Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa
21:12', 12/3/ 2011 (GMT+7)

Mang theo tình yêu với nghề thêu truyền thống của quê hương, ông Nguyễn Văn Thảo, chủ cơ sở thêu Hai Thảo (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước để tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Khi tìm được đầu ra ổn định, ông về quê, vay tiền mở cơ sở thêu, thu nhận lao động và liên kết với nhiều hộ trong làng nghề để cùng sản xuất các sản phẩm thêu truyền thống, cung ứng ra thị trường. Nhờ đó, làng nghề thêu Phương Danh từ chỗ đang dần mai một, nay đã hồi sinh và phát triển.

 

Ông Nguyễn Văn Thảo đang hướng dẫn học trò phác thảo những bức trướng rộng hơn 1 m.

 

* Tìm hướng đi mới

Một ngày giữa tháng 3.2011, chúng tôi tìm đến làng thêu Phương Danh. Tiếng máy thêu chạy xè xè vọng ra đều đều từ những gia đình làm nghề thêu, nghe thật rộn rã. Tìm hiểu về sự phát triển của nghề thêu Phương Danh, nhiều người dân làng nghề cho biết, làng thêu Phương Danh đã trải bao thăng trầm. Một trong những người có công lớn trong việc “vực dậy” làng nghề như hôm nay là ông Nguyễn Văn Thảo, chủ cơ sở thêu Hai Thảo ở đây.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở thêu Hai Thảo giữa lúc ông Thảo đang hướng dẫn học trò phác thảo những bức trướng, liễn… Nhìn những động tác mà ông hướng dẫn, sự tập trung chăm chú của những cô học trò nhỏ tuổi, chúng tôi mới hiểu phần nào nỗi vất vả của lao động nghề thêu. Dừng tay, ông Thảo vào nhà, pha ấm trà mời chúng tôi, rồi thong thả nói về cái nghề ông theo đã đuổi bấy nay.

Ông Nguyễn Văn Thảo nhớ lại: Thêu là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân Phương Danh. Từ xa xưa, những sản phẩm thêu ở Phương Danh như: đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng… đã nổi tiếng với đường chỉ sắc sảo, những nét hoa văn độc đáo, tạo cảm giác thích thú cho khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vào những năm trước năm 1975, lúc làng nghề thịnh vượng, có cả trăm hộ làm nghề, với 150-200 lao động. Sản phẩm và tiếng tăm của làng nghề thêu Phương Danh khi ấy không chỉ những người trong tỉnh biết đến, mà nhiều người ở các địa phương khác và người Việt ở nước ngoài cũng tìm đến đặt hàng. Trải bao thăng trầm, một thời gian dài, nghề thêu ở Phương Danh bị mai một. Có thời điểm, cả làng nghề chỉ còn 5-7 hộ làm nghề, với chừng 10-15 lao động. Trước thực tế này, tôi nghĩ: Nghề thêu quê mình rất nổi tiếng, thợ thêu có tay nghề cao; sở dĩ làng nghề mai một là bởi không có đầu ra ổn định. Từ đó, tôi quyết tâm tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề của quê mình.

 

                                Một góc cơ sở thêu Hai Thảo.

 

Những ngày tháng đi tìm thị trường cho làng nghề thêu của ông diễn ra như thế nào?

- Năm 1980, tôi vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thị trường hàng thêu và nhận ra một điều: Sản phẩm thêu của làng nghề thêu Phương Danh rất được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Từ đây, tôi đã đặt vấn đề làm hàng và ký gửi các cửa hàng buôn bán các mặt hàng đồ thờ tự, ma chay ở TP Hồ Chí Minh bán giúp. Bên cạnh đó, tôi đã lần mò sáng tạo ra những mẫu mã thêu mới và đi chào hàng ở khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Thật không ngờ, những mẫu của tôi sáng tác bán rất chạy ở những thị trường này. Rồi dần dần, hàng của tôi làm ra ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn. Từ đây, tôi đã ký các đơn hàng làm trực tiếp cho các nhà phân phối lớn ở khắp mọi miền đất nước. Khi đã có đầu ra ổn định, tôi về quê, đầu tư một cơ sở thêu với 15 giàn máy thêu, thuê thợ thêu ở địa phương về làm và nhận những học trò về truyền nghề. Đến nay, có nhiều thế hệ thợ thêu do tôi dìu dắt đã thành tài, đứng ra mở cơ sở riêng. Bên cạnh đó, việc làm của tôi cũng được bà con trong làng nghề hưởng ứng, nhiều hộ gia đình đã nhận hàng của tôi về thêu gia công…

* Gìn giữ và phát triển nghề thêu

Hiện nay, khi Nhà nước có chính sách khôi phục và phát triển làng nghề, nghề thêu có thêm điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thêu ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm thờ tự, hiếu hỉ, tranh ảnh… nên làng thêu Phương Danh có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thảo nói một cách đầy tin tưởng về tương lai của làng nghề: “Khi mức sống được nâng cao thì nhu cầu các mặt hàng thêu sẽ ngày càng tăng. Tôi tin rằng, những sản phẩm của làng nghề thêu Phương Danh với chất lượng cao, kiểu dáng mới, lạ, đẹp, giá cả phải chăng… sẽ ngày càng thu hút nhiều khách hàng”.

 

Ông Nguyễn Văn Thảo kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi giao cho khách.

 

Ông có thể nói rõ hơn về những cái mới của làng nghề thêu Phương Danh cũng như cơ hội phát triển của làng nghề hiện nay?

- Bây giờ, người thợ thêu ở Phương Danh không chỉ dựa vào vốn nghề truyền thống mà còn áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, biết sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Không chỉ thêu đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng… phục vụ nhu cầu thờ cúng, tân gia, hiếu hỉ với những công đoạn thủ công truyền thống, làng thêu Phương Danh còn thêu thêm nhiều mặt hàng mới theo mẫu mã của khách hàng.

Mấy năm gần đây, bên cạnh những đơn hàng làm theo sự đặt hàng của các nhà phân phối lớn, làng nghề còn đón nhận nhiều khách hàng “sộp” đến đặt thêu những bức trướng mừng thọ, tân gia, với giá 5-7 triệu đồng. Cũng có nhiều người đặt thêu hoành phi để thờ cúng ở từ đường họ tộc hoặc nhà riêng; nhiều người đặt thêu nghi trướng để đi đám tang… Nhờ thế, cơ sở thêu của tôi đã phát triển mạnh hơn, với trên 30 công nhân luôn có việc làm, mức thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong làng nghề, có nhiều hộ gia đình cũng đã quay trở lại với nghề thêu. Bên cạnh việc thêu các sản phẩm do khách hàng đặt, họ còn nhận hàng từ cơ sở của tôi về thêu gia công. Nhờ đó, hiện nhiều hộ gia đình ở làng nghề đã có thể sống được với nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, phần đông thợ thêu ở làng nghề thêu Phương Danh còn rất trẻ, nhưng họ đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất những sản phẩm vốn nổi tiếng là khó về mũi chỉ đường kim, nên cơ hội phát triển của làng nghề là rất tốt.

Là nghệ nhân gắn bó lâu năm với làng nghề và cũng là người từng bôn ba khắp nơi để tìm hướng đi mới cho làng nghề, ông có nhắn nhủ gì với thế hệ sau?

- Để làng nghề tồn tại và phát triển, tôi luôn căn dặn con cháu cũng như học trò của mình phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, tự tin với nghề truyền thống của quê hương mình. Đồng thời, phải làm sao cho mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều thật đẹp, chất lượng, để khách hàng hài lòng và tín nhiệm. Muốn làm được điều đó, trong quá trình làm nghề cần nỗ lực, không ngừng học hỏi, chịu khó đọc sách lịch sử, văn hóa để có thể vận dụng và đưa ý tưởng mới vào những tác phẩm của mình. Như bản thân tôi, dù không qua trường lớp, nhưng với cách nghĩ “học thầy không tày học bạn”, tôi đã học ở mọi chỗ, mọi nơi, học qua bạn bè; đi đâu thấy những sản phẩm thêu đẹp là tôi xem xét, ghi nhớ, đặng về học hỏi họ mà làm. Tôi cũng tích cực đọc sách báo, tranh, ảnh, mua sách hội họa để nghiên cứu thêm... Nhờ vậy, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức về hội họa và cho ra đời nhiều sản phẩm thêu nghệ thuật với đặc trưng riêng của mình.

Ngoài sự nỗ lực tự thân của người dân trong làng nghề, chúng tôi cũng mong các ngành chức năng hỗ trợ để xây dựng, khôi phục và phát triển làng nghề một cách đồng bộ, vững chắc và toàn diện, gồm hỗ trợ về vốn, quảng bá sản phẩm…

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)
Tết sớm trên Cảng cá Tam Quan  (23/01/2011)
Người góp chữ thầm lặng...  (22/01/2011)
Đưa nai về vườn…  (16/01/2011)