“Cầm cố”… thân xác
9:34', 16/5/ 2011 (GMT+7)

Có nhiều lý do để những cô gái đến vay tiền ở giới cho vay nặng lãi. Kẻ cần tiền gửi về gia đình, người muốn sắm xe đời mới, người khác trả nợ cá độ bóng đá, số đề… Giới cho vay nặng lãi lúc nào cũng sẵn sàng mở hầu bao để đáp ứng nhu cầu. Nhưng con đường trả nợ mới thật gian nan và không ít cô gái buộc phải đem thân xác mình đi “cầm cố”.

 

Vũ trường - nơi các cô gái thường lui tới để vui chơi và tìm khách.

 

* Muôn nẻo đường vay

M. sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi. Cuộc sống của cô hẳn sẽ bình yên với ruộng lúa, rẫy mì nếu như không có những lần theo bạn xuống TP Quy Nhơn chơi. Những quán cà phê, shop quần áo… ở thành phố khiến M. thích thú và cô quyết định ở lại. Học hành chưa đến đâu, lại không có nghề nghiệp, M. theo bạn đi “ngồi bàn” với khách trong các cuộc nhậu để chờ “tiền boa”.

M. kể: “Lúc đầu em chỉ muốn kiếm ít tiền để đi học nghề hoặc về quê mở quán cà phê nhưng tiền boa chẳng được bao nhiêu nên em “đi khách”. Đầu tiên chỉ là những người quen từ các cuộc ăn nhậu với nhau, nhưng dần dần, ai em cũng “đi” miễn là có tiền…”.

Chắt chiu một thời gian, M. mua được chiếc xe Wave. Rồi thấy đám bạn nhiều đứa đi Air Blade, Novo LX, “bèo” lắm cũng là Attila Elizabeth nên M. muốn đổi xe. Sau khi bán chiếc Wave được hơn 10 triệu đồng, M. vay thêm gần 30 triệu đồng để mua chiếc Air Blade. Hàng ngày, M. phải trả “tiền góp” cho chủ nợ 500 ngàn đồng. Khi gặp khách thường xuyên thì tiền góp 500 ngàn đồng/ngày với M. không phải là lớn nhưng những lúc đau ốm, tiền góp không có trả, chủ nợ gộp lại vào tiền nợ gốc, lãi mẹ đẻ lãi con. Giờ số tiền nợ đã lên đến 40 triệu đồng!

H. quê ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), xuống TP Quy Nhơn làm nghề tóc. Từ nhà trọ đến chỗ làm hơi xa nên H. nhờ bạn bè chỉ chỗ xin vay 15 triệu đồng để mua xe máy. Thời gian đầu, tiệm tóc đông khách, H. trả tiền góp đều đặn; nhưng rồi tiệm ế dần, H. chẳng biết xoay xở đâu ra tiền. Chỉ cần vài ngày không đóng, tiền góp đã tăng lên cả triệu đồng. Thế là H. chấp nhận lời gạ gẫm của ông khách thường đến làm tóc để được một khoản tiền trả nợ và cũng từ đó, H. “trượt dài”...

Trường hợp T.T. lại khác. Gia đình ở Quy Nhơn và đã từng có chồng con. Sau khi vợ chồng ly dị, T.T. tỏ ra buồn chán và bất cần; thường gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, còn mình thì tụ tập với nhóm bạn đánh bài tứ sắc, rồi tìm đến số đề và “ghiền” lúc nào không hay. Những lúc thua hết tiền và nợ nần, T.T. lại vay nóng để trả và chơi tiếp để gỡ. Tuy nhiên, chừng như “vận đen” cứ đeo bám nên T.T. chẳng những không gỡ được mà nợ thêm chồng chất. Túng quẫn, cô bán dâm để lấy tiền trả góp hàng ngày.

 

 

Những cô gái bán dâm thường sắm xe xịn bằng tiền trả góp.

 

* “Cầm cố”... thân xác

Xuất thân từ một cô gái bán dâm, sau vài năm ở Quy Nhơn, L., quê ở Bạc Liêu, thường lôi kéo thêm những cô bạn của mình vào con đường này. Các cô gái mới chân ướt chân ráo đến Quy Nhơn đều được L. “hỗ trợ” hết lòng, lo nơi ăn, chốn ở, rồi cho mượn tiền tiêu xài và tìm mối để bán dâm. Dần dần, L. không đích thân đi bán dâm nữa mà trở thành “bà chủ” của một đường dây hơn 10 cô gái. Có lần, L. mời tôi đến một quán cà phê trên đường Ngô Mây. Tại đây, trước 7 cô gái khác, L. bảo: “Đám lính của em đấy, khi nào anh có bạn bè muốn “vui vẻ” cứ a lô cho em…”. Những cô gái này thường gọi L. bằng “mẹ”, dù thực chất, “mẹ” L. không hơn tuổi các cô là mấy. Muốn đi làm, họ phải qua sự điều động của L. và không cô nào dám tự ý đi “đánh lẻ”.

Ch., một cô gái trong đường dây này, kể: “Thông thường, bọn em đi khách 300.000 đồng, trong đó, nộp cho mẹ L. 50.000 đồng. Nếu tự ý đi mà không đưa tiền cho mẹ L. thì sẽ bị “treo”, mẹ L. không bắt khách cho, cảnh cáo thì vài ngày, cả tuần…”.

Dưới trướng của L. còn có 3 thanh niên, thường được L. giới thiệu là cháu, là em bà con. Đám thanh niên này có nhiệm vụ chở các cô gái đến các khách sạn khi khách có yêu cầu, sau đó, đón các cô gái về khi xong việc. Với phương thức này, L. kiểm soát được “tần suất” đi khách của từng cô để thu tiền. Bên cạnh đó, hàng tháng, các cô còn phải đóng thêm tiền “xe ôm” cho mấy gã ma cô. Chưa hết, những lúc rảnh rỗi, “đám lính” của L. còn hay tổ chức đánh bài chơi cho đỡ buồn. Những lúc như thế, L. luôn sẵn sàng cung ứng tiền cho người nào lỡ thua để chơi tiếp, sau đó, L. tính lãi vay để thu góp hàng ngày. Các cô gái cứ thế “cầm cố” thân xác mình trong cái vòng kim cô của L., làm hoài mà chẳng thấy dư, nợ thì cứ mỗi ngày một nhiều.

Trong quá trình xâm nhập thực tế để tìm hiểu, tôi thấy phần nhiều các cô gái đi vay, trả góp đều xuất phát từ việc họ chẳng nghề nghiệp, lại có nhu cầu hưởng thụ cao, thích mua sắm, đua đòi với bạn bè nên chấp nhận “ăn trước, trả sau”. Và hầu hết trong số họ, muốn nhanh có tiền đều đi vào con đường mại dâm. Cũng có một số ít bị chính bọn ma cô, chủ chứa gái phỉnh dụ hoặc bắt ép. Trường hợp cháu N.T.H. ở Phù Mỹ là một ví dụ. Vào ngày 3.10.2010, Nguyễn Thị Ngọc Nhung cùng Nguyễn Hồ Thảo Vy, Trần Thị Kiều, Hoàng Ngọc Bảo Lộc và Đặng Thanh Vinh đã lừa và đưa cháu N.T.H (16 tuổi) từ Phù Mỹ vào Quy Nhơn rồi ép bán dâm cho khách để chúng thu tiền. May mà H. đã liên lạc được với gia đình và nhờ Công an giải cứu.

 

Các má mì tuổi teen trong vụ án ép bán dâm của Nguyễn Hồ Thảo Vy.  Ảnh: Anh Tú

 

* Đắng cay chờ ngày... tất toán

Với dịch vụ cầm đồ, người ta có thể cầm cố các loại tài sản “hữu hình” như: xe, điện thoại, laptop… để lấy tiền. Thế nhưng, có một loại hình giống như “cầm đồ”, nhưng không “hữu hình” mà “cầm cố thân xác” dựa vào tiêu chí: quen biết, uy tín và những trói buộc theo kiểu giang hồ. Nếu dịch vụ cầm đồ tính lãi suất khoảng 6%/tháng, thì loại hình “cầm cố thân xác” phải trả góp hàng ngày với lãi suất rất cao. Và nếu cầm đồ hết thời hạn, chủ tiệm sẽ bán thanh lý vật được cầm cố để thu hồi vốn, thì “cầm cố thân xác” để quá hạn thì chỉ có… no đòn.

Có lần, tôi ngồi uống cà phê với C., một người chuyên cho em út vay nóng để lấy tiền góp hàng ngày. Bất ngờ, C. có điện thoại gọi đến. Tôi nghe C. nói với người bên kia đầu dây: “Tao đ… biết, mày làm sao đó thì làm, đã 2 ngày rồi mày chẳng góp đồng nào. Chiều nay mày mà không đem tiền đến thì tao cho mấy đứa nhỏ tới nhà mày để nói chuyện…”. Tôi tò mò hỏi: “Ông nói chuyện với ai mà nghe ghê thế?”. Mặt C. đanh lại: “Mấy con nhỏ làm hàng ấy mà. Cho nó vay mấy triệu để mua điện thoại, đến giờ đóng tiền góp thì cứ than là đi làm không có khách nên khất nợ”. Cũng qua câu chuyện C. kể, phần lớn những người vay tiền của C. đều là các cô gái bán bia ôm, mại dâm và một số thanh niên chơi cá độ đá banh, số đề. C. cũng dùng tiền để “thâu nạp” một số thanh niên trẻ để đi thu tiền giúp. Đối với những con nợ chây lỳ, C. cho đàn em cảnh cáo một vài lần, tái diễn thì C. cho đánh luôn hoặc chặn đường xiết xe, xiết điện thoại để trừ nợ.

Cách đây vài ngày, tôi gặp M. đang chạy chiếc Wave, tôi hỏi: “Ủa, xe Air Blade đâu rồi em?”. M. cười buồn: “Bán rồi anh ạ. Cách đây mấy ngày có ông khách rủ em đi Quảng Ngãi chơi, 4 ngày ở Quảng Ngãi em chẳng đi làm được, lại bị ông khách lừa không trả tiền nên người cho vay đã cho mấy thằng giang hồ tìm đến nhà trọ với lời nhắn: Đang tìm em để xử lý. Thấy vậy, em bán xe trả nợ dứt điểm cho xong. Sau một thời gian đi làm nát thân, giờ tay trắng, chiếc xe này là của bạn em cho mượn để đi lại tìm việc làm”. Kể ra, như M. hãy còn may mắn khi bán được chiếc xe và trả được nợ. Không ít trường hợp, do không có tiền trả góp hàng ngày đã bị chủ nợ hăm dọa, phải bỏ trốn đi nơi khác.

  • Nguyên Anh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đưa nước sạch về làng  (15/05/2011)
Ra khơi câu cá bò gù  (08/05/2011)
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)
Vũng Tàu có tàu BĐ  (24/04/2011)
Một nông dân là khắc tinh của tội phạm  (23/04/2011)
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)
Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam  (16/04/2011)
Nốt dương cầm lặng lẽ  (08/04/2011)
Nghề trên ngọn cây  (03/04/2011)
“Sống là phấn đấu và sáng tạo”   (02/04/2011)
Nuôi con kiểu… kangaroo  (27/03/2011)
Hải độ số 0  (20/03/2011)
Phó Chủ tịch UBND xã có “duyên” với công tác văn hóa - xã hội  (19/03/2011)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (13/03/2011)