Một nông dân là khắc tinh của tội phạm
19:46', 23/4/ 2011 (GMT+7)

Về thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, hỏi ông Trần Đình Nhứt (sinh năm 1962) hầu như người dân ở đây ai cũng biết. Với thành tích nhiều lần cảnh giác, phát hiện, tóm gọn kẻ gian, ông được mọi người xem là khắc tinh của tội phạm. Năm 2009, ông Nhứt được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. P.V Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Nhứt.

 

Trưởng Công an huyện An Nhơn trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho ông Trần Đình Nhứt vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

* Nhiều lần cảnh giác, tóm gọn kẻ gian

Khi được hỏi, vì đâu mà một người dân bình thường như ông lại được mọi người xem là khắc tinh của tội phạm, ông Nhứt trả lời ngắn gọn: “Tôi ghét nhất là bọn mua gian bán lận, trộm gà bắt chó và lừa đảo, nhất là khi làm những việc đó chúng lại nhắm vào người dân nghèo. Do đó, hễ phát hiện ra bọn này, tôi phải tóm cho bằng được”.

Ông có thể kể lại “chiến tích” đầu tiên trong hàng loạt các vụ cảnh giác, phát hiện và bắt được kẻ gian mà ông đã làm?

- Từ trước đến nay, tôi đã phát hiện và bắt được khá nhiều kẻ gian; trong đó, có bọn trộm cắp vặt, bọn mua gian bán lận, kể cả một số tên là tội phạm nguy hiểm. Nhưng nói đó là những “chiến tích” thì hơi quá. Tôi chỉ nghĩ, bắt được một tên tội phạm là góp phần nhỏ vào công cuộc giữ gìn an ninh trật tự cho chính gia đình mình nói riêng, cả xã hội nói chung.

Khoảng 3 giờ sáng một ngày tháng 4.2002, tôi dậy mở cửa nhà máy xay xát gạo để chuẩn bị công việc cho một ngày mới thì có một người thanh niên chở 4 bao lúa tới bán. Tôi sinh nghi, nhưng sợ “bứt dây động rừng”, nên bảo người thanh niên kia nếu muốn bán thì cứ để lúa lại, 9 giờ sáng quay lại đây nhận tiền.

 

Ông Nhứt đang thuật lại những lần đã cảnh giác và tóm được bọn tội phạm.

 

Trong thời gian đó (từ 3 giờ sáng đến trước 9 giờ sáng -  P.V), tôi tranh thủ đi tới một số thôn, xã gần nhà mình với mục đích truy tìm nguồn gốc 4 bao lúa. Khi đến thôn Lục Chánh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), tôi được biết một người dân ở đây vừa mất 4 bao lúa vào tối hôm qua. Tôi và người đó lập tức báo cáo vụ việc cho Công an xã Phước Hiệp; đồng thời, cùng các đồng chí công an nhanh chóng quay lại nhà máy gạo để phục kích bắt tên trộm lúa.

Đúng hẹn, tên trộm quay lại nhà tôi để nhận tiền bán lúa thì bị công an giữ lại. Qua quá trình đấu tranh, tên trộm đành cúi đầu thừa nhận hành vi trộm lúa; đồng thời, lộ luôn chiếc xe gắn máy hắn dùng để chở lúa cũng là đồ trộm cắp.

Trong những vụ cảnh giác bắt được kẻ gian, ông ấn tượng nhất với vụ nào?

- Đó là vụ tôi phát hiện và bắt được kẻ chuyên tiêu thụ tiền giả vào khoảng tháng 4.2009. Lúc đó là khoảng 4 giờ chiều, một người đàn ông chừng 60 tuổi tới nhà máy gạo, đề nghị vợ tôi đổi 500 ngàn đồng. Nhìn hành động và vẻ mặt của người này, tôi hơi nghi ngờ nên xem xét tờ tiền rất cẩn thận. Thấy vậy, người đàn ông liền giật lại tờ tiền, rồi rút ví đưa cho tôi một tờ 500 ngàn đồng khác.

Nghi ngờ về việc người đàn ông này dùng tiền giả đổi tiền thật càng rõ nên tôi đề nghị ông ta ở lại để mời chính quyền địa phương tới làm việc. Tôi vừa dùng điện thoại gọi cho công an thì ông này bỏ chạy. Tôi lập tức đuổi theo, chạy được gần 100 m thì tóm được hắn, sau đó, giao lại cho Công an huyện An Nhơn tiếp tục điều tra.

Sau này, tôi được biết, người đàn ông bị tôi bắt là một trong những tên tội phạm nằm trong đường dây chuyên tiêu thụ tiền giả với số lượng lớn từ miền Bắc vào Bình Định hoạt động.

Còn vụ nào khiến ông nhớ nhất?

 

Xay xát gạo là công việc mà ông Nhứt đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua.

 

- Tôi nhớ nhất là vụ một số lái heo dùng thủ thuật “mua gian bán lận”, ép trọng lượng heo xuống thấp hơn so với thực tế để kiếm lời bất chính. Đó là vào khoảng cuối năm 2009, một người hàng xóm xuất chuồng một số con heo. Họ nhờ tôi giám sát khi những người mua tiến hành cân heo. Qua vài lần cân, tôi thấy con heo nào cũng to béo, bằng mắt thường có thể ước chừng khoảng 80-90 kg nhưng khi đặt lên cân giảm mất khoảng 20 kg.

Tôi bí mật quan sát thì phát hiện lái heo dùng nam châm để “ép” số ký của heo xuống. Bị phát giác, 3 người đàn ông bỏ chạy, còn người phụ nữ thì không kịp tẩu thoát. Người này đành thú nhận tiểu xảo, đồng thời, năn nỉ xin tha tội và hứa “khắc phục hậu quả” bằng cách mua heo với giá cao hơn giá thị trường.

Vụ này, người bán heo không muốn truy cứu trách nhiệm; các lái heo ăn năn hối cải, hứa sẽ không tái phạm nên tôi đồng ý bỏ qua, do đó không được “ghi công”. Qua việc này, tôi mới thấy hết được ý nghĩa của câu “tham thì thâm” mà người xưa từng dạy. Làm bất cứ việc gì cũng phải đặt chữ “tín” lên đầu. Và có lẽ, cũng nhờ coi trọng chữ “tín” mà nhà máy gạo của tôi lúc nào cũng đông khách, dù xung quanh đây còn khá nhiều nhà máy xay xát gạo khác.

* “Nếu sợ bị trả thù thì tôi đã không bắt !”

Nhiều người lo giùm cho ông Nhứt, sợ ông sẽ bị đồng bọn của những tên tội phạm trả thù. Vậy nhưng, không những không lo, ông Nhứt còn trấn an: “Tôi làm việc thiện thì có gì đâu mà sợ. Nếu sợ bị trả thù, tôi đã không bắt bọn chúng làm gì”.

Thật lòng, ông có sợ bị đồng bọn của những tên tội phạm mà mình bắt tìm đến trả thù không, thưa ông?

- Không riêng gì anh, rất nhiều người khác cũng hỏi tôi vậy. Thú thật, sau mỗi lần bắt được tội phạm để giao cho cơ quan chức năng xử lý, tôi cũng thấy hơi lo. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy việc mình làm đã góp phần giữ gìn sự bình yên cho xã hội, nên chẳng có gì phải sợ. Nếu ai cũng có tư tưởng sợ bị trả thù thì cái xấu, cái ác sẽ có cơ hội lộng hành; khi đó, mức độ nguy hiểm càng tăng. Tôi luôn tâm niệm: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, nên hoàn toàn tự tin và không bao giờ lo sợ sẽ bị trả thù vì những việc mình đã làm. Mỗi khi bắt được một tên tội phạm, tôi rất vui vì đã góp phần “loại bỏ” đi một thành phần xấu của xã hội. Quan trọng hơn, qua việc cảnh giác, phát hiện, bắt giữ kẻ gian, tôi được bà con lối xóm tin tưởng. Đây là điều hạnh phúc nhất mà tôi có.

 

Ông Nhứt cùng vợ, cháu nội và mẹ vợ tại nhà riêng.

 

Một người dân bình thường như ông nhưng chỉ cần “liếc ngang” là phát hiện được kẻ gian. Vậy ông có “bí quyết” gì đặc biệt?

- Công việc hàng ngày ở nhà máy xay xát gạo  đòi hỏi tôi phải đề cao cảnh giác, phòng chống trộm cắp, chứ tôi cũng chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Ngoài ra, việc thường xuyên theo dõi báo chí, xem truyền hình cũng giúp tôi có kinh nghiệm kha khá trong cảnh giác và phát hiện tội phạm.

Điển hình như vụ tôi phát hiện được tên chuyên dùng tiền giả để đổi tiền thật. Nhờ xem được thông tin hướng dẫn về cách phân biệt tiền thật, tiền giả trên báo nên tôi mới nhận ra được đó là tờ tiền giả. Hơn nữa, việc luôn giữ chữ “tín” trong công việc cũng giúp tôi khá nhiều trong việc phát giác kẻ gian. Chẳng hạn, như vụ bắt được tên trộm 4 bao lúa. Vừa gặp là tôi đã linh cảm tên này không lương thiện, bởi người ngay thì chẳng ai lại đem lúa đi bán vào lúc gà gáy cả. Do đó, tôi đã tìm cách “dụ” và cuối cùng đã tóm được hắn.

Một câu hỏi hơi riêng tư, năm nay, ông đã gần 50 tuổi. Vậy ông có nghĩ đến ngày ông sẽ “về hưu” cả trong công việc hàng ngày cũng như việc tham gia phòng chống tội phạm?

- Tính đến nay, tôi đã hơn 20 năm gắn bó với nghề xay xát gạo, một công việc không mấy nhẹ nhàng. Dù vất vả, nhưng công việc này đã giúp tôi đủ trang trải cuộc sống gia đình cũng như lo cho các con ăn học. Hiện 3 người con lớn của tôi đã có việc làm ổn định, đứa út đang học lớp 11. Tôi sẽ cố “cày” để lo cho đứa út, đến lúc nó học hành đỗ đạt, có được việc làm ổn định, tôi sẽ “về hưu”.

Nhưng đó là với công việc, chứ còn cảnh giác, phát hiện và truy bắt tội phạm thì tôi sẽ tham gia đến khi nào còn có thể. Như đã nói, tôi ghét nhất là bọn mua gian bán lận, trộm gà bắt chó và lừa đảo, nhất là khi những việc làm đó chúng lại nhắm vào người dân nghèo. Hễ phát hiện ra bọn này là tôi phải tóm cho bằng được. Do vậy, việc đến khi nào “nghỉ hưu” trong tham gia phòng chống tội phạm thì tôi chưa thể nói trước được.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị! Chúc ông luôn khỏe để có thể tóm được nhiều kẻ gian hơn nữa.

  • Văn Lực (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)
Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam  (16/04/2011)
Nốt dương cầm lặng lẽ  (08/04/2011)
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)
Chim kêu dưới suối Từ Bi (*)  (05/03/2011)
Nuôi cá lồng trên biển  (27/02/2011)
Tôi làm công việc bình thường…   (26/02/2011)