Kỹ sư Bùi Thái Luân:
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng
18:54', 7/5/ 2011 (GMT+7)

Tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề nóng được rất nhiều người quan tâm. Từ nhiều năm qua, Bùi Thái Luân (sinh năm 1988, cựu học sinh lớp chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) đã theo đuổi vấn đề này. Mới đây, đề tài “Giải pháp năng lượng cho Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Đơn giản nhưng hiệu quả” do Luân và hai người bạn thực hiện đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” dành cho sinh viên các trường đại học khu vực Đông Nam Á.

 

Bùi Thái Luân đang thuyết trình đề tài.

 

* Rạng danh trên đấu trường Đông Nam Á

Tháng 7.2010, Chi nhánh của Tập đoàn Schneider Electric ở Đông Nam Á (Schneider Electric là một tập đoàn chuyên về năng lượng và thiết bị điện, có trụ sở chính tại Pháp) đã phát động cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” dành cho tất cả sinh viên của các trường đại học khu vực Đông Nam Á. Cuộc thi thu hút hơn 170 đội đến từ 70 trường đại học trong khu vực. Bùi Thái Luân cùng hai người bạn thân là Lê Trường Phú, Trần Ngọc Quý đã đăng ký tham gia và giành vị trí quán quân tại Việt Nam. Sau đó, họ cùng với giảng viên hướng dẫn là thầy Nguyễn Tuấn Hùng (thuộc khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) lên đường sang Singapore dự vòng chung kết, so tài với 5 đội đến từ 5 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tại vòng chung kết, Đội Việt Nam đã đoạt giải Nhì.

Thầy Nguyễn Tuấn Hùng cho biết: “Đề tài của đội được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Các giải pháp đưa ra rất đơn giản, dễ thực hiện và tốn phí ít. Đặc biệt, hai giải pháp về ánh sáng và nước, không phức tạp về công nghệ, có thể áp dụng dễ dàng ở nhiều trường học, công ty”.

Quyết định tham gia cuộc thi trong thời điểm chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, hẳn Luân đã phải cân nhắc rất nhiều?

- Đúng vậy, vì tính từ thời điểm phát động cuộc thi (tháng 7.2010) đến lúc sang Singapore dự vòng chung kết (tháng 3.2011) là gần 9 tháng, thời gian này trùng với thời điểm chúng tôi phải làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng cuộc thi hấp dẫn tôi và các bạn, nên chúng tôi động viên nhau cố gắng “vẹn cả đôi đường”.

Luân bảo “cuộc thi hấp dẫn tôi”, là hấp dẫn ở điểm nào?

- Trước hết, tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam bởi tình trạng thiếu điện gây khó khăn, bức xúc cho sản xuất và đời sống; trong khi đó, vấn đề này tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều trong thời gian theo học tại khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, nên cuộc thi là cơ hội để tôi áp dụng những kiến thức đã thu nhận được. Mặt khác, cuộc thi lại quy định: “các giải pháp tiết kiệm phải cụ thể tại trường đại học của mỗi đội tham gia” rất gần gũi và thiết thực với giải pháp chúng tôi đưa ra là áp dụng tại ngôi trường mình đang học.

Luân có thể cho biết đôi nét về đề tài dự thi của đội?

- Sau một thời gian thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu điện năng và nguồn nước Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng tháng, đội chúng tôi thống nhất đưa ra đề tài: “Giải pháp năng lượng cho Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Đơn giản nhưng hiệu quả”. Chúng tôi phân công: bạn Phú phụ trách phần ánh sáng, bạn Quý phần điều hòa và tôi phần nước.

Đội đưa ra giải pháp thay hệ thống đèn chiếu sáng cũ bằng đèn mới, lắp cảm ứng biến đếm số người tương đối vào lớp học để bật các dãy đèn. Trong đó, ưu tiên bật các đèn gần bảng giáo viên để khuyến khích sinh viên lên ngồi các dãy bàn đầu. Tại các phòng có điều hòa, tích hợp hệ thống điện vào chìa khóa để khi khóa cửa, phòng sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Tận dụng sự giao lưu giữa khí lạnh với khí nóng đầu vào của máy lạnh để giảm lượng điện tiêu tốn. Để tiết kiệm nước, đội đề xuất tận dụng lượng nước mưa thu được từ các mái nhà trong mùa mưa, vì nguồn nước dùng cho nhà vệ sinh và tưới cây không cần sạch tuyệt đối. Cách làm ấy còn giúp giảm áp lực cho các hệ thống thoát nước vào mùa mưa.

Và giải pháp cuối cùng là hệ thống giám sát mức sử dụng năng lượng bằng cách đưa ra các số liệu điện tại từng nơi sử dụng, giúp mọi người nhận ra sự lãng phí ở đâu. Chúng tôi cho rằng, hô hào, kêu gọi suông không ích lợi bằng chỉ ra cho mọi người thấy, họ đang lãng phí năng lượng ở đâu, từ đó họ mới biết phải tiết kiệm như thế nào.

Cảm xúc của Luân như thế nào khi biết mình đạt giải?  

- Trước khi ban giám khảo công bố kết quả, rất khó đoán ai sẽ đoạt giải Nhất, vì đề tài đưa ra là áp dụng tại ngôi trường đang theo học. Mà mỗi trường có một đặc thù, nên theo đó ý tưởng đưa ra đều khác nhau. Các đội tham dự vòng chung kết đều rất giỏi, đội chúng tôi được giải Nhì đã là thành công lớn rồi. Cuộc thi thường niên này đã diễn ra 4-5 năm, nhưng đây là lần đầu tiên có sự tham dự của Việt Nam. Trong khi các đội vào chung kết, phần lớn đã có kinh nghiệm từ những cuộc thi trước, nên cách tiến hành chuyên nghiệp hơn.

 

Bùi Thái Luân và tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi.

 

* Học kỹ thuật phải cần cù và sáng tạo

Hồi còn học ở THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bùi Thái Luân là lớp trưởng “siêng phong trào, giỏi học tập”; đồng thời, biết tạo sự thân ái, đoàn kết cho cả lớp, góp phần đưa phong trào học tập của lớp đi lên. Lớp chuyên Lý của Luân năm đó đỗ đại học 100%.

Điều gì khiến Luân yêu thích môn Vật lý?

- Khi còn nhỏ, tôi thường đọc sách khoa học và rất hứng thú với những lý giải về các hiện tượng tự nhiên xung quanh mình. Lên lớp 6, bắt đầu tiếp xúc với môn Vật lý, mỗi giờ học với tôi là một sự khám phá thú vị. Tôi luôn nỗ lực học thật tốt môn này và đã đạt được một số thành tích khi tham gia vào đội tuyển Lý của trường đi thi học sinh giỏi các cấp. Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi quyết định thi vào lớp Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Năm lớp 11 và 12, tôi tham gia vào đội tuyển của trường dự các kỳ thi học sinh giỏi Lý cấp quốc gia. Thành tích cao nhất là đoạt giải Ba và được tuyển thẳng vào đại học. Tôi quyết định chọn ngành Điều khiển tự động thuộc khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Bách khoa là để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với môn Lý của mình.

Được biết, Luân đã tốt nghiệp đại học loại giỏi. Anh có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình?

- Theo tôi, có hai điều cần nhất ở một sinh viên kỹ thuật. Thứ nhất là cần cù. Thứ hai là khả năng tiếp xúc với các công nghệ hiện đại khi còn ngồi ghế nhà trường. Phải cần cù mới mong có những kiến thức nền cơ bản và các kỹ năng.

 

Cùng các đội tham dự cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” tại Singapore.

 

* Kiên trì theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng

Đề tài dự thi của nhóm Luân có thể áp dụng cho các trường đại học khác không?

- Hoàn toàn có thể. Chẳng hạn, Trường ĐH Quy Nhơn có khuôn viên rộng, không khác nhiều so với Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Chỉ trừ phần nước phải tính toán lại một chút vì phụ thuộc vào lượng mưa của từng vùng và khả năng thu thập nước mưa, còn phần điện, ánh sáng, điều hòa có thể áp dụng ngay cho Trường ĐH Quy Nhơn và nhiều trường đại học khác trong nước.

Anh có thể chia sẻ một chút về dự định của mình trong tương lai…

- Tôi và Phú đang làm việc cho Tập đoàn Schneider chi nhánh Việt Nam. Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng và nỗ lực kêu gọi mọi người quan tâm đến nó. 

Ở Bình Định, Công ty Schneider từng làm việc với một số công ty gỗ và đá ở khu công nghiệp Phú Tài. Dù vậy, nhìn chung, việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì chi phí đầu tư ban đầu lớn, dù rằng khả năng thu hồi vốn khá nhanh và hiệu quả mang lại lâu dài.

Riêng về cuộc thi này, những ai quan tâm có thể vào website http://www.schneider-electric.com.vn của Tập đoàn Schneider.

Cảm ơn Luân về cuộc trò chuyện thú vị này!

  • Ngọc Tú (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)
Vũng Tàu có tàu BĐ  (24/04/2011)
Một nông dân là khắc tinh của tội phạm  (23/04/2011)
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)
Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam  (16/04/2011)
Nốt dương cầm lặng lẽ  (08/04/2011)
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)
“Xin cảm ơn những nhà tài trợ thương người cao tuổi”  (05/03/2011)