* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Ở quê tôi hồi xưa, lũ chim trời nhiều lắm, chim chóc cứ tưng bừng cả ngày. Sáng sớm chèo bẻo đánh thức người ta dậy, trưa cu cườm gáy, chiều dồng dộc bay về, đêm cuốc gọi đàn, vạc vỗ cánh… Không ai đếm xuể có bao nhiêu tổ chim dồng dộc treo trên ngọn các bụi tre, bao nhiêu con cò bay về mà đậu trắng cả cánh đồng làng chiều hôm; không ai nhớ mình đã được nghe bao nhiêu bản đàn muôn chim lừng giai điệu?
|
Ảnh: Trà Thanh
|
Cũng vì người yêu chim, cho nên chim gần gũi, thân thiện với người. Chim sẻ lót tổ trên ngọn cau, cây mít ngoài vườn, nhưng cũng lót tổ nơi xà nhà, mái rui để nhiều khi ríu ran, inh ỏi, khiến nhiều khi người cũng không yên giấc trưa. Người thấy đó, sáo, nhồng, cò, cuốc… được nuôi khôn, vẫn ở với người, bay đi rồi cũng về nhà, lại còn tập nói tiếng người nữa… Chim hồng, chim nhạn, chim xanh người nuôi, tập đưa được thư. Trong kho tàng cổ tích, có chuyện Tô Vũ đi đày và không ít chuyện kể khác, nhờ chim hồng, chim nhạn đem tin mà đời có những cuộc chia ly được bất ngờ đoàn viên trở lại, như thể chưa bao giờ có cuộc chia ly.
Chim là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ dân gian sáng tác. Nghệ sĩ, khi thì chua chát với hoàn cảnh: “Chim quyên xuống đất ăn trùng/ Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”, khi nhẹ nhàng trao đổi kinh nghiệm: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, có lúc lại gửi gắm tâm tình: “Chim hồng chim nhạn bay xa/ Nhớ em ra tận ngã ba hỏi đường…”, hay ngẫu hứng tả cảnh, tả tình: “Chim ca dưới núi Mò O/ Cho trái chim chim chín đỏ, quả thị to chín vàng/ Nhớ em như nhớ đậu giàn/ Thò tay anh hái, con chim mỏ vàng nó mổ đau”…
Ai sống thời thơ ấu ở miền quê lại không có ít nhiều kỷ niệm với loài chim? Nuôi con sáo non lạc mẹ, ngày mấy lần cho nó ăn, chờ nó há mỏ đút con cào cào bắt ngoài bờ mương; đã bao lần phải dại, leo cổng tam quan đình làng lục lạo, thò tay vào miệng sư tử đá chễm chệ ngồi cao mà bắt tổ chim đợi mẹ kiếm mồi về… Ai chẳng một lần thương tiếng con chim cườm gù bạn tình trên mặt đất dưới trời trưa? Nhờ có thời thơ ấu sống ở quê mà tôi đồng cảm với thi sĩ khi đọc lần đầu bài thơ: “Con đi, cháu ngoại cũng theo xa/ Thui thủi vườn xưa đôi bóng già/ Quả chín đầy cành thôi chớ tiếc/ Trên nhành còn một chú quyên ca” (Sót một tiếng chim, Yến Lan). Tôi còn nhớ mãi một đêm xưa mưa gió tơi bời, một chú chào mào ướt lướt thướt, bị gió mưa thổi bạt vào nhà. Chú được chị em tôi ủ ấm, nuôi kỹ, rồi thả bay về với trời xanh một ngày có ban mai rực rỡ.
* * *
Ông Hợi có thằng cháu họ sống nửa quê nửa thành phố, làm nhân viên cho một công ty ở tỉnh, cuối tuần về nhà ở quê nghỉ. Vì xa nhà, lúc rảnh, nó thường ghé ông chú chơi. Thấy ông Hợi treo vài lồng nuôi con chào mào, chích chòe lửa… nên nó hay bắt chuyện về đề tài chim chóc. Một lần chú cháu khề khà uống trà, nó nói:
- Chú ơi, ở quê mình bây giờ, chim còn lại ít lắm. Nhiều khi muốn thưởng thức tiếng chim ca, cháu phải để dành dịp trở lên thành phố. Ở thành phố này, mỗi sáng sớm, cháu được nghe làn điệu du dương của con chòe than, chòe lửa từ những nhà hàng xóm vọng tới. Khi đi làm, mình ngược dòng với những đoàn người mang lồng chim phủ áo lồng đi về hướng những quán cà phê thi đấu chim hót đang chờ đón họ… Chú có nghe thấy không, trên nhiều đường phố, mình vừa đi vừa thưởng thức tiếng chào mào, sáo, cườm, nhồng, khướu… tấu khúc đàn chim du dương? Ở Quy Nhơn, mỗi ngày đi đi về về, mấy lượt cháu đi ngang qua mấy chợ chim trên đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Trần Phú… Chợ chim nào cũng bày bán chim nhốt “lồng son ống sứ”, chim nhốt trăm con bay tan tác, tả tơi lông cánh trong cũi to, giỏ nhỏ; bên cạnh đó, chợ cũng bày bán lồng nuôi chim đủ loại, đủ kiểu dáng… và thực phẩm chim với đủ nhãn hiệu nhà sản xuất. Chợ chim đông từ lúc 9 giờ sáng cho tới gần trưa, diễn ra một cảnh rộn rịp người săn bắt chở chim sa bẫy, sa rập, sa giò từ các miền trung du tới bán sỉ, người mua sỉ bán lẻ, dân mua chim về nuôi… Và cũng thường có mặt những nhà từ tâm mua chim phóng sinh.
Hớp ngụm trà, ông Hợi đồng cảm:
- Quê mình nay ít chim và vắng tiếng chim thật. Các vùng quê bây giờ yên tĩnh, không còn cái cảnh “chim kêu vượn hót” như hồi xưa, hồi chú hãy còn trẻ. Vì yêu chim, chú đã về nhiều nơi, tìm trắng dã con mắt, vẫn không thấy đâu còn có những chú quạ đen, diều hâu, khách, ác là, chèo bẻo, chìa vôi trải cánh trên bầu trời, đậu nhún nhảy trên cành cây, lang thang trên mặt đất; không thấy đâu còn có những cúm núm, cuốc từ đám ruộng lúa, bụi tre già vụt bay ra… Dồng dộc, chiền chiện, cườm bây giờ cũng còn ít lắm. Đã vậy mà nếu có phát hiện đàn chim bay về đâu đó, dân rập chim, “thương lái” chim mừng lắm, lập tức kéo đến bẫy bắt, mang lên thành phố bán, kiếm mối lợi. Những con sót lại bị động, kinh sợ, thiên di đến nơi khác... Than ôi, còn đâu chim trời, thương thay cho thân phận bé nhỏ, yếu ớt của loài chim!
- Không hiểu sao bây giờ người ta lại ác thế không biết…
- Con người thời nay cứ cái gì lợi cho mình thì làm, bất kể hại ai, hại cho cuộc sống như thế nào! Xưa người ta cũng bẫy chim, nhử chim đấy chứ: “Ở đời có bốn cái ngu/ Mai dong, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”, nhưng gác cu, nhử chim, bẫy rập kiểu ngày xưa chỉ là một thú chơi, không phải nghề, không có chuyện kinh doanh ở đây. Ngày nay, cháu cứ nhìn xem, người ta kinh doanh chim thực sự mà, đó một dãy cửa hàng chim hoang dã đấy! Cứ như hiện nay, sẽ có ngày ta sẽ không còn chim trời nữa đâu. Mà cái nghề đó cũng chẳng khiến ai giàu lên đâu.
Vì chúng ta cần chim để mãi còn “ngày xuân con én đưa thoi” (Kiều, Nguyễn Du) cho bầu trời thêm đẹp, cho mặt đất thêm vũ điệu, “con chim kêu dưới suối Từ Bi” (Ca dao)… cho xung quanh ta thêm tiếng ca, như thế, tức thiên nhiên thêm giàu có, cuộc sống của ta thêm vui… Và sau cùng là để ta được hưởng một môi trường cân bằng sinh thái, thiên nhiên và con người hòa điệu sống, thế giới một phần nhờ đó yên ổn, trường tồn. Từ nay, chú không nuôi chim lồng nữa đâu, nhá.
* * *
Mới đây, tôi về quê, gặp trên đường làng một nhóm cháu nhỏ đang quây quần nhau, tay vỗ, miệng rập ràng hát: “Cu cườm đậu tháp Cánh Tiên / Cúc… cu…cu… cúc… nắng nghiêng mặt thành (Thành Hoàng Đế)/ Con két cắn trái ớt xanh / Cắn thêm quả khế ngọt, tha cọng tranh lên trời” (Ca dao).
Tôi vui, vì trong trí tưởng tượng của mình đang hiển hiện một bức tranh quê linh động từ bài ca dao, được chứng kiến một màn trình diễn rất “nông thôn”, đậm chất đồng dao. Nhưng tôi cũng tội nghiệp rằng, các cháu hát “chay” đó, vì tôi biết chúng chưa có dịp tới tháp Cánh Tiên, dù chỉ cách đó vài ba cây số, mà cũng chưa thấy chim két trong bộ cánh xanh mỏ đỏ rực rỡ của nó bao giờ.
Vì đàn chim này vắng bóng ở quê tôi, kể cũng đã lâu.
(*) Ca dao: “Chim kêu dưới suối Từ Bi/ Đã thương, ăn sim chín, củ mì luồi, vẫn thương”. |