HLV THỂ DỤC DƯỠNG SINH NGUYỄN THỊ HÒA:
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”
20:0', 5/3/ 2011 (GMT+7)

Gần 10 năm qua, CLB thể dục dưỡng sinh (TDDS) TP Quy Nhơn (thuộc Phòng VH, TT và TT TP Quy Nhơn) nói riêng, phong trào TDDS của những phụ nữ cao tuổi ở tỉnh ta phát triển mạnh mẽ với sự đóng góp, lòng nhiệt tình của một người phụ nữ đã ở vào tuổi thất thập – bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ nhiệm CLB. Có thể nói, bà Hòa là biểu hiện đầy sống động cho phong cách sống của người cao tuổi: sống vui – khỏe – có ích.

 

“Mang lại sức khỏe, niềm vui cho phụ nữ cao tuổi là hạnh phúc của tôi”.

- Trong ảnh: bà Hòa (hàng đầu, người đeo micro) hướng dẫn hội viên CLB tập TDDS tại quảng trường Chiến thắng.

 

* 10 năm tình nguyện hướng dẫn TDDS cho phụ nữ cao tuổi

Hàng ngày, tầm 5 giờ đến 6 giờ, nếu có dịp đi ngang Quảng trường Chiến thắng hay Nhà văn hóa Thiếu nhi Quy Nhơn, bạn sẽ gặp một hình ảnh đẹp mắt: trong ánh sáng ngày mới đang lên, khoảng 50 phụ nữ trung niên, cao niên đang đi những bài TDDS uyển chuyển. Đứng ở vị trí điều khiển, người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng Bắc hô vang khỏe, dõng dạc khiến bạn chú ý…

* Điều gì khiến một giáo viên Toán về hưu trở thành huấn luyện viên TDDS cho phụ nữ cao tuổi, thưa bà?

- Có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất là vì tôi ý thức được vai trò của luyện tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên trong giữ gìn, bảo vệ sức khỏe và mang lại niềm vui tinh thần cho người già. Năm 1994, nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để sinh hoạt TDTT. Mỗi buổi sáng đi dạo bộ trên đường ven biển, tôi thấy rải rác một số chị em tập bộ môn này. nhìn những động tác uyển chuyển, hài hòa của động tác TDDS, tôi rất thích.

TDDS ở thành phố ta thời điểm ấy chưa phổ biến, chủ yếu là thể dục tay không, ít bài và động tác, hoàn toàn tự tập chứ chưa có tập với nhạc nền. Tôi gia nhập CLB hưu trí TP Quy Nhơn và làm quen với TDDS tại đây. Nhờ tập dưỡng sinh đều đặn mỗi ngày mà căn bệnh thần kinh tọa của tôi khỏi hẳn, tôi càng thêm thiện cảm và tin tưởng bộ môn này. Ngoài sinh hoạt TDDS, tôi còn chơi cầu lông, thành tích cao nhất của tôi trong mấy năm chơi môn này là giải nhì đơn nữ giải cầu lông hội người cao tuổi toàn tỉnh (cười).

Những năm đầu vào nghề giáo, tôi làm tổng phụ trách đội, bí thư chi đoàn, người điều khiển hoạt động thể dục giữa giờ cho học sinh, công tác này đã rèn cho tôi một chất giọng chắc khỏe, lưu loát. Tôi được hội viên CLB hưu trí tín nhiệm giao nhiệm vụ hô động tác để hướng dẫn mọi người cùng tập. Một công việc nhỏ nhặt không tên nhưng nó khiến tôi ý thức về phần việc của mình với tập thể. Sau đó, tôi được bầu vào Ban chủ nhiệm CLB phụ trách TDTT. Kể từ đó, tôi học từ nhiều nguồn để nâng cao hiểu biết lý thuyết và thực hành về môn này. Trước khi thành lập CLB TDDS, tôi vào TP Hồ Chí Minh học khóa huấn luyện viên TDDS, Sở TDTT TP Hồ Chí Minh cấp chứng chỉ công nhận. Sau đó mỗi năm, tôi lại vào TP Hồ Chí Minh 2 lần để học, thi cập nhật về bộ môn. Mỗi lần đi như thế chừng 1, 2 tháng, ăn, ở nhà con trai cả tại quận Gò Vấp; ngày 4 lượt xe buýt đến công viên Tao Đàn, trường đua Phú Thọ… để học.

* Nhiều người kể rằng, bà đã “gõ cửa” nhiều nơi, vận động nhiều người ủng hộ để xin thành lập CLB TDDS?

Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1943, nguyên quán Hà Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà là Trung đội trưởng Trung đội nữ tự vệ khối giáo viên TP Nam Định. Tháng 9.1975, bà về Bình Định theo chế độ chi viện cho miền Nam sau giải phóng, làm giáo viên Trường con liệt sĩ căn cứ huyện Hoài Ân rồi Trường THCS Trần Hưng Đạo sau này. Bà về hưu năm 1994. Với những đóng góp hoàn toàn tự nguyện cho phong trào TDDS, bà Hòa được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2007.

- Vâng, ròng rã cả năm trời mới xin được giấy phép thành lập CLB. thủ tục thì đơn giản, thành lập CLB để thúc đẩy phong trào đi lên, làm nơi sinh hoạt TDTT của nữ người cao tuổi trong thành phố, nhiều người ủng hộ lắm. Nhưng điều e ngại là kinh phí để CLB hoạt động lâu dài, mua sắm dụng cụ, trang phục luyện tập, tổ chức hội thi, hội diễn…, lấy đâu ra?

Tôi phải viết đơn cam kết đảm bảo CLB tự túc kinh phí, tự tìm nguồn tài chính để hoạt động. Gánh nặng đặt trên vai một khi CLB ra đời, nhưng tôi đã quyết tâm phát triển, nhân rộng phong trào TDDS trong thành phố, cùng với mong mỏi của đông đảo người yêu thích bộ môn này, sự khích lệ của một số cán bộ hưu trí, bạn bè, tôi thêm tự tin. Trước ngày ra mắt CLB, anh Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Bí thư Thành ủy đến gặp tôi chúc mừng và biếu CLB 300 ngàn đồng để làm “lộ phí” tổ chức buổi ra mắt. Những sự quan tâm nho nhỏ như thế là nguồn động viên to lớn giúp tôi duy trì CLB.

* “Nước lã vẫn khuấy nên hồ”

CLB TDDS hiện có 50 hội viên. Những năm đầu CLB mới thành lập, số hội viên lên đến hàng trăm, phụ nữ cao tuổi ở hầu hết các phường đều tụ họp về đây sinh hoạt; khi đã cơ bản tiếp cận được với bộ môn, số đông chị em về sinh hoạt tại phường cho thuận tiện. Phí hội viên chỉ vài ngàn đồng/tháng, khoản này chỉ để dùng khi thăm hỏi đau ốm, tang gia trong CLB. Trong khi hoạt động của CLB khá phong phú…

*  Bằng cách nào bà “nuôi” CLB hoạt động gần chục năm nay?

- Tất cả là nhờ các nhà tài trợ. Mỗi năm, chúng tôi đều lên kế hoạch sinh hoạt của CLB trong năm và dự trù kinh phí, chưa kể những hoạt động mang tính đột xuất, chi phí hoạt động mỗi năm không dưới 20 triệu đồng. Tổ chức sơ kết, tổng kết, giao lưu, hội thi, hội diễn với các CLB khác trong tỉnh, mỗi năm ít nhất 2 lần tổ chức cho hội viên đi dã ngoại, du lịch ngắn ngày, tổ chức chúc thọ cho hội viên… Khoản chi nhiều nhất là mua sắm dụng cụ, trang phục tập luyện… Tất cả tôi đều được tài trợ.

Tôi được sự tài trợ của Công ty TNHH Quốc Thắng, Bidiphar – Chánh Thắng, Sacombank, và nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân có lòng với người cao tuổi. Nhân đây, tôi thay mặt CLB gởi lòng tri ân đến tất cả các cá nhân, đơn vị đã ủng hộ CLB TDDS TP Quy Nhơn bao năm qua và rất mong các “Mạnh Thường Quân” tiếp tục quan tâm đến hoạt động của các “bà lão” chúng tôi để có thể kéo dài niềm vui “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

 

Bà Hòa được mời biểu diễn TDDS tại Festival Tây Sơn – Bình Định năm 2008.

 

* Đóng góp không mệt mỏi cho TDDS

Đã ở tuổi 70 nhưng bà Hòa vẫn thường lên “nét” để cập nhật về môn thể thao bà theo đuổi, xem báo mạng để biết về phong trào dưỡng sinh các nơi khác. Bà tìm cách sử dụng các ca khúc Bình Định để làm nhạc nền…

* Ngoài hướng dẫn cho người học TDDS trong thành phố, bà còn nhiệt tình đi về các huyện để bồi dưỡng cho phong trào ở cơ sở. Điều gì khiến bà đóng góp không biết mệt mỏi cho phong trào TDDS?

- Bằng nỗ lực đóng góp có thể, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người nữ cao tuổi là tâm niệm, hạnh phúc của tôi. Nhiều người tập TDDS vốn là bộ đội, TNXP, những người đã đóng góp tuổi xuân cho sự nghiệp cách mạng. Tôi rất hạnh phúc khi giúp các chị, các bạn được thư giãn, có thêm sức khỏe. Sinh hoạt CLB cũng là một cách hưởng tuổi già, dịu bớt nỗi vất vả của những năm tháng nhọc nhằn trước đó… Cách đây không lâu, có một chị ở Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn tìm đến tận nhà nhờ tôi dạy TDDS để chị về phát triển phong trào ngoài đó. Tôi rất quý tấm lòng nhiệt tình với phong trào phụ nữ của chị ấy. Học xong, chị ấy ngỏ ý gởi tôi một ít thù lao. Tôi xua tay không nhận, chị em cả! Mình cũng được nhiều người giúp mà. Mỗi buổi sáng tập luyện, không ít khách du lịch quốc tế dừng lại mỉm cười nhìn chúng tôi tập, rồi xin phép quay phim, chụp ảnh chung, họ còn rửa ảnh, làm đĩa tặng. Nhiều niềm vui lắm!

* Sau nhiều năm gắn bó với phong trào TDDS, bà còn ưu tư gì không?

- Phong trào TDDS tỉnh ta mới phổ biến ở thành phố, thị trấn, người cao tuổi vùng nông thôn, xa hơn là các huyện miền núi còn chưa được tham gia luyện tập môn này. Đây là trăn trở khôn nguôi của tôi. Nếu phát triển được TDDS ở những địa bàn trên, tôi sẽ không nề hà về tận nơi hướng dẫn dùm. Tỉnh ta chưa có nhiều HLV TDDS, các cuộc thi TDDS tổ chức vừa qua, tìm người am hiểu bộ môn này để làm giám khảo rất vất vả. Ngành TDTT tỉnh nhà có lẽ cũng cần quan tâm hơn đến bộ môn TDDS và phong trào. Hãy xem đó là một bộ môn TDTT phù hợp với cộng đồng người cao tuổi.

* Ông bà trên 70 mà vẫn xưng anh – gọi em rất ngọt…

- Tôi cám ơn người bạn đời đáng kính của mình đã không những bằng lòng, cho phép mà còn động viên, giúp đỡ tôi làm công việc này. 10 năm làm phong trào hoàn toàn không công cán, lương bổng, hỗ trợ. Mỗi năm khăn gói đi học đều xuất tiền túi. CLB sắp có hoạt động, tôi lại túc tắc đạp xe đi vận động tài trợ. hội viên ốm đau, có chuyện buồn phiền hay vắng tập, tôi lại đến nhà tìm hiểu… Những lúc như thế, anh ấy lại thay tôi cơm nước, đợi vợ về cùng ăn, chăm sóc khi tôi có dấu hiệu cảm, sốt để không sáng nào vắng mặt hướng dẫn hội viên luyện tập. Tôi là con gái đất Bắc, và thấy mình thật may mắn khi yêu và làm vợ con trai Bình Định. Tôi không rời mảnh đất này được.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

  • Sao Ly (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)
Chủ tịch phường 14 năm trên bục giảng lớp học tình thương  (15/01/2011)