Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam
21:59', 16/4/ 2011 (GMT+7)

Về thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn, hỏi “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam, hầu như người dân ở đây ai cũng biết. Với tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng mồ hôi và sức lao động của mình, từ chỗ khó khăn, ông Nam đã trở nên giàu có, với mức thu lãi từ trang trại chăn nuôi 400 triệu đồng mỗi năm. Năm 2010, ông Nam đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải thưởng “Sao Thần nông” nhờ tài sản xuất, kinh doanh giỏi.

 

Ông Nguyễn Văn Nam (thứ ba, hàng đầu từ trái qua) nhận giải thưởng “Sao Thần nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, VTV, Báo Nông thôn ngày nay và Công ty cổ phần Hãng Thông tấn Việt phối hợp tổ chức.

 

* Biến vùng đất khô cằn thành trang trại

Ông Nguyễn Văn Nam sinh năm 1951, ở xã Nhơn Tân (huyện An Nhơn). Và câu chuyện làm giàu từ trang trại của ông được bắt đầu từ khoảng năm 2000, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Khi đó, ông Nam đã đặc biệt quan tâm đến mô hình chăn nuôi gia công heo, gà công nghiệp do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan) đang triển khai thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Theo ông, đây là cách làm ăn có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Từ đó, ông Nam đã huy động vốn, bắt tay vào xây dựng chuồng trại và ký hợp đồng chăn nuôi để biến ước mơ làm giàu của mình thành hiện thực.

* Ông có thể cho biết vì sao ông chọn mô hình trang trại để phát triển kinh tế gia đình?

- Tôi vốn là nông dân, nên rất say mê với ruộng vườn, ao cá, trang trại… Từ nhỏ, tôi đã rất thích thú với công việc trồng trọt, chăn nuôi và muốn làm giàu ngay trên chính đồng đất quê mình. Đến năm 2000, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy Chính phủ ra Nghị quyết khuyến khích phát triển trang trại, tôi càng bị lôi cuốn và đã mạnh dạn đầu tư vốn, tâm huyết để phát triển trang trại chăn nuôi. Qua tìm hiểu, tôi thấy phương pháp chăn nuôi gia công đang được Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan) mời gọi là rất có triển vọng, nên tôi đã chọn ngay cách làm này.

* Làm trang trại thì phải chọn vùng đất tốt, nhưng sao ông lại chọn vùng đất sỏi đá ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ để phát triển trang trại?

- Tôi chọn vùng đất đồi gò hoang hóa ở thôn Đông Bình để phát triển trang trại vì khu đất này khá rộng rãi, lại cách ly khá xa với khu dân cư. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại theo quy mô khép kín, ít ảnh hưởng đến môi trường; khả năng cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm khá tốt. Ngay sau khi được địa phương giao đất, tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Trang trại của tôi xây dựng theo quy mô khép kín, chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế; chuồng trại chăn nuôi gà, heo được xây dựng xa nhau để tránh lây lan dịch bệnh…

* Sau hơn 10 năm phát triển trang trại, hiện quy mô trang trại và hiệu quả từ công việc chăn nuôi của ông như thế nào?

- Hiện nay, trang trại của tôi rộng 7 ha, gồm khu phát triển chăn nuôi gà, heo; khu nuôi cá; khu chăn nuôi bò lai; khu trồng rừng; khu trồng mía. Nguồn vốn tôi đã đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở chuồng trại từ năm 2.000 đến nay ước khoảng 10 tỉ đồng. Hàng năm, tổng vốn đầu tư để phát triển chăn nuôi khoảng 12 tỉ đồng; lợi nhuận bình quân mỗi năm thu về đạt trên 400 triệu đồng.

Riêng về lĩnh vực chăn nuôi gia công, mỗi lứa tôi nuôi 9.000 con gà siêu thịt, mỗi năm nuôi 5 lứa; đàn heo 700 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Riêng khoản chăn nuôi này tôi đã có mức lãi do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP trả là 350 triệu đồng. Ngoài ra, các khoản trồng trọt, chăn nuôi còn lại, tôi có nguồn thu trên 50 triệu đồng/năm.

 

Ông Nam đang theo dõi sự phát triển của đàn gà. Ảnh: Nguyễn Hân

 

* Trong quá trình phát triển trang trại, đã khi nào ông gặp thất bại chưa? Sau mỗi lần thất bại, ông đã rút ra kinh nghiệm gì cho mình?

- Lúc đầu, do áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chưa tốt, cộng với kinh nghiệm chưa có, nên hiệu quả không cao, cũng có lúc thất bại. Tuy nhiên, tôi không nản chí, mà vừa làm, tôi vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục tích lũy vốn để đầu tư mở rộng quy mô trang trại và dần thành công…

* Trở thành “Sao Thần nông”

Với thành tích phát triển chăn nuôi quy mô lớn, năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam là một trong 34 nông dân trong toàn quốc được vinh dự nhận giải thưởng “Sao Thần nông”. Đây là giải thưởng dành cho những nông dân xuất sắc, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước bởi đã có sáng kiến, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho gia đình và đất nước. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nông dân có thành tích đặc biệt trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vượt khó làm giàu chính đáng, tích cực tham gia giúp đỡ cộng đồng xóa đói, giảm nghèo…

* Ông là một trong số ít nông dân trong cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn trao giải thưởng “Sao Thần nông”. Ông nghĩ gì khi được nhận giải thưởng này?

- Được tin mình được chọn nhận giải “Sao Thần nông” tôi thấy rất vinh dự vì những nỗ lực, cố gắng của mình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan chức năng ghi nhận. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng thấy lo lắng là mình phải làm sao để luôn xứng đáng với danh hiệu trên, và tiếp tục có sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế, để đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội…

* Ông có những kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với những nông dân đang có ước mơ làm giàu từ chính đồng đất ở địa phương?

- Theo tôi, để làm kinh tế trang trại thành công đòi hỏi người nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để làm ra các loại nông sản có giá trị cao, được thị trường chấp nhận. Một vấn đề nữa là các sản phẩm mình làm ra phải có nơi tiêu thụ cụ thể, rõ ràng; có ký kết bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn phù hợp, nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá” hoặc “mất mùa mất giá”. Bởi lẽ, lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên có những rủi ro rất cao do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, giá cả nông sản cũng thường bấp bênh. Nếu không có sự tính toán, khả năng dự báo thị trường tốt, nguy cơ thất bại rất cao…

 

Đàn heo siêu nạc đang nuôi tại trang trại của ông Nam. Ảnh: Nguyễn Hân

 

* Hiện mô hình sản xuất của ông đang thực hiện thành công là chăn nuôi gia công gà, heo. Vì sao ông lại chọn cách làm này?

- Tôi chọn mô hình chăn nuôi gia công vì đây là cách làm ăn theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, có sự cộng đồng trách nhiệm giữa 2 phía. Nông dân chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ nông sản làm ra theo hợp đồng và đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y… Do vậy, người nông dân không đơn độc. Trong quá trình chăn nuôi, nêu có xảy ra bất trắc gì, nông dân sẽ được hỗ trợ kịp thời. Bởi vậy, tôi đã quyết định chọn mô hình này để làm ăn và đã thành công.

* Cách làm ăn của ông có được những nông dân ở địa phương hưởng ứng hay không?

- Hiện nay, tại thôn Đông Bình, có nhiều nông dân học theo cách làm của tôi. Từ sự hướng dẫn của tôi, hiện có 15 hộ gia đình cũng đầu tư làm trang trại chăn nuôi gia công. Cả thôn hiện đang nuôi đàn gà với khoảng 25.000 con/lứa, đàn heo 6.000 con/lứa. Mỗi năm, thôn Đông Bình thu lãi từ việc chăn nuôi gia công trên 4 tỉ đồng. Đây là niềm vui lớn, là hạnh phúc của tôi, vì ngày càng có nhiều nông dân cùng biết cách làm giàu như mình…

* Vậy trăn trở nhất của ông lúc này là gì?

- Trăn trở với tôi hiện nay là dù các chính sách về phát triển “tam nông” được Nhà nước ưu tiên, song nông dân vẫn chưa được thụ hưởng hết các chính sách ấy, do trong quá trình triển khai, nhiều vấn đề vẫn chưa đến được với nông dân. Tôi lấy ví dụ, trong phát triển kinh tế trang trại, vốn là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhưng hiện nay, nông dân muốn vay được vốn không phải dễ, bởi thủ tục vay còn rườm rà, số vốn vay khá giới hạn, nên rất khó cho đầu tư phát triển. Mong sao thời gian tới, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân; các chính sách ban hành phải đến được với nông dân, để ngày càng có nhiều hơn những nông dân thoát nghèo…

* Cảm ơn ông và chúc ông gặt hái thêm nhiều thành công trong công việc của mình!

  • Nguyễn Hân (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nốt dương cầm lặng lẽ  (08/04/2011)
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)
Xuân muộn ở làng mai  (20/02/2011)
“Ông vua cảm hóa”  (19/02/2011)