Tháng tư, có dịp tham dự một trại sáng tác văn học ở Vũng Tàu, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đi tìm kiếm đồng hương đang mưu sinh trên biển nơi đây. Tàu mang biển số BĐ cập tại các bến ở Vũng Tàu vào giữa tuần trăng có hàng trăm chiếc. Chung thủy với ngư trường song những người chủ của những con tàu lại đang sống hết sức chật vật giữa thời giá dầu đi trước hai lần giá cá.
Bờ biển ở thành phố Vũng Tàu mang hình một chiếc hài, một bên là bãi Sau hứng mặt trời buổi sớm, bên còn lại là bãi Trước chỉ lấp loáng ánh trăng lúc trời đổ về sáng. Gần như cả một vòng cung của “mũi hài” ấy là những công trình xinh đẹp và tráng lệ dành phục vụ cho khách du lịch, chỉ một đoạn ngắn nằm ven “gót hài” tanh nồng mùi biển với những phên, liếp đầy cá khô san sát bên nhau, ngửa mặt đón nắng trời là vùng ven các bến bãi của tàu cá. Cái đoạn ven bờ thuộc phường 5, phường 6 ấy có những cái tên khu vực nghe rất dân dã: bến Đá, bến Đình, Lò Than, Cô Mát (phiên âm từ chữ Coimex – Công ty cổ phần thủy hải sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo)… là nơi trú ngụ của dân làm nghề biển, trong đó có khá đông người xứ nẫu tạm trú và thường trú.
|
Tàu cập cầu phải trả 50.000 đồng tiền bảo vệ dù chủ vẫn ở trên tàu.
|
Phần lớn người Bình Định sống ven “gót hài” này là ngư dân hoặc chí ít có nguồn gốc từ ngư dân chuyển sang làm nghề nậu (đầu tư phí tổn cho tàu cá và thu mua sản phẩm), nghề phục vụ cho tàu cá, thậm chí là vợ con của ngư dân thuê nhà sinh sống bằng đủ thứ nghề: rửa chén bát, thu mua ve chai…
Chỉ một đoạn bến bãi dành cho tàu cá neo đậu, qua biển số tàu, tôi cũng đã kịp phân loại được, nhiều nhất là tàu địa phương (BV), rồi thì tàu BĐ, tàu QNg… Tàu Bình Định chọn ngư trường Vũng Tàu chủ yếu làm các nghề mành, vây rút, câu mực, giã cào. Nghề vây rút phần lớn là của ngư dân Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát); tàu Hoài Nhơn chủ yếu làm nghề câu mực, còn giã cào đôi lại là chuyên môn của ngư dân thành phố Quy Nhơn.
* Phập phồng trên những con tàu
Đến khu Lò Than, tôi loáng trông một chiếc tàu biển số bong tróc song nét sơn còn đủ nhận dạng chữ số BĐ 93204 đang cập mạn bên chiếc cầu gỗ. Hỏi chủ tàu, đã nghe giọng nói rặt ri xứ nẫu. Thì ra đây là tàu của thuyền trưởng Phạm Hậu, 32 tuổi, quê ở Đề Gi xã Cát Khánh (Phù Cát). Nghe có nhà báo đồng hương đến tìm hiểu thân phận những con tàu nơi xa xứ, Phạm Hậu xúc động và cởi mở. Anh đưa chúng tôi vào cabin tàu, rót nước chai mời khách. Dẫu còn khá trẻ, Phạm Hậu đã cầm con tàu này chỉ huy 3 đứa em trai và vài anh em bà con bám trụ ở ngư trường Vũng Tàu làm nghề vây rút 6 năm có lẻ. Tàu của anh khai thác cá thuộc loại “chiến” trong số 35 tàu làm vây rút của ngư dân Phù Cát vẫn thường đậu ở bến Đình. Chuyến ra khơi vừa rồi máy tàu bị trục trặc, anh phải đưa tàu vào sớm để sửa chữa. Hậu cho biết cả chuyến trước, tàu anh hòa tổn dầu và không phải lỗ tiền thuê bạn bởi bạn của tàu anh đều là anh em trong nhà.
Song số tàu đánh cá Bình Định ở Vũng Tàu được như tàu anh Hậu không nhiều. Các tàu đều phải thuê bạn, đó là những người có sức khỏe, theo tàu phụ việc khai thác cá, câu mực. Trước giá dầu còn thấp, phí tổn cho mỗi chuyến ra khơi không nhiều, thợ bạn thường tìm đến tàu xin việc. Sau mỗi chuyến biển, trừ tổn ra, họ được chủ tàu chia tiền theo tỉ lệ. Giờ dầu tăng giá, biển giã đói kém, thợ bạn bỏ nghề đi tìm kiếm cơ hội việc làm ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn ngày càng nhiều; thành ra bạn tàu ngày càng khan hiếm. Hầu hết các tàu bây giờ muốn ra khơi đều phải tự đi săn tìm bạn hoặc nhờ người dẫn mối và phải trả tiền “cò”. Thợ bạn bây giờ cũng đủ các thành phần, có cả thành phần bất lương, thậm chí là đám chích choác. Tỉ lệ tàu đánh bắt bị lỗ tổn quá cao nên họ cũng chẳng chọn cách ăn chia như trước. Cứ mỗi “con trăng” 22 ngày, chủ tàu phải đưa trước tiền công cho mỗi thợ bạn từ 2,5-3 triệu đồng, mỗi tàu làm lưới vây, câu mành hay câu mực đều phải thuê từ 4-5 thợ bạn nghĩa là phải chịu thêm tổn ngoài dầu, đá, gạo thịt… từ 10-15 triệu đồng.
Đã có không ít những trường hợp chủ tàu gặp phải những thợ bạn bất lương, sau khi nhận tiền công thì tìm cách bỏ trốn. Bi đát hơn, chủ tàu còn bị thợ bạn dí dao vào cổ buộc đưa tàu về lại bến chỉ sau khi xuất bến vài ngày. Nghe Phạm Hậu giới thiệu một trường hợp như thế vừa mới xảy ra hồi đầu tháng 4 này, tôi đã tìm gặp anh Đinh Công Nhung, chủ tàu BĐ 30563. Anh Nhung 42 tuổi cũng ở xã Cát Khánh (Phù Cát). Tàu anh làm nghề câu mực. Sau khi tìm được 4 thợ bạn với giá chuyến (22 ngày) 10 triệu đồng, anh cho tàu trực chỉ về phía Côn Đảo. Song mới chỉ đi được vài ngày, chưa câu được con mực nào, đám thợ bạn đã giở quẻ bắt anh đưa tàu vào bờ. Anh Nhung kháng cự thì bị chúng dí dao vào cổ dọa sẽ “cắt tiết” thả biển làm mồi cho cá. Không còn con đường nào khác, anh buộc phải đưa tàu cập vào bến Đình, chấp nhận lỗ tổn gần 50 triệu đồng. Gặp chúng tôi, anh Nhung còn thất thần, không muốn bắt chuyện và cũng chưa tính được những ngày tới sẽ sống ra sao!
|
Sau những phên liếp phơi cá nằm san sát là nơi trú ngụ của ngư dân ở thành phố biển Vũng Tàu.
|
* Nhiều ngư dân giải nghệ
Ở khu Cô Mát, tôi lại tình cờ gặp một nhóm ngư dân Bình Định trong quán cà phê Thanh Thu. Đó là các anh Võ Văn Ân, Nguyễn Văn Bình và Lương Văn Thiện. Ân làm lưới giã cào, Bình làm vây rút, còn Thiện là thợ bạn. Kẻ Quy Nhơn, người Phù Cát nhưng chung nhau ngư trường, bến đậu và cùng người xứ nẫu nên thân thiết.
Võ Văn Ân 44 tuổi, ở khu vực 9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, kể: Quy Nhơn có 4 đôi giã cào vào khai thác ở Vũng Tàu, sáng sớm xuất bến chiều về. Tàu anh mang biển số BĐ 9137 đi cặp đôi với một tàu bạn quen ở địa phương. Từ mùng 8 Tết, anh đã xa gia đình vào biển Vũng Tàu. Song vì giá dầu tăng, thời tiết không thuận nên hơn 3 tháng qua tàu anh mới hoạt động được hơn mươi chuyến. “Dầu mới tăng thêm 2.800 đồng/lít; trước bán 1 tấn cá mua được 1 tấn dầu, nay bán 2 tấn cá mới mua được 1 tấn dầu. Tổn dầu 11 triệu đồng/ngày nên mỗi lần xuất bến phải cân nhắc lắm, biết thời tiết không chắc có cá là không làm”- anh tâm sự.
Điệp khúc “dầu tăng, khó khăn tìm bạn” hầu như đã chạy quanh các tàu Bình Định ở Vũng Tàu. Anh Nguyễn Văn Bình thống kê: Chỉ tính riêng năm 2010, có ít nhất 20 tàu của Bình Định ở Vũng Tàu đã phải bán đi để trả nợ đầu tư cho đầu nậu. Riêng ở Cát Khánh đã có một loạt người bán tàu giải nghệ như các ông: Lê Thái Tân, La In, Bồ Nung, Trung Thanh, Ba Tân, Bảy Tịnh, ông Lộc, ông Cường… Có 5 chiếc khác cũng đã đậu dài mấy tháng trời chờ có người mua… Tàu BĐ 5134 của ông Hiển ở Cát Minh, đậu chờ bán quá lâu thành hư hỏng vừa mới vỡ, chìm xuống nước.
|
Tác giả (bìa trái) chụp hình lưu niệm với anh em Phạm Hậu, tàu BĐ 93204.
|
* Cứu cánh
Tôi vốn có ác cảm với nghề nậu bởi từng nghe họ như là kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”, chèn ép ngư dân; nhưng rồi khi tiếp xúc với mấy đầu nậu ở Vũng Tàu tôi đã nghĩ khác. Phần lớn chủ tàu cá chẳng có vốn liếng gì nhiều ngoài chiếc tàu và cái nghề cha truyền con nối. Tàu muốn ra khơi làm mành, câu mực phải có người đứng ra lo tổn. Chị Tạ Thị Dung người Đề Gi (Cát Khánh) vào Vũng Tàu từ những năm 1980, giờ đã 41 tuổi, có thâm niên 20 năm đầu tư cho tàu cá, chủ yếu là người quê hương Phù Cát. Những năm qua, ngư dân làm ăn thất bát, nợ cứ chồng lên nợ không sao thanh toán được. Và nậu Dung cũng bị cuốn theo vòng xoáy ấy. Tâm sự với tôi, cô ứa nước mắt: “Từng tuổi này, em chưa hề biết đến một ngày hò hẹn yêu đương… Làm nậu như là cái nghiệp chướng, theo thì khổ mà bỏ cũng không xong…”. Bên cạnh nhà nậu Dung là nậu Nguyễn Thị Đạt cũng là người Phù Cát. Chị Đạt tiết lộ, hiện có chừng 30 tàu cá đang nợ tiền đầu tư của chị, mỗi tàu ít nhất là 50 triệu đồng… và không ít trong số đó chị biết là đã vĩnh viễn không đòi được.
Tôi băn khoăn làm nghề cá giờ đây sao mà khó, và đem điều ấy tâm sự với anh Nguyễn Thanh Tùng, người được nhắc đến như một tấm gương xa xứ làm ăn thành đạt ở Vũng Tàu; bởi gia sản của anh là đôi tàu giã cào, một ngôi nhà lớn tọa lạc trên đường Trương Công Định, các con đều được ăn học thành tài. Anh Tùng bảo, đó cũng là cái nghiệp bởi người vùng biển mình vốn ít học nên chuyển nghề rất khó khăn. Cũng chính vì thế, vợ chồng anh đã cố lam lũ một đời cho 3 đứa con không nối nghiệp cha.
Tôi trở về Quy Nhơn cầm trăm ngàn đồng đi chợ, đến hàng cá: vẫn sáu ngàn đồng một lạng cá đổng, ba ngàn đồng một lạng cá nục… Chỉ có điều khác, là khi mua cá tôi không còn muốn trả giá nữa…
|