Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bên trong hội trường bệnh viện ngập tràn hoa, lời ca, tiếng hát và lời chúc mừng; ngoài sân, tiếng chổi vẫn đưa nhẹ nhàng, tỉ mẩn. Gắn bó với những việc không tên ngay từ những ngày đầu bệnh viện mới thành lập, bà Lê Thị Minh Nguyệt (SN 1960), hộ lý BVĐK Khu vực Bồng Sơn, tự nhận mình chỉ làm những công việc rất bình thường.
|
Chăm sóc bệnh nhân trong buồng bệnh. |
* “Tiếng chổi tre” trong bệnh viện
Dù nắng hay mưa, đều đặn 6 giờ sáng và 3 giờ chiều, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lại thấy bóng áo xanh của bà Nguyệt. Tiếng chổi tre đều đặn, nhẹ nhàng như ru, nhưng không kém phần nhanh nhẹn.
Nói một cách dễ hiểu, bà là “lao công” của bệnh viện. Nhưng, công việc quét dọn của một hộ lý bệnh viện hẳn không đơn giản chỉ là cầm chổi quét, hay lau sàn nhà?
Phần quét dọn bên ngoài bệnh phòng hiện có 3 người chia nhau làm. Nói là “lao công” nhưng công việc ở bệnh viện có đặc thù riêng. Mùa nắng phải cố gắng đi làm sớm để đến khi bệnh nhân vào viện thì khung cảnh bệnh viện đã sạch sẽ. Khổ nhất là mùa mưa, nhiều hôm trời mưa tầm tã rét buốt cũng phải làm. Công việc buổi sáng bắt đầu lúc 6 giờ thì đến 10 giờ là xong, còn buổi chiều bắt đầu lúc 3 giờ và kết thúc lúc 5 giờ. Những chỗ có nhiều bệnh nhân và người chờ, ngồi chơi, mình phải tưới nước, rồi quét thật nhẹ, thật khẽ để không gây tiếng ồn mà vẫn sạch. Có khi vừa mới quét xong, một cơn gió ào qua vậy là rác ngập trở lại. Quét xong thì thau rửa dụng cụ, đến tối xong việc mới về nhà được.
Từ một công nhân làm ở Xí nghiệp ươm tơ Bình Định quen với môi trường sạch sẽ, thoáng mát; chuyển sang làm lao công bệnh viện quanh năm mặt che khẩu trang kín mít, phơi nắng phơi gió, tiếp xúc với hàng trăm thứ rác thải dơ bẩn, bà có thấy nản lòng?
Hồi mới vào làm hộ lý của bệnh viện, tui mất một tuần không ăn được cơm, hễ cứ bưng chén lên là muốn ọi. Rác đâu phải chỉ là lá cây. Nhiều người nhà của bệnh nhân “khạc nhổ” lung tung, rồi đồ lót, băng vệ sinh sản phụ, thậm chí có người “gớm” nhà vệ sinh bệnh viện ra hẳn ngoài bãi cỏ để đi cầu… Vậy là tụi tui phải dọn. Ngày đó, Xí nghiệp ươm tơ bị giải tán, phần sức khỏe không tốt nên tui xin vào làm hộ lý. Tổ chức phân đâu thì làm đấy. Lúc đầu đứng ngoài nắng nhiều, khòm lưng quét liền một mạch mấy tiếng đồng hồ tui cũng không quen, tay chân cứ mỏi nhừ, còn đầu thì cứ ong ong. Làm riết rồi cũng quen hết, giờ thì “chai” luôn.
|
Công việc vất vả, cực nhọc, nhưng lòng yêu thương bệnh nhân và nụ cười của bà Nguyệt không bao giờ tắt. |
13 năm nay, gần như ngày nào bà Nguyệt cũng làm việc. Bộ phận của bà cũng đã có người vào vài hôm thì nghỉ vì sợ dơ và khổ. Nhiều hôm nhà có việc phải nghỉ phép, nhưng chỉ được một hai ngày, bà thấy nhớ việc, lại tất tả vào bệnh viện làm.
Những đợt được điều động vào phòng bệnh thay cho các hộ lý nghỉ ốm, nghỉ phép, công việc không kém phần nặng nhọc, nguy hiểm, bà có sợ bị lây nhiễm bệnh không?
Làm hộ lý trong khoa chỉ phụ trách phần vệ sinh trong khoa, phòng; dọn chất thải của bệnh nhân; giúp điều dưỡng và người nhà bệnh nhân chăm sóc bệnh nhân. Nặng nhất là bệnh nhân khoa hồi sức cấp cứu và khoa lây. Lúc đó chỉ kịp “ớ” một tiếng chứ biết làm gì?! Nhớ nhất là những lần phải mang bao tay dài thọc tay vào hầm cầu để thông cầu. Còn quét dọn ngoài môi trường, thường xuyên “dính chưởng” một bô nước tiểu hay đờm dãi của bệnh nhân là chuyện bình thường. Mỗi công việc một vất vả riêng, vừa làm việc vừa phải tự bảo vệ mình.
* Hy sinh đời mẹ
Chị Võ Thị Minh Hương, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện, cho biết: Môi trường bệnh viện đòi hỏi phải sạch sẽ, để đảm bảo công tác vô khuẩn, tránh lây nhiễm chéo. Vì thế, những công việc thầm lặng của bà Nguyệt cũng như các hộ lý khác đóng góp rất lớn vào chất lượng khám chữa bệnh. Điều đáng quý ở người hộ lý này là sự tận tâm, sắp xếp hợp lý và luôn chia sẻ công việc với tất cả mọi người.
Lãnh đạo bệnh viện đánh giá bà là “đầu tàu gương mẫu”, còn đồng nghiệp trẻ quý bà như người mẹ, người chị?
Tôi cũng ý thức rằng, mình phải làm việc thật tốt, dù ở bất cứ vị trí nào. Mấy năm nay, bệnh nhân đông nên khăn và quần áo thải mỗi ngày rất nhiều. Khoa Chống nhiễm khuẩn ít người, nhưng chưa có máy sấy đồ, phải phơi bằng tay. Những hôm xong việc quét dọn, tui lại tranh thủ vào phụ giúp xếp khăn, xếp đồ. Các em ở bộ phận tui thấy thế cũng tham gia. Mỗi người một tay cho trôi chảy công việc, chứ nề hà gì.
|
Tranh thủ làm xong việc, bà Nguyệt phụ giúp các hộ lý khác xếp khăn, xếp đồ. |
Kể cả chuyện bà thường xuyên làm thay việc cho các hộ lý khác hay người nhà bệnh nhân?
Mọi người có việc, tui tranh thủ giúp. Những lúc ở phòng bệnh, người nhà bệnh nhân nặng xoay xở không kịp thì mình giúp thay đồ cho bệnh nhân hay đi đổ bô. Chuyện này ai cũng làm được, chứ có phải mình tui đâu.
Thu nhập thấp, chồng đã nghỉ mất sức từ hơn 10 năm nay, đời sống khó khăn nhưng bà luôn quan tâm tìm hiểu và giúp đỡ nhiều chị em khác. Có một hộ lý trẻ bị mắc bệnh tim, nhà quá nghèo, bà chủ động gặp và đề nghị tổ công đoàn kiến nghị Công đoàn bệnh viện phát động đóng góp được hơn 7 triệu đồng cho đồng nghiệp. Bà và một hộ lý khác sáng kiến thành lập “Hội áo xanh”, tập hợp tất cả các hộ lý của bệnh viện để cùng sinh hoạt và chia sẻ những khó khăn, vui buồn.
3 giờ sáng dậy hái rau chở ra chợ Bồng Sơn bán, rồi đến bệnh viện làm việc. Với vai trò một người mẹ trong gia đình, bà đã hy sinh rất nhiều cho con?
(Cười). Đời mẹ nghèo, không có điều kiện để học thì giờ phải để con làm thay chứ! Cũng may các con đều ngoan và học hành đến nơi đến chốn. Thằng lớn đang làm giáo viên Trường THCS Bồng Sơn; còn con em đang học thạc sĩ văn ở Trường Đại học Quy Nhơn.
* Tôi làm công việc bình thường...…
|
Đều đặn 6 giờ sáng và 3 giờ chiều mỗi ngày, bà Nguyệt lại cặm cụi làm bạn với cây chổi và giỏ rác, dù nắng hay mưa. |
Công việc quét rác tưởng chừng đơn giản, nhưng phải theo một quy trình chặt chẽ. Mỗi một hộ lý vào bệnh viện đều phải qua các lớp tập huấn về cách quét, đưa chổi, lau sàn, cũng như quy trình quét dọn. 2-3 năm, các hộ lý phải tham gia thi chuyên môn. |
Nói đến 12 điều y đức và những quy định của người thầy thuốc, bà thuộc nằm lòng. Bà bảo: “Tui thích nhất là câu nói “Thầy thuốc như mẹ hiền” của Bác. Người mẹ hiền ấy phải biết nuôi con, dạy con, phải biết cách làm con cũng yêu quý mình, yêu quý cộng đồng; trong đó, có người con đang được mẹ chăm sóc. Cái đức của người thầy thuốc phải rộng như biển cả vậy. 12 điều y đức ấy mà vận vào công việc hộ lý như tui là làm hết mình, cẩn thận, tỉ mỉ, niềm nở trong tiếp xúc, hướng dẫn hay giúp đỡ bệnh nhân và người nhà của họ.
Nghe nói bà có “sáng kiến” phạt hộ lý đổ rác không đúng nơi quy định cho đến khi tìm được người vi phạm khác thay thế? Bà không sợ người khác bất mãn hay phản ứng à?
Công việc nhiều, ai cũng muốn làm cho nhanh nên đổ rác không theo quy định. Nhà chứa rác to vậy mà cứ nhè ngoài cửa đổ dồn đống, chó mèo tha đầy đường, nên tôi đưa ra quy định đó. Ban đầu cũng có nhiều người bất mãn dù không nói ra. Vậy nhưng, qua hai tháng sau, không ai bảo ai mọi người đều làm đúng quy định. Đến giờ, việc đổ rác đã đi vào quy củ rồi. Mình làm đúng thì tự khắc người khác sẽ hiểu thôi!
Nhiều lần nhắc nhở người nhà của bệnh nhân bỏ rác đúng nơi quy định, bà Nguyệt nhận được ánh nhìn không mấy thiện cảm: “Bà ăn lương thì bà làm chứ nói gì, hộ lý quét rác mà cũng bày đặt…!”. Tủi thân nhưng lòng yêu thương bệnh nhân và nụ cười của bà không bao giờ tắt. Hỏi có bao giờ được tặng hoa, tặng quà nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, bà cười xòa: “Việc của tui có gì mà tặng hoa, tặng quà!”.
|