Thuộc khu vực 9, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), nhưng Hải Minh quê tôi lại là vùng bán đảo nằm tách biệt. Con đường duy nhất đưa người dân nơi đây đi về trung tâm thành phố là đường thủy, nên những người đưa đò quanh năm bám trụ, dù thời tiết có khắc nghiệt thế nào. Họ hầu hết là đàn bà, trót gắn bó với chiếc xuồng, chiếc ghe; với nắng mưa, gió bão khắc nghiệt…
|
Đò chèo không thể đi xa và chỉ chèo được lúc trời êm.
|
* Bỏ qua chuyện làm đẹp
Một lần, tôi theo mẹ đến một tiệm làm tóc thì gặp cô Hồng cũng đang ở đó. Qua mấy câu mẹ tôi chào hỏi, tôi mới biết cô đi “tân trang” đầu tóc, làm móng tay móng chân và sửa sang nhan sắc chuẩn bị đi họ trong ngày đám cưới đứa cháu.
Nhìn làn da cháy đen vì nắng; bàn tay, bàn chân thô ráp bởi cầm chèo, kéo neo, ghì ghe, người thợ “chỉnh trang nhan sắc” không khỏi ái ngại. Cô bảo: Trường hợp này thật hiếm gặp! Tôi là người hay chú ý đến bàn tay, bàn chân người khác vì nghĩ nó thể hiện nhiều điều về chủ nhân của nó. Tôi đã xót xa khi cầm bàn tay thô ráp của mẹ nhưng tôi lại càng ái ngại khi nhìn bàn tay, bàn chân của cô Hồng. Thật khó mà giữ gìn được với bàn tay phải thường xuyên kéo ghì dây neo ngấm dầu đen, nước biển, nước cá và bùn đất. Rồi đôi bàn chân của cô luôn phải bỏ dép vì bươn trên bến cảng ngập bùn và những thứ tanh hôi mà tôi, mỗi lần bước qua, phải nhón chân đi cẩn thận từng bước, sợ vấy giày.
Cô Hồng năm nay đã 58 tuổi, chồng mất sớm, một mình nuôi ba đứa con gái nhỏ bằng nghề chạy đò. Người lớn cỡ mẹ tôi đều gọi cô là “cô Hồng”, mấy đứa cỡ tôi thì gọi là “bà Tám Hồng”. Riêng tôi gọi “cô”, vì tôi nghĩ thật kỳ cục nếu gọi mẹ của bạn học mình là “bà”. Con gái lớn của cô bằng tuổi tôi, năm nay 21, đứa kế 20 tuổi, còn đứa út 16. Tôi hỏi chuyện thì Hoa - con lớn của cô - nhấn mạnh: “Trên giấy tờ là 56 tuổi chứ má tao 58 rồi. Tao còn học một năm rưỡi nữa, chừng nào tao đi làm thì chắc má tao mới được nghỉ”. Mỗi lần gặp tôi, cô nhìn tôi ao ước và chắp tiếc. Cô cũng muốn cho con đi học Sài Gòn nhưng Hoa vì nghĩ cho cô nên chọn một trường đại học ở tỉnh, dù nó đủ sức để thi đỗ vào một trường đại học lớn ở Sài Gòn. Còn hai đứa nhỏ, không biết có phải vì nghĩ cho mẹ hay không mà nghỉ học sớm, đứa đi làm thuê đủ tự chi tiêu, đứa vẫn ham chơi vì còn quá nhỏ.
|
Cô Hồng, một mình nuôi ba đứa con nhờ nghề chèo đò.
|
Lần này về, tôi không thấy cô ngoài bến đò. Hỏi ra mới biết cô nghỉ mấy hôm để làm nước ghe (bảo trì ghe). Gặp cô ở nhà, không gian xung quanh cô mát mẻ và yên ắng hơn, nên cô cũng đầy vẻ hiền từ như bao bà mẹ khác, chứ không như khi tranh giành từng người khách đi đò. Cô rửa qua tay chân rồi vào nhà ăn cơm, vẫn bàn tay, bàn chân đen cháy với những chiếc móng ngấm đen dầu máy và chịu cực khổ lâu ngày. Lúc tôi chụp hình, cô vuốt lại mái tóc rối, lau qua khuôn mặt dù cho có làm thế thì cũng không thay đổi gì nhiều. Phải rồi, đàn bà ai mà không muốn mình đẹp, muốn con mình có một người mẹ tươm tất. Tôi không biết có phải cô nao lên sự so sánh nào đó giữa tôi và con gái mình hay không mà trông cô có vẻ ngượng ngùng và không sẵn sàng với những câu hỏi của tôi lắm. Lấy lý do chiều phải lên xe vào Sài Gòn, tôi chào cô và hẹn sẽ gọi điện thoại sau.
* Tuổi tác qua nhanh
Tôi tự hỏi, liệu đến lúc Hoa đi làm, với đồng lương còm cõi của cô giáo mới ra trường, không biết cô Hồng có an tâm nghỉ chạy đò chưa. Xem ra, cô còn bám trụ cái nghề này đến khi nào “quay máy hết nổ thì nghỉ” như là lời cô Cồn nói với tôi.
Cô Cồn năm nay 52 tuổi, vốn là dân đi xuồng chèo từ cách đây hơn mười năm nhưng đã đổi qua xuồng máy gần sáu năm nay vì “sức mình làm được bao nhiêu thì ráng làm”. 100-150 ngàn đồng mỗi ngày cô kiếm được trở thành thu nhập chính trong nhà có hai người đàn ông, một cô con gái đến tuổi lấy chồng và hai đứa con trai nhỏ đang đi học.
Chèo xuồng thì mỗi ngày chỉ kiếm được chừng 50.000-60.000 đồng vì không thể đi xa. Vả lại, chiều về nước chảy, rồi mùa gió bão chiếc xuồng nhỏ chèo tay khó kham nổi nên cũng đành neo ở nhà. Nhiều phụ nữ sức yếu, không quay nổi máy, hoặc giả ít tiền không đóng nổi ghe, nên đã tranh thủ chèo xuồng rước khách buổi sáng rồi chiều tìm công việc đan lưới, bán cá kiếm thêm.
Tôi thích đi xuồng chèo trong những ngày trời êm vì thích nhìn ngắm hình dáng các cô nhoài người nhịp nhàng với hai mái chèo. Tôi cũng có lần thử sức nhưng chỉ quai được dăm ba bước thì hai cánh tay đã mỏi nhừ hết cả. Tôi hay nghe các bà, các cô đưa đò dọc tán chuyện, rằng ai cũng có một bệnh kinh niên như đau nhức xương khớp, cột sống; nhức đầu… Tuy nhiên, khi vào việc họ cố chịu cho qua, song khi nghỉ ngơi lại thấy người đau nhức, bệnh phát ra nặng hơn.
|
Cô Cồn đã chuyển qua chạy xuồng máy gần 6 năm nay.
|
Cũng có những phụ nữ trẻ chạy đò chung với chồng. Vợ phụ bưng vác, chồng quay máy, kéo neo. Tôi kêu “chị”, vì họ chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng nắng nôi, mưa gió làm họ già không kém gì mẹ tôi. Chị Gái kể, nhiều khách đò lạ chỉ tầm tuổi chị song lại không ngại miệng gọi chị là “cô” với vẻ kính trọng dành cho người lớn tuổi.
Trước đây, tôi hay nghe người ta ưu tiên những mối chở dầu, chở hàng chạy một chuyến nhưng nhiều tiền hơn cho cô Hồng, để cô có thêm ít đồng cho con đi học. Nhưng nay, cô chỉ nhận chở can rỗng chứ không chở nổi mấy thứ nặng nhọc nữa vì “năm nay lớn tuổi, sức yếu rồi”. Có phải tuổi tác và sức khỏe của những “bà lái đò” này trôi qua ngày càng nhanh, đến nỗi, họ trở nên già yếu so với người đồng lứa?
* Nghiệp chọn người
Lẽ thường, nhân vật của những bài phóng sự sẽ được hay bị “khó khăn hóa” để cầu chút cảm thông với người đọc, nhất là với những người làm công việc cực khổ và nguy hiểm. Nhưng ở cái xóm chài nhỏ quê tôi, nghề chạy đò là nghề ổn định và dư dả; trong khi đánh cá thì luôn bị mất mùa, buôn bán thì ế ẩm, công nhân thì lương thấp…
Nhà cô Phượng có hai chiếc ghe máy, cả cô và con trai đều làm nghề chạy đò. Con cái cô lớn lên và đã tự lo liệu cuộc sống, cô cũng 55 tuổi rồi nhưng vẫn không nghỉ. “Mình có cái nghề thì cứ làm, kiếm được đồng nào hay đồng đó, phòng lúc ngặt nghèo”- cô tâm sự.
|
Cô Phượng, đã 55 tuổi, nhưng vẫn chưa nghỉ tay chèo.
|
Có những cặp vợ chồng chuyên chạy đò đêm. Đò đêm vì ít khách nên tính chuyến chứ không tính khách. Có những lần, tôi đi học về khuya, trời thì mưa tầm tã, sóng gió ù ù, cũng chẳng có ai cùng đi nữa để chia tiền một chuyến đò hai mươi ngàn đồng với tôi. Tôi cũng phải về, ngồi co ro trong cabin ghe máy để tránh bớt mưa và sóng. Cô Lắm vừa lái ghe vừa nói sẽ lấy tôi mười lăm ngàn đồng thôi vì học sinh làm gì có tiền. Trời yên biển lặng thì mỗi đêm cô chạy được vài ba chuyến, thêm mấy chuyến đưa thủy thủ từ cảng ra tàu thì cũng được 80.000-100.000 đồng. Trời êm thì ráng chạy đến 1-2 giờ sáng, sóng gió cũng không ai đi nên về nhà sớm hơn. Vì thu nhập đều đặn và tương đối ổn định nên không ai muốn bỏ cái nghề lạnh lẽo, sóng gió như vậy.
Những lúc thời tiết bình thường là thế, nhưng khi bão lớn, ghe thuyền đều phải chạy vào vịnh để tránh bão, sức đàn bà cũng phải lái ghe chạy đi và nằm giữ ghe luôn trong đó. Những lúc chân vịt vướng rác, đàn bà cũng phải nhảy xuống nước gỡ ra; những lúc ghe chết máy giữa biển, đàn bà cũng phải biết sửa.
Cách đây một năm, tôi đọc được một bài báo về người phụ nữ đầu tiên được lái đò ở Venice. Venice êm đềm và thơ mộng sao sóng gió bằng biển quê tôi. Những người đàn bà lái đò ở Vience còn được tôn vinh như thế, huống hồ những người đàn bà lái đò ở xóm chài Hải Minh quê tôi. Họ mới thật sự đáng được tôn trọng và khâm phục! Bởi họ làm ăn chân chính, đối mặt với sóng gió và kiếm tiền bằng chính sức lực của mình.
Những người đàn bà lái đò dọc ở Hải Minh, những người đàn bà của biển, họ quen với sóng gió!
|