Vui với niềm vui của người dân khi có nước sạch để dùng, trăn trở khi thấy nhiều công trình cấp nước không phát huy tác dụng, hoặc chứng kiến cảnh người dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiễm phèn… Để rồi sau những chuyến đi ấy, ông đã cùng các cộng sự tìm cách xây dựng thêm nhiều công trình mới, đưa nước sạch về làng. Đó là kỹ sư Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh.
|
Ông Hồ Đắc Chương rất vui khi nguồn nước sạch đã đến với người dân xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).
|
* Mong muốn góp sức xây dựng quê hương
Năm 1989, ông Hồ Đắc Chương thuộc biên chế của Sở Thủy lợi tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Công việc đang tiến triển tốt, cơ hội tiến thân cũng nhiều, nhưng nỗi nhớ quê hương, gia đình cứ lớn dần, nên ông quyết định trở về sinh sống và làm việc ở quê hương mình. Ông muốn góp sức xây dựng quê hương bằng nghề nghiệp mình đã được đào tạo, bằng tình cảm gắn bó, thiết tha…
* Ông muốn thể hiện tình yêu quê hương bằng những việc làm cụ thể?
- Năm 1992, chia tay vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, tôi chuyển về công tác tại Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế thủy lợi - thủy điện Bình Định. Tôi nghĩ, yêu quê hương phải bằng hành động cụ thể, nên đã cố gắng làm việc hết mình. Thời điểm đó, Công ty giao cho tôi thiết kế nhiều hạng mục công trình thủy lợi, trong đó có việc xây dựng và nâng cấp các tràn, cống thuộc hệ thống đê Đông trên địa bàn tỉnh. Công việc khá nặng, nhưng tôi thích bởi có điều kiện vận dụng các kiến thức đã học cũng như những sáng kiến của mình vào thực tế. Trước đây, các cửa cống, cửa tràn trên hệ thống đê Đông của tỉnh thường được làm bằng gỗ, chi phí cao, nhanh hư hỏng. Tôi đã sử dụng nhựa tổng hợp để thay thế gỗ, vừa hạn chế chi phí đầu tư, vừa tăng hiệu quả công trình. Tôi cũng đã tham gia cải tiến nhiều hạng mục của đập dâng trên các con sông. Nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh do tôi thiết kế đã phát huy hiệu quả, được ngành chức năng, chính quyền các địa phương đánh giá cao. Được làm việc trên đất quê hương với chuyên ngành mình yêu thích, được gần gia đình, bạn bè, tôi rất hạnh phúc.
* Công việc đang thuận lợi, vì sao ông chuyển sang lĩnh vực NS-VSMTNT?
- Năm 2004, tôi chuyển về làm quản lý Trung tâm NS-VSMTNT. Thú thật, ngày đó, tôi không muốn chuyển công tác bởi công việc cũ đang tốt đẹp. Hơn nữa, Trung tâm đang hết sức khó khăn. Các đồng chí lãnh đạo Sở NN-PTNT rất muốn khôi phục hoạt động của Trung tâm nên đã động viên tôi tiếp nhận công việc mới. Việc khôi phục hoạt động của Trung tâm mất khá nhiều thời gian và công sức. Nhờ sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và nỗ lực của chính mình cùng các đồng sự, gần một năm sau, Trung tâm đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, tồn tại trước đây; hoạt động cấp nước cho khu vực nông thôn đã có chuyển biến tích cực.
|
Ông Hồ Đắc Chương kiểm tra nguồn nước tại một trụ nước của công trình cấp nước tập trung Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân).
|
* Thành quả bước đầu
Tính từ năm 2006-2010, tỉnh ta được Trung ương phân bổ 64,148 tỉ đồng và 43,641 tỉ đồng từ các chương trình lồng ghép 134, 135, 30a; 129,691 tỉ đồng nguồn vốn hỗ trợ của quốc tế và 466,55 tỉ đồng nguồn vốn tín dụng cho chương trình NS-VSMTNT. Nhờ vậy, nhiều công trình cấp nước đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh, từng bước giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt của nhân dân.
Theo kỹ sư Hồ Đắc Chương, chương trình quốc gia NS-VSMTNT là chương trình lớn, được Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, việc phân bổ kinh phí cho các tỉnh, thành phố trong nước nhiều hay ít còn phụ thuộc địa phương nào thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng công trình và đối tượng được thụ hưởng từ các công trình. Tỉnh ta có nhiều vùng miền thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước được thực hiện bài bản, phát huy tác dụng, nên Trung ương ưu tiên vốn đầu tư.
* Trong quá trình công tác ở lĩnh vực NS-VSMTNT, ông tâm đắc nhất điều gì, thưa ông?
- Điều tôi tâm đắc và hài lòng nhất là ngày càng có nhiều người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng trên 120 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) và mở rộng hệ thống đường ống của nhiều CTCNTT đã xây dựng; đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng 71.078 giếng khoan, 170.820 giếng đào và nhiều công trình cấp nước tự chảy tại khu vực nông thôn. Các công trình trên đã cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 302.703 hộ gia đình với hơn 1,2 triệu người ở khu vực nông thôn. Nếu năm 2004, tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới chỉ đạt 26%, thì nay tỉ lệ này đã là 85,7%. Đến các làng quê, thấy người dân vui vì được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, những người làm công tác cấp nước như chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.
* Và những trăn trở
Việc quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình CTCNTT chưa được các địa phương, đơn vị chú trọng; một số công trình không phát huy tác dụng hoặc chưa phát huy hết công suất thiết kế, chất lượng nước cung cấp cho người dân chưa đảm bảo. Ông Chương cho rằng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên là hết sức cần thiết.
Ông Hồ Đắc Chương sinh năm 1966 tại xã Cát Thắng, huyện Phù Cát. Năm 1984-1989, học tại Đại học Thủy lợi Hà Nội chuyên ngành Thủy nông. Năm 1989 đến năm 1992: Công tác tại Sở Thủy lợi tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Năm 1992: Công tác tại Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế thủy lợi - thủy điện Bình Định. Từ năm 2004 đến nay là Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT). |
* Ông còn băn khoăn, trăn trở điều gì trong công việc của mình?
- Điều tôi trăn trở, suy nghĩ nhất là vấn đề quản lý, khai thác các CTCNTT trên địa bàn tỉnh ta chưa tốt. Trong 120 công trình, Trung tâm chỉ quản lý 3 công trình, còn lại do Ban Quản lý các huyện, doanh nghiệp, HTX, UBND các xã và cộng đồng quản lý. Hầu hết các đơn vị đều thành lập tổ trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ CTCNTT. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành công trình. Do đó, các CTCNTT ở khu vực nông thôn chưa phát huy hết năng lực thiết kế, bình quân chỉ đạt khoảng 47,8%; một số công trình hoạt động dưới 30% công suất thiết kế.
Một số CTCNTT, sau một thời gian đưa vào vận hành, khai thác đã bị xuống cấp, chất lượng nước cấp không đảm bảo, tỉ lệ nước thất thoát lớn, nguồn thu không đủ bù chi phí; công trình không phát huy tác dụng, vừa tốn tiền của Nhà nước, vừa gây bức xúc trong nhân dân. Tôi rất buồn và cảm thấy có lỗi với người dân nơi đã xây dựng các CTCNTT nhưng không phát huy hiệu quả.
* Theo ông, cần làm gì để khắc phục những tồn tại và hạn chế trên?
- Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác, vận hành các CTCNTT trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã đề xuất Sở NN-PTNT và UBND tỉnh nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại và hạn chế nói trên. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng mới các công trình có công suất lớn, địa bàn phục vụ rộng (liên thôn, liên xã, liên huyện) nhằm bảo đảm bền vững kỹ thuật và bền vững về tài chính. Với các công trình hiện có, cần nâng cấp, mở rộng quy mô phục vụ theo hướng đấu nối liên mạng giữa các công trình với nhau nhằm đảm bảo áp lực nước cấp trong toàn hệ thống, hỗ trợ nguồn nước lẫn nhau giữa các công trình; bảo đảm kiểm soát chất lượng nước cấp theo quy định. Trong quá trình đầu tư xây dựng mới, cần ưu tiên lựa chọn các mô hình quản lý đã khẳng định được năng lực và hiệu quả.
Với những công trình trước đây Sở NN-PTNT đầu tư xây dựng và đã giao cho địa phương quản lý, vận hành nhưng không phát huy hiệu quả, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương bàn giao lại cho Sở NN-PTNT để tổ chức quản lý, vận hành hiệu quả hơn. UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành CTCNTT hiện có; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 11.1.2010 của UBND tỉnh và Quyết định 98 ngày 3.3.2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh…
* Triển vọng và mục tiêu cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh ta trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Trước mắt, tỉnh ta đề ra mục tiêu đến cuối năm 2011, nâng tỉ lệ dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh lên 87%, trong đó có 52% dân cư sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, với số lượng trung bình 60 lít/người/ngày. Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quản lý, khai thác, bảo vệ các CTCNTT đã xây dựng, Trung tâm còn chủ động triển khai nhiều hoạt động cấp nước sinh hoạt.
Năm nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta tiếp tục đầu tư xây dựng 12 CTCNTT. Trung tâm làm chủ đầu tư 6 công trình, 6 công trình còn lại do các huyện làm chủ đầu tư. Trong đó có nhiều công trình quy mô lớn, như: Công trình cấp nước sạch Đông Tuy Phước và Đông Nam Phù Cát; nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước huyện Vĩnh Thạnh... Ngoài ra, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương mở rộng mạng lưới cấp nước các công trình đã xây dựng; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để lắp đặt đường ống dẫn nước từ các cụm vòi chính của công trình về nhà. Trung tâm cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện các công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng khoan, giếng đào, bể xử lý nước phèn… quy mô hộ gia đình hoặc đơn vị trường học, trạm y tế thuộc vùng nông thôn.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
|