Nuôi cá lồng trên biển
21:43', 27/2/ 2011 (GMT+7)

Mùng bốn Tết, cậu em họ của tôi trú ở Hải Minh gọi điện giục: “Có mấy anh mấy chị ở quê xuống đang ở nhà em, anh chị đưa mấy cháu ra chơi, em hấp mấy con cá mú mình lai rai…”. Trời, cá mú gần ba trăm ngàn đồng một ký, đem hấp mấy con thì mất đứt cả triệu bạc. Vốn là dân lặn biển săn cá, săn tôm, chẳng giàu có gì, chơi sộp thế chỉ có ở người… vô mánh. Thấy tôi ngần ngừ, cậu em giục: “Cây nhà lá vườn mà anh, cá mú em nuôi trong lồng, chỉ việc lấy vợt xúc lên là có…”.

 

Câu cá hồng đãi khách.

 

Quả nhiên, một bữa liên hoan gia đình sang trọng hiếm thấy đã diễn ra ở nhà một người lao động sống ở một làng biển nghèo như cậu em tôi. Hơn 20 người, cả anh em, con cháu ngồi bệt trên nền nhà cuốn bánh tráng với cá mú, cá hồng tươi sống hấp, sành điệu chẳng khác nào ở nhà hàng có đẳng cấp. Những đứa cháu ở quê lần đầu xuống biển được đi trên chiếc xuồng máy bành bành chạy từ cầu Hàm Tử qua Hải Minh đã reo hò thích thú giờ được ăn cá mú, cá hồng cứ xuýt xoa, tấm tắc… Hẳn đây là một chuyến đi chơi Tết thú vị và đáng nhớ trong đời đối với chúng. Còn tôi, thú vị nhất là được ngồi trên chiếc thuyền thúng để cậu em chèo ra bè cá, thả mồi chờ cá ào lên rồi lấy vợt xúc. Những con cá hồng, cá mú tròm trèm ký lô lấp lánh uốn mình trong vợt, rồi dãy đành đạch trong thuyền...

Tôi quyết trở lại vùng lồng bè nuôi cá hấp dẫn này…

* Cứu cánh làng lặn biển

Chỉ 20 ngày sau chuyến đi chơi ấy, tôi đã trở lại làng chài. 5 năm trước, bạn đọc hẳn còn nhớ bài phóng sự “Đi trong lòng biển”, tôi đã viết về nghề lặn bắt tôm hùm của làng chài Hải Minh Trong. Khái niệm “Hải Minh Trong” chính là để phân biệt với “Hải Minh Ngoài”. Hải Minh Trong nằm trong vịnh biển gần Cảng Quy Nhơn cùng với Hải Minh Ngoài nằm ngoài vịnh biển, phía dưới chân tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo hợp thành Hải Minh, chính là khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn từng có thời được coi là “Hồng Kông bên hông Quy Nhơn” với hàng điện máy nội địa nhập lậu. Tên hành chính của Hải Minh Trong là tổ 46 thuộc khu vực 9, có khoảng 80 hộ dân xưa nay sinh sống chủ yếu bằng nghề lặn biển. Trước những năm 1990, Hải Minh Trong nổi tiếng với nghề lặn đục san hô. Những vỉa, rạn san hô dày đặc quanh Bãi Xép, Nhơn Hải, Nhơn Lý… bị những thợ lặn của làng dùng bộc phá đánh tan tành để khai thác bán cho người làm vôi. Khi nghề khai thác san hô bị cấm tiệt, họ chuyển sang nghề lặn bắt cá, rồi lặn bắt tôm hùm, lặn sắt, lặn ốc xanh, lặn khai thác tàu chìm…

Nghề lặn biển tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn chỉ là kế sinh nhai, làng nghèo vẫn nghèo. Bởi lặn biển có ngày trúng bạc triệu song không phải ngày nào cũng lặn được, mùa nào cũng lặn được mà tùy thuộc vào thời tiết. Chỉ cần trở gió, nước biển đục hơn là cánh thợ lặn chỉ biết ngồi nhà nhâm nhi cà phê và tán gẫu. “Ngày làm tháng ăn” là câu thành ngữ để ám chỉ nghề làm biển nói chung, trong đó có cả nghề lặn biển.

Và có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của người dân Hải Minh Trong nếu như không có sự xuất hiện của một ngư dân ở đảo Hải Nam, Trung Quốc tên A Phát. Ông Nguyễn Văn Điện, Chi hội phó Chi hội Ngư dân khu vực 9 hiện sinh sống ở Hải Minh Trong, kể: “Ban đầu A Phát sang TP Quy Nhơn chỉ để thu mua cá đem về Trung Quốc bán, sau có lẽ nhìn thấy vị trí và điều kiện của vùng nước Hải Minh Trong thích hợp cho việc nuôi cá lồng nên đã xin phép địa phương cho nuôi thử. Và A Phát đã nuôi được cá mú, cá hồng… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, A Phát đã không thể tiếp tục mà bỏ về nước. Lồng bè cá của A Phát dọn đi cũng là lúc một số người từng làm công và học hỏi cách nuôi cá của A Phát dựng lồng kế tục. Những ngư dân Tôn Đức Hải, Lưu Quốc Khánh, Đặng Thái Hà… được coi là những người đầu tiên mở ra sự nghiệp nuôi cá lồng trên biển của vùng Hải Minh Trong và họ đã thành công. Lứa cá thu hoạch đầu tiên của họ làm nức lòng dân cả làng lặn biển. Người dân Hải Minh Trong chợt nhận ra mình đang sống ở “vùng nước vàng” mà bấy lâu chẳng biết.

 

Chỗ mặt nước nào nuôi cá lồng được, người Hải Minh Trong đã tận dụng kỳ hết.

 

* Niềm vui trong gian khó

Nuôi cá lồng trên biển ở Bình Định còn quá mới mẻ. Theo giới chuyên môn, để có thể nuôi được cá hồng, cá mú, nơi đặt lồng phải đáp ứng nhiều điều kiện ngặt nghèo. Như đó phải là vùng eo, vịnh kín gió, sóng nhỏ, biên độ dao động của thủy triều không lớn, dòng chảy của thủy triều thấp, có độ sâu tối thiểu là 4-5 m vào lúc thủy triều xuống thấp nhất và đáy là sỏi cát. Hơn thế nữa, nơi đặt lồng phải có độ mặn của nước thích hợp, nguồn nước ít bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, dân dụng và bến cảng…

Vùng mặt nước Hải Minh Trong cũng là cửa khẩu nối thông nước từ đầm Thị Nại ra biển đã đáp ứng được các điều kiện để nuôi cá lồng, nhất là cá hồng, cá mú. Vậy là hàng loạt hộ ngư dân của làng lặn biển lâu nay chỉ biết săn bắt cá bỗng thấy yêu quý vô vàn loài cá. Họ lần lượt kéo nhau ra mặt nước đo đếm các điều kiện làm bè đặt lồng nuôi cá.

Theo xuồng cậu em họ tên Trần Văn Mai, tôi ra lồng bè nuôi cá. Cả vùng mặt nước hơn 1 ha của Hải Minh Trong đáp ứng các điều kiện nuôi cá hồng, cá mú đều đã có bè phủ kín. Bè này cách bè kia chừng quá một bước nhảy. Tất cả có 54 bè cá của 48 hộ ngư dân trong làng lặn, người ít đặt 6 lồng/bè, người nhiều 12, thậm chí 16 lồng/bè. Các bè nuôi phần lớn là cá hồng; cá mú và cá bốp nuôi ít hơn vì chăm sóc khó. Bè gồm các xà gỗ được nối với nhau bằng bulông và giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống các phuy bằng nhựa. Một bè nuôi cá có nhiều khung lồng liên kết với nhau. Lồng làm bằng lưới sợi tổng hợp. Miệng lồng được buộc chặt vào khung gỗ và giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao, các góc đáy lồng được buộc vào những bao đá đảm bảo cho lưới chìm đều. Mai cho biết, đầu tư cho một bè 6 lồng (mỗi lồng 2,5 m2) tốn chừng 25 triệu đồng. Song đầu tư con giống và thức ăn mới đáng kể. Nhiều hộ thiếu vốn phải tự đi lặn bắt cá giống. Còn thức ăn của cá cũng chính là cá vụn được cắt nhỏ tùy theo độ tuổi của cá nuôi.

3 giờ sáng, cả Hải Minh Trong chừng như đều thức giấc. Những người đàn bà tất tả đi vào chợ cá lùng mua cá vụn từ các tàu giã trở về hoặc mua đầu cá từ những người chuyên làm chả cá. Mồi đủ mỗi ngày cho 54 bè cá ở Hải Minh Trong tính ra cả tấn. Lắm lúc không đủ cá mồi, các chị phải chạy xuôi ngược khắp thành phố, thậm chí phải cho cá ăn cầm hơi hoặc mua cá với giá đắt gấp đôi, gấp ba bình thường.

Nuôi cá lồng trên biển gian khổ nhất vẫn là những ngày mưa to, gió bão. Nước từ thượng nguồn đổ về đầm Thị Nại rồi ào ra biển khiến nước trong các lồng cá không bảo đảm độ mặn cần thiết, cá không chịu nổi ngoi ngóp trong lồng. Chủ bè đứng ngồi không yên, lo căng bạt chở nước mặn ngoài khơi đem về nhà cứu cá. Rồi thì những rủi ro, bất trắc khi lưới lồng bị hà cắt rách, cá tuôn ra ngoài. Hay những lúc mất ăn mất ngủ lo chống chọi với bệnh rận, bệnh lở mình của cá…

Tất cả mọi gian khó rồi qua đi, niềm hạnh phúc của dân Hải Minh Trong bây giờ vẫn là đến kỳ thu hoạch cá. Cá mú hiện đã có giá 280.000 đồng/kg, cá hồng 130.000 đồng/kg. Mỗi một lồng cá đến kỳ thu hoạch doanh thu xấp xỉ 20 triệu đồng, bè ít 6 lồng, cứ thế nhân lên...

 

Cho cá ăn.

 

* Đổi đời

Nói người Hải Minh Trong đã đổi đời, hẳn không ai ở đây chịu nhận. Theo họ, cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm, nuôi cá lồng chẳng qua là lấy công làm lời. Nhưng nhiều lần sang Hải Minh Trong cùng làm, cùng... nhậu và tâm sự với họ, tôi thấy có sự thay đổi trong nhiều cuộc đời của người dân nơi đây. Trước đây, mỗi ngày đi lặn được tôm, được cá, hầu như họ đã ăn tiêu hết vào những ngày biển động. Còn giờ đây, họ đã biết dành dụm tiền để mua mồi “bỏ” vào bụng cá mú, cá hồng chờ ngày… trút ống! Trước đây, đàn ông đi lặn, phụ nữ chỉ chăm sóc con, nội trợ, thậm chí tụ tập đánh bài. Còn giờ đây, phụ nữ đã biết thức khuya dậy sớm lo mua mồi, cắt mồi chăm cá cùng chồng…

Còn một sự thay đổi lớn khác, người thợ lặn từ chỗ chỉ biết sát cá (bằng đủ các loại vũ khí) và có được con cá ngon nào thì để dành đem bán thì giờ đây đã biết yêu cá, chăm cá như chăm con mình…

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)
Bình yên cho đầm, biển  (09/01/2011)
Người “biến” trấu, củi, than đá… thành gas  (08/01/2011)