Đối với bệnh nhân phong, da liễu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn) không chỉ là nơi điều trị đáng tin cậy mà còn là mái ấm đầy tình thương để họ gửi gắm.
|
Khu hành chính Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa.
|
* Lớn lên trong chiếc “áo mới”
Trong suốt 70 năm hoạt động kể từ ngày thành lập (từ năm 1929 đến năm 1999), Khu điều trị phong Quy Hòa chỉ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho một số ít bệnh nhân “thường trú” tại khu điều trị. Bệnh nhân phong mắc những căn bệnh hiểm nghèo ngoài bệnh phong thường được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Thế nhưng, chẳng có mấy bệnh nhân chịu chuyển viện, bởi khoảng cách mặc cảm của họ với cộng đồng còn xa lắc. Và nhiều người trong số họ đành chấp nhận sống chung với bệnh tật. Thuở ấy, vấn đề phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong cũng chưa được đề cập, chuyện phòng, chống bệnh phong cũng còn rất xa lạ đối với trách nhiệm của Khu điều trị phong Quy Hòa.
Sau đó, Khu điều trị phong Quy Hòa được đổi tên thành Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa. Tuy nhiên, hoạt động của Bệnh viện cũng còn hạn chế. Trong khi đó, theo khảo sát của những nhà chuyên môn, khu vực miền Trung- Tây Nguyên là địa bàn phát sinh nhiều bệnh nhân phong mới, vậy mà, không có một cơ quan chuyên môn nào làm nhiệm vụ kiểm soát tình hình dịch tễ. Tỉ lệ tàn tật của bệnh nhân phong trong khu vực cũng rất cao, đến trên 40%, nhưng vẫn chưa có đơn vị chức năng triển khai công tác phòng, chống tàn tật dựa vào cộng đồng.
Trước những “lỗ hổng” đó, năm 1999, Ban Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa đã lập đề án xin đổi tên thành Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa và đề xuất được thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, trình Bộ Y tế.
Cuối năm 1999, Bộ Y tế chuẩn y đề án. Sau khi được đổi tên và được giao nhiệm vụ mới với tầm là bệnh viện khu vực, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa đã thực sự lớn mạnh. Lúc này, Bệnh viện không chỉ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân phong và da liễu, mà còn khám, chữa bệnh đa khoa cho bệnh nhân phong và cả nhân dân bên ngoài. Là “bộ chỉ huy” của tuyến trước, gồm 7 tỉnh miền Trung và 4 tỉnh Tây Nguyên về lĩnh vực phong và da liễu, Bệnh viện đã tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, tiếp cận những thành tựu khoa học - kỹ thuật của thế giới về phương pháp điều trị và phòng, chống bệnh phong để áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, Bệnh viện còn tổ chức đào tạo cán bộ và xây dựng mạng lưới chuyên khoa và nghiên cứu khoa học.
|
Sản xuất giày cho bệnh nhân phong bị cụt rụt chân.
|
* Nhiệm vụ càng nhiều, càng dày gian nan
Để đáp ứng với hoạt động “đa nhiệm vụ”, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa đã nhanh chóng thực hiện công tác đào tạo cán bộ. Từ 10 bác sĩ, đến nay, Bệnh viện đã có lực lượng bác sĩ trên 40 người, trong đó, có cả tiến sĩ, cao học, thạc sĩ và nhiều bác sĩ chuyên khoa. Khi đã có nguồn nhân lực, Bệnh viện liền áp dụng những chuyên môn, kỹ thuật mới vào khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết: “Tiếp bước Giáo sư Lê Kinh Duệ - người đầu tiên ở Việt Nam đề ra phương pháp loại trừ bệnh phong từng vùng theo kiểu “da báo” - và những hậu duệ xuất sắc của ông, Bệnh viện chúng tôi đã có nhiều sáng tạo trong khám, chữa bệnh và phòng, chống bệnh phong và đến nay, đã có những đóng góp đáng kể”.
Đó là những đóng góp đã trở thành niềm tự hào của tập thể bác sĩ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa. Bệnh viện đã trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện xây dựng và tổ chức thành công phương pháp phân vùng dịch tễ phong; cũng là đơn vị xây dựng và tổ chức thành công phương pháp khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân phong mới. Nhờ đó, tỉ lệ tàn tật độ 2 của bệnh nhân phong mới được giảm hẳn; đối tượng bệnh nhân phong mới ở khu vực Tây Nguyên được phát hiện sớm, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng giảm nhờ khống chế được nguồn lây.
Mỗi năm, Bệnh viện còn đào tạo và xây dựng mạng lưới chuyên khoa cho các tuyến tỉnh, huyện, xã hàng trăm cán bộ; tổ chức nhiều loại hình truyền thông, trong đó có những đoạn phim truyền hình, vừa có tác dụng giúp phát hiện bệnh phong, vừa tác dụng làm thu hẹp khoảng cách mặc cảm giữa bệnh nhân phong và cộng đồng. Đặc biệt, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa còn tiên phong trong phát hiện ra gen vi khuẩn phong kháng thuốc. Hàng năm, Bệnh viện cũng đã khám và chữa bệnh cho hàng chục ngàn bệnh nhân da liễu trong khu vực và phẫu thuật từ 300-500 lượt bệnh nhân phong để phục hồi chức năng cho họ.
|
Dụng cụ hỗ trợ cho bệnh nhân tàn tật do Bệnh viện sản xuất.
|
* Hết lòng vì bệnh nhân
Bác sĩ Vũ Bá Toản vừa đưa tôi đi tham quan Xưởng đóng giày, dép cho bệnh nhân vừa cho biết: “Xưởng chỉ có 10 nhân viên kỹ thuật, nhưng hàng năm, xuất xưởng từ 2.500-3.000 đôi giày, dép và dụng cụ chỉnh hình gồm: chân, tay giả mọi kích cỡ; dụng cụ hỗ trợ bàn tay bị cụt hết ngón có thể cầm thìa hoặc cầm bút và 5 loại giày, dép. Đặc biệt, những sản phẩm giày, dép không đôi nào giống đôi nào, vì mỗi đôi được làm cho riêng từng dị tật, biến dạng của những bàn chân do bệnh phong gây ra”.
Hiện Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa có 472 bệnh nhân; trong đó có 291 người bị tàn phế nặng, 184 người tàn phế vừa và hơn 600 con em bệnh nhân; trong đó, có 215 con em tuổi từ 15 trở xuống. |
Nhân viên kỹ thuật của xưởng đến tận từng giường người bệnh “đo” dị dạng từng đôi chân. Anh Nguyễn Văn Quế, nhân viên kỹ thuật, cho biết thêm: “Chúng tôi còn khăn gói đi - về những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số nằm tận những vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên để đo chân cho bệnh nhân. Những chuyến đi này cơ cực trăm bề. Đồng bào dân tộc đi làm rẫy thường tối mới về, chúng tôi phải đợi, và việc đo chân phải làm cả ban đêm trong ánh đèn tù mù. Tuy nhiên, công việc đo chân không cho phép một sai sót nhỏ, vì chân người bệnh rất nhạy cảm, lệch một tí sẽ gây đau đớn, nên chúng tôi phải căng mắt làm thật nghiêm cẩn”. Bác sĩ Vũ Bá Toản nói thêm: “Mỗi năm, Bệnh viện chi hơn 1 tỉ đồng để đóng giày, dép cấp không cho bệnh nhân”.
Đã có lúc, con em của bệnh nhân được đề xuất trả về địa phương để cách ly bệnh, ngăn chặn phát sinh bệnh nhân mới. Thế nhưng, lãnh đạo Bệnh viện đã không đồng tình, bởi suy nghĩ, có sự chăm sóc động viên của người thân, người bệnh sẽ được an ủi. Tuy người thân và bệnh nhân chung sống với nhau, nhưng nhờ những giải pháp phòng trừ, nên chuyện lây bệnh đã không còn xảy ra. Nếu như từ năm 2005 về trước, mỗi năm, tại làng phong Quy Hòa phát sinh 5-10 bệnh nhân mới, thì từ năm 2005 đến nay, đã không còn.
Không chỉ có bệnh nhân, con em của bệnh nhân cũng được Bệnh viện chăm lo chu đáo. Những người lớn tuổi được đào tạo nghề, họ có thể tự nuôi sống và giúp đỡ gia đình. Vấn đề giáo dục ở đây được quan tâm đặc biệt. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân bộc bạch: “Phải làm thay đổi bộ mặt của Bệnh viện thì mới thu hút được các nhà hảo tâm, không phải chỉ thay đổi về hình thức mà còn phải thay đổi cả đời sống tinh thần của họ. Muốn vậy, chúng tôi phải đầu tư cho công tác giáo dục”.
Trong bối cảnh đặc biệt, lãnh đạo Bệnh viện bắt đầu từ việc đào tạo con em bệnh nhân thành thầy cô giáo. 6 học sinh xuất sắc ở đây được chọn để cho theo học ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, 6 thầy cô giáo này về lại Bệnh viện, nhận đào tạo cho con em bệnh nhân. Chỉ trong vòng 6 năm, sự học ở đây đã phát triển rõ rệt. Bác sĩ Tân tự hào: “Bệnh viện còn lập được quỹ khuyến học để động viên con em bệnh nhân đeo đuổi sự học. Nếu như năm 2005, con em bệnh nhân phong chỉ có 1 em học đại học, thì đến nay, đã có 15 sinh viên đại học, 18 sinh viên cao đẳng và 8 em học trung cấp; có em nay đã thành giám đốc doanh nghiệp làm việc tại TP Hồ Chí Minh”.
|