Nuôi con kiểu… kangaroo
21:1', 27/3/ 2011 (GMT+7)

Hơn một năm nay, ở phòng Nuôi kangaroo, khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, khoảng chục cô bé, cậu bé nhẹ cân, non tháng, những tưởng không đủ sức vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, vẫn từ từ lớn lên trong chiếc túi kangaroo.

 

“Kangaroo con” đã được non tháng, ngọ nguậy nhiều hơn, chẳng chịu nằm yên trên ngực mẹ nữa.

 

* Cho con sự sống...

Ở khoa Nhi sơ sinh, mỗi ngày, có 15 trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng được cấp cứu và điều trị. Nhiều bé nhỏ bằng nắm tay, nằm trong lồng ấp, giường sưởi, ống truyền dịch, kim tiêm quấn quanh mình. Vì thế, các bé ở phòng Nuôi kangaroo trở thành những người hạnh phúc nhất nơi đây khi được bảo bọc, che chở trong vòng tay ấm áp của người thân.

Những bà mẹ, ông bố mặc trên mình chiếc áo kangaroo bằng vải thun mỏng bốn chiều và bên trong miếng vải mỏng đó là những cu cậu, cô bé nhỏ xíu đang được ủ ấm trên ngực. Những cô bé, cậu bé này đáng ra phải ở trong bào thai của mẹ đủ 9 tháng 10 ngày mới ra đời, thì đã phải ra đời sớm khi mà nhiều chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện.

Vừa tắm xong, cô con gái nặng 1,2 kg của chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) ngủ ngon lành trong chiếc túi ủ ấm trên ngực mẹ. “Hạt tiêu” của chị Oanh là bé nhỏ nhất được nuôi ở phòng kangaroo này. Buổi sáng hôm tôi đến, trong khi “hạt tiêu” được điều dưỡng Trương Thị Dưỡng kiểm tra sức khỏe, mẹ Oanh tranh thủ hỏi thêm cách chăm sóc con. Nhìn cô con gái đang say giấc trên bụng, chị Oanh vừa mừng vừa thắc thỏm: “Tính đến hôm nay, bé gần tròn 1 tháng tuổi rồi. Lúc mới ra đời, bé nặng 1,2 kg và phải nằm ở lồng kính, chăm sóc tích cực ở phòng sơ sinh non tháng mất 2 tuần. Vợ chồng tôi mới đón cháu được hơn tuần và được các bác sĩ hướng dẫn nuôi con theo phương pháp kangaroo. Bây giờ, tôi đã yên tâm một chút, chứ hồi mới vào phòng sinh, bác sĩ cũng tưởng bé không qua nổi”.

28 tuổi mới có con đầu lòng, mang thai ở tháng thứ 7 thì chị Oanh bị vỡ ối nên phải cấp cứu và các bác sĩ buộc phải can thiệp để đưa con của chị ra. Cúi nhìn con đang nằm trên ngực mình còn quá nhỏ, chị nói như thanh minh: “Mang thai 7 tháng thì hết 5 tháng tôi bị nghén. Tôi tính 2 tháng nữa thì mình nghỉ sinh cũng vừa kịp lúc nghỉ hè để yên tâm chăm con. Ai ngờ… Hôm khám, bác sĩ bảo con phát triển tốt, nhưng tôi vẫn sợ, đêm không dám chợp mắt”.

Có nhiều lý do khiến bà mẹ phải sinh non. Những đứa bé được sinh ra khi chưa đủ ngày, đủ tháng, bé bỏng, yếu ớt. Bên trong phòng Nuôi kangaroo có rất nhiều cung bậc tình cảm. Có tiếng khóc, tiếng cười, lời tỉ tê tâm sự; nhưng cũng không thiếu tiếng thở dài lo lắng. Các bé kangaroo cùng phòng đều bé tí ti như nhau, nên các bà mẹ thường nhìn qua, nhìn lại, rồi động viên nhau đặng chăm con tốt hơn. Còn bên ngoài, nhiều ông bố, bà mẹ có con đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu mơ đến lúc được ủ con trong lòng.

Con trai đầu của chị Nguyễn Thị Bé (ở thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), cũng ra đời sớm khi mới 28 tuần tuổi và chỉ nặng 1,5 kg. Bé được chuyển viện trong tình trạng sốt li bì, tím tái toàn thân, miệng sùi bọt cua, thở không đều, có cơn ngưng thở ngắn. Bác sĩ phải cho bé thở NCPAP, điều trị tích cực, rồi mới đưa ra cho mẹ tiếp tục nuôi theo phương pháp kangaroo. Chị Bé tâm sự: “Lúc đầu, tôi cũng hoang mang lắm, không biết sẽ chăm sóc và nuôi nấng con thế nào. Rồi tôi được hướng dẫn kỹ từ cách ủ, cho ăn, massage và cả cách trò chuyện cùng con. Nhờ ấp kangaroo mà bé lớn nhanh hơn”.

 

Điều dưỡng Trịnh Thị Dưỡng đang hướng dẫn chị Oanh cách ủ và chăm con.

 

* Chiếc túi kỳ diệu

Theo bác sĩ Phạm Thiện Ngôn, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh, phương pháp kangaroo được xem là cách “mang bầu giả” để trẻ tiếp tục được hưởng hơi ấm của mẹ cho đến khi đủ tháng. Thông thường, trẻ sinh non và nhẹ cân rất yếu, trương lực cơ giảm, người mềm nhũn, tay chân duỗi thẳng, không cử động, mắt nhắm híp, khóc không ra tiếng; trẻ dễ mất nhiệt và khó sản sinh nhiệt, cần được ủ ấm.

Hơn nữa, trẻ còn có nhiều đặc điểm non kém về thể chất lẫn tinh thần; do vậy, càng cần được sự âu yếm của mẹ để giảm nguy cơ bệnh tật. Những nghiên cứu của các chuyên gia thực hiện trên trẻ sơ sinh phát hiện ra rằng, trẻ nhận được sự âu yếm của mẹ ngay sau sinh thường khóc ít hơn, ít giật mình hơn và ngủ sâu hơn những trẻ không nhận được sự chăm sóc này. Do vậy, việc cho trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với cơ thể mẹ sau khi sinh bằng phương pháp kangaroo là cách tốt nhất để giúp trẻ thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.

Theo các nhà nghiên cứu, kangaroo là cách tự nhiên giúp trẻ sơ sinh lấy lại được thân nhiệt nhanh hơn trong lồng kính. Một nghiên cứu cũng cho thấy 90% trẻ sơ sinh được chăm sóc theo phương pháp này lấy lại được nhiệt độ cơ thể bình thường, so với tỉ lệ 60% của những bé được nuôi trong lồng kính.

Bác sĩ Ngôn giải thích: Đến nay, khoa mới áp dụng phương pháp kangaroo được hơn một năm, nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức VSA (New Zealand). Đây là phương pháp ủ ấm hiệu quả, ít tốn kém. Người mẹ sẽ ấp con như chuột túi sau khi sinh cho đến ngày trẻ đủ tháng theo tuổi thai. Trong phương pháp này, trẻ được đặt ở tư thế thẳng đứng, áp sát ngực mẹ, má của bé áp vào da ngực mẹ, 2 chân bé dang ra dưới vú mẹ theo tư thế con ếch.

Phần lớn kangaroo thường do mẹ làm, vừa ủ ấm, chăm sóc, lại tiện nuôi sữa cho bé. Nhưng những người thân trong gia đình cũng đều có thể “mang bầu” để truyền hơi ấm cho trẻ.

Nửa tháng trời trực ở phòng cấp cứu, hôm biết cậu con trai 1,5 kg sinh thiếu tháng đã qua cơn nguy hiểm, anh Nguyễn Thanh T. (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) mới thở phào nhẹ nhõm. Nhà neo người, mẹ anh đã lớn tuổi, nên hai vợ chồng anh thay nhau ủ con. “Đàn ông đàn ang” địu con trước ngực nên lúc đầu cũng ngường ngượng, nhưng riết rồi quen. Anh T. chia sẻ niềm vui: “Có khi đây còn là cơ hội để tôi “tranh thủ” chiếm cảm tình của con nữa ấy chứ! Thật kỳ diệu, thằng bé cứ thế lớn dần trên ngực mình”.

Phương pháp kangaroo được khuyến cáo áp dụng rộng rãi, nhưng hiện Bệnh viện đa khoa tỉnh mới triển khai nuôi kangaroo cho những trẻ từ 1,2 kg trở lên, trong điều kiện sức khỏe của bé đã ổn định. Các điều dưỡng của bệnh viện phải theo dõi, hướng dẫn rất tỉ mỉ cách chăm sóc cho người thân của bé. Điều dưỡng trưởng khoa Nhi sơ sinh Đoàn Thị Thạch cho biết thêm: “Thay vì bé phải nằm cách ly mẹ, phương pháp kangaroo đặc biệt hiệu quả trong việc thiết lập quan hệ mẹ con, giúp trẻ phát triển tâm - sinh lý và giúp người mẹ cảm thấy hạnh phúc, tránh mặc cảm vì sinh non tháng và quan tâm nhiều hơn đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc con”.

Thường với trẻ nhẹ cân, non tháng, cha mẹ thương con quá đâm ra sợ hãi, dẫn đến không tự tin khi nuôi con. Có người sợ con bị ngạt khi nằm trên ngực mẹ; người lại sợ con bị rơi ra khỏi chiếc túi. Nhưng sự thật, kangaroo giúp cha mẹ cảm nhận từng hơi thở nhẹ nhàng của bé. Phương pháp này có thể được duy trì tại nhà cho đến khi trẻ có được trọng lượng trung bình của một đứa trẻ chào đời đủ tháng.

Một xu hướng tự nhiên, đến khi đủ ngày, đủ tháng, những đứa trẻ kangaroo sẽ tự động từ chối phương pháp này do tự biết điều hòa thân nhiệt. Đến thời gian ấy, trẻ cũng có thể tự bú mẹ mà không cần dùng đường truyền sữa đến thẳng bao tử, có thể tiêu hóa tốt. Đây được xem là lần chào đời thứ hai của trẻ sinh non nhẹ cân.

 

Không chỉ mẹ, mà người thân trong gia đình đều có thể “mang bầu” để truyền hơi ấm cho trẻ.

- Trong ảnh: Một chú “kangaroo con” ngủ ngon lành trên ngực cha.

 

* Vĩ thanh

Cùng với y, bác sĩ, những bà mẹ ở phòng Nuôi kangaroo đang bền bỉ chăm sóc những đứa con bé xíu của mình. Cất tiếng khóc chào đời khó nhọc, những sinh linh bé bỏng ấy, mỏng manh ấy trông không khác gì những con kangaroo con nằm trong túi mẹ, đã vượt qua nguy hiểm để sống mạnh mẽ.

Biết tin con sắp được xuất viện về nhà, chị Nguyễn Thị Bé cười mãn nguyện: “Kangaroo được gần một tháng, bé đã nặng hơn 2 kg, ngọ nguậy nhiều hơn, chẳng chịu nằm yên trên ngực mẹ nữa. Tôi mừng vì con đã đủ tháng, đủ ngày để tự lực cánh sinh…”.

Vẫn biết để những trẻ “kangaroo con” ấy phát triển như trẻ bình thường, các ông bố bà mẹ phải vượt qua rất nhiều gian khổ. Nhưng với họ, vượt qua được thử thách này, nghĩa là sự sống của con được tiếp diễn… 

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)
Về “thủ phủ” chuối  (30/01/2011)