh, thu được 150 triệu đồng; số còn lại được khách ở phía Bắc đến đặt cọc, nhưng đến hẹn chở ra Bắc thì hoa không nở, ông đành phải trả lại tiền cọc cho khách. Ông Hùng cho biết: “Thời tiết thất thường, nếu không tính toán kỹ thì năm sau chắc chắn sẽ lại thất thu. Vì vậy, Tết năm tới tôi sẽ làm theo cách, lặt lá sớm 50% và 50% lặt lá muộn thì đường nào cũng có mai nở kịp Tết.”.
Sau 2 năm thất thu liên tiếp, giờ đây đi đến vườn nào cũng nghe người trồng mai bàn chuyện rôm rả, năm nay sẽ có bao nhiêu đợt nắng nóng, bao nhiêu đợt lạnh để tìm cách đối phó, cho mai nở hoa đúng vào dịp Tết.
|
Mai Nhơn An ngày càng được nhiều người biết đến.
|
* Để có một thương hiệu
Một mùa mai thất thu. Nhưng khi tiếp xúc người trồng mai, họ đều rất vui và tự hào, khi cả xã có 5/6 làng trồng mai cảnh, gồm: Háo Đức, Thanh Liêm, Thuận Thái, Trung Định, Tân Dương vừa được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Việc được công nhận làng nghề sẽ tạo điều kiện để các làng mai phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện, toàn xã Nhơn An có 1.500 hộ trồng mai; trong đó, thôn Háo Đức có 450 hộ. Hộ trồng ít khoảng 300-400 chậu, hộ trồng nhiều khoảng 4.000-5.000 chậu. Bình quân thu nhập của người trồng mai đạt từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; có hộ thu cả tỉ đồng. Doanh thu từ trồng mai của toàn xã đạt từ 5-10 tỉ đồng/năm. |
Để xứng danh với làng nghề, UBND xã Nhơn An đang khẩn trương xây dựng thương hiệu cho cây mai. Hai ý tưởng được đưa ra để lựa chọn làm logo là hoa mai và dáng cây mai. Bên cạnh đó, việc chọn ngày truyền thống làng nghề cũng được đưa ra bàn. Phương án thứ nhất là chọn ngày mất của ông Đặng Xuân Lang- người được mệnh danh là ông tổ làng mai Háo Đức- vì có công đưa cây mai về trồng đầu tiên và phát triển như hiện nay. Phương án thứ hai là lấy ngày được công nhận làng nghề làm ngày truyền thống. Khi chọn được ngày truyền thống, hàng năm xã sẽ tổ chức ngày hội để tôn vinh những người trồng mai; đồng thời, giới thiệu làng nghề cho mọi người trong và ngoài nước biết đến.
Ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: Để cây mai Háo Đức nói riêng và xã Nhơn An nói chung trở thành thương hiệu mạnh, thêm nhiều người biết đến, xã đã quy hoạch 2 ha đất tại thôn Háo Đức làm nơi trồng mai tập trung. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch những chân ruộng cao sản xuất lúa không hiệu quả để dành đất cho người dân mở rộng trồng mai.
Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật trồng mai sạch cũng sẽ được nhân rộng trong toàn xã, tránh tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại chăm sóc mai như lâu nay. Trong năm 2010, mô hình trồng mai sạch đã được Sở TN-MT áp dụng cho 10 hộ dân ở các làng mai trong xã Nhơn An, với quy mô 10.000 chậu mai từ 1-3 năm tuổi. Tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác đảm bảo thân thiện với môi trường cho 1.000 người trồng mai trong xã.
Ông Phan Văn Sáu, một người trồng mai tại thôn Háo Đức, cho hay: “Việc ứng dụng phương pháp trồng mai sạch đã đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, như giảm được một phần chi phí đầu tư vì không phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất cũng như môi trường sống của dân cư. Chính vì vậy, sau khi dự án được triển khai đạt hiệu quả, hầu hết người trồng mai đều tích cực học hỏi và hưởng ứng”.
Việc thực hiện dự án mô hình sản xuất cây mai sạch, chất lượng cao đã tạo ra một hướng sản xuất mới tiên tiến, không những đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân mà còn góp phần xây dựng thương hiệu mai của Nhơn An nói riêng và Bình Định nói chung ngày càng uy tín và vang xa.
|