Miên man Trường lũy
19:17', 6/3/ 2011 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định được phát hiện và khai quật. Thật ra, từ 10 năm trước, ông Trần Trung Miên, cán bộ kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, từng đưa chúng tôi đi dọc những bờ đá chạy từ núi rừng Hoài Nhơn sang An Lão, chỉ cho chúng tôi từng đoạn lũy, đồn canh… Chúng tôi đã không ngờ rằng đây là một công trình kiến trúc độc đáo được các nhà khoa học ngày nay hết sức ngưỡng mộ…

 

Dấu tích một đồn canh ở xóm 2, thôn La Vuông, xã Hoài Sơn.

 

* Trở lại Trường lũy

Thôn La Vuông của xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, trải dài theo chiều dựng đứng của con dốc hun hút. Đỉnh của con dốc ấy chính là Đồng Vuông, vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu, là chứng nhân của một số dự án, chương trình kinh tế không thành. Là người gắn bó lâu năm với đất La Vuông, ông Trần Trung Miên, tức Ba Miên, đã phát hiện ra dấu tích của Trường lũy từ rất lâu, nhưng ít có dịp giới thiệu rộng rãi. Bởi không phải ai cũng có gan vượt con dốc dựng đứng đầy đá nhọn cao ngót nghét 700 m, quanh năm sương mù giăng phủ để đến Trường lũy.

Nghe Ba Miên kể về Trường lũy, chúng tôi bán tín bán nghi. Thế rồi, chúng tôi cũng có dịp được tận mắt nhìn thấy Trường lũy với sự trợ giúp từ chiếc U-oát của anh Lê Văn Thiệt - “ông chủ” của thảo nguyên La Vuông bao la. Đồng Vuông hoang sơ bạt ngàn sim tím, chỉ còn vài trại bò xiêu vẹo còn sót lại làm chứng tích một thời con người đã muốn chinh phục nơi đây. Chúng tôi đã lần theo dấu vết của bờ lũy qua những bờ đá, trong những lùm cây, trên từng đỉnh đồi hun hút và lác đác vài con suối nhỏ. 

10 năm sau, Trường lũy được ca ngợi “chỉ sau Vạn Lý Trường Thành” đã thôi thúc chúng tôi vượt rừng để quay lại quan sát kỹ hơn những đoạn lũy đi qua địa bàn tỉnh Bình Định. Chúng tôi cũng bắt đầu từ La Vuông, nơi có những cánh rừng tiếp giáp giữa Bình Định và Quảng Ngãi. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Ưng, 52 tuổi, ở xóm 2, hào hứng: “Gần đây, cũng có nhiều người đến hỏi về Trường lũy. Chúng tôi thấy nó từ lâu nhưng không biết là cái gì, do ai làm”.

Nói xong, ông dẫn chúng tôi ra khu rừng gần nhà, chỉ cho chúng tôi một đồn canh có cấu trúc không khác gì đồn canh ở gần Trường lũy mà chúng tôi từng nhìn thấy trước đây. Nền đất đồn canh còn lại có hình vuông, rộng hơn 500 m2, có cửa ra vào, bờ ngăn cao trên 1 m. Theo ông Ưng, ở địa phận khu dân cư của thôn La Vuông có 3 đồn canh như vậy.

Chia tay ông Ưng, chúng tôi vượt con đường xuyên rừng để tiếp cận Trường lũy. Con đường lởm chởm đá, dốc dựng, mây mù phủ kín, nhưng ẩn trong những đám mây kia là những công trình còn ẩn chứa nhiều huyền thoại mê hoặc lòng người. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy trục trụi, tiếng pô chát chúa gầm rú, lốp xe bám đá khét lẹt vượt qua chúng tôi. Họ là dân đi rừng, làm rẫy.

 

Một đoạn lũy còn khá nguyên vẹn, mặt trong của lũy được đắp thành hai tầng.

 

* Hợp duyên đất và đá

Đồng Vuông hôm nay không chỉ là những cánh rừng nguyên sơ, mà còn có cả những rẫy mì, chuối, keo lá tràm… Màu xanh của những ngọn mì đã phủ lên những khoảnh đất còn nham nhở bao nilon đen, dấu tích của đồng dứa mênh mông năm xưa.

Năm nay 58 tuổi, nhưng ông Dương Hữu Chí đã sống một mình trên chốn hoang vu này gần 20 năm. Ngôi nhà ông ở là một góc của nông trường bò giải thể năm 1992. Giữa thảo nguyên mênh mông, Trường lũy chạy ngang qua nơi ông ở, bờ lũy trở thành tường rào vững chắc cho khu trang trại nuôi bò và trồng keo. Ông kể: “Nghe nói, trong thời chiến tranh, để chuyển quân, vũ khí qua đây, ta phải phá một số đoạn lũy để xe qua. Rồi sau đó, cũng có một số người gỡ đá của lũy để dùng”.

Chừng ấy năm làm bạn với thảo nguyên, với Trường lũy, ông Chí thuộc từng đoạn lũy, từng đồn canh. Theo ông, 2 đồn canh nằm kề cách nhau khoảng 1 km. Khi con người tràn lên núi cao để sản xuất, phần đất trong lòng các đồn canh này rất được ưa chuộng bởi nó bằng phẳng. Đa số các đồn canh đó đã bị xâm chiếm để trồng mì.

Từ khu vực ông Chí ở, tiếp tục đi sâu vào núi, Trường lũy càng hiện ra rõ nét hơn. Chọn nơi bờ lũy đã được phát quang, hiển lộ rõ ràng nhất, chúng tôi dừng lại để quan sát thật kỹ. Bờ lũy ở đoạn này cao hơn 3 m, phần chân đế rộng chừng 3-4 m, mặt trên cùng của bờ lũy rộng 1 m.

Tại một đoạn của lũy đã bị phá làm đường, tạo thành một mặt cắt, nên chúng tôi có thể quan sát rõ kết cấu bên trong của lũy. Bờ lũy được tạo nên bởi 3 lớp đá và 2 lớp đất. Đặc biệt, 2 lớp đá bên ngoài mỗi viên có đường kính khoảng 35 đến 40 cm, có màu nâu, được xếp khéo léo theo hình vảy cá. Tuy không có một loại vôi vữa hay chất kết dính nào, nhưng những viên đá có hình thù không đồng nhất vẫn bám chặt vào nhau.

Đứng trên mặt lũy phóng tầm mắt ra xa, dễ dàng nhận ra núi Chúa ẩn hiện sau màn mây. Nơi đây, tương truyền vua Gia Long từng ẩn ngụ. Địa hình núi Chúa bí hiểm, một cửa sinh nhiều cửa tử như một ma trận. Ở đó, có những địa danh gắn liền với nhiều huyền thoại, nhiều chứng tích như vườn Cam, suối Oan Hồn, trường Ngựa… Cùng với hệ thống Trường lũy, núi Chúa với thảo nguyên mênh mông và khí hậu mát mẻ hứa hẹn là một điểm du lịch tuyệt vời…

 

Mặt cắt của lũy do đường đi cắt ngang tạo thành.

 

* Gìn giữ cho muôn đời sau

Di tích Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định được các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn đông Bác cổ của Pháp tại Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam chính thức khai quật, nghiên cứu từ năm 2005. Theo các nhà khoa học, Di tích Trường lũy được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV và cơ bản hoàn thành vào đầu thế kỷ XIX. Trường lũy này dài khoảng 200 km, trải dài suốt 9 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, đoạn Trường lũy ở Bình Định dài hơn 30 km. Trường lũy này có những nét tương đồng với lũy đá cổ Phương Mai ở Hải Minh (TP Quy Nhơn). Hiện nay, do nằm gần khu dân cư nên đoạn lũy qua huyện An Lão ít nhiều đã bị xâm hại, không còn nguyên vẹn bằng đoạn lũy qua huyện Hoài Nhơn.

Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt. Mối liên quan của Trường lũy với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác và sự tồn tại của một câu chuyện lịch sử phong phú, càng làm tăng thêm giá trị của di tích này.

Vừa qua, tại TP Quảng Ngãi, Trường Viễn đông Bác cổ đã tổ chức báo cáo khoa học “Lịch sử và Di sản miền Trung Việt Nam: Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Đánh giá giá trị di sản, thách thức bảo tồn và tiềm năng phát huy giá trị di sản”. Hội thảo đã đánh giá Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một loại hình di sản hiếm quý và dài nhất Đông Nam Á.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa hoàn tất hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa-  Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận, xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với công trình kiến trúc Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cuối tháng 2.2011, dự án bảo vệ, tôn tạo di tích Trường lũy đã được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào danh mục đầu tư với kinh phí 15 tỉ đồng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi sẽ tiến hành khôi phục một số đoạn của di tích Trường lũy, cắm mốc, khoanh vùng để bảo vệ Trường lũy cùng các đồn canh. Trước mắt, trong tháng 3 sắp tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi sẽ cùng các huyện có Trường lũy đi qua quy hoạch cắm mốc giới cách hai bên Trường lũy 500 m và đặt bia bản.

Tỉnh Quảng Ngãi đang tất bật tiến hành công tác bảo vệ và quảng bá di tích Trường lũy. Trong khi đó, đoạn Trường lũy đi qua tỉnh Bình Định vẫn chưa được cơ quan chức năng lập hồ sơ để xếp hạng di tích.

Công trình kiến trúc in đậm công sức của tiền nhân này đã và đang bị thời gian và con người xâm hại. Trong đó, nguy cơ đầu tiên và tai hại nhất, đó là người dân dù bao đời sinh sống ngay cạnh Trường lũy cũng không hề biết những bức tường đá rêu phong kia là cái gì. Và thế là, khi cần mở rộng ruộng vườn, làm nhà cửa, họ sẵn sàng san phẳng bờ lũy. Ngay trên mặt lũy ở Đồng Vuông, hiện nay người dân đã tranh thủ trồng keo lá tràm.

Trường lũy uốn lượn như con rồng bay qua đỉnh La Vuông rồi trườn xuống ẩn mình trong thung lũng An Lão ngủ giấc thiên thu. Nếu không ra sức giữ gìn, hình ảnh thơ mộng ấy sẽ chỉ còn lại trong những lời kể đầy tiếc nuối…

  • Trường Đăng - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)
Khát vọng Kim Sơn  (15/01/2011)