Nhắc đến ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường (huyện Phù Cát), người dân địa phương nghĩ ngay tới một cán bộ xã mẫn cán, tận tâm. Đặc biệt, ông Công là người có công lớn trong việc vực dậy các làng nghề truyền thống nơi đây…
|
Nghề làm nón ngựa ở Phú Gia (Cát Tường). Ảnh: Duy Quyên
|
* “Ông văn hóa - xã hội”
Gần 30 năm công tác tại UBND xã Cát Tường, ông Lê Quang Công (sinh năm 1963) luôn gắn với lĩnh vực văn hóa - xã hội ở địa phương. Nói như ông Công, đó không chỉ nhiệm vụ mà Đảng ủy, UBND xã giao phó, mà còn là cái “duyên” của ông với lĩnh vực này. Còn người dân địa phương thì gọi ông với cái tên rất gần gũi: “Ông văn hóa - xã hội”.
* Được biết, ông từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về khoảng thời gian này?
- Tháng 4.1979, hưởng ứng lời kêu gọi tổng động viên của Đảng và Nhà nước, tôi viết đơn xin gia nhập Quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Thú thật, lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ biết, là thanh niên thì phải vào quân ngũ để bảo vệ đất nước. Tôi được phân công vào Sư đoàn 342 (Quân đoàn 7), đóng quân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tháng 9.1983, tình hình biên giới Tây Nam tạm ổn, tôi được xuất ngũ. Gần 5 năm phục vụ trong Quân đội, tôi không có chiến công nào xuất sắc, nhưng khoảng thời gian đó vô cùng ý nghĩa với tôi. Môi trường Quân đội đã giúp tôi cứng cáp, quyết đoán hơn và sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
* Gần 30 năm công tác ở địa phương, cũng là ngần ấy thời gian ông gắn bó với lĩnh vực văn hóa - xã hội. Với ông, đó là “duyên” hay chỉ là nhiệm vụ?
- Tôi luôn tâm niệm, dù đảm đương bất cứ công việc gì thì vẫn cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ mà cấp trên đã tin tưởng giao phó. Và có lẽ, tôi cũng có “duyên” với các hoạt động văn hóa - xã hội, nên suốt quá trình công tác, tôi luôn gắn với lĩnh vực này và có những đóng góp nhỏ vào thành công chung của địa phương.
Tháng 10.1983, tôi được Đảng ủy, UBND xã Cát Tường phân công giữ chức Phó Bí thư Xã Đoàn, với nhiệm vụ chính là tập hợp đoàn viên - thanh niên trong xã tham gia các phong trào. Đến tháng 6.1984, tôi chính thức giữ chức Bí thư Xã Đoàn Cát Tường. Vào thời điểm đó, phong trào Đoàn của Cát Tường phát triển rộng và mạnh; các công trình thanh niên như: “Xây dựng vườn dừa ba lợi ích”, “Thanh niên tham gia xây dựng công trình thủy lợi”… đạt kết quả tốt. Ngoài ra, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của thanh niên xã Cát Tường cũng luôn dẫn đầu toàn huyện trong nhiều năm liền. Thanh niên Cát Tường chúng tôi làm ra làm, chứ không tham gia theo kiểu hình thức để có thành tích đặng báo cáo đâu. Chính vì vậy, những công trình thanh niên lúc đó rất có chất lượng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng quê hương Cát Tường nói riêng, và huyện Phù Cát nói chung.
Năm 1988, nghỉ công tác Đoàn, tôi chuyển qua phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn xã. Đến tháng 5.2004, tôi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã, tiếp tục kết “duyên” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hiện nay, xã Cát Tường có trên 85% số hộ đạt Gia đình văn hóa, 3 thôn đạt tiêu chuẩn về xây dựng Làng văn hóa.
|
Ông Lê Quang Công. Ảnh: Văn Lực
|
* Ước muốn phát triển làng nghề truyền thống
Ngoài danh hiệu “ông văn hóa - xã hội”, ông Lê Quang Công còn là người có nhiều đóng góp trong việc vực dậy và đưa các nghề truyền thống ở Cát Tường ngày càng phát triển. Ông Công luôn trăn trở, làm thế nào để người dân có thể sống và gắn bó lâu dài với nghề truyền thống.
* Hiện Cát Tường có 3 làng nghề đã được công nhận Làng nghề truyền thống. Ông có thể giới thiệu đôi nét về quá trình để các làng nghề này được công nhận Làng nghề truyền thống?
- Năm 2004, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc khảo sát các làng nghề để có cơ sở xét danh hiệu Làng nghề truyền thống. Khi đó, xã Cát Tường đưa ra một số làng nghề như: Nón ngựa, Bánh tráng, Nón lá, Cốm, Nhang, Gia công thổ cẩm… vào danh sách bình xét. Sau khi xem xét, so sánh với các tiêu chí năm 2007, Cát Tường được công nhận 3 Làng nghề truyền thống gồm: Nón ngựa, Bánh tráng (thôn Phú Gia) và Nhang (thôn Xuân Quang).
Việc 3 làng nghề tại địa phương được công nhận Làng nghề truyền thống là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực chung của tập thể lãnh đạo chính quyền địa phương, nhưng người dân là then chốt. Cá nhân tôi chỉ là người “truyền lửa” và góp một phần nhỏ công sức vào nỗ lực chung đó.
Để được công nhận Làng nghề truyền thống, chúng tôi đã trải qua quá trình khảo sát, thống kê, thu thập tài liệu về lịch sử hình thành nghề để hoàn tất các thủ tục. Nói thì có vẻ dễ dàng, nhưng bắt tay vào thực hiện thì không đơn giản. Điều tôi thấy tiếc là làng nghề làm cốm Chánh Liêm, tuy có truyền thống lâu đời, nổi tiếng thơm giòn, được người dân nhiều nơi ưa chuộng, nhưng vẫn không được công nhận. Đó là do hiện nay, người dân nơi đây, vì nhiều lý do khác nhau, đã bỏ nghề, đi làm ăn xa, nên không đáp ứng các tiêu chí. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động bà con Chánh Liêm quay lại với nghề cốm với những tính toán kinh tế hơn.
|
Ông Lê Quang Công đang theo dõi tiến độ thi công nhà trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của làng nón ngựa Phú Gia. Ảnh: V.Lực
|
* Nhưng từ việc được công nhận là Làng nghề truyền thống đến việc phát triển làng nghề,và làm sao để người dân làng nghề sống được với nghề truyền thống lại càng không đơn giản, thưa ông?
- Việc được công nhận Làng nghề truyền thống đã mang lại lợi ích tinh thần rất lớn, giúp người dân làng nghề ra sức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của làng nghề. Quan trọng hơn, các làng nghề truyền thống đã được hỗ trợ xây dựng hạ tầng làng nghề (điện, đường). Ngoài ra, còn được hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng; hỗ trợ kinh phí đổi mới và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ; kinh phí đào tạo nghề và thu hút nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại… Nhờ đó, đời sống người dân làng nghề có chiều hướng phát triển.
Hiện nay, trong 3 làng nghề truyền thống, địa phương chúng tôi đang tập trung kinh phí để đầu tư, xây dựng làng nón ngựa Phú Gia thành làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Hiện nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm của làng nghề này đang được xây dựng và sắp hoàn tất để đưa vào sử dụng. Công trình có vốn đầu tư 900 triệu đồng; trong đó, 70% kinh phí do tỉnh đầu tư, còn lại là nguồn vốn của địa phương. Ngoài ra, để mở rộng và phổ cập hơn nữa nghề làm nón ngựa, chúng tôi đã và đang liên kết với Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn mở lớp đào tạo nghề cho tất cả các đối tượng. Việc làm này cũng đang trong giai đoạn hoàn tất để tới đây, một lớp dạy nghề làm nón ngựa với khoảng 30 học viên sẽ khai giảng.
Với làng nghề bánh tráng và nhang, địa phương cũng có kế hoạch cụ thể để đầu tư và tiếp tục phát triển. Một vấn đề đang tồn tại hiện nay là, sản phẩm do chính những người thợ 2 làng nghề này làm ra, khi đi tiêu thụ, lại phải mang thương hiệu ở nơi khác. Chúng tôi rất băn khoăn và đang cố gắng thiết lập thương hiệu cho 2 sản phẩm nói trên, để đảm bảo quyền lợi của người làm nghề.
* Hiện nay, việc không ít lao động ở Cát Tường đi làm ăn nơi khác đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của các làng nghề. Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ, chúng ta phải nhìn ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề. Mặt tích cực ở đây là, đa số những người đi làm ăn xa đều có thu nhập cao hơn so với khi họ lao động tại địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của nó là những gia đình mà bố, mẹ đi làm ăn xa sẽ không thể chăm sóc, dạy bảo con em họ chu đáo. Do đó, một số gia đình đã rơi vào hoàn cảnh con cái bỏ học, đua đòi lêu lổng, tụ tập đánh nhau.
Trước vấn đề này, lãnh đạo UBND xã đã phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương và nhà trường thường xuyên tới từng gia đình vận động; đồng thời, tìm ra biện pháp để giúp họ hài hòa giữa đi làm xa để kiếm tiền và việc nuôi dạy con cái. Việc làm này cũng đã có một số kết quả tích cực, mà rõ ràng nhất là năm học 2010-2011, số học sinh bỏ học ở địa phương giảm hẳn. Thời gian tới, xã sẽ tìm cách khôi phục lại các làng nghề truyền thống; đồng thời, phát triển một số ngành nghề mới phù hợp với thực tế địa phương để “kéo” người lao động trở về làm việc tại quê hương, với phương châm “ly nông bất ly hương”.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
|