Nghề trên ngọn cây
21:16', 3/4/ 2011 (GMT+7)

Nhắc đến xứ dừa Hoài Nhơn, người ta liên tưởng ngay đến những rừng dừa bạt ngàn, xanh ngút tầm mắt. Bao đời nay, cây dừa là nguồn kiếm sống của bao người, trong đó có những người hái dừa thuê hay thu hái dừa tận gốc… 

* Mưu sinh trên ngọn cây

Ông Hai Phụng (ở thôn Đệ Đức 1, xã Hoài Tân), sau hơn 20 năm lặn lội mưu sinh trên những ngọn dừa, qua khắp những vườn dừa xanh ngắt ở Hoài Nhơn, Hoài Ân, đã gọi nghề leo dừa của mình là nghề trên ngọn cây. Còn tôi, khi chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Dũng, em ông Phụng, thoăn thoắt leo lên ngọn dừa với một cái “nài” bằng dây dù, cả thân hình to lớn của anh đong đưa, ngả nghiêng theo ngọn dừa mỗi khi gió mạnh thổi, mới thấm thía cách gọi ấy. Ở Hoài Nhơn, Hoài Ân, không ít đàn ông, thậm chí phụ nữ đã chọn ngọn dừa làm chốn mưu sinh, dù có người đơn thuần chỉ làm thuê, ăn công nhật; có người thu mua dừa bằng cách tự leo hái. 

 

Ở Hoài Nhơn, nhiều người đã chọn ngọn dừa là chốn mưu sinh.

- Trong ảnh: Anh Lê Văn Dạy dọn cỏ tại một vườn dừa ở thị trấn Bồng Sơn.

 

Trên những tuyến tỉnh lộ hay đường liên thôn, liên xóm ở Hoài Nhơn, Hoài Ân, ta đều có thể dễ dàng bắt gặp những người thu hái dừa chuyên nghiệp. Họ thường là đàn ông, hai bên xe 2 giỏ sắt to, thêm 1 rựa, 1 mác và nài leo dừa, ruổi rong trên những con ngựa sắt “nồi đồng cối đá”, từ vườn dừa này sang vườn dừa khác, hết Hoài Nhơn lên Hoài Ân, rồi An Lão…

Anh Huỳnh Văn Đẩu (ở thôn Ân Tín, xã Hoài Ân), vốn là bộ đội xuất ngũ, thấy thu nhập nhà nông bấp bênh, nên quyết định chuyển sang nghề mua - bán dừa. Nhóm của anh Đẩu khoảng gần chục người ở cùng xã, sáng cùng nhau ra khỏi nhà, cà phê, cà pháo, rồi mạnh ai nấy đi, trưa về cùng bỏ dừa chung cho một đại lý, ăn uống, nghỉ ngơi, chiều đi tiếp. “Cứ 6 giờ sáng là ra khỏi nhà, dạo hết vườn nọ đến vườn kia, ai bán thì tôi vào. Bình quân một ngày chạy xe 40-50 km, thu mua trên dưới 100 quả dừa, lời khoảng 1.000-1.500 đồng/trái, tùy thời điểm…”- anh Đẩu nói.

“Làm nghề này cực nhọc, nguy hiểm và không phải ai cũng có thể làm được. Để có thể leo từ 20-30 cây dừa mỗi ngày, mỗi cây cao 10-20 m, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe, không sợ độ cao, nhanh nhẹn và đánh cược mạng sống của mình. Nghề trên ngọn cây mà! Nhưng bù lại, công xá khá cao, gấp 4-5 lần so với ngày công của nghề nông, nên nhiều người làm. Có khi, cả vợ chồng cùng làm: Chồng hái dừa; vợ lo kéo dây, xách dừa và thỏa thuận giá cả…” - ông Phụng nói. Chẳng nói đâu xa, 2 cặp vợ chồng người em ông Phụng cũng theo nghề này và họ thường làm chung với nhau.

Chị Phạm Thị Sơn, vợ anh Dũng, kể: “Tôi lấy chồng được chục năm thì cũng chừng ấy năm theo chồng đi khắp các vườn dừa. Ảnh hái trên ngọn cây, mình lo chuyện dưới đất. Sợ nhất là những lúc gió to, thấy ảnh nghiêng ngả theo ngọn dừa, tui đứng dưới run khan, chỉ mong ảnh mau xuống…”. Trung bình một ngày, vợ chồng anh Dũng, chị Sơn thu hái được 100-200 trái dừa các loại, về bán cho đại lý, lời vài trăm ngàn đồng mỗi ngày; thậm chí, hôm trúng có thể kiếm 500-600 ngàn đồng…

 

Ở dưới đất, chị Phạm Thị Sơn lo dẫn dây, xách dừa.

 

* “Sinh vi nghệ...”

Hiện nay, tiền công trả cho một thợ hái dừa chuyên nghiệp là 10.000 đồng/cây. Người  chuyên nghiệp có thể leo 30-40 cây/ngày, tiền công không thấp. Anh Lê Văn Dạy (ở thôn Giao An, xã Hoài Tân), đang làm thuê cho ông Phụng, một buổi sáng có thể leo, hái và làm cỏ “gọn ơ” trên dưới 20 cây, cây thấp nhất cũng trên chục mét. Bình quân, một ngày, anh Dạy có thể kiếm 250-300 ngàn đồng. Anh Dạy, vóc nhỏ con, nặng chỉ độ trên 40 kg nên leo, hái rất nhanh. Vậy nhưng, như anh thừa nhận, trình độ vẫn thua xa ông Bút, người cùng thôn với anh, một ngày có thể trèo, hái 40-50 cây. Ông Bút leo như thể “đi” trên thân cây, thậm chí, có khi không cần “nài” dẫu tuổi đã ngoài 60.

Người leo thuê, tuy thu nhập cao, song vẫn không bằng những người tự thu hái “hai trong một”. Bởi họ vừa hái, vừa làm vệ sinh vườn dừa cho gia chủ, nên thường mua được giá thấp, thậm chí chỉ bằng nửa so với giá thị trường. Dừa uống nước, họ mua với giá 2.000-2.500 đồng/trái, dừa già mua khoảng 4.000 đồng/trái; về bán tại đại lý giá sẽ là 4.000-4.500 đồng/trái dừa ta, 7.000-8.000/trái dừa khô. “Bởi vậy, hầu hết chúng tôi khi làm đều phải dọn cỏ sạch sẽ, chăm sóc cây dừa cho thật chu đáo, để giữ mối. Thông thường, chúng tôi có những địa bàn quen và chủ vườn ruột; và đều đặn, cứ một năm thu hái 2 lần, lần lượt hái hết vườn nhà nọ đến vườn nhà kia, xã này sang xã khác. Nghề này thu nhập cao cũng bởi mình đánh đổi sức lao động, lấy công làm lời. Như từ sáng đến giờ, tôi thu khoảng 100 trái dừa khô, mua giá 45 (4.500 đồng/trái), về bán giá 75, 80 (7.500-8.000 đồng/trái). Tính ra sáng giờ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”- anh Đinh Văn Liễu (ở xã Hoài Xuân), thâm niên 20 năm trong nghề góp chuyện. Còn ông Phụng thì tự hào, ông nuôi 3 con trai ăn học thành tài nhờ nghề leo dừa. Có lần, ông còn vào tận Cam Ranh (Khánh Hòa) để hái dừa thuê.

Thu nhập cao, nhưng rủi ro trong nghề này cũng cao, bởi chỉ cần chút sơ sẩy, coi như không có cơ hội rút kinh nghiệm lần thứ hai. Dẫu người leo dừa nào cũng dặn lòng, rằng mình đang “đánh đu” với tử thần, nên phải cẩn thận, song không thể tránh khỏi lúc sơ sẩy. Anh Đẩu cho biết, một đồng nghiệp cùng xã với anh ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, đã bị gãy cột sống khi đang leo dừa, tuy không đến nỗi mất mạng nhưng cũng thành phế nhân.

Nhắc đến người con tên Nguyễn Văn Hội (SN 1967) đã mất của mình, bà Nguyễn Thị Qua (91 tuổi, ở thôn Ngọc An Tây, xã Hoài Thanh Tây), chỉ biết chống gậy, lọ dọ lại bàn thờ con khấn vái: “Con có linh thiêng phù hộ cho mẹ…”. Anh Hội trèo dừa thuê, sống trên ngọn dừa nhiều hơn ở nhà, kiếm tiền nuôi mẹ. Năm ngoái, đang hái dừa tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, thình lình, anh Hội bị ong vò vẽ bay ra đốt túi bụi. Anh buông tay, rớt khỏi ngọn dừa cao hơn 20 m, đầu đập xuống gốc mù u, đưa về nhà thoi thóp chừng nửa tiếng thì qua đời.

 

Dừa già được đại lý thu mua với giá 7.500-8.000 đồng/trái để chở ra Bắc.

 

* Dừa xanh mai này...…

Vườn dừa của ông Nguyễn Hữu Thạnh (ở khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn), không dưới 30 cây. Chỉ trong một buổi sáng, anh Dạy đã dọn gọn ghẽ 2/3 vườn dừa, đến mức gia chủ phải ngạc nhiên: “Trời đất, sao mà suốt hết cả dừa già, dừa nạo, dừa chưa đóng tớt (cơm dừa) thế này, sang năm còn gì mà hái…”. Nói rồi, ông Thạnh lật đật chạy ra dặn vợ người thu mua: “Những cây còn lại chưa hái, chỉ được hái dừa già thôi…”. Rồi ông Thạnh nói như phân trần: “Phải vừa hái vừa dưỡng cây, nếu suốt hết thế này thì chẳng mấy chốc mà cỗi cả vườn dừa mấy chục năm của tôi…”.

Dân xứ dừa đều biết, cây dừa một năm chỉ thu hoạch 2 lần, vừa hái vừa dưỡng mới tốt. Tuy vậy, từ năm ngoái đến nay, vì muốn mua được nhiều trái, kiếm lời nhiều, nên một số người đi thu mua đánh vào tâm lý hám lợi của chủ vườn hoặc sự kém hiểu biết của họ, đã “dọn sạch” cả vườn dừa; hoặc dừa mới được 2, 3 tháng, chủ đã đồng ý cho hái. Cách khai thác “sát phạt” như thế khiến cây dừa mau cỗi và chết. Anh Đinh Văn Liễu nhận xét: “Năm nay, vào mùa rồi mà lượng dừa mua được chỉ bằng nửa so với mọi năm. Chừng này năm ngoái, tôi mua một buổi cũng được 150-200 trái dừa già. Thế mà năm nay, gom mãi cũng chỉ được khoảng 100 trái. Với kiểu khai thác tận thu này, không chừng vài năm nữa, không còn dừa mà hái”. 

Còn một chủ đại lý thu mua dừa khá lớn ở Hoài Nhơn bức xúc: “Mới đây, có dịp vào các tỉnh miền Nam, tui mới hay, các chủ vườn trong đó chỉ bán dừa xiêm uống nước. Dừa ta thì họ không bán dừa non, bởi để già thì giá trị cao hơn nhiều. Còn quê mình thì đang làm điều ngược lại. Một trái dừa ta loại uống nước thu hái tại vườn giá chỉ có 2.000-2.500 đồng, trong khi nếu để thêm vài ba tháng nữa, dừa già, giá sẽ lên đến 7.000-8.000 đồng. Tôi là đại lý thu mua, người ta bán thì kiểu gì tôi cũng có lời, nhưng mỗi khi nhìn thấy các vườn dừa từ Hoài Nhơn lên An Lão bị “sát phạt” kiểu vậy, tôi xót quá. Dừa nạo giá rẻ quê mình chạy ngược vô miền Nam để làm nước giải khát; trong khi dừa già Bến Tre tôi chở về đây, rớt xuống xe giá đã 11.000-12.000 đồng/trái. Nếu ngành chức năng không sớm vào cuộc, tuyên truyền cho bà con biết là không nên khai thác kiểu này, thì sớm muộn gì, vườn dừa của Bình Định sẽ hết”. 

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)
Nơi ấy là quê hương…  (13/02/2011)