Một đời dạy học của thầy giáo Lê Đức Giảng (khi thì trực tiếp gắn với bảng đen phấn trắng, khi thì ở cương vị quản lý) đã trải suốt ba thời kỳ: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất. Học trò của ông, nay đã có nhiều người thành đạt, ở những cương vị cao trong xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng, ông lại bảo “tôi chỉ là người đưa đò một đoạn, còn đi được bao xa, đến đâu phụ thuộc vào khả năng và sự nỗ lực của học trò, cũng như công lao của những “người đưa đò” khác nữa”…
|
Thầy giáo Lê Đức Giảng (người ngồi thứ tư, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các học sinh lớp 9B Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhân dịp ông ra Hà Nội năm 2010; trong đó, có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (người đứng thứ ba từ trái qua).
|
* Trường Sơn là “đại học thứ hai”
Tập kết ra Bắc, sau gần chục năm dạy học, giữa năm 1964, thầy giáo Lê Đức Giảng cùng hàng trăm giáo viên ở miền Bắc lên đường chi viện cho miền Nam. Ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm miền núi Khu V, đào tạo giáo viên cấp 1 cho miền núi.
* Được trở về quê hương khu V công tác trong những ngày kháng chiến ác liệt, cảm xúc của ông lúc ấy như thế nào?
- Từ bé tôi đã sống trong cảnh “cơm bưng nước rót”, đến khi tập kết ra Bắc cũng được làm việc trong môi trường sư phạm ở trường Học sinh miền Nam nên ít phải chịu khó khăn, gian khổ. Khi được lệnh trở về quê hương tôi mừng lắm, nhiều bạn bè nói tôi vóc dáng thư sinh thế kia, lại sướng từ nhỏ, sao có thể chịu nổi cực khổ ở chiến trường. Nhưng tôi vẫn cương quyết xin đi.
* 11 năm ở Trường Sơn dạy học (1964-1975), đi khắp các chiến trường từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam mở lớp, dạy học trò; đã nhiều lần đối diện với tình huống thập tử nhất sinh, chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, điều gì đọng lại trong tâm một nhà giáo như ông?
- Có thể nói, Trường Sơn là trường “đại học thứ hai” của tôi. Nhờ ở đó, tôi có được những cảm nhận rất sâu sắc về cuộc chiến đấu giành độc lập vô cùng dũng cảm của nhân dân ta, về ý thức giai cấp, về quan điểm, trách nhiệm của người đảng viên. Trong sự mong manh giữa sự sống và cái chết, tình cảm thầy trò, tình đồng nghiệp càng gắn bó với nhau hơn, sống vì nhau hơn, đã giúp tôi biết sống vì mọi người. Nói thật, ngày xưa ở trong gia đình, hay khi sống ở tập thể ngoài Bắc, tôi cũng chưa nghĩ được đến thế đâu và thấy mình còn “yếu đuối” nhiều. 11 năm ở chiến trường tôi đã tự tin hơn, tháo vát và “trưởng thành” hơn.
* Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông lại tiếp tục dạy học?
- Năm 1975, tôi về làm việc tại Ty Giáo dục, lo “nhân sự” giáo viên, học sinh để kịp thời khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng (1975-1976). Sau đó, tôi lại sang Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn dạy môn Lịch sử, đến năm 1980, tôi làm Hiệu trưởng Trường trung học Sư phạm Bình Định và đến năm 1986 thì nghỉ hưu.
|
Lời đề tặng thầy Giảng trên cuốn sách “Cương lĩnh Chính trị Ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta” do GS.TS Nguyễn Phú Trọng chủ biên.
|
* “Tôi chỉ là người đưa đò...”
Ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, vẫn thường kể lại câu chuyện cảm động về thầy Giảng: “Năm 1972, khi ấy, tôi 13 tuổi, mới “lên núi” học nơi trường thầy Giảng đang dạy, thì bị sốt rét ác tính. Đêm nào, thầy Giảng cũng vào ngủ chung với tôi, vì thầy sợ tôi còn quá nhỏ, lỡ bệnh trở nặng thì biết đâu mà lần. Không có thầy, có khi tôi “xanh cỏ” rồi cũng nên”… Tôi nhắc lại chuyện này, ông Giảng cười: “Học trò của tôi nhiều, nên có những chuyện trò nhớ mà thầy thì đã quên từ lâu rồi”.
Trong những học trò của ông Giảng ngày xưa, nhiều người nay đã thành danh, bác sĩ, kỹ sư, thậm chí trở thành những chính khách nổi tiếng của đất nước, như các ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội (học sinh lớp 5 của Trường Học sinh miền Nam); hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (học sinh lớp 9B Trường THPT Nguyễn Gia Thiều…
Song ông Giảng lại quan niệm: “Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn, còn trò đi được bao xa lại tùy vào khả năng, sự nỗ lực của mỗi trò và cả những người đưa đò khác nữa. Vậy nên, không thể nói đó là công lao của một cá nhân nào, mà do chính sự nỗ lực từ bản thân của người học trò đó”.
* Hình như ông và Tổng Bí thư có mối quan hệ thầy trò thân tình?
- Ngày ấy, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 9B (hệ 10 năm, tương đương với lớp 11 bây giờ), còn anh Trọng chừng 17 tuổi, là lớp trưởng, bí thư chi đoàn của lớp. Anh Trọng thông minh, học giỏi, cần cù, lễ phép và luôn hoàn thành mọi công việc được giao, nên tôi làm giáo viên chủ nhiệm nhàn lắm. Nhà Trọng nghèo, buổi tối, nhất là vào dịp ôn thi, Trọng thường sang khu tập thể nơi tôi ở để học bài, có hôm gặp trời mưa ngủ lại luôn. Hai thầy trò vẫn nằm ngủ chung với nhau.
Sau này, dù Trọng đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Chủ tịch Quốc hội, thì khi tôi ra thăm lại Hà Nội, thăm học trò cũ, Trọng vẫn đối đãi tôi theo đúng lễ nghĩa của trò với thầy. Không phải chỉ mình anh Trọng, mà các học trò khác trong lớp 9B, và cả những học sinh khác nữa, bao năm qua vẫn giữ liên lạc với tôi.
|
Đọc sách, báo, chăm sóc cây cảnh là những thú vui về già của thầy giáo Lê Đức Giảng.
|
* Trên con đò qua dòng sông tri thức, có những học sinh vẫn nhớ đến người đưa đò, nhưng cũng có người quên. Là một người suốt đời gắn bó với nghề giáo, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ, âu cũng là quy luật của cuộc sống. Riêng tôi, sau những năm tháng gian khổ, còn mạnh khỏe sống với gia đình và bằng lòng với những thứ mình đang có, không đòi hỏi gì thêm và thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bè bạn, đồng nghiệp đã nằm lại vĩnh viễn ở Trường Sơn.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ông Lê Đức Giảng, sinh năm 1929, là con út của quan Tri phủ Lê Đức Trinh (quê ở xã Cát Nhơn, Phù Cát). Cha là người Bình Định nhưng lại được điều đi làm quan ở Hà Tĩnh, rồi vào phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Thuở nhỏ, Lê Đức Giảng học ở quê, năm 11 tuổi theo các anh vào Quy Nhơn ăn học. Năm 1949, ông lấy bằng Thành Chung (đương tương với lớp 9 hiện nay), đang tiếp tục học ban Tú tài thì trường đóng cửa. Như nhiều thanh niên thời đó, Lê Đức Giảng xếp bút nghiên, tham gia kháng chiến và đi dạy học. Ông dạy văn hóa ở Trường Công Nông tỉnh Bình Định.
Năm 1955, Lê Đức Giảng tập kết ra Bắc, dạy ở Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng 5 năm. Năm 1959, ông được học bổ túc đại học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các năm từ 1961-1963, ông về công tác tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều tại Gia Lâm - Hà Nội, làm Hiệu phó nhà trường; đồng thời, trực tiếp dạy môn Lịch sử. Vì sống độc thân trong ngôi nhà tập thể ở trường nên ông rất gắn bó với học sinh, coi học sinh là chỗ dựa tinh thần, nhất là với học sinh lớp 9B do Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng và ông làm chủ nhiệm.
Ông Lê Đức Giảng nghỉ hưu năm 1986, hiện sống tại 163 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn. Trước khi nghỉ hưu, ông là Hiệu trưởng Trường Sư phạm miền núi Khu 5 (1964-1975), Trường Trung học Sư phạm Bình Định (1980-1986). Đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. |
|