Kỳ 3
Lặn như ông Thượng
Lão ngư Bùi Thượng năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng ông mới “gác dầm chèo” được 2 năm nay. Ông bảo: “Mấy đứa con nó cấm tôi ra biển nên đành “nghỉ hưu” sớm ở tuổi … 68. Nếu không thì bây giờ tôi vẫn ngang dọc tận Hoàng Sa chẳng kém đám thanh niên trai tráng của làng chài này đâu”. Nhìn đáng người to đậm, giọng nói vang vang, tiếng cười sảng khoái của ông, tôi bỗng nhận ra con người này dường không có tuổi già.
|
“Vua lặn” Bùi Thượng bên chiếc Cup vô địch quốc gia năm 1963. Ảnh: T.Đ
|
Ra khơi bằng … một lưỡi mác
Lý Sơn hiện có 3.000 người tham gia đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa nhưng có đến 200 tàu với 1.000 người ra khơi mà không mang lưới, chỉ mang bình dưỡng khí và một lưỡi mác. Họ là những tay thợ lặn chuyên nghiệp, có thể lặn ở độ sâu 70 mét nước để “bắn” những con hải sâm, con đồn đột. Giá mỗi ký hải sâm hiện khoảng 600-700 ngàn đồng nên mỗi ngày một thợ lặn chỉ “bắn” vài con, đi một chuyến biển, mỗi tàu có khi kiếm được vài ba trăm triệu là chuyện bình thường.
Dẫn ra con số trên đây để thấy rằng, Nhà Nguyễn đã chọn trai tráng Lý Sơn để sung vào Đội Hùng binh Hoàng Sa là có lí do của nó. Ra Hoàng Sa bằng những con thuyền mỏng manh thuở ấy, nếu không giỏi bơi lặn thì khó mà đặt dân lên “dải cát vàng” được. Nhưng giỏi bơi lặn không thôi thì cũng chưa đủ mà còn phải “đọc” được con nước nữa.
Ông Bùi Thượng nói: “Ngày trước làm gì có la bàn như bây giờ, chỉ toàn nhìn sao trời và con nước mà đoán được chuyến hải hành của mình đang đi về hướng nào và đến những đâu. Nếu “lạc” hướng, thường thì vào những lúc thời tiết xấu, là coi như giao mạng sống của mình cho thủy thần. Đội Hoàng Sa ở Lý Sơn chọn thời điểm vào giữa tháng ba âm lịch để giong buồm ra khơi là vì vào thời gian này, rất hiếm khi có những đợt gió mùa đông bắc kéo dài nên ngư dân dễ dàng trong việc nhìn sao trời mà đoán hướng. Chỉ cần trời êm biển lặng chừng 3 ngày là đội quân chinh phục Hoàng Sa có thể đến nơi an toàn.
Những hậu duệ của lính Hoàng Sa hôm nay, trên tàu có đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc nên việc ra khơi với họ không quá khó khăn. Cái khó đối với họ là hiệu quả qua mỗi chuyến đi, nghĩa là, những ngư phủ này phải xác định được tọa độ của những loài hải sản mà họ cần khai thác đang ở vùng nào. Thế nhưng mỗi khi ra khơi là đội quân thợ lặn này chưa bao giờ trắng tay, trừ khi “tàu lạ” tấn công và bắt giữ, tịch thu tàu. Nhưng có lẽ, những bất trắc từ nghề lặn mang lại cho từng ngư dân mới là điều đáng lo ngại nhất.
Mỗi năm, ở hòn đảo này vẫn xảy ra tình trạng liệt nửa người của không ít ngư dân sau những chuyến ra khơi với nghề lặn biển. Cả đảo hiện có gần 20 người đang nằm bất động hoặc đã tử vong do bị tai biến trong lúc lặn. Lão ngư Bùi Thượng được ngư dân trên đảo Lý Sơn “tấn phong” cho danh hiệu “vua lặn” không hẳn vì ông từng giật giải quán quân trong một đợt thi lặn toàn miền Nam năm 1963 mà chính là ở chỗ, sau 50 năm ngang dọc biển Đông, chưa bao giờ ông mắc phải một lỗi nhỏ để phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc như các đồng nghiệp của mình.
|
Tập huấn cho thợ lặn Lý Sơn. Ảnh: T.Đ
|
Cận cảnh “vua” lặn
Dù đang ở tuổi 70 nhưng nghe nhắc đến đề tài "chị em" là khuôn mặt của ông Bùi Thượng linh hoạt hẳn. Nhưng "kỷ lục" của đời ông không phải là chuyện chinh phục đàn bà mà là chuyện lặn.
Thời còn chế độ Ngô Đình Diệm, toàn miền Nam tổ chức cuộc thi lặn tại đảo Lý Sơn, ông Thượng giật giải quán quân. Tôi gạ chuyện: "Chú qua mặt bao nhiêu anh tài lúc bấy giờ vậy?". Ông lắc đầu: "Cũng không nhớ nữa, chỉ biết là rất đông người đi thi. Họ lựa toàn những tay hảo hớn cả nước (từ vĩ tuyến 17 trở vào) về đây thi để chọn một đội thợ lặn chuyên nghiệp nhằm "phục vụ quốc gia".
Các thí sinh phải thi ba vòng: Vòng một là vừa lặn vừa ôm cục sắt 15kg, lần theo dây dọi được cột từ trên tàu, hễ đến điểm cuối thì cột sợi dây làm dấu vào dây dọi ấy. Thí sinh nào "làm dấu" sâu hơn, người ấy thắng cuộc. Tôi lặn được 72 mét. Vòng hai là "lặn chay", nghĩa là không mang cục sắt. Tôi lặn được 66 mét. Vòng ba là vừa lặn vừa nín hơi. Tôi nín hơn hai phút. Vòng cuối cùng, ai cũng nghĩ thằng Thượng "tiêu" luôn rồi vì lâu quá mà không thấy hắn lú lên!".
Vừa đi vào nhà để lấy chiếc cúp vô địch ra khoe với khách, ông Thượng vừa pha trò: "Chủ yếu là để dợt le (lấy lòng) với người đẹp đây thôi". Nghe ông Thượng nhắc chuyện cũ, bà vợ ông nguýt một cái rõ dài.
|
Hậu duệ lính Hoàng Sa ở Lý Sơn làm quen với những con thuyền bằng bè chuối. Ảnh: T.Đ.
|
Ông Bùi Thượng vô địch quốc gia môn lặn không biết có phải vì xuất phát từ động cơ "lấy lòng" người đẹp là vợ ông bây giờ hay không, song cả hòn đảo này ai cũng "nghiêng mình" về tài lặn biển của ông. Hơn 50 năm qua, có lẽ trên biển Đông nước Việt Nam mình, không nơi nào là ông không đến. Trời phú cho ông một sức khỏe phi thường đã đành, ông còn là người luôn "cảnh giác" với những bất trắc rủi ro. "Tôi còn khỏe mạnh đến bây giờ là nhờ tôi biết sợ”. Ông lão thú nhận. Rồi tiếp: “ Nghề lặn biển có thể mang lại cho anh sự giàu có nhanh chóng nhưng nó cũng sẵn sàng đẩy anh vào cửa tử trong tích tắc. Nếu may mắn còn sống thì cũng thân tàn ma dại, báo khổ vợ con suốt đời. Bây giờ thì tôi có thể nói rằng mình vẫn còn sống và khỏe mạnh khi đã "gác kiếm", chứ hễ còn đi biển, còn biết nhảy ùm xuống nước khi thấy con đồn đột, con hải sâm tận vực sâu kia là chưa dám nói một điều gì".
Kinh nghiệm lặn biển đã cho ông bài học quý giá mà lớp trẻ bây giờ rất ít người chịu “thuộc”. Từ ở độ sâu 70 mét nước mà lên một lèo là rất dễ bị tại biến do áp suất thay đổi đột ngột. “Cứ lên 30 mét nước là “nghỉ” dăm mười phút để cơ thể mình làm quen với áp suất ở độ sâu mới, lại lên vài chụt mét nữa là “xả hơi” tiếp. Lên khỏi mặt nước rồi thì cũng phải nằm nghỉ cho cơ thể mình thích nghi trong môi trường không có nước. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch của nghề lặn. Nếu chủ quan là bị liệt ngay”.
Ông nói một thôi rồi đột ngột dừng lại, mắt đăm đăm về hướng Hoàng Sa, không nói thêm một lời nào. Tôi đọc được trong cái im lặng của con “kình ngư” ấy là cả một nỗi khát khao nhớ biển, nhớ Hoàng Sa-nơi có 6 bạn chài của ông vừa nằm lại ngoài ấy.
|