Kể từ khi trấn nhậm phương Nam thế kỷ 16, Chúa Nguyễn rồi các vua triều Nguyễn luôn xem Hoàng Sa như là vùng phên giậu của nước Việt giữa biển Đông. Đội quân có thể trông coi vùng phên giậu ấy không ai khác là những cư dân của đảo Lý Sơn. Đội “Hùng binh Hoàng Sa” ra đời trong bối cảnh ấy.
Thời cuộc đã đổi thay, Hoàng Sa giờ chỉ còn trong tâm tưởng, song những hậu duệ của các thế hệ lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn thì vẫn giữ vẹn nguyên lời thề của ông bà từ hơn 300 năm trước: Hoàng Sa mãi mãi là của nước Việt chúng ta! Với các thế hệ hậu bối ở Lý Sơn hôm nay, giữ một kỷ vật của ông bà từng liên quan đến Đội Hùng binh Hoàng Sa cũng đồng nghĩa với việc nuôi một ngọn lửa. “Ngọn lửa” ấy sẽ có ngày thắp sáng lại trên “dải cát vàng”.
|
Ông Võ Hiển Đạt đang xem các bài vị trong miếu thờ Âm linh tự. Ảnh: T.Đ |
Lý Sơn được hình thành từ 5 miệng núi lửa, đang chở trên mình nó trên 20 ngàn số phận. 13 tộc họ trên hòn đảo này đều là hậu duệ của đội quân từng một thời được xem là “Hùng binh Hoàng Sa” ấy. Những nhân vật trong loạt bài dưới đây chưa phải là những người tiêu biểu nhất của Lý Sơn, song họ lại là những chứng nhân gìn giữ một phần máu thịt của tổ tiên nơi Hoàng Sa. Có thể nói, mỗi người trong họ đang nuôi một ngọn lửa của hy vọng.
Kỳ I
Người gác đền
Ở Lý Sơn, nhắc đến cái tên Võ Hiển Đạt, từ bé đến già tất thảy đều biết. Người ta biết đến ông không hẳn vì ông đang giữ kỷ lục về thời gian “tại chức” ở một ngôi đền được coi là thiêng nhất tại Lý Sơn hiện nay được mang tên Âm linh tự mà còn biết đến ông với tư cách là một trong hai lão ngư của đảo hiện vẫn còn đọc và viết được chữ Hán. Chính thứ chữ “thánh hiền” mà ông còn giữ được ấy đã giúp ông giải mã một phần bí ẩn của Đội Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước. Đó là “Tờ lệnh” mà Vua Minh mạng đã sai phái binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa cách đây gần hai thế kỷ, được cụ ông Võ Hiển Đạt góp phần làm sáng tỏ hồi mùa hè năm 2009.
Âm Linh tự
Từ cảng Sa Kỳ đi tàu cao tốc chừng 1 giờ là có thể đặt chân lên đảo Lý Sơn. Ra khỏi cầu cảng của đảo rồi rẽ trái một quãng ngắn là gặp một ngôi đền có tên Âm Linh tự. Hiểu nôm na đây là ngôi đền để thờ cúng những người đã khuất. Nhưng những người ở “cõi âm” này là rất đặc biệt: Họ là những chiến binh của nhiều thế hệ cư dân trên đảo, vâng mệnh vua Đại Việt ra Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Xác của những chiến binh này đã tan hòa vào lòng biển nhưng hồn của họ thì được các thầy pháp của đảo “gọi về” và nhập vào Âm Linh tự này. Trong ngôi đền, người ta lưu giữ hàng trăm bài vị, mỗi bài vị tương đương với một người lính hy sinh. Chưa có con số thống kê chính thức là tại ngôi đền này có bao nhiêu bài vị thờ lính Hoàng Sa để đưa ra con số tương đối chính xác về số chiến binh đã hy sinh ngoài Hoàng Sa suốt mấy trăm năm giữ đảo, chỉ biết rằng, cũng giống như những ngôi mộ gió tại Lý Sơn, chiến tranh loạn lạc và sự khắc nghiệt của thời tiết nơi này đã xóa đi nhiều dấu vết mộ chí, cũng như các bài vị trong miếu thờ đã hao khuyết cùng tháng năm.
Nguyên thủy của ngôi đền này chỉ thờ những cư dân có công khai phá đảo Lý Sơn mà thôi. Thế nhưng, một trận càn của giặc Pháp lên đảo vào năm 1950 đã đốt tan hoang đình làng An Vĩnh - nơi chính thức thờ lính Hoàng Sa, thế là dân Lý Sơn bèn rước vong linh của các binh phu về “nhập” vào Âm Linh tự. Suốt 60 năm kể từ ngày vong linh lính Hoàng Sa “nhập điện” thì cũng từng ấy năm, ông Võ Hiển Đạt gác miếu thờ này!
|
Âm Linh tự-nơi ông Đạt gắn cả đời mình. Ảnh: T.Đ |
Trọn đời làm người gác đền
Trông ông Đạt ngồi vẽ bản thiết kế chiếc thuyền câu khơi - phương tiện để binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa và chỉ đạo tốp thợ thuyền thi công cho kịp ngày Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2011, khó mà tin rằng ông năm nay đã qua tuổi 80.
Chừng như nắng gió nơi hòn đảo này càng làm cho ông thêm rắn rỏi hơn lên. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã “đặt hàng” ông để phục chế lại một số phương tiện đi biển của lính Hoàng Sa và ông đã nhận lời. Bất chấp tuổi già, hễ việc gì liên quan đến Hoàng Sa là ông Đạt không thể từ nan. “Đến tôi là đời thứ 3 trông coi miếu thờ này. Ông nội và cha tôi thì chỉ trông các vong linh khai khẩn đảo, nhưng đến đời tôi thì “kiêm” luôn các cụ lính Hoàng Sa nữa”. Ông Đạt thổ lộ.
Thuở nhỏ, ông Đạt hay theo ông nội ra Âm Linh tự và thấy trên các cột đình cơ man là chữ Hán. Vốn tính tò mò nhưng không biết nội dung của nó là gì, ông cứ bám lấy ông nội mà hỏi. Bực mình vì đứa cháu hỏi dai như đỉa, ông nội phán: “Cháu phải đi học chữ Hán để biết họ nói gì trong các hàng cột ấy!”. Và ông đã học chữ Hán rồi “nuôi” mãi cho đến bây giờ.
|
Thả thuyền trong Lễ khao lề. Ảnh: T.Đ |
Mùa hè năm 2009, gia đình họ Đặng ở thôn Đồng Hộ lục trong chiếc rương thờ của dòng tộc nhân lệ cúng tổ và đưa cho ông một tập giấy dó, có cả con dấu đỏ hình vuông, trong đó dày đặc chữ Hán. Thì ra cái chữ thánh hiền ông từng mài đũng quần để theo học 60-70 năm trước đó, bây giờ mới thật sự hữu dụng. Ông đã lịm người khi biết nội dung của nó là lệnh điều động binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa vào năm 1834! Nó chính là cuốn “sổ đỏ” của ông bà về chủ sở hữu quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Trông coi Âm Linh tự giờ là một người khác nhưng cụ Võ Hiển Đạt vẫn được dân Lý Sơn xem như “người gác đền suốt đời”. Là bởi, cả đảo Lý Sơn vừa là chiến hạm nổi giữa biển nhưng cũng vừa là ngôi đền thiêng đã và đang nối quá khứ với tương lai bằng những ký ức về Hoàng Sa mà cụ Đạt là một trong những “linh hồn” của đảo.
(Còn tiếp) |