Nhạc công Nguyễn Anh Hùng:
Nốt dương cầm lặng lẽ
22:44', 8/4/ 2011 (GMT+7)

Nguyễn Anh Hùng là nhạc công đa tài, đa năng. Những người biết anh thường hình dung anh với lủ khủ các loại nhạc cụ bao quanh: guitar, guitar bass, organ, piano... Có nhiều buổi diễn, anh vừa hạ nhạc cụ này đã cầm nhạc cụ khác lên; đôi khi một tay vừa chơi loại này, tay còn lại điều chỉnh một loại khác… Chẳng những anh đệm ăn khớp với dàn nhạc, với tiếng hát mà cả phong thái cũng khiến người nghe thăng hoa theo.

* Nhạc công tài hoa, đa năng

Với người trong nghề, Nguyễn Anh Hùng không chỉ là nhạc công thuần túy, anh là một nghệ sĩ thực thụ. Lặng lẽ và tràn đầy nhiệt huyết, anh đóng góp phần mình vào đời sống âm nhạc phong trào Bình Định từ nhiều năm qua.

 

Trên sân khấu và trong quá trình truyền nghề, Nguyễn Anh Hùng luôn đồng hành và rất biết cách khơi nguồn để ca sĩ phát huy hết tiềm năng, độ truyền cảm và “lửa” biểu diễn của mình.

- trong ảnh: nghệ sĩ Nguyễn Anh Hùng đang giúp ca sĩ Việt Vương (phía sau) luyện giọng.

 

Chơi hay và đều nhiều loại nhạc cụ, trong đó anh dành niềm say mê lớn nhất cho…

- Guitar cổ điển. Tôi học khóa 2 (1983 – 1986) chuyên ngành nhạc cụ guitar cổ điển Trường Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình (bây giờ là Trung cấp VHNT Bình Định). Khi thành nghề, có một thực tế ở tỉnh mình là guitar cổ điển không có đất diễn. Để có thể sống bằng nghề đã học, tôi làm nhạc công, như mục tiêu tôi đặt ra khi quyết định thi vào ngành nhạc. Ngoài ra, tôi dốc lòng học cách sử dụng nhiều nhạc cụ khác như guitar bass, piano, organ, các loại mandolin, saxophone, trống bongo thì biết chút ít. Sau guitar, tôi dành tình yêu cho piano.

Anh kể một chút về con đường trở thành nhạc công nhé?

- Tôi mê và muốn học nhạc, muốn công việc và cuộc đời mình gắn chặt với âm nhạc từ tuổi thiếu niên. Độ tuổi ấy, “bạn” của tôi là các anh, các chú trong Chi hội văn nghệ An Nhơn. Có lẽ tôi già trước tuổi, trót yêu văn chương thi phú, mê nhạc họa nên bạn chơi cũng khác so với trang lứa.

Cha tôi ngoài mặt không thích con ham mê đàn hát, nhưng ông quý vô cùng mấy cây đàn cò, nhị, sáo… của mình, những đêm trăng sáng lại mang ra đầu hè chơi. Các anh, các chú “bạn thơ” với tôi cũng là bạn tâm giao của ông.

Ở địa phương, tôi tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Cha không thích nhưng cũng không ngăn cấm. Còn má là người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Tiễn tôi vào Quy Nhơn học nhạc, má bán con heo chai, anh trai cho tôi nửa tháng lương, mua cho tôi cây guitar xịn. Má tôi - một bà mẹ nông dân chính hiệu, là khán giả đầu tiên và “chung thủy” nhất của tôi. Tôi nhớ mãi một buổi trưa khi đó tôi còn đang học ở Quy Nhơn, nghỉ cuối tuần về thăm nhà, má tôi đi làm đồng về, phe phẩy cái nón lá cũ quạt mát, má ngồi phệch xuống bậu cửa, hai bắp chân còn đầy bùn, má nói “Hùng đàn cho má nghe đỡ mệt con!”. Tôi xách cây guitar ra đàn, “con hát má khen hay” nhưng thấy lòng hạnh phúc như đang chơi guitar ở một đại nhạc hội!

* “Tôi thấy mình bay bổng...”

Nguyễn Anh Hùng thường trú ở thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng; ở đó anh sống cùng gia đình. Ban ngày anh đi làm ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện An Nhơn (phụ trách mảng văn nghệ ở Trung tâm này từ năm 1986 đến nay), tối tối lại vội vã chạy vào Quy Nhơn để chơi nhạc ở các tụ điểm phòng trà, đám cưới, chương trình văn nghệ…, tất tả đi đi về về như con thoi nhiều năm nay như thế. Ở Quy Nhơn, anh thuê một phòng trọ nhỏ, chăm lo đứa con gái đang học THPT ở Trường Quốc học Quy Nhơn. Những năm sân khấu phòng trà Feeling sáng đèn hàng đêm, anh là thành viên không thể vắng mặt trong ban nhạc. Bởi không chỉ là nhạc công chính, anh còn là đạo diễn chương trình, tập luyện cho ca sĩ…

Tôi nhớ có lần anh nói “đệm đàn là y phục của bài hát”...

- Tôi ví von có gì không phải bỏ quá cho nhé! Vai trò của nhạc sĩ và ca sĩ rất rõ ràng, thuyết phục, ai cũng nhìn thấy. Phần việc của nhạc công đệm đàn có lẽ chìm khuất hơn, khán giả ít để ý đến. Nhưng ca sĩ là người biết rõ nhất... Họ sẽ không bao giờ thành công nếu thiếu sự phối hợp ăn ý, cộng hưởng với dàn nhạc...

Anh từng “đau đớn” quanh chuyện chiếc đĩa ghi âm nhạc nền, bởi việc này đã “giết” nhạc công và cả ca sĩ?

- Vẫn luôn “đau đớn” chứ không phải từng (cười). Nhưng đây là cả câu chuyện dài, thuộc về xu hướng khó có thể khác đi trong tương lai gần. Việc sử dụng phổ biến đĩa thu âm nhạc nền có cái hay của nó: tiết kiệm, tiện lợi, ít sợ lỗi nhịp, lạc tông nhưng điều chắc chắn là nó bào mòn sự sáng tạo, nhiệt huyết, “lửa” biểu diễn của ca sĩ. Đó là chưa kể sân khấu có một khoảng trống, sự lỏng lẻo nào đó khó diễn tả.

 

“Với tôi, “tiếng nói” của đàn là âm thanh quyến rũ nhất trên đời” - nhạc sĩ Nguyễn Anh Hùng.

 

 Anh chơi solo khá hay, đặc biệt là guitar và piano…

- Khi những ngón tay tôi khẽ chạm vào phím, âm thanh ngân lên, tôi trôi trong một thế giới khác, thế giới của giai điệu. Tôi thấy đôi tay mình cùng nhạc cụ như làm nên dòng suối âm thanh và tôi bị dòng suối ấy dẫn dụ, qua những triền không gian, khoan - nhặt, thăng - gián, lúc hối hả, cuồng nhiệt, mạnh mẽ, khi tâm tình, bình yên, nồng nàn, chỉ dừng lại khi đến hồi kết. Nếu chơi hòa tấu hay đệm đàn, tôi còn phải để ý đến sự ăn khớp, hài hòa, còn chơi solo, chỉ có tôi và nhạc cụ, tôi thấy mình bay bổng và… siêu thoát. 

* ... Và là một nghệ sĩ nghiêm túc

Nhiều lần, tôi có dịp được nghe các ca sĩ trẻ nhắc đến nhạc công Nguyễn Anh Hùng với lòng tri ân sâu sắc. Ca sĩ Công Cường khen: “Anh Hùng có cái “tai xanh” - anh phát hiện ra ai có tố chất, chất giọng tiềm năng trở thành ca sĩ” rất giỏi. Các ca sĩ Anh Ánh, Tương Phùng, Việt Vương, Quý Hòa gọi anh là “người truyền lửa”. Nam ca sĩ trẻ Tấn Phát học từ “chú Hùng” thái độ nghiêm túc khi làm nghệ thuật. “Lên sân khấu, hát trước 1, 2 khách cũng đầy trân trọng như đứng trước rừng khán giả. Học lời bài hát là phân tích tác phẩm âm nhạc chứ không phải là học thuộc lòng” - Tấn Phát đã tâm sự như thế.

Làm thế nào anh để lại dấu ấn ảnh hưởng trong sự nghiệp ca hát của các ca sĩ trẻ đến thế?

- Tôi nâng niu những giọng ca mình nhận diện được, khuyến khích họ theo nghề, bổ sung vào đội ngũ ca sĩ tỉnh nhà. Hồi làm giảng viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, nghe phong thanh sinh viên thanh nhạc, nhạc công tương lai nào bỏ học, hoặc mới ra trường mà muốn bỏ nghề tôi lại “năn nỉ”, động viên. Tôi luôn nhắc các ca sĩ: hãy nâng niu từng nốt nhạc, ca từ của nhạc sĩ và hát nồng nàn bằng cả trái tim.

Nhạc công Nguyễn Anh Hùng khá “mát tay” khi đạo diễn những chương trình văn nghệ tham gia hội thi, hội diễn. Không phải vô cớ mà tại các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng, các đơn vị đến từ huyện An Nhơn thường đoạt những giải thưởng không có tiền lệ như giải ban nhạc xuất sắc, giải hòa âm phối khí xuất sắc. Dấu ấn của Nguyễn Anh Hùng trong phong trào văn nghệ quần chúng rất đậm, và thành tích kể trên là kết tinh của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc.

“Dù cuộc sống cơm áo gạo tiền chật vật và không ít buồn, vui với nghề, nhưng tôi luôn giữ cho mình lòng tự hào nghề nghiệp. Trong giới nhạc công Bình Định, có lẽ tôi nghèo nhất. Nhưng lửa nghề trong tôi không bao giờ cạn. Âm nhạc cho tôi những điều tiền bạc, vật chất không thể mang lại!”.    

Nghệ sĩ Nguyễn Anh Hùng

Anh vẫn không ân hận gì về lựa chọn của mình cách đây gần 30 năm chứ?

- Mấy mươi năm làm nhạc công, dàn dựng chương trình nhạc, đến giờ lỡ có buổi diễn nào đó chưa tốt, đêm về tôi vẫn không ngủ được. Mà cũng ngộ, buổi diễn quá đạt lại càng khó ngủ hơn!

Tôi luôn đặc biệt cân nhắc các ca sĩ trẻ, hãy chú ý tới lời ca khúc, đừng dễ dàng, đừng chỉ thuộc lòng!

Ở phương diện là một người làm văn nghệ quần chúng mấy chục năm, tôi muốn bày tỏ một điều: tôi rất buồn với kiểu suy nghĩ vin vào các từ quần chúng, phong trào mà hạ thấp giá trị của văn nghệ quần chúng. Quần chúng gắn với thông điệp bình dân, giản dị nhưng không có nghĩa là sản phẩm “mì ăn liền”, nhạt, dễ dãi, không chứa đựng giá trị nghệ thuật. Khi người làm ra nó, thể hiện nó không đào sâu, nghiêm túc, người thưởng thức thêm vào đó cái xuề xòa, dễ tính thì làm sao tăng chất lượng của văn nghệ quần chúng. Quan điểm của tôi là chuyên nghiệp hóa văn nghệ quần chúng, nghệ thuật quần chúng nói chung. 

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

  • Sao Ly (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)
Bánh tráng Bình Định rộn rã xuôi Nam  (16/02/2011)