Ra khơi câu cá bò gù
17:48', 8/5/ 2011 (GMT+7)

Suốt 31 ngày cùng ăn, ở, sinh hoạt trên tàu với nhóm thuyền viên lênh đênh khắp vùng Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa để câu cá ngừ đại dương (cá bò gù), chúng tôi đã thực sự thấu hiểu những vất vả trong cuộc mưu sinh giữa biển khơi của ngư dân đánh bắt xa bờ.

 

Thả lưới câu vàng cá ngừ đại dương.

 

* Một chuyến khơi xa

Chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 270CV, trọng tải 42 tấn, dài 17,2m mang số hiệu 4008 - BĐ 95703 TS do thuyền trưởng Huỳnh Văn Tiến điều khiển rời Cảng Tam Quan, mang theo chúng tôi cùng 8 thuyền viên nhằm hướng quần đảo Hoàng Sa thẳng tiến. Trước đó, các bước chuẩn bị gồm: mua sắm nhu yếu phẩm, nhiên liệu, kiểm tra thiết bị máy móc, chuẩn bị mồi câu cho 2-3 mẻ câu đầu tiên đã được thực hiện chu đáo. Chúng tôi tràn trề hy vọng về một chuyến biển thành công. Thế nhưng, ngay sau khi xuất phát, thời tiết đã không thuận. Gió mạnh dần lên cấp 11, 12 và tàu đành phải vào trú gió ở đảo Lý Sơn, chờ đợi.

Gần chục ngày, biển dần yên trở lại, tàu bắt đầu tăng tốc rời xa đất liền. Đến khi bốn bề nước biển mênh mông, chúng tôi chỉ còn thấy những thuyền và thuyền thì thuyền trưởng cũng đã chọn một địa điểm neo tàu và mọi người bắt tay vào việc.

Quy trình làm việc gồm 6 công đoạn: chuẩn bị thả câu, thả câu, ngâm câu, thu câu, bắt cá và bảo quản sản phẩm. Tám thủy thủ trên tàu được chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm thả câu một ngày. Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, thuyền trưởng tăng tốc độ tàu đến tốc độ thả câu (tốc độ thả câu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết), sau đó ra lệnh thả câu.

 

Chuẩn bị lưới đánh cá mồi.

 

Mọi việc diễn ra rất nhịp nhàng, như thể một guồng máy không thể chậm trễ một công đoạn. Từ 6-7 giờ sáng, mọi người thả lưới rê chuồn để bắt mồi và thu lưới vào 9-10 giờ. Sau đó, bắt đầu thả lưới câu cá bò gù đến 3-4 giờ chiều. 7 giờ tối, sau khi ăn cơm xong, thuyền viên bắt đầu kéo lưới câu, hôm nhiều cá làm suốt đêm đến sáng.

Cuộc sống của ngư dân trên biển thật vất vả. Mọi người chia nhau chợp mắt vài giờ rồi lại lao vào công việc. Ông Tiến cho biết: “Mùa cá ngừ đại dương trong năm bắt đầu từ tháng 10-11 kéo dài đến cuối tháng 5. Đầu mùa, biển thường có sóng to, phải thật vững nghề câu mới hiệu quả. Mồi khoái khẩu nhất của cá bò gù là mực xà, mồi này ngư dân Phú Yên thường dùng. Riêng ngư dân Bình Định, mồi chính là cá chuồn vì mực xà phải câu vào ban đêm; trong khi, ngư dân Bình Định chỉ chuyên đánh lưới ngày, được bao nhiêu thì thả câu bấy nhiêu”.

Ròng rã cả tháng trời lênh đênh trên biển, ngư dân ăn uống kham khổ, làm việc vất vả cộng với nỗi nhớ nhà luôn thường trực, nên khi chuyện phiếm với nhau thường kể về gia đình, con cái. Những gương mặt đen đúa, bàn tay chai sạn vì nắng gió và bao vất vả trong công việc. Có người mới ngót nghét 40 tuổi mà nhìn tưởng đã xấp xỉ 60. Chỉ có ánh mắt và nụ cười của họ thật ấm áp và hiền lành. Nhớ hôm câu được con cá to nhất chuyến, nặng 80 kg, mọi người cùng hò reo, nhảy múa. Người dân biển hào sảng và chân chất; nhưng ra khơi, họ rất nỗ lực làm việc, bởi ai cũng biết đằng sau mẻ cá là cơm áo của cả gia đình.

 

Sơ chế cá trên tàu câu.

 

* Đoàn kết trên biển

Cả chuyến đi trong tháng Tư này, tàu chúng tôi đã câu được 36 con cá bò gù và 33 con cá các loại khác, sản lượng đạt 1.669 kg. Có thể coi đây là một chuyến biển thành công. Nhiều năm qua, thời tiết bất thường, tàu thuyền đánh bắt ngày càng đông, nên thu nhập của mỗi chuyến biển rất bấp bênh. Ở Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn)- nơi có đông ngư dân hành nghề câu cá bò gù, chúng tôi đã được biết về những tổ đoàn kết trên biển.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, ở thôn Thiện Chánh 2, Tổ trưởng một tổ đoàn kết gồm 5 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Hơn chục năm trước, các cơ sở thu mua cá theo dạng “mua sô” hàng tháng, theo một giá nhất định. Nhưng sau đó, họ chuyển sang mua theo con cá mới. Tức là, cá đem vào bờ sớm, còn tươi họ mua cao hơn, chênh lệch khoảng 2.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, tùy cá lớn, nhỏ. Từ thực tế đó, ngư dân nghĩ cách lập Tổ đoàn kết, gồm những người làm cùng nghề. Khi chưa có Tổ đoàn kết, một chiếc tàu phải câu 1-2 tấn cá mới vào bờ. Đi cả tháng vậy, vào bờ cá không còn tươi, giá bán thấp. Có Tổ đoàn kết rồi, 5-7 chiếc cùng ra khơi, liên lạc thường xuyên với nhau. Có khi câu được chừng 15-17 con cá (khoảng 7-8 tạ) người ta đã dồn vô một tàu, tất nhiên tàu đó phải chuẩn bị vào bờ. Đem cá vô sớm, cá tươi ngon, bán được giá cao. Và khi có tàu ra, ai cần thêm nhu yếu phẩm, nhiên liệu thì liên lạc để họ mua và mang ra giúp”.

Mô hình Tổ đoàn kết phát huy rất nhiều hiệu quả trong đánh bắt xa bờ, vì ngoài việc tiết kiệm dầu, khi phát hiện được luồng cá lớn, mọi người cũng thông tin cho nhau. Ngoài ra, mọi người còn giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Ông Hồng kể, đầu vụ năm nay, vào những ngày gió giật mạnh cấp 11, 12, tàu ông Lê Trinh (một thành viên trong tổ) bị banh máy, lênh đênh ngoài biển. Ông Lê Văn Phê, Tổ phó, đang trên đường chở gần 9 tấn cá vào bờ, đã lập tức chạy đến dắt tàu gặp nạn. Bình thường, ông Phê chỉ mất 3 ngày vào bờ. Nhưng dắt tàu ông Trinh, mất hết 6 ngày, tốn dầu nhiều. Vào đến bờ, phần lớn cá trên tàu bị hư hết. Nhiều người lo ngại, sau chuyến đó, anh em đi bạn sẽ nản lòng không đi với ông nữa. Nhưng không ngờ, chuyến biển sau, mọi người vẫn tập trung đông đủ. Cảm động hơn, khi vào đến bờ, ông Trinh đến nhà gởi tiền dầu thì ông Phê không nhận, bảo: “để dành sửa tàu hư”. Gần 9 tấn cá trên tàu, ngoài phần lớn của ông Phê, còn có một số tàu gởi. Nhưng, khi biết chuyện, không ai phàn nàn hay than vãn gì.

 

Niềm vui đưa cá xuống hầm đá.

 

Những Tổ đoàn kết mang lại lợi ích thiết thực, nên thời gian gần đây, mô hình này đã lan rộng. Ông Hồng cho biết: “Khi một tổ thành lập, thôn sẽ báo cáo với Hội Nông dân xã. Sau đó, UBND xã mời các thành viên lên, phân tích mọi nhẽ, nếu đồng thuận thì UBND xã sẽ ra quyết định thành lập”.

Hiện, toàn xã Tam Quan Bắc có gần 20 tổ đoàn kết. Trong đó, thôn Thiện Chánh có 4 tổ, thôn Thiện Chánh 1 có 4 tổ, thôn Thiện Chánh 2 có 4 tổ, thôn Tân Thành 2 có 4 tổ… Ngoài những tổ được UBND xã ra quyết định, thực tế có khá nhiều dạng hoạt động tương tự. Có tổ, do mối quan hệ làm ăn nên mang tính liên thôn, liên xã như tổ của anh La Văn Oạn ở thôn Cửu Lợi Bắc (xã Tam Quan Nam). Trong tổ của anh có 10 tàu, phần lớn ở các thôn thuộc xã Tam Quan Bắc.

* Trăn trở với nghề

Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, tính đến ngày 30.12.2010, toàn tỉnh có 453 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương; trong đó, Quy Nhơn khoảng 15 chiếc, còn lại ở Hoài Nhơn. Sản lượng đánh bắt năm qua đạt 3.993 tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định:

Chi cục khuyến khích ngư dân, nhất là các tàu câu cá bò gù nhân rộng mô hình Tổ đoàn kết. Ngoài các tổ ở Hoài Nhơn, ở phường Hải Cảng  (Quy Nhơn) cũng có 1 tổ.

Về vấn đề giá dầu, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã gởi văn bản lên Bộ NN&PTNT để trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân trong tình hình hiện nay. Chi cục cũng nhận được chỉ đạo xem xét và đưa ra đề xuất phù hợp”.

Có mặt tại Cảng cá Tam Quan vào một ngày cuối vụ, gặp lúc một vài tàu câu cá ngừ đại dương đang vận chuyển cá vào bờ. Chị Lê Thị Thu, chủ cơ sở thu mua Yến Thu cho biết, hôm nay tàu vào được 3 chiếc, gần 1 tấn cá. Tàu đi câu vào cuối vụ thường thưa dần. Thế nhưng, giá dầu tăng cao cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người không dám mạo hiểm, sợ lỗ tổn.

Giá dầu tăng cao đang là nỗi lo của các ngư dân đánh bắt xa bờ. Anh La Văn Oạn chia sẻ: “Chuyến biển vừa rồi, thấy ngót cá là tôi lo vào bờ liền, không dám liều như những năm trước. Thường vào cuối vụ, cá rất ít ăn mồi. Như mọi năm, hai ngày câu được một con, tôi cũng nán lại kiếm thêm. Nhưng bây giờ thì không… đủ can đảm”. Căn nhà xập xệ của anh Oạn nằm sát bờ sông. Ba đứa con của anh đều đang tuổi ăn tuổi lớn, trong đó, đứa lớn nhất bị teo tứ chi bẩm sinh. “Hai chuyến rồi kiếm được kha khá, nhưng giá dầu như vầy thấy thật lo. Phí tổn cao, lỗ tổn một lần coi như bay đứt vài chục triệu đồng, tàu lớn đến cả trăm triệu đồng. Mấy chuyến vào bờ cuối vụ này, cũng có vài chuyến lỗ”- anh Oạn nói.

  • Võ Văn Hoan - Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)
Vũng Tàu có tàu BĐ  (24/04/2011)
Một nông dân là khắc tinh của tội phạm  (23/04/2011)
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)
Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam  (16/04/2011)
Nốt dương cầm lặng lẽ  (08/04/2011)
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)
Người đưa sản phẩm làng nghề đi xa   (13/03/2011)
Miên man Trường lũy  (06/03/2011)