Hải độ số 0
20:11', 20/3/ 2011 (GMT+7)

Chiếc tàu Blue Moon (Indonesia) trọng tải 1 vạn tấn, dài 148 m, có độ chìm -8,2 m, cao tương đương với tòa nhà 7 tầng, chở 300 container cập cảng. Thuyền trưởng Milyayev Valeriy cười tươi tắn khi bước xuống tàu. Ông cho biết: “Tôi đã nhiều lần đến cảng này. Tuy là cảng nhỏ, nhưng chúng tôi luôn có cảm giác an toàn vì những hoa tiêu ở đây rất nhiệt thành, chất lượng tốt”.

Để cho những chiếc tàu lớn cập cảng an toàn, điều kiện không thể thiếu là những hoa tiêu. Họ là những người cố vấn thuyền trưởng dẫn dắt tàu vào cảng. Phóng viên chúng tôi đã có một ngày theo chân hoa tiêu ra khơi, leo thang dây lên những chiếc tàu hàng vạn tấn ở ngoài biển trước khi cập cảng Quy Nhơn.

 

Nơi hải độ số 0, nhiều tàu chờ hoa tiêu dẫn vào cảng.

 

* Hải phận hoa tiêu

Hàng ngày, tôi vẫn nhìn thấy nhiều chiếc tàu lớn tập kết ngoài khơi, cách Cảng Quy Nhơn khá xa. Đi với hoa tiêu một ngày, tôi mới hiểu thế nào là những chiếc tàu đang ở cột mốc hải độ số 0 chờ hoa tiêu dẫn vào luồng để cập cảng. Hải độ số 0, cách cảng 5 hải lý, là nơi hoa tiêu dẫn tàu vào, ra khi Cảng vụ cho phép.

Hầu hết tàu có trọng tải vừa và lớn đều phải có hoa tiêu dẫn đường. Một chiếc tàu chưa biết luồng lạch, đường cua, cầu tàu thì không thể cập cảng nếu thiếu hoa tiêu. Trước khi vào hải phận, tàu có trách nhiệm thông báo chính xác cho hoa tiêu hàng hải tính năng và đặc điểm riêng của tàu. Hoa tiêu tính toán sức gió, sóng, mực nước, chuẩn bị cầu cảng, luồng lạch để dẫn tàu vào. Trong phép tính của hoa tiêu, tốc độ tàu chạy vào luồng vô cùng quan trọng. Tàu chạy càng nhanh thì độ dìm càng lớn, dễ chạm đáy, trong khi Cảng Quy Nhơn cho phép độ dìm -11m dưới mực số 0 hải độ. Nếu tàu trọng tải lớn có vận tốc quá chậm thì sẽ mất lái. Nhiệm vụ của hoa tiêu là thông báo cho thuyền trưởng những thông số kỹ thuật để điều khiển tàu. Vào hải phận Việt Nam, tất cả tàu đều treo cờ Việt Nam bên phải, khi đón hoa tiêu kéo cờ hoa tiêu lên mạn trái.

Lối vào cảng được phân luồng bằng phao, rộng 110 m, bên phải là phao lẻ (màu xanh), bên trái là phao chẵn (màu đỏ). Phao đầu tiên là phao số 0, gọi là vị trí đón trả hoa tiêu. Từ phao số 0 vào cầu cảng Quy Nhơn có 12 phao. Hiện Cảng Quy Nhơn có 6 cầu, cầu dài nhất là 350 m đủ điều kiện cho tàu 3 vạn tấn cập cảng. Mỗi cầu có khoảng 30 đệm va cầu cảng, tàu cập cầu, mạn tàu phải song song cùng lúc áp vào 30 đệm, nếu lệch sẽ bị bể (giá mỗi đệm va 1.500 USD), thường có từ 2 đến 4 tàu lai dắt, mỗi tàu trên 1.000 CV hỗ trợ những tàu có trọng tải lớn cập cảng. Để con tàu hàng vạn tấn, dài hàng trăm mét cập bến an toàn, hoa tiêu là người có nhiệm vụ tính toán, cố vấn cho thuyền trưởng để điều khiển tàu khi vào luồng.

 

Phóng viên theo chân hoa tiêu tác nghiệp trên tàu Blue Moon.

 

* Theo chân người dẫn tàu

17 giờ, hoa tiêu thông báo cho tàu Blue Moon sẽ lên tàu lúc 17 giờ 30 tại hải độ số 0. Chiếc cano Pilot đưa hoa tiêu Trần Quang Khiêm và nhóm phóng viên chúng tôi rẽ sóng hướng ra biển. Trên đường đi, anh Khiêm chỉ dẫn, căn dặn chúng tôi từng li từng tí cách trèo lên thang dây và một số thao tác khi lên tàu. Có lẽ, nghề đã tôi rèn cho anh sự cẩn trọng. Đến hải độ số 0, anh truyền lệnh. Con tàu 1 vạn tấn hướng vào luồng, hai mạn tàu nước cuộn lên trắng xóa. Cano quay đầu, tăng tốc bám vào mạn thuyền, chiếc thang dây treo lơ lửng thả xuống lắc lư trên đầu con sóng.

Hoa tiêu ra lệnh: “Theo tôi, từng người một, leo lên!”. Chiếc cano cố giữ tốc độ cùng với tàu, bám sát thang dây, có lúc chạm vào mạn thuyền chòng chành. Bằng những thao tác thuần thục, hoa tiêu Khiêm leo thang, bước lên khoang tàu. Chúng tôi từng người bám vào thang dây, đôi tay cố gượng vụng về, rồi cũng đến nấc thang cuối cùng. Lơ lửng trên thang dây, tôi chợt nghĩ điều kiện làm việc vào những ngày mưa bão, những khi con sóng chồm lên trong cái gió lạnh lẽo. Anh Khiêm cho biết: “Chuyện bước lên thang dây bị sóng đánh phủ nước lên người là chuyện thường. Trong những ngày sóng to gió lớn, khi hoa tiêu bước lên thang dây có thể bị sóng đẩy cano kẹp gãy chân”. Phía dưới là mặt nước cuộn sóng, luôn sẵn sàng nhấn chìm tất cả những gì rơi xuống, trong khi đó, không có quy định hoa tiêu phải mặc áo phao. Lên đến buồng lái, tôi thở phào nhìn xuống, chiếc cano chỉ còn thấy như chiếc thúng lắc lư, bé xíu…

Bước vào buồng lái, khi tàu đã vào luồng, tàu kéo những hồi dài trong ánh hoàng hôn. Thả hồn mình vào ống nhòm nhìn về thành phố cảng, tôi thích thú muốn reo lên vì chưa bao giờ được nhìn thấy một phố biển tuyệt đẹp như thế. Nhưng nghe những khẩu lệnh liên tục được phát ra bằng tiếng Anh của hoa tiêu, gương mặt của thuyền trưởng và lái tàu tập trung cao độ, tôi cũng im lặng. Bởi đây là nghề nguy hiểm, không lơ là dù chỉ một giây. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà thiệt hại của nó có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.

Sau hơn 20 phút, tàu đến cảng cách cầu vài trăm mét. Chân vịt xoay mạnh tạo độ lùi cho tàu xoáy bùn đục ngầu, hai chiếc tàu lai dắt cố sức ghìm tốc. Ba thuyền trưởng và hoa tiêu liên tục ra hiệu lệnh. Sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt lái tàu. Khi khẩu lệnh kết thúc, tôi ngỡ ngàng không biết bằng cách nào con tàu 1 vạn tấn cập bến rất nhẹ nhàng, thân tàu dài gần 150 m áp vào đệm va an toàn. Thuyền trưởng bắt tay hoa tiêu với nụ cười hài lòng.

 

Hoa tiêu Trần Quang Khiêm và ê-kíp lái tàu tập trung cao độ khi tàu vào luồng.

 

* Nguyên tắc trong không nguyên tắc

Đội hoa tiêu có 4 người, làm việc bất cứ lúc nào khi có tàu vào cảng. Múi giờ các nước có sự chênh lệch, nên không có khái niệm đêm hay ngày, tàu đến cảng là hoa tiêu phải làm nhiệm vụ. Tết, tàu các nước vẫn vào cảng, hoa tiêu vẫn túc trực. Dù có thể không ở bên gia đình trong không khí sum vầy, nhưng các anh vẫn rất vui khi nghĩ đến những chuyến hàng cập cảng hay đi muôn nơi. “Hoa tiêu nhàn rỗi là một nỗi buồn cho cảng”- anh Khiêm nói.

Làm hoa tiêu rất khó, không phải học trường lớp ra là làm được. Anh Khiêm cho biết: “Mỗi chiếc tàu ra vào đều không giống nhau, tính toán từng li, từng phút cho từng hoàn cảnh thời tiết khác nhau, chỉ lơ là một khắc là xảy ra sự cố ngay. Tuy nhiên người làm hoa tiêu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để tạo nên phản xạ. Nhưng phản xạ phải chính xác, phải có nguyên tắc”. Hỏi anh nguyên tắc như thế nào, anh cười: “Đó là kinh nghiệm, nguyên tắc trong không nguyên tắc”. Để có phản xạ như thế, trường lớp khó đào tạo được; trường học của nghề hoa tiêu chính là trải nghiệm. Thường làm được hoa tiêu phải trải qua thời gian làm thuyền trưởng. Anh Khiêm đã có hơn 15 năm làm thuyền trưởng tàu viễn dương đi khắp nơi, nên khi bước sang làm hoa tiêu đã tích lũy kinh nghiệm cả phản xạ và sự am hiểu luồng lạch.

Tàu vào cảng đi theo một luồng hẹp, phải giữ vận tốc đúng độ gió, sóng, dòng chảy, độ trôi dạt. Chỉ một sai sót nhỏ, lơ là một vài giây là tàu có thể va vào đá ngầm, va vào tàu khác hoặc lệch luồng. Ban đêm, tàu không bật đèn để tạo bóng đêm nhìn đèn luồng, dùng rađa quét, nếu bật đèn sẽ không thấy. Nếu trời mưa, rađa cũng khó phát hiện chướng ngại vật, chủ yếu chạy theo phản xạ của hoa tiêu.

Luồng lạch thế nào thì hoa tiêu nắm rõ, nhưng những chiếc tàu đánh cá của dân thì hoạt động bất quy tắc. Luồng cho tàu vào cảng cũng là dòng chảy, cá tập trung nhiều nên đăng, đáy của tàu cá vô tư giăng trên luồng, khi tàu đến gần họ mới bỏ chạy. Chỉ cần một sơ suất nhỏ như tàu cá chết máy, tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Anh Khiêm cho biết, ngư dân ở đây có một quan niệm kỳ quái, trước khi ra biển, tàu cá chạy cắt đầu tàu lớn để lấy hên; họ nghĩ, cắt đầu càng gần thì càng may mắn, ra khơi sẽ đánh được nhiều cá!

Trước kia, ở đoạn phao số 3, có tảng đá lớn ở độ sâu -4m, luồng lạch gần 5 năm chưa nạo vét, độ dìm thực tế chỉ còn -8,5m là những khó khăn cho hoa tiêu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, chưa một tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra ảnh hưởng đến uy tín của hoa tiêu ở Cảng Quy Nhơn. Họ lặng lẽ làm việc, tạo sự an toàn tuyệt đối cho những con tàu hàng vạn tấn chở những chuyến hàng đi muôn nơi, đón tàu khắp thế giới vào cảng quê hương mình.

  • Trường Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)
“Chả hiểu sao tôi mê cờ đến thế”  (29/01/2011)