“Sống là phấn đấu và sáng tạo”
20:36', 2/4/ 2011 (GMT+7)

Đó là quan niệm của anh Lý Kim Quy - cán bộ Viễn thông Bình Định. Không những tích cực tham gia phong trào “Sáng tạo trẻ”, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng, anh còn là một thủ lĩnh thanh niên năng nổ, nhiệt huyết, phát động nhiều phong trào thiết thực thu hút đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia.

 

 Anh Quy vinh dự nhận bằng khen của Tỉnh Đoàn tại Lễ tuyên dương 80 gương thanh niên tiêu biểu của tỉnh.

 

* Đi đầu trong phong trào sáng tạo trẻ

-  Chúc mừng anh vừa được tuyên dương tại Lễ tuyên dương 80 gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh. Anh có thể cho biết đôi nét về công việc của mình?

- Công việc chính của tôi là ứng cứu, khắc phục sự cố truyền thông, thông tin. Nói nôm na như kiểu là “bác sĩ” chuyên “thông mạch” thông tin. Mỗi khi có trục trặc trên hệ thống đường truyền cáp quang ở bất cứ nơi nào trong tỉnh, tôi và đồng nghiệp sẽ có mặt để giải quyết, bảo đảm sự gián đoạn chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhất. Mỗi khi đi “điều trị” cáp quang, tôi và đồng nghiệp thường ăn, ngủ tại nơi làm việc. Cuối năm 2008, bão số 9 làm đổ trụ, đứt nhiều đoạn cáp quang ngầm ở Hải Minh, phường Hải Cảng, Quy Nhơn. Đội của tôi đã làm việc liên tục 3 ngày 3 đêm mới nối xong.

-  Mọi người trong Đoàn Viễn thông gọi anh là “cây sáng kiến”…

- Tôi bắt đầu làm việc ứng cứu thông tin tại Viễn thông Bình Định (trước đây là Bưu điện tỉnh) từ năm 1996. Gần 16 năm, tôi cũng chẳng nhớ mình có bao nhiêu sáng kiến nữa. Nhưng những sáng kiến ấy đều bắt nguồn từ thực tế công việc, khi gặp trở ngại, tôi luôn đặt câu hỏi và tìm cách trả lời cho được.

Mặt khác, tôi may mắn được làm  việc .  trong môi trường thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát huy năng lực. Có ai đó từng nói: “Nếu được làm công việc mà mình đam mê, có nghĩa là cả đời bạn không phải làm việc ngày nào cả”.  Điều làm tôi thấy hài lòng nhất là cho đến nay, tôi đang ở đây, được công tác trong lĩnh vực mà tôi yêu thích.

Trong phong trào “Sáng tạo trẻ”, Kim Quy có những sáng kiến táo bạo. Trong đó các sáng kiến: Quản lý giám sát từ xa các bộ tập trung thuê bao; Thiết kế lắp ráp bộ cảnh báo tập trung tại các trạm Viba; Thiết kế lắp ráp bộ cảnh báo cắt cáp đồng; Giải pháp quản lý tập trung thiết bị truyền dẫn; Chương trình quản lý cáp quang… được ban lãnh đạo và tập thể đánh giá cao, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.

- Trong bộ “sưu tập” sáng kiến của mình, anh tâm đắc nhất là sáng kiến nào?

- Sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của tôi đều xuất phát từ nhu cầu thực tế công việc. Có sáng kiến từ lúc ấp ủ đến khi hoàn thiện chỉ trong vòng 1 tháng, nhưng cũng có sáng kiến phải mất đến cả năm. Tất cả đều là tâm huyết của mình nên khó có thể lựa chọn sáng kiến nào tâm đắc. Ví như sáng kiến Thiết kế lắp ráp bộ cảnh báo cắt trộm cáp đồng, dù đem lại giá trị không cao nhưng rất hữu ích. Chỉ cần có người cắt trộm cáp, hệ thống sẽ báo hiệu giúp người trực biết chính xác nơi bị cắt để phối hợp với cơ quan chức năng, nhanh chóng bắt được kẻ trộm. Nhờ nó mà nhiều vụ trộm trong những năm qua đã bị đội trực bắt được.

 

Anh Lý Kim Quy đang điều hành công việc tại Trung tâm điều hành Thông tin - Viễn thông Bình Định.

 

* Thủ lĩnh đoàn giàu nhiệt huyết

Từ công tác chuyên môn đến công tác Đoàn, anh Quy luôn gương mẫu đi đầu. Anh quan niệm: người đầu tàu trước tiên phải nhiệt tình, nhưng quyết đoán và biết lắng nghe, thuyết phục được người khác.

- Được biết, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông, anh được tuyển vào làm ở Công ty điện báo điện thoại (thuộc Bưu điện tỉnh cũ) và được bầu làm Bí thư chi đoàn?

- Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với một người trẻ tuổi như tôi. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn trong thời gian dài ở Trung tâm đào tạo bưu chính viễn thông II nên tôi hiểu được tâm tư nguyện vọng của ĐVTN, tạo được sự đồng thuận trong việc triển khai các kế hoạch do BCH đề ra. Tôi còn được phân công là Bí thư chi đoàn Trung tâm viễn thông 1, Bí thư chi đoàn khối quản lý. Theo tôi, nhiệm vụ hàng đầu của một đơn vị kinh doanh là làm sao để tăng doanh thu hàng năm. Vì vậy, trong vai trò Bí thư chi đoàn của chi đoàn nào thuộc Đoàn Viễn thông Bình Định, tôi cũng đều cố gắng nghĩ ra những sáng kiến hoặc các công trình thanh niên, nhằm lồng ghép công tác đoàn với nhiệm vụ phát triển kinh doanh. Đây là con đường ngắn nhất để thuyết phục ban lãnh đạo và thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.

 

Anh Quy (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng Đoàn thanh niên Viễn thông đi thăm, tặng quà cho xã đoàn Canh Thuận, (Vân Canh).

 

- Chi đoàn của anh có hơn 90% đoàn viên ở độ tuổi trưởng thành đoàn, lại công tác ở các huyện. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc “giữ chân” ĐVTN?

Lý Kim Quy, sinh ngày 10.12.1976, tại xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”cấp cơ sở; Bằng khen của UBND tỉnh; Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

-  Chi đoàn của tôi có 64 đoàn viên, trong đó có 21 nữ, làm đủ các công việc như kỹ thuật, văn thư… lại ở khắp các nơi trong tỉnh. Do đặc thù này nên chuyện nghĩ cách nào để tập hợp ĐVTN sinh hoạt đầy đủ và tạo hoạt động bổ ích, thiết thực đã “đau đầu”. Nhưng chẳng có khó khăn nào mà không có cách giải quyết. Tôi lồng ghép việc phổ biến công tác chuyên môn trong mỗi lần sinh hoạt. Mỗi tháng một chủ đề, chủ điểm sinh hoạt riêng để không nhàm chán. Cụ thể như: tổ chức giúp ĐVTN nắm bắt kỹ thuật mới với chuyên đề về thiết bị MSNA, di động 3G, IPTV hoặc lồng ghép các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ vào nội dung sinh hoạt định kỳ, triển khai nhiều nội dung phong phú khác như giao lưu, dã ngoại, tập khiêu vũ... 

- Điều gì giúp anh gắn bó với công tác Đoàn hơn 16 năm qua?

- Tôi luôn được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía ĐVTN của đơn vị. Bên cạnh đó, tôi còn được sự hỗ trợ từ phía Ban Giám đốc cũng như các tổ chức đoàn thể khác, điều đó tạo thêm động lực để mình làm tốt nhiệm vụ. Tôi đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ để thực hiện mục tiêu của mình. Lao vào các công trình nghiên cứu, không ngừng trau dồi ngoại ngữ. Được làm việc và chứng kiến công việc của mình mang lại lợi ích cho đơn vị nói riêng và cho xã hội nói chung, tôi thấy cuộc sống của mình có thêm rất nhiều niềm vui, nhiều giá trị tinh thần. Đặc biệt, trong môi trường hoạt động Đoàn, tôi tìm được sự đam mê được cùng các bạn trẻ cống hiến, được hỗ trợ và giúp đỡ các bạn trẻ.

 

2 năm qua, chi đoàn do anh Lý Kim Quy làm “thủ lĩnh” đã thực hiện được 6 sáng kiến kỹ thuật và 5 công trình thanh niên (Tháo dỡ tổng đài Fetex tại Diêu Trì; Công trình quảng bá phát hơn 8.000 tờ rơi qua các đợt khuyến mãi 1.7 đến 31.7.2009 và 31.3 đến 14.4.2010; Tổ chức các đợt chăm sóc khách hàng lớn và khách hàng thiệt hại do bão lũ 12.2009; Công trình hàn nối cáp quang cho các trạm BTS; Công trình lắp PIN mặt trời tại xã đảo Nhơn Châu…) đem về cho quỹ đoàn hơn 25 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ qua, BCH chi đoàn đã vận động ĐVTN tích cực tham gia phát triển thuê bao; qua đó, đã có 609 dịch vụ phát triển mới theo kênh Đoàn thanh niên.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)
“Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng giống cấy mô là ước mơ cả đời tôi”  (12/02/2011)